VÌ SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI.
Tôi không còn nhiều thời gian. Đây có lẽ là một trong số các status cuối cùng của tôi, vì thế tôi sẽ cố gắng viết thật ngắn gọn:
1. ĐÂY LÀ CUỘC ĐẤU TRANH ĐỂ XÂY DỰNG, THAY VÌ HUỶ HOẠI.
(1.1) Đây là hoạt động phản kháng trong hoà bình, bằng cách sử dụng quyền tuần hành và biểu tình theo đúng hiến pháp. Mục đích tối cao của nó là xây dựng, không phải là hủy hoại xã hội.
(1.2) Tôi không kêu gọi lật đổ chính quyền. Tôi kêu gọi người dân thực hiện quyền đồng thuận xã hội, để nêu kiến nghị, tạo sức mạnh khiến chính quyền hiện nay buộc phải lắng nghe và hành động tích cực. Đã đến lúc người Việt Nam phải có một chính phủ chịu lắng nghe, thay vì chỉ dùng bạo quyền đàn áp.
(1.3) Cuộc đấu tranh này không có kẻ thù cá nhân. Bất cứ ai thấy cần có một xã hội tốt đẹp hơn đều có thể tham gia, không phân biệt chính kiến hay tôn giáo. Những người tuần hành không được nhắm vào ai. Mục đích của nó là xây dựng bằng ánh sáng tri thức và hòa bình để chiến thắng thù hận. Cuối cùng để có thể có một hệ thống chính trị tốt hơn cho đất nước.
(1.4) Mọi hành động của những người tham gia tuần hành, đều phải đặt nguyên tắc hành xử ôn hoà và hoà bình làm nguyên tắc tối cao. Mọi hành động phản kháng vũ lực đều phải bị ngăn cấm. Mọi hành động gây tổn hại tài sản công và tài sản tư đều phải bị loại bỏ.
2. ĐÂY LÀ CUỘC ĐẤU TRANH LÂU DÀI
(2.1) Mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh là thay đổi cách hành xử và kết cấu của bộ máy chính quyền hiện nay bằng các biện pháp hoà bình để có một hệ thống chính trị minh bạch, công bằng cho mỗi người dân.
(2.2) Đây là cuộc đấu tranh hết sức lâu dài. Nó không thể chỉ thành công với một vài cuộc tuần hành hoà bình, mà sẽ cần nhiều hơn thế. Cuộc đấu tranh này sẽ cần đến các cuộc biểu tình hoà bình liên tiếp trong 2 năm, 3 năm, 5 năm, thậm chí là nhiều hơn nữa.
(2.3) Hãy kiên nhẫn và không nản chí, để có thể giữ lửa và nhân rộng, giúp cuộc đấu tranh ngày một lớn mạnh.
3. CÁC NGUYÊN TẮC HÀNH ĐỘNG
3.1 Cần luôn tôn trọng hoà bình, đó là nguyên tắc hành xử tối cao bao trùm mọi nguyên tắc khác.
3.2 Cần tìm mọi cách thuyết phục những người khác, gồm cả lực lượng đàn áp để họ nhận ra thiện ý tốt đẹp của những người đấu tranh hoà bình.
3.3 Cần tranh thủ mọi sự giúp đỡ để giúp tinh thần của cuộc đấu tranh được gìn giữ và nhân rộng.
3.4 Những người không thể tuần hành trên thực địa có thể hỗ trợ cho những người phía trước bằng các ủng hộ vật chất và tinh thần. Có thể góp phần giữ lửa bằng cách nói đến, nhắc đến và phổ biến các thông điệp tranh đấu càng nhiều càng tốt.
3.5 Triệt để tôn trọng lối hành xử hoà bình. Mọi hành động đấu tranh không được phép làm tổn hại sức khoẻ, tính mạng, thân thể của lực lượng đàn áp hay bất cứ ai khác.
3.6 Không được mang theo vũ khí hay bất cứ thứ gì có thể được sử dụng để gây tổn hại người khác.
3.7 Khi bị tấn công hay bắt bớ, hãy xiết chặt nhau thành một khối, làm thành các vòng tròn bảo vệ nhau. Nếu một ai đó bị tách khỏi vòng tay của những người khác, đừng phản kháng đơn lẻ, hãy chấp nhận sự khống chế của lực lượng đàn áp.
3.8 Phải dũng cảm đối mặt với bạo lực. Những người tranh đấu có thể che chắn khi bị tấn công nhưng tuyệt đối không được tấn công lại lực lượng đàn áp.
3.9 Đây là cuộc đấu tranh để đất nước tốt đẹp hơn. Những người tham gia cần gây cảm hoá bằng hành động của mình. Tuyệt đối không làm tổn hại tài sản công và tư, tuyệt đối không làm tổn hại môi trường.
3.10 Không hành động đơn lẻ, phải luôn hành động trong tập thể. Ngay cả khi đến địa điểm tuần hành, hãy chờ nhau và kết thành từng nhóm tối thiểu 20 - 30 người. Các nhóm hãy nhập lại với nhau đông hơn. Chỉ tiến về trung tâm với đội ngũ tối thiểu 500 người. Hãy tuần hành dọc vùng ngoài một cách hoà bình, văn minh cho đến khi có đủ số người nhập đoàn.
3.11 Đây là cuộc đấu tranh tự phát của mọi công dân tiến bộ và không (hoặc chưa) có tổ chức. Mỗi nhóm gồm 20 - 30 người hãy bầu chọn nhanh một người lãnh đạo lâm thời, bảo vệ người đó và hành động tập trung một cách thống nhất.
3.12 Hãy chia sẻ phương thức liên lạc cá nhân với những người trong nhóm, để mọi người liên lạc và cảnh báo với cộng đồng giúp bạn nếu bạn bị câu lưu sau mỗi cuộc tuần hành.
Tôi không có tư cách đặt tên cho cuộc đấu tranh này. Nhưng tôi gọi nó là "Phong trào vì tiến bộ xã hội của Việt Nam".
Ngày 15/05/2016 Mỗi người tham gia hãy mang theo một lá đơn kiến nghị gồm 3 điểm:
(1) Đề nghị chính phủ Việt Nam nhanh chóng công bố nguyên nhân gây ô nhiễm miền Trung. Điều tra và trừng phạt thủ phạm (nếu có) để tránh đất nước bị tổn hại trong tương lai.
(2) Đề nghị chính phủ Việt Nam công bố một chương trình cứu trợ khẩn cấp cho những người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ô nhiễm. Tiến hành các hoạt động khẩn cấp nhằm chặn đứng và loại trừ thành phần gây ô nhiễm trong môi trường. Ngăn chặn việc phát tán và sử dụng thực phẩm gây ô nhiễm tới mọi khu vực khác.
(3) Đề nghị chính phủ Việt Nam khẩn cấp ban hành luật biểu tình. Đồng thời điều tra truy tố hành vi tấn công và bắt bớ những người tuần hành hoà bình trong thời gian qua. Phải tổ chức lực lượng hành pháp bảo vệ, giữ trật tự và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tuần hành hoà bình một cách an toàn.
Lá đơn này có thể được gửi riêng lẻ hoặc lấy chữ ký tập thể. Mọi cuộc tuần hành sẽ kết thúc trong hoà bình khi lá đơn được bỏ vào hòm thư của chính phủ Việt Nam tại trung tâm Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác.
Để lan truyền niềm tin cho nhau, những người tuần hành hãy mang một dải băng xanh trên tay hay trên trán mình, hoặc một chiếc áo, một chiếc ô hay bất cứ một thứ gì khác có màu xanh. Đó sẽ là biểu tượng của cuộc đấu tranh - Cho hoà bình, cho sự sống, cho sự tiến bộ xã hội.
Bài viết hay, cảm ơn bạn đã chia sẻ. Like
Trả lờiXóaBình sữa cho bé ngoại nhập: BÌNH SỮA COMOTOMO | BÌNH SỮA AVENT | BÌNH SỮA DR BROWN