Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Nude và bản ngã con người

Facebook là một thế giới kết nối thú vị. Nó đem lại những mối liên hệ dựa trên sự vô hình mà đôi lúc không ai có thể hình dung. Trong danh sách friendlist của anh có một cái tên dễ thương - Nguyễn Lan Anh, và một bức hình đại diện rất cuốn hút. Một gương mặt đẹp và phảng phất nét buồn, tự thân nó đã có sức hút ghê gớm đối với đàn ông. Nếu ai đó tò mò, các bạn có thể tự kết bạn và tìm hiểu. Cá nhân anh thấy bất ngờ vì đây là một cô gái hấp dẫn và rất có cá tính. Trang facebook của cô gái này tràn ngập các bức hình khỏa thân, dù mang nét đẹp thuần khiết hay gợi dục thì những bức ảnh này đều có một điểm chung: Sự chọn lựa rất tinh tế về nét đẹp phụ nữ. Điều đó chứng tỏ người đăng tải có quan điểm thẩm mỹ rất cao, và đằng sau cái sở thích khá khác biệt này là những ẩn ức thầm kín về quá khứ. Một người đàn bà đẹp, vẫn sống đâu đó trong hoài ức về một hạnh phúc đã qua, có lẽ đó chính là lý do cho sự truy cầu một sở thích có phần nổi loạn: Lựa chọn và post những bức hình khỏa thân đầy cuốn hút.
Vì một lời hứa buột miệng, mà anh đành viết một bài tay ngang vụng về, bàn về nude và bản ngã con người. Kể từ khi xuất hiện hội họa và sau này là nhiếp ảnh, nude luôn là một đề tài gợi lên sự tranh cãi bất tận. Có vô số luận giải khác nhau về nude, về danh giới giữa nghệ thuật và dung tục, về khác biệt giữa cảm hứng thăng hoa và nhu cầu mang tính bản năng của con người. Tranh cãi này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ, thậm chí là nhiều thế kỷ nữa, tùy thuộc vào quan điểm thẩm mỹ và cả sự cởi mở về văn hóa của mỗi cộng đồng.
Khi sinh ra, con người ai cũng giống ai. Họ chào đời với không một thứ che đậy trên thân. Sự tiến bộ của xã hội loài người cũng đồng thời là sự tiến bộ của thời trang và văn hóa. Loài người là một sinh vật phức tạp. Họ chế tạo ra quần áo không chỉ nhằm mục tiêu sinh tồn (giữ ấm, kháng nhiệt, chống chọi côn trùng...) mà phần càng ngày càng lớn hơn là để phục vụ nhu cầu thời trang và thẩm mỹ. Ngành công nghiệp thời trang và may mặc là một trong những ngành kinh tế lớn nhất toàn cầu, trị giá nhiều nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu đa dạng cho một cộng đồng trên 7 tỷ dân và ngày càng bùng nổ.
Vậy điều gì khiến Nude luôn là một vấn đề gây chú ý, khi loài người đã tốn nhiều thế kỷ chỉ để tăng tính phức tạp trong gu ăn mặc của mình, và đã tiêu tốn ngần ấy của cải chỉ để che phủ lên phần nude của cơ thể con người? Một người khi ngắm một bức hình khỏa thân tuyệt đẹp gợi lên sự cuốn hút giới tính, họ sẽ nghĩ về nghệ thuật hay những ham muốn có tính bản năng?
Hãy quay trở về với câu chuyện của Francisco de Goya, một họa sỹ vĩ đại của Tây Ba Nha, sống vào thế kỷ 18. Đây là một người đàn ông với cuộc đời phức tạp. Là một danh họa với nhiều tác phẩm kiệt xuất, ông cũng đồng thời là một nhà tư tưởng với nhiều ý tưởng vượt thời đại. Cũng đồng thời là một người đàn ông ngang tàng, kiêu hãnh mang trong mình trái tim dũng mãnh của một dũng sỹ đấu bò. Người đàn ông ấy có một tình yêu lớn và ngang trái với một phụ nữ tuyệt đẹp là phu nhân Maria Cayettana, một góa phụ kiều diễm và nổi tiếng nhất Madrit vào thời bấy giờ. Nét phong trần và kiêu hãnh của Franciscon de Goya đã đốn gục trái tim của Maria, tình yêu giữa họ bùng cháy và để lại một kiệt tác nghệ thuật bất diệt: “Bức họa Maja khỏa thân”. Tuy nhiên, không may cho Goya, ông có tình địch là một tay thế lực, đương kim thủ tướng đương triều Don Manuen De Godoa. Để ngăn cách mối tình chênh lệch về đẳng cấp và khiến toàn bộ giới quý tộc Madrit ganh tị này, họ đã đầy Maria đến một xứ hẻo lánh ở Solia. Cuối cùng người phụ nữ kiều diễm ấy bị sát hại. Riêng Goya, bức họa kiệt tác của ông và tình yêu lớn ấy trở thành nguyên nhân khiến ông đối mặt với tòa án của giáo hội và triều đình. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe vào thời kỳ đó, Goya bị đưa ra tòa với lời buộc tội làm băng hoại đạo đức và mang trái tim tội lỗi của quỷ dữ.
Kiệt tác: Bức họa Maja khỏa thân
Trước một phiên tòa gồm toàn những thầy tu, Francisco de Goya đã đưa ra một lời biện hộ khiến những kẻ buộc tội ông nín lặng: “Vẻ đẹp của người đàn bà là một kiệt tác của tạo hóa, chỉ những ai nhìn vẻ đẹp ấy với tâm hồn tội lỗi mới là kẻ mang trái tim của quỷ satan”. Vì không có thầy tu nào trong hàng ngũ quan tòa muốn thừa nhận rằng mình ngắm nhìn bức họa Maja khỏa thân với những ý nghĩ đen tối, cuối cùng họ đều thống nhất với nhau rằng đó là một bức họa tôn vinh cái đẹp. Goya thoát án tù và bức họa tuyệt tác của ông cũng thoát số phận bị tiêu hủy. Tuy nhiên, giáo hội và triều đình không tha ông, họ tìm cách kết tội Goya vì một tội khác và ném ông đi đầy trong nhiều năm. Trong thời gian ấy Maria Cayettana bị sát hại vì một mực từ chối thủ tướng Don Manuen De Godoa. Năm 1828, người đàn ông kiêu hãnh, mang trong mình trái tim đa cảm của một họa sỹ thiên tài và lòng kiêu hãnh của một võ sỹ đấu bò hạng nhất, Francisco de Goya, qua đời trong nỗi đau quá khứ và những ẩn ức mãi mãi không thành.
Câu chuyện về phiên tòa của Goya từng là đề tài cho các trường phái tranh luận khác nhau về tính nghệ thuật hay trần trụi của nude. Tuy nhiên, thực ra Goya đã ăn gian. Lời bào chữa của ông là một cú đánh sắc bén của một võ sỹ đấu bò cho đám thầy tu mô phạm đạo đức ngồi ở vị trí quan tòa. Chẳng phải vì bức họa của ông chỉ gợi lên những cảm hứng tốt đẹp đầy nghệ thuật. Bức họa vẽ nàng Maja khỏa thân (nguyên mẫu Maria Cayettana), nằm trễ nải đợi người tình, làm sao chỉ có thể gợi lên những nét đẹp thuần túy tôn vinh tạo hóa? Bản thân nó, đã gợi chứa sự hấp dẫn giới tính và chắc chắn sẽ làm thúc đẩy không ít cảm hứng thuần túy bản năng của những người chiêm ngưỡng. Có lẽ sau 3 thế kỷ, nhân loại ngày nay đã chai lỳ khá nhiều trước những bức ảnh khỏa thân, bức họa Maja chắc khó có thể gây ấn tượng sốc như thời đại mà nó ra đời. Nhưng mọi vẻ đẹp khỏa thân, trước hết và trên hết, bao giờ cũng là những sự cuốn hút được xây dựng trên nền tảng của bản năng con người, nghĩa là những cảm xúc về giới tính. Vì thế lời bào chữa nổi tiếng của Goya thực ra là một cú ăn gian, ông nhét gạch vào mồm đám thầy tu đạo đức vì biết đám này không thể thừa nhận rằng khi ngắm bức họa Maja, sẽ gợi lên trong họ những ham muốn giới tính rất con người. Đúng ra, nếu ở thời đại ngày nay, lời bào chữa của Goya có thể sửa thành:
“Thôi nào các vị, ngắm hình khỏa thân, đó là ngắm nét đẹp của tạo hóa. Nhưng tại sao nó đẹp? Làm sao ngắm một con gà khỏa thân có thể đem lại cảm hứng thẩm mỹ mãnh liệt cho các vị như khi ngắm một phụ nữ trần truồng? Bản chất vẻ đẹp khỏa thân được xây dựng trên nền tảng của những ham muốn bản năng. Nó là phần tất yếu của con người, vì thế, tại sao nude lại là điều cấm kỵ?”
Đây cũng chính là quan niệm của anh Lãng về nude. Và vì thế mà những câu tụng niệm đại loại “Nghệ thuật nude trong sáng thuần khiết tôn vinh tạo hóa” bản chất chỉ là sự ngụy biện khôi hài. Cố nhiên, sự ham muốn trước nude vốn bản thân nó cũng phải chịu sự điều tiết của những khế ước xã hội quy ước về đạo đức và pháp lý, bởi bản năng con người luôn có xu hướng thúc đẩy họ phạm phải những tội lỗi khác nhau :)
Vậy nên, trước một bức hình nude đẹp, hãy thành thật với chính mình, dù chỉ là chiêm ngưỡng vẻ đẹp với tư cách của một người sinh lý yếu hay gợi lên những ham muốn mãnh liệt có tính bản năng của một tay nhiều Testosterone, tất cả đều là những điều rất đỗi bình thường. Tội lỗi có chăng, là khi một con người không kiểm soát được bản năng của mình và biến nó thành những hành động gây hậu quả xấu. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác nằm ngoài phạm vi của nude ;)

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Tuyên Vĩnh Đao!

Tuyên Vĩnh Đao!

Tuyên Vĩnh, hàm nghĩa một cái gì đó thâm thuý, sâu sắc ...

Nhiều bạn góp ý trang face của anh Lãng đáng đọc nhưng khô khan. Anh sửa đổi ngay bằng cách post truyện kiếm hiệp. Đây không còn là một truyện đúng với nguyên bản của tác giả Tiểu Đoạn, vì anh đọc đã lâu và chỉ còn nhớ cái thần. Anh viết lại theo ý mình nhớ, nội dung và thông điệp sẽ khác hẳn truyện gốc, vì hai chữ Tuyên Vĩnh :)

Chuyện bắt đầu thế này

Có một thư sinh, có 4 người bạn chí thân. Cuối năm làm tiệc đãi mời 4 người đến hàn huyên. Tiếc thay chỉ có ba người đến, còn một thì bận việc ko đến được.
Chủ nhà mến khách, nhớ bạn, ngồi bàn tiệc thở ngắn than dài:

"Tiếc thay, người cần đến thì lại không thấy đến".

Than thở nhiều quá, khiến một trong 3 người bạn khó chịu, vùng vằng:

 "Vậy hẳn Mỗ chính là người không nên đến rồi", nói xong bèn bỏ về.

Chủ nhà hối hận đuổi theo giữ mãi không được, quay lại nhà nói với hai người bạn còn lại :

"Kẻ không nên đi thì lại đi mất rồi"

Một trong hai người vốn đã khó chịu, nghe thế bèn đứng dậy: "Vậy hẳn người nên đi chính là ta"

Chủ nhà bối rối quá không biết làm thế nào, bèn luống cuống chữa cháy:

"Người ta nói không phải là ngươi"

Nghe đến đây, thì người bạn cuối cùng dù hàm dưỡng rất tốt cũng không thể chịu nổi và đứng dậy đi nốt.

Còn lại mình chủ nhà với bàn tiệc dở dang.

Nhân quả, đều đến từ hành động của mỗi người.

---------------------------------------------------

Gia tộc dùng đao họ Thương truyền đời đao pháp có 12 đường đao tuyệt học. Người họ Thương ai cũng có thể học, nhưng muốn đạt tới cảnh giới cao thâm thì phải tự mình lĩnh ngộ Đao ý.

Năm Thương Ngưng 2 tuổi, mẫu thân qua đời. Phụ thân hắn luyện đao trong 30 năm, nhưng chỉ chạm tới ý đao chứ không thoát ra thành đao hình. Trong gia tộc, phụ thân hắn bị coi thường nhất.

Tính đến năm 16 tuổi, Thương Ngưng chỉ làm một việc duy nhất là bổ củi bằng con dao nhà bếp đen sì. Do phụ thân bị coi thường nên hắn cũng chịu mọi chèn ép của đám thanh niên trong gia tộc. Năm 16 tuổi, phụ thân hắn vì uất ức bất đắc chí sinh bệnh mà chết. Lúc chết chỉ có Thương Ngưng bên cạnh. Phụ thân hắn nắm tay hắn mà nói, "Cả đời cha muốn đạt đến Tuyên Ý đao. Ý đã chạm tới mà không toát được ra đao hình. 16 năm qua con dùng ý đao của cha chặt củi. Phần còn lại trông cả vào con."

Năm đó gia tộc họ Thương tổ chức tỷ võ cho con cháu, để lựa chọn người kế nghiệp.

Thương Ngưng tham gia, dùng con dao bổ củi đen sì làm oanh động gia tộc. Đao ý sơ thành, được coi là đệ nhất cao thủ trong đám thanh niên. Lúc toàn tộc mở tiệc chúc mừng, người đến chúc rượu đông như chảy hội. Thương Ngưng phóng mắt nhìn quanh mong tìm thấy ánh mắt quen thuộc của người cha bất đắc chí. Hắn cạn ly rượu và lẩm nhẩm với chính mình trong men cay:

"Người nên đến thì không thấy đến"

Sau đó dù toàn tộc giành cho hắn mọi thứ tốt nhất, mong bồi dưỡng Thương Ngưng thành gia chủ kế nhiệm, nhưng hắn bỏ đi lưu lạc giang hồ, tự mài ý đao.

Năm 25 tuổi, hắn đao ý đại thành, gần như không còn đối thủ.

Lúc đó hắn kết bạn chí thân với Ninh Viễn, đệ nhất cao thủ của họ Ninh. Cả hai được xem là quái kiệt trong thiên hạ.

Thương Ngưng yêu, nàng tên Hoạ Thanh, đẹp như một bức tranh. Là tiểu thư cành vàng của một thế gia võ lâm, gia cảnh hiển hách.

Do từ bỏ gia tộc lưu lạc giang hồ, Thương Ngưng nghèo, ngoài thanh đao chặt củi thì chẳng có gì. Họa Thanh vẫn yêu và muốn làm vợ hắn.

Họa Thanh nói, nếu hắn đạt ngôi vô địch đại hội võ lâm năm ấy tại đỉnh Liên Sơn, gia tộc nàng nhất định sẽ đồng ý tác thành cho cả hai.

Đêm trước đại hội, Thương Ngưng uống cùng Ninh Viễn. Ngà ngà say, Ninh Viễn nói cũng muốn lấy Hoạ Thanh. Hắn có tiền, là gia chủ kế nghiệp họ Ninh, võ công không kém. Nhưng Ninh Viễn biết Hoạ Thanh muốn gả cho Thương Ngưng. Có điều hắn vẫn muốn nỗ lực cho mình một cơ hội. Hắn muốn đánh bại Thương Ngưng trong trận chiến ngày mai, đường đường chính chính. Hắn tin rằng dù Hoạ Thanh yêu Thương Ngưng, nhưng nếu hắn thắng thì hắn vẫn có cơ hội cho mình.

Đại hội hôm sau, cả hai đả bại hết cao thủ thiên hạ và chạm mặt trong trận cuối cùng. Lúc chuẩn bị xuất đao, Thương Ngưng biết đao ra Ninh Viễn tất bại. Hắn đưa mắt tìm Hoạ Thanh trong đám đông. Chạm mắt nàng, hắn thấy trong đó niềm tin yêu vô bờ bến.

Đột nhiên Thương Ngưng muốn đánh cược, hắn muốn thử xem nếu mình bại thì tình yêu của Hoạ Thanh với hắn có còn nguyên?

Trận đánh ấy Thương Ngưng thua, Ninh Viễn thắng nhưng chính hắn cũng không thể tin nổi. Là người trong cuộc, hắn thấy đao ý của Thương Ngưng và biết mình không phá nổi.

Nhưng đám đông chứng kiến thì hò reo khi thấy Ninh Viễn thắng và ào lên tung hô gã. Thương Ngưng tìm Hoạ Thanh, chỉ kịp thấy ánh mắt nàng quay đi, chất chứa đau đớn và thất vọng. Hắn thẫn thờ đứng chết lặng:

"Kẻ không nên đi thì đã đi rồi"

Một năm sau võ lâm loan tin vui, đệ nhất cao thủ Ninh viễn thành hôn với mỹ nữ Hoạ Thanh. Ngày đó Thương Ngưng vác một bầu rượu một mình lên đỉnh Liên Sơn. Hắn lặng ngắm bầu trời trong 3 ngày. Ngày cuối cùng, hắn uống cạn bầu rượu và xuất một đao.

Vết chém ngang trời, đao ý đến 3 tháng sau vẫn sâu sắc không tan.

Vô số cao thủ tìm đến ngồi lĩnh ngộ ý đao của hắn. Không ai cảm được đao hình. Giang hồ loan truyền ý đao ấy đã đạt tới Tuyên Vĩnh.

Thương Ngưng mai danh ẩn tích, không ai còn tìm được hắn.

Ninh Viễn vẫn được coi là đệ nhất cao thủ, nhưng giang hồ đều hiểu, trận chiến trên đỉnh Liên Sơn năm xưa, thắng chính là Thương Ngưng. Hắn mang danh đệ nhất cao thủ như một trò khôi hài uất ức.

20 năm sau, Ninh Viễn ôm hận qua đời mà không thể rửa được vết nhơ. Con cháu hắn cũng luyện đao, được coi là vô địch trong đám trẻ.

Để rửa nhục cho cha, con Ninh Viễn truy tìm tung tích Thương Ngưng.

Một hôm, có mấy gã tuấn kiệt hào hoa, cưỡi ngựa đeo đao tìm đến một thôn nhỏ. Trước một căn nhà nhỏ nằm lặng lẽ, có một ông già tỷ mẩn chặt củi.

Con trai Ninh Viễn tung mình xuống ngựa, tuốt đao chỉ vào mặt ông già:" Ngươi có phải là Tuyên Vĩnh Đao Thương Ngưng?"

Ông già ngờ nghệch ngước mắt lên nhìn đám thanh niên cao thủ, lại nhìn kỹ Ninh Thanh. Mắt hấp háy hồi lâu rồi mới đáp lời:

"Người ngươi nói, không phải là ta"

Đám thanh niên chưng hửng, nhìn kỹ ông già nhà quê ốm yếu, rồi lục tục lên ngựa bỏ đi.

Ông già cúi xuống dùng con dao đen sì tiếp tục chặt củi.

Năm đó chém một đao ngang trời trên đỉnh Liên Sơn, thiên hạ không ai ngộ nổi ý đao. Chỉ Thương Ngưng biết, đao cuối cùng trong đời hắn đã chạm tới Tuyên Vĩnh. Hắn chém một đao, cũng đoạn mọi nỗi lòng.

Đao ấy, chính là Tuyên Vĩnh.

Nghìn năm sau trên mảnh đất cũ chỉ còn một cây bồ đề xanh tốt, một cành cây lớn bị phạt ngang. Vết chém sau nghìn năm vẫn không lên rêu.

Mấy ai trên đời, ngộ nổi Tuyên Vĩnh cho chính mình - Anh Lãng :)

Câu chuyện cuối năm

Vậy là đã gần hết năm. Theo thống kê của facebook thì năm nay anh up lên mạng trên dưới 30 bài viết. Phân nửa trong số đó anh tạm coi là đáng đọc và có thể xếp vào Lãng luận.
Mỗi khi nhấn vào nút Post để gửi một bài viết lên mạng, anh lại thấy xấu hổ với chính mình. Anh biết đó chỉ là những sản phẩm viết vội, những ý tưởng bất chợt và những quan điểm mà anh muốn chia sẻ với cộng đồng. Chưa có một bài viết nào thực sự được viết trước với bản thảo. Đó chỉ là những mạch tư duy được hình thành nhanh theo từng phím chữ và nhấn send ngay khi kết thúc. Những sản phẩm vội vàng mà đôi khi lỗi chính tả hoặc typing cũng chưa kịp sửa.
Đây là một thói xấu và anh luôn tự hứa với chính mình sẽ không sửa đổi. Chúng ta đang sống trong một xã hội bấp bênh và dù ẩn danh chăng nữa thì ai biết rủi ro lúc nào có thể xảy ra? Nhiều ý tưởng có quá nhiều động chạm, nhất là đến thế lực có thể quyết định sinh mạng và số phận của hàng triệu con người. Dù chỉ là một giải pháp phòng tránh chông chênh, nhưng cách thức anh viết như trên đảm bảo trên toàn bộ các phương tiện cá nhân của anh không bao giờ tồn tại vết tích hoặc bản thảo của bất cứ thứ gì anh đưa lên mạng.
Nhân dịp cuối năm, anh chia sẻ thêm vài nguyên tắc với những người vì lý do đéo nào đó quý mến anh và lặn lội vào tận cái xó này để hành xác chính mình. Đọc toàn những thứ mà chính anh cũng thấy ngán ngẩm và nhức đầu như một thú vui hành xác: Mỗi người đến đây đều có thể có cách diễn giải khác nhau. Cá nhân anh không quan tâm việc các bạn rút ra kết luận gì từ những bài viết khác nhau anh đưa lên net. Có chăng, anh chỉ quan tâm đến tiến trình hình thành cái kết luận ấy. Nói cách khác là anh quan tâm đến cách thức hình thành tư duy của mỗi người, vì nó đảm bảo sự tiến bộ bền vững về tri thức. Cho nên thực sự các bạn đừng quan tâm anh Lãng nghĩ gì, hay ẩn ý điều gì. Chính anh cũng không quan tâm đến điều đó. Các bạn chỉ cần chú trọng vào việc các bạn tiếp nhận các thông tin khác nhau và đưa ra kiến giải của mình. Đó là thứ trọng yếu nhất. Khi mỗi cá nhân có năng lực tư duy độc lập, dù có thể phạm sai lầm trong vài tình huống cụ thể, nhưng về toàn cục trước sau gì họ cũng đạt tiệm cận tới chân lý. Bởi cái anh ghê sợ nhất, là việc con người bị lợi dụng về tư tưởng và biến thành công cụ vô thức phục vụ cho những thế lực khác nhau. Cái đó sẽ kéo lùi tiến trình tiến bộ chung của xã hội. Năng lực tư duy độc lập, chính là lời giải cho mọi vấn đề.
Vài ý tưởng để chúng ta hiểu rõ nhau hơn, bởi trên cái thế giới ảo mênh mông này, việc chúng ta hội ngộ được với nhau ở đây cũng không phải là điều dễ có.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Truyện ngụ ngôn về những con sư tử và câu chuyện Tân Hiệp Phát

Truyện ngụ ngôn về những con sư tử và câu chuyện Tân Hiệp Phát.
Có một nguyên tắc xuyên suốt của anh khi viết trên net, là hiếm khi anh trở lại câu chuyện về cùng một vấn đề đến hai lần, trừ khi đó là những vấn đề lớn của quốc gia. Tuy nhiên, sau bài viết trước về Tân Hiệp Phát và bản án 7 năm tù giành cho người đàn ông bị quy tội cưỡng đoạt trong vụ án chai nước chứa ruồi, anh buộc phải quay trở lại câu chuyện này lần thứ hai:
Những khía cạnh về pháp lý và đạo đức về trường hợp của Tân Hiệp Phát đã được bàn đến ở bài viết trước, anh không nhắc lại ở đây. Điều anh muốn bàn luận, là sự kiện tẩy chay Tân Hiệp Phát trong cộng đồng mạng người Việt đã bị đẩy đi quá xa. Thay vì một làn sóng đấu tranh thể hiện tình cảm chính đáng của người Việt, nó đang bị lợi dụng biến thành một đòn triệt hạ của những đối thủ cạnh tranh. Mỉa mai thay, tình cảm chính đáng của người Việt và lòng căm phẫn đối với bất công, đang bị khai thác và biến thành công cụ lợi dụng cho một đám cá mập khác. Anh có thể chỉ đích danh, đó là Cocacola, đó là Pepsi và nhiều doanh nghiệp chủ yếu thuộc nhóm FDI, vốn từ lâu thèm thuồng miếng bánh thị phần của Tân Hiệp Phát. Tại sao anh Lãng kết luận như vậy?
Kể từ bài viết đầu tiên trên net tính đến nay đã 20 năm, điều mong muốn nhất của anh là những độc giả Lãng luôn giữ cho mình cái đầu lạnh và bầu máu nóng. Họ cần có nhiệt huyết để biết nghĩ về những giá trị cộng đồng và chung sức cho những vấn đề lớn của quốc gia. Nhưng họ cần có cái đầu lạnh để giữ cho mình sự tỉnh táo và tránh biến mình thành con rối bị lợi dụng và kích động bởi các tập đoàn lợi ích. Không phải chỉ một lần những tình cảm chính đáng của người Việt bị kích động và lợi dụng dưới đủ thứ ngôn từ cao đẹp. Các bạn hãy đọc lại bài này, để thấy rằng nếu thiếu sự tỉnh táo, thì thậm chí cả tình cảm thiêng liêng giống như lòng yêu nước cũng có thể bị biến thành thứ công cụ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người:
"Luận về dân tộc và dân quyền"

Quay trở lại câu chuyện Tân Hiệp Phát và ngón đòn triệt hạ của các đối thủ cạnh tranh. Trước hết phải khẳng định rõ rằng Tân Hiệp Phát có một triết lý kinh doanh không mấy sạch sẽ. Nó sẵn sàng bất chấp lợi ích của người tiêu dùng khi có một lý lịch kém minh bạch trong việc sử dụng nguyên liệu sản xuất kém chất lượng. Nó cũng có lối hành xử tàn nhẫn và thiếu tình người khi chăm chăm tìm cách triệt hạ mọi nguồn nguy hiểm tiềm ẩn cho nó bằng cách gài những người phát hiện các sản phẩm lỗi của nó vào vòng lao lý. Và cố nhiên, là một doanh nghiệp gộc ở Việt nam, nó có lịch sử cấu kết chặt chẽ với quyền lực chính trị, càng khiến triết lý kinh doanh của nó trở thành một thứ triết lý mang tính rừng rú của chủ nghĩa tư bản thời kỳ sơ khai.
Ở phía còn lại, nhóm các doanh nghiệp FDI cạnh tranh với Tân Hiệp Phát như Cocacola hay Pepsi, những công ty đa quốc gia đến từ Mỹ và Châu Âu, đáng buồn thay khi đến Việt Nam cũng chẳng giữ được thứ văn hóa kinh doanh sạch sẽ vốn có ở phương tây mà cũng nhanh chóng biến tướng thành những tay cá mập tham lam và sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của đất nước mà họ đang khai thác. Hơn 20 năm qua, Cocacola khai lỗ năm này qua năm khác, đẩy giá thành nhập thiết bị và nguyên liệu từ các công ty liên quan trong hệ thống của họ ở nước ngoài lên quá mức bình thường. Kết quả là lợi nhuận của chúng được chuyển ra nước ngoài trong khi quy mô của những tập đoàn này ở Việt Nam đã tăng gấp hàng chục lần trong suốt một thời gian dài. Họ khai thác thị phần của 90 triệu người Việt nam, kiếm tiền từ đó nhưng không đóng lấy một đồng thuế thu nhập. Đây là một thứ văn hóa kinh doanh mang tính tước đoạt. Và họ làm được điều này tất nhiên cũng bằng những cách chẳng sạch sẽ gì, nó bao gồm cả việc lợi dụng sự ngu dốt của bộ máy cai trị Việt Nam, nhưng phần nhiều hơn, thì chắc chắn là dựa vào lobby và hối lộ. Nhìn vào đó, có thể nói văn hóa kinh doanh của nhóm cá mập này cũng chẳng mấy sạch sẽ so với văn hóa của Tân Hiệp Phát và cũng đều đáng phải bị trừng phạt theo cách này hay cách khác. Khi nêu sự so sánh này ở bài viết trước, anh Lãng đọc thấy một loạt comment biện hộ trơ tráo không kém gì những ý kiến biện hộ đã được đưa ra bởi lãnh đạo Tân Hiệp Phát trên báo chí, đại loại:
- Ừ thì Cocacola và Pepsi trốn thuế, nhưng thế cũng tốt. Thuế nộp cho chính quyền tham nhũng tiêu xài chứ người dân có được đồng nào đâu?
- Sản phẩm nước uống đóng chai đúng là đều chứa hóa chất và chất bảo quản, nhưng có sản phẩm có hại ít giống của Coca hay Pepsi và sản phẩm có hại nhiều giống Tân Hiệp Phát chứ?
- Tân Hiệp Phát là công ty của ba Tàu, cần phải tẩy chay. Sao so với Coca hay Pepsi được.....

Đọc những ý kiến trên, anh không thể rút ra kết luận nào khác hơn, là rõ ràng làn sóng tẩy chay Tân Hiệp Phát đang bị một đám cá mập đứng sau lợi dụng. Và vì không thể nhắm mắt nhìn cảnh tình cảm chính đáng của người Việt bị lợi dụng biến thành công cụ cho một nhóm lợi ích núp sau, anh phải viết rõ chính kiến của mình.
Trước hết, các bạn hãy nhìn xa hơn, nhìn vào 20 năm sau. Ai cũng có thể thấy rõ chính thể hiện nay đang ở trong giai đoạn suy tàn. Nó sẽ phải thay đổi hoặc bị thay thế, đó là điều chắc chắn. Nhưng đất nước này thì vẫn phải tồn tại. Và sự thịnh vượng của một quốc gia, vẫn phải dựa vào nền tảng của hệ thống tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nghĩa là hệ thống các doanh nghiệp và các tế bào của nền kinh tế. Trong bài toán đường dài quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia, có sự khác biệt mang tính bản chất của lực lượng doanh nghiệp nội địa và lực lượng doanh nghiệp FDI có vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp nội địa, về cơ bản, toàn bộ giá trị mà họ tạo ra, bao gồm lợi nhuận phần lớn đều nằm lại tại Việt Nam, nó chỉ chảy một phần ra nước ngoài đáp ứng nhu cầu đầu tư hay tiêu dùng của nhóm tư bản dân tộc, nhưng hầu hết đều sẽ đọng lại tại Việt nam, vì gia đình, con cái và sự nghiệp của nhóm này đều nằm ở đất nước này. Những giá trị đó bằng kênh này hay kênh khác, rồi sẽ biến thành các nguồn lực tiếp tục làm cường thịnh đất nước. Nhóm FDI hoàn toàn khác. Chủ sở hữu của nó là những cổ đông nằm ở nước ngoài. Nó tạo ra công ăn việc làm tại bản địa, nhưng về lâu về dài, lợi nhuận được tạo ra bởi các công ty này sẽ chảy về chính quốc. Nếu một đất nước mà thành phần kinh tế FDI chiếm vai trò chủ đạo, thì đó là đất nước mà đại bộ phận dân tộc biến thành lực lượng làm thuê cho các nhà tư bản nước ngoài. Trong bài toán phân phối lợi ích, chúng ta đều rất rõ ràng, lương của người đi làm thuê thường chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị mà họ tạo ra. Không có đất nước nào có thể cường thịnh khi cả nước đi làm thuê cho nước ngoài ngay trên chính quê hương mình.
Do đó, câu chuyện của Tân Hiệp Phát cần phải được kiểm soát, và cộng đồng người Việt cần tránh biến mình thành công cụ bị lợi dụng của một nhóm lợi ích núp sau. Điều nhục nhã nhất là khi những tình cảm thiên về công lý lại biến thành thứ bị lạm dụng và lợi dụng. Vậy chúng ta nên làm gì?
Trước hết là việc kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát cần được thực hiện theo cách không phải là để khiến Tập đoàn này phá sản. Điều đó không có lợi gì cho Việt Nam về lâu dài ngoài Cocacola hay Pepsi đang lăm lăm xoa tay rình sẵn. Mục tiêu của việc tẩy chay, là để buộc Tân Hiệp Phát phải thay đổi triết lý kinh doanh của nó, tôn trọng thị trường, tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng và nhân văn hơn trong cách hành xử với con người. Tân Hiệp Phát đã tổn thất hàng ngàn tỷ (theo con số họ tự tính toán dù anh khá nghi ngờ) và có thể sẽ còn tổn thất hàng ngàn tỷ. Áp lực của cộng đồng hiện nay cần phải mang thông điệp có tính xây dựng cho cả hai bên: Xã hội sẽ tiếp tục tẩy chay, cho đến khi Tân Hiệp Phát có những hành động cụ thể trên thực tiễn. Tập đoàn này nếu muốn tồn tại, có thể phải bỏ ra nhiều trăm tỷ, thậm chí là hàng nghìn tỷ để nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa quy trình sản xuất và minh bạch hóa nguồn nguyên liệu sử dụng, và đặc biệt nó phải có lối hành xử nhân văn hơn trong cách sự kiện như vụ án con ruồi và một loạt vụ việc đã diễn ra trong quá khứ. Một lời xin lỗi và những hành động cụ thể kèm theo những giá trị vật chất cụ thể cho những cá nhân từng bị Tân Hiệp Phát gài vào vòng lao lý là thứ mà Tập đoàn này phải làm. Và nếu nó đã làm tất cả những thứ đó, mà vẫn có những ý kiến kêu gọi xã hội quay lưng, vậy thì xin chúc mừng, các bạn đang biến mình thành thứ con rối bị lợi dụng một cách đáng thương hại và chà đạp lên chính tương lai lâu dài của đất nước này.
Thông điệp trừng phạt, do đó, phải gắn với sự xây dựng chứ không phải là để tiêu diệt. Mất 20 năm mới có một doanh nghiệp nội địa như Tân Hiệp Phát, trong bối cảnh những tập đoàn cá mập như Coca hay Pepsi rình rẵn như hổ rình mồi, nếu Tân Hiệp Phát sụp thì coi như ngành đồ uống đóng chai được nuốt trọn bởi các thương hiệu ngoại. Hãy ý thức đến điều này.
Anh Lãng không bao giờ kêu gọi các bạn ủng hộ hàng Việt một cách vô điều kiện. Sự ủng hộ đó là một khế ước xã hội mang tính hai chiều. Sẽ có sự ưu ái, nhưng chỉ là giành cho những nhà sản xuất có lương tâm. Với những nhà sản xuất xấu xa nhưng phục thiện, tất nhiên cũng có cơ hội giành cho họ.
Cuối cùng, anh kể cho các bạn nghe về câu chuyện ngụ ngôn giữa hai đàn cừu và những con sư tử ăn thịt:
Một vùng đất được chia đôi bởi một dãy núi, mỗi bên có một đàn cừu sinh sống. Chúa nói với hai đàn cừu, do vạn vật cân bằng, nên mỗi đàn cừu đều phải có một kẻ thù thiên nhiên. Chúng có quyền lựa chọn hai phương án. Một là chúng sẽ có một kẻ thù duy nhất chỉ là một con sư tử hoặc phương án hai sẽ là hai con sư tử, nhưng đàn cừu nào mà chọn hai con thì được quyền quyết định con sư tử nào trong hai con đó sẽ được quyền săn mồi.
Đàn cừu bên phía Đông chọn phương án một con. Còn đàn bên phía Tây chọn phương án hai con. Sau một thời gian, cuộc giết chóc của những con sư tử diễn ra. Do phía Đông chỉ có một con sư tử, mỗi ngày nó chỉ ăn một con cừu và chỉ đi săn khi đói, nên dù chết chóc nhưng đàn cừu bên Đông vẫn chịu được. Ngược lại, đàn cừu bên Tây vô cùng khổ sở. Khi chúng lựa chọn bất cứ con sư tử nào được xuất hiện trên lãnh địa của chúng thì cả hai con đều háu đói và sung sức, thỏa sức săn đuổi và tàn sát khiến số chết của chúng gấp đôi. Đàn cừu phía Đông do đó cười cợt đàn phía Tây và thấy rằng chúng đã vô cùng thông minh và may mắn khi lựa chọn phương án một. Tuy nhiên một thời gian sau, con sư tử bên Đông vì ăn uống điều độ và nhàm chán, nó không còn đi săn mồi vì đói nữa mà còn lấy việc tàn sát làm thú vui, khiến đàn phía Đông vô cùng khổ sở.
Còn đàn cừu phía Tây, do mệt mỏi phải chạy trốn suốt ngày, chúng chán không buồn nghĩ đến việc đổi ca cho hai con sư tử, mà chấp nhận việc phải sống cùng một con và chịu sự săn đuổi mỗi ngày. Một tuần sau đó, các con cừu phía Tây chợt nhớ ra chúng còn một con sư tử thứ hai, mà theo lời Chúa thì dù đàn cừu bên Tây được quyền lựa chọn thời gian xuất hiện luân phiên của mỗi con sư tử nhưng chúng vẫn phải để con sư tử này xuất hiện. Khi vừa được thả ra trên đồng cỏ phía Tây, con sư tử thứ hai đã chịu đói một tuần và vô cùng hung dữ. Nó lao vào săn đuổi và tàn sát đàn phía Tây vô tội vạ. Đàn cừu phía Tây hoảng sợ vội vàng triệu hồi con sư tử thứ nhất ra và tống con sư tử đói về lại chỗ Chúa. Sau một thời gian, chúng lại gọi con sư tử thứ hai ra. Lúc này con sư tử thứ hai vô cùng đói khát, và vô cùng sợ hãi việc có thể bị đàn cừu phía Tây trả về chỗ chúa thêm một tuần nữa. Nó bèn đến thương lượng với đàn cừu phía Tây rằng nó sẽ không săn đuổi đàn cừu nữa, một tuần nó chỉ xin được ăn một lần, và mỗi lần cũng chỉ chọn những con cừu ốm bệnh để ăn mà thôi. Đàn cừu hài lòng với phương án đó và con sư tử cư xử rất tử tế, khiến đàn cừu phía Tây giờ đây có cuộc sống rất dễ chịu. Cả đàn cừu phía Tây họp lại, để bàn nhau từ giờ chỉ chọn con sư tử này xuất hiện và mặc kệ con sư tử kia. Tuy nhiên những con cừu già không đồng ý. Chúng nói nếu con sư tử kia chết đói, thì từ giờ đàn phía Tây chỉ có mỗi một lựa chọn và sẽ có cuộc sống giống hệt đàn bên Đông chứ không được như bây giờ. Thế là đàn cừu phía Tây lựa chọn việc cho hai con sư tử xuất hiện luân phiên. Và vì con sư tử nào cũng đều sợ cảnh bị nhốt và đói nên chúng đều chấp nhận luật lệ do đàn cừu phía Tây đề ra"
Câu chuyện ngụ ngôn này, có ý nghĩa sâu sắc không phải chỉ trong trường hợp Tân Hiệp Phát. Một xã hội thông thái phải là xã hội biết duy trì và nuôi dưỡng các giá trị cạnh tranh, để chúng so sánh với nhau và đem lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Tất nhiên nó cũng có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, và phản ánh lý do tại sao quyền lực độc quyền dù trong kinh doanh hay chính trị đều là tai họa đối với loài người.
Anh hy vọng bài viết này là đủ để mỗi người vào đây tự ý thức được đâu là điều cần làm đối với các sự kiện xã hội đang diễn ra hiện nay.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Tản mạn về số phận của một con ruồi (Hay câu chuyện bí ẩn về xác chết trong chai)

Title mang đúng phong cách của nền thông tấn xã hội chủ nghĩa vĩ đại trong buổi hoàng hôn của ngày tận thế :) 

Chẳng đáng để lưu lại, nhưng thôi trót viết lên facebook rồi thì anh cứ save lại vào đây.

Câu chuyện Tân Hiệp Phát và bản án 7 năm tù giành cho người đàn ông phạm tội tống tiền với chai nước ngọt có lẽ đã khép lại về mặt pháp lý. Nhưng với một hãng dẫn đầu Việt Nam về một mặt hàng có biên sinh lời cao là nước giải khát đóng chai thì hành trình dài để bảo vệ thương hiệu đã bị sứt mẻ nghiêm trọng suốt thời gian qua (mức thiệt hại như họ tự tính toán là 2000 tỷ) thì vẫn là một chặng đường đầy chông gai, thậm chí ẩn chứa bóng đen của sự sụp đổ.
Kinh doanh vốn là một môi trường không hiền lành, nhất là trong ngành nghề có biên sinh lời cao như nước uống đóng chai. Trong ngành nghề này, thương hiệu gần như là tất cả. Thứ nước pha đường của CoCa Cola đã sống ngót trăm năm và sẽ còn tiếp tục cả trăm năm nữa nhờ vào cái dòng chữ đơn giản trên đã trở thành một phần của văn hoá thế giới. Khi Warren Buffet thực hiện cú áp phe được coi là thành công nhất lịch sử của mình vào 8% cổ phiếu niêm yết của CoCaCoLa, chỉ riêng cái hàng chữ đơn giản này đã được định giá tới 20 tỷ đô (chỉ riêng thương hiệu). Vào thời điểm 2015, có lẽ nó đã có giá gấp đôi con số ấy.
Tân Hiệp Phát gây dựng đế chế của mình ở Việt Nam đã 20 năm. Họ phát triển bùng phát trong khoảng 8 năm trở lại đây và thành một tập đoàn dẫn đầu thị trường với trên dưới 30 đầu sản phẩm. Công thức thành công của họ trong quá khứ mang đậm chất châu Á và mang màu tăm tối: lobby tìm kiếm hậu thuẫn của chính quyền và khai thác tối đa lợi thế am hiểu địa phương. Chiến lược này khá thành công và họ áp chế được phần nào những người khổng lồ Pepsi hay CoCa ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, thời đại đã thay đổi và những người điều hành tập đoàn này không còn bắt kịp xu thế thời cuộc.
Tân Hiệp Phát lôi những người tiêu dùng ra toà và bỏ tù họ không phải lần đầu vì tội tống tiền. Sản phẩm tập đoàn này có nhiều lỗi, về mặt kỹ thuật, rất có thể xuất phát từ khâu lưu thông vận chuyển đúng như họ nói. Cách mồi bẫy những người phát hiện sản phẩm lỗi, mật báo với chính quyền rồi tóm cổ khách hàng khi nhận tiền là thủ pháp quen tay của Tân Hiệp Phát trong nhiều năm qua. Cách làm này hiệu quả trong một xã hội kém văn minh, nơi sự kết hợp giữa tiền bạc và quyền lực mang lại một sức mạnh có tính áp đảo.
Tuy nhiên, cơn lốc mạng xã hội đang khiến ngay cả hùng mạnh như chính thể Việt Nam cũng phải đối mặt với áp lực thậm chí có tính sinh tồn, thì Tân Hiệp Phát không là gì khi họ không tính đến phản ứng đại chúng đối với biện pháp nặng mùi tiền bạc của họ. Một thương hiệu lớn, tồn tại được trong một xã hội tự do thông tin không thể chỉ bằng tiền và sức mạnh gây ác cảm. Nó phải chinh phục thị trường bằng cả tính nhân văn. Và Tân Hiệp Phát, bằng việc thể hiện lối hành xử gài bẫy đầy thủ đoạn đẩy người tiêu dùng phạm lỗi vào tù, đã tự bóp chết chính mình. Họ thắng trong phiên toà nhưng thua trên thương trường. Đáng buồn thay, có vô số đối thủ đang rình rập để thế chỗ họ và coi đây là dịp may để đổ thêm vài thùng dầu vào lửa.
Hành vi của người đàn ông vừa bị kết án 7 năm tù không gì khác hơn chính là hành động tống tiền. Dù ông ta bị gài bởi Tân Hiệp Phát thì hành vi phạm pháp vẫn đã cấu thành và bản án là không sai. Nhưng sự ác cảm của đại chúng với Tân Hiệp Phát cũng đã định hình và gần như không thể đảo ngược. Bản thân Tân Hiệp Phát cũng đã thấm đòn và đại diện của họ trước toà thay vì đanh thép đề nghị mức án nghiêm khắc, lại xuống nước nhỏ nhẹ đề nghị toà lượng hình tuyên án nhẹ cho bị cáo. Các chiến lược gia của Tân Hiệp Phát muốn sửa sai nhưng lại phạm thêm sai lầm. Họ khiến người tiêu dùng theo dõi vụ việc càng có ấn tượng sâu sắc rằng Tân Hiệp Phát đang "sợ", và cần khiến tập đoàn "ác bá" này trả giá nặng thêm bằng làn sóng tẩy chay.
Có một vài người hỏi anh Lãng, nếu ở địa vị Tân Hiệp Phát thì nên làm gì khi sự việc đã rồi? Một câu hỏi không đơn giản mà nguyên ban lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát đang giải mà toàn giải sai. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì cũng đều có giải pháp riêng của nó. Nếu anh ở địa vị của lãnh đạo tập đoàn này, khi hậu quả xấu đã xảy ra, tại phiên toà, họ nên thẳng thắn đề nghị mức án nghiêm khắc cho bị cáo, nhung đồng thời có thể tuyên bố sẽ bảo trợ toàn bộ cho những đứa con bị cáo mọi chi phí ăn học đến tuổi thành niên. Số tiền chẳng đáng là bao và chỉ đáng giá vài giây quảng cáo nhưng hẳn sẽ giúp họ gỡ lại phần nào hình ảnh đã sứt mẻ quá nhiều: Một tập đoàn thượng tôn luật pháp trong một xã hội đã quá nhiễu nhương nhưng vẫn không thiếu tình người.
Tiếc thay, họ hành xử sai và bài học nào cũng phải trả giá mà với Tân Hiệp Phát, cái giá không phải chỉ là một vài nghìn tỷ.
P/S Tân Hiệp Phát vẫn có thể sửa sai, dù đã khá muộn màng. Anh định bán ý tưởng này cho anh Trần Quý Thanh lấy khoảng 1000 tỷ, nhung xét đến vài nghìn con người và gia đình họ đang tồn tại nhờ đồng lương từ Tân Hiệp Phát, ngoài ra trong làn sóng thổi lửa hun khói vụ khủng hoảng này hẳn không thiếu bóng dáng của Coca hay Pepsi, lũ tư bản ngoại bang kinh doanh nhiều chục năm ở Việt Nam, mở rộng đầu tư liên tục nhưng không ngừng lận thuế bằng chuyển giá. Tư bản trong nước, dù dốt nát, cũng cần được vạch đường. Vì thế anh mà anh post miễn phí thứ này ở đây, dù rằng ở đời vốn chẳng có bữa trưa nào miễn phí.
Anh lưu ý bạn nào comment kiểu thiếu tư duy là vụ này luật pháp không đứng về phía người dân thì stop cho anh nhờ nhé. Tân Hiệp Phát dùng thủ đoạn gài bẫy và cấu kết với chính quyền, đó là sự thật. Thủ đoạn này đê tiện nhưng không trái luật. Còn hành động của anh Minh, tuy đáng thương vì tham và ngu dốt nhưng đã cấu thành hành vi tống tiền. Về mặt luật pháp vụ án không sai, nhưng xét trên tiêu chí của một xã hội văn minh thì Tân Hiệp Phát đáng phải trả giá. Tuy nhiên đó là hai chuyện khác nhau, mọi thứ cần phải rạch ròi.
Nhiều bạn thừa nhận hành vi của anh Minh là tham và thiếu hiểu biết pháp lý, nhưng lại nằng nặc cho rằng đây là giao dịch dân sự, điều đó sai. Nó sẽ chỉ là giao dịch dân sự nếu anh Minh đòi hỏi Tân Hiệp Phát bồi thường trên cơ sở các thiệt hại cá nhân hay tinh thần của chính anh ta, chứ không phải gây sức ép bằng cách đe dọa đánh vào uy tín của thương hiệu Tân Hiệp Phát để đòi tiền. Hãng McDonald từng phải bồi thường 2 tr usd vì bị một khách hàng kiện khi phục vụ một tách cafe quá nóng khiến anh ta bị bỏng độ 3. Các luật sư đã chứng minh thành cong rằng ngoài chi phí điều trị vết bỏng nhẹ (vài trăm đô) thì thân chủ cua họ còn chịu tổn thất tinh thần và cả nỗi đau tan vỡ con tim vì khách hàng đã trung thành với McDonald tới 17 năm, nỗi đau đó đáng giá 2 tr usd. Do đó, nói một cách sòng phẳng thì anh Minh đã tống tiền trong tình trạng thiếu hiểu biết và bị gài. Tuy nhiên, người đàn ông này nên gánh một bản án nhẹ hơn, ví dụ 1 năm tù và 6 năm án treo. Theo ý kiến của anh thì Tân Hiệp Phát nên lobby để điều này diễn ra trong phiên phúc thẩm. Sự vô đạo đức đáng bị lên án, nhưng hành động tống tiền dù vì lòng tham, thiếu kiến thức và bị gài thì cũng nên bị trừng phạt. Điều đó đảm bảo tính pháp quyền cho xã hội tương lai của con cháu các bạn. Chứ cư xử theo lối tuyến lệ bị rò rỉ để sẵn sàng tha bổng cho tội hình sự vốn không phải là hành vi nên có của những con người văn minh.
Về THP là một doanh nghiệp mang nét điển hình của dạng cấu kết tư bản đỏ, tồn tại phổ biến ở Việt Nam và Trung Quốc, những xã hội độc tài. Nó có quy mô "tầm cỡ" vì có sự hậu thuẫn quyền lực và am hiểu thị trường, nhưng không có nghĩa nó có "tầm cỡ" về sự minh bạch hay triết lý kinh doanh văn minh. Và THP đã có một lịch sử nhiều lần gài người tiêu dùng vào hành vi cưỡng đoạt rồi bắt bỏ tù (đếm trên báo thấy không dưới 4 vụ), cho nên chắc chắn THP hiểu rất rõ thế nào là hành vi cưỡng đoạt. Việc THP khi phát sinh một vụ việc mới, không dùng thứ hiểu biết đó để giải thích và hợp tác với người phát hiện sản phẩm lỗi để họ hiểu và làm theo luật pháp, vừa đảm bảo quyền lợi của THP, vừa đảm bảo quyền lợi của người phát hiện (bồi thường tài chính, bồi thường tổn thất tinh thần ...) nghĩa là triết lý kinh doanh của THP thiên về lối cá mập: Mạnh thắng yếu thua, chứ không phải lối văn minh: Cùng thắng và thật sự tôn trọng lợi ích người tiêu dùng. Do đó THP không sai về pháp lý (ít nhất trong việc dẫn dụ ông Minh vào hành vi nhận tiền để ém thông tin) nhưng đê tiện. Và nó đang phải tiếp tục trả giá. Bản thân việc THP có những vi phạm có hệ thống về nguồn nguyên liệu kém chất lượng cũng là một thực tế. Thậm chí, nó nên bị điều tra hình sự về những vi phạm này và phải trả lời công lý trong một vụ án khác. Tuy nhiên, điều này khá khó xảy ra, trừ khi THP hết sạch tiền hoặc khi chính quyền Việt Nam đột nhiên trở nên yêu công lý và quý trọng sức khỏe người dân (y học gọi là hội chứng uống lộn thuốc). Mà việc này thì cũng giống như Tập Cận Bình tự nhiên tuyên bố trả Hoàng Sa cho Việt Nam rồi bắt nhịp để Việt Nam - Trung Quốc hát bài kết đoàn truyền thống :P

Và ý cuối cùng: Anh đề nghị tất cả các bạn đang hô hào tẩy chay Tân Hiệp Phát vì sản phẩm đồ uống đóng chai bản chất đều là hóa chất gây hại sức khỏe, thì cũng đồng thời nên tẩy chay nốt cả bọn Cocacola, Pepsi và mọi bọn đồ uống đóng chai đang ngọ nguậy ở Việt nam, vì xét cho cùng chúng đều cùng một dòng sản phẩm. Và nếu tính về phương diện quyền lợi quốc gia, hành vi chuyển giá ra nước ngoài của Cocacola (khai kinh doanh lỗ gần 20 năm nhưng liên tục đầu tư mở rộng sản xuất) và các hãng khác cũng đê tiện chẳng kém Tân Hiệp Phát khi làm giàu từ thị trường Việt Nam nhưng từ chối đóng góp thuế cho Việt Nam. Làm một con người trọng lẽ công bằng là rất tốt, nhưng nếu vì tẩy chay một con cá mập mà lại tự biến mình thành công cụ cho một con cá mập khác thì lại là một bi kịch còn bi đát hơn.

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Những câu hỏi lớn cho nền dân chủ non trẻ của Myanmar


Cuối cùng thì Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 255 ghế trong hạ viện, 135 ghế thượng viện, 496 ghế trong nghị viện bang và vùng, chiếm 77,04% số ghế được bầu tại ba cấp trong quốc hội. Tỷ lệ vượt trội này giúp Aung San Suu Kyi và đảng của bà giành quyền lãnh đạo tuyệt đối với chính phủ mới, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 03/2016. Đảng NLD có 4 tháng để chuẩn bị bộ máy của mình, gồm ứng viên Tổng Thống và nội các.
Cuộc bầu cử lịch sử của Myanma thành công nhờ sự nỗ lực và hợp tác vượt trội của nhiều thành phần chính trị ở đất nước phức tạp này. Gồm các phe thủ cựu từng nắm quyền độc tài trong nhiều thập niên là quân đội và cả những lực lượng tri thức mới với nỗi khao khát tự do dân chủ. Người Myanma lấy lại được niềm tin vào số mệnh quốc gia và đang đặt kỳ vọng vào một thời kỳ mới. Đây là cơ hội để thực hiện một sứ mệnh lịch sử khác của Aung San Suu Kyi, người đã luôn là biểu tượng cho tự do của Myanma trong khoảng 40 năm qua, nhưng giờ đây, bà phải gánh thêm gánh nặng xây dựng một Myanma mới, để không bỏ lỡ cơ hội mà lịch sử đã trao tặng cho bà và dân tộc bà.
Ấn tượng của anh Lãng về Aung San Suu Kyi là một người phụ nữ đầy trí tuệ, hiểu biết rất rộng, khôn khéo nhưng có chất thép bên trong. Phong thái của người phụ nữ ấy luôn khiến người đối thoại phải chú ý. Dù là một biểu tượng của khát vọng dân chủ nhưng Aung San Suu Kyi cũng là một người đầy thực tế. Có thể thấy rõ điều này trong các chuyến thăm tới Trung Quốc và trong các lời phát ngôn rất thận trọng về các sự kiện liên quan đến xung đột và ly khai của Aung San Suu Kyi.
Không phải người mở đường nào cũng sẽ thành công trong việc chèo lái quốc gia. Nelson Mandela xứng đáng là một thánh nhân khi ông ngay lập tức rời bỏ quyền lực (dù không ai có thể thắng ông trong bất cứ cuộc bỏ phiếu nào) chỉ sau một nhiệm kỳ Tổng Thống sau khi chấm dứt chế độ Apacthai nhằm nhường chỗ cho những nhân vật có năng lực kỹ trị tốt hơn ông lên cầm lái đất nước. Tuy nhiên, Mandela có nền tảng tốt tại Nam Phi, khi bản chất tổ chức nhà nước mà thiểu số elite da trắng đã xây dựng ở đất nước này vận hành khá tốt theo chuẩn mực phương tây. Mandela biết đâu là sứ mệnh của mình, kể cả khi ngồi tù, kể cả khi là tổng thống và kể cả khi chủ động rời bỏ quyền lực. Một nhân cách vĩ đại. 
Bài toán của Aung San Suu Kyi khó hơn rất nhiều. Xã hội của Myanmar có xuất phát điểm thấp, mang điển hình của một nước lạc hậu ở Đông Nam Á. Tổ chức nhà nước của phe quân sự độc tài xây dựng trong nhiều thập niên qua không mấy hiệu năng, trong khi đó, những nhân sự chủ chốt của Đảng NLD cũng không có mấy ai có kinh nghiệm điều hành đất nước.
Khó khăn lớn thứ hai của Myanma là nguy cơ nội chiến với các lực lượng ly khai. Ngay khi Myanmar xoay trục sang phía tây, các vụ chạm súng giữa quân chính phủ và người Kachin và người Myanma gốc Hoa bỗng bùng lên dữ dội, không khó hiểu nguyên nhân tại sao. Nhờ sự ủng hộ và đoàn kết của dân chúng sau khi tuyên bố lịch trình dân chủ hóa, tổng thống Thein Sein đã thành công trong việc kiểm soát xung đột và đàm phán ngừng chiến thành công với các lực lượng li khai. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng từ người láng giềng phía Bắc Trung Quốc đối với Myanma vẫn là một nguy cơ lớn cho đống lửa vẫn còn âm ỉ khói ở đất nước này.
Khó khăn thứ ba, là dân trí và hạ tầng. Người Myamar còn một chặng đường dài để đi trong lộ trình kiến thiết đất nước.
Tuy nhiên, Myanmar cũng có nhiều lợi thế. Giống Việt Nam đầu những năm 1986, người Myanmar đang bắt đầu cải cách nền kinh tế của mình sau nhiều thập niên bị kìm kẹp. Các nguồn lực của họ bị nén lại khá nhiều, khi được bung ra, nó sẽ tạo đà tăng trưởng tốt cho Myanmar trong thời kỳ tới. Với diện tích lãnh thổ 676577 km2 (gấp đôi Việt Nam), và dân số xấp xỉ 60 tr người, tôn giáo chính và duy nhất là Phật giáo, nhiều lợi thế về tự nhiên và mặt tiền bờ biển dài 1900 km nhìn ra Ấn Độ Dương, quốc gia này có thể tiến nhanh khi được điều hành đúng cách.
Có nhiều bài toán lớn mà Bà Aung Sang Suu Kyi cần giải quyết để tận dụng cơ hội được lịch sử ban tặng cho đất nước mình. Việc đầu tiên, chính là vượt qua khó khăn mà các thành phần thủ cựu trong phe quân sự cũ đã cài cắm vào hiến pháp để chặn khả năng làm tổng thống của bà (Hiến pháp Myanmar do phe quân đội thông qua và nắm quyền phủ quyết, quy định người kết hôn với người nước ngoài không được phép làm Tổng thống, chồng bà Suu Kyi là một giáo sư người Anh). Điều này dẫn đến một vấn đề tế nhị. Chính trị gia duy nhất và có tầm vóc lớn nhất trong đảng NLD chính là Aung Sang Suu Kyi. Khi không nắm quyền tổng thống, bà buộc phải dựng lên một tổng thống danh nghĩa và điều hành đất nước qua vai trò chủ tịch Đảng cầm quyền. Đây có thể là một yếu tố bất ổn tiềm ẩn với nền dân chủ non trẻ của Myanmar nếu bà Aung Sang Suu Kyi chọn sai người cộng sự. Bản chất của con người, luôn có sự khao khát quyền lực và không phải ai cũng đủ lớn để khỏi lóa mắt khi bỗng nhiên thành tổng thống một quốc gia. Bên cạnh đó, bà Aung Sang Suu Kyi sinh năm 1945, để đến được ngày hôm nay, bà cũng đã chạm mốc tuổi 70 với nhiều thập niên bị tù đầy và quản chế. Gánh nặng thời gian đã ít nhiều phủ xuống đôi vai gầy guộc của người phụ nữ kiên cường này, trong khi dân tộc Myanmar vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và bà phải đóng vai trò người mở đường trên con đường không hề dễ dàng ấy.
Bài toán lớn thứ hai, là bà Aung Sang Suu Kyi sẽ phải tiếp tục duy trì và củng cố sự đoàn kết quốc gia, giữa cái cũ và cái mới, giữa những thành phần độc tài cũ giờ vẫn đang nắm quyền và những nhân vật mới trong bộ máy nhà nước. Và cả sự đoàn kết của người Myanmar, gồm cả thành phần sắc tộc Kachin hay người gốc Hoa, một điều không phải dễ dàng.
Bài toán thứ ba, cũng là bài toán lớn nhất mà bà Aung Sang Suu Kyi phải giải quyết, chính là việc xây dựng một bộ máy cai trị mới, trên nền tảng của chính quyền cũ, một bộ máy đòi hỏi hiệu năng và tính trong sạch. 65 năm trước, khi Lý Quang Diệu lên nắm quyền ở Singapore, ông ta cũng đối mặt với khó khăn tương tự. Sau này khi ghi lại trong hồi ký, Lý Quang Diệu nói rằng ông ta phải cố gắng nắm quyền thật nhanh để tìm cách củng cố và duy trì nền pháp trị kiểu Anh ở Singapore trước khi nó bị làm băng hoại bởi nạn tham nhũng. Lý có nhiều thuận lợi khi chỉ phải cai trị một thành phố vài triệu dân, có nền tảng cũ là bộ máy hành chính của Anh để lại. Aung Sang Suu Kyi khó khăn hơn nhiều khi phải xây một chính quyền mới trên một bộ máy cai trị độc tài lạc hậu, ở một đất nước có dân số xếp hạng 24 trên thế giới.
Thuận lợi lớn nhất của Aung Sang Suu Kyi, bên cạnh sự ủng hộ của dân chúng, có lẽ chính là ở điểm này: Myanmar đang trong những năm đầu tiên cải cách kinh tế sau nhiều thập niên trì trệ, các lợi ích kinh tế chưa được tạo ra nhiều và nạn tham nhũng do đó chưa đến mức bất trị. Tình hình Myanmar hiện nay cũng giống Việt nam đầu những năm 1990. Các đồng sự của bà Aung Sang Suu Kyi, và cả một số thành phần trong bộ máy cai trị quân sự độc tài cũ, đang mang trong mình tâm lý khao khát cống hiến cho quốc gia: Họ vẫn còn nhiều giá trị thuộc về lý tưởng. Với nguồn chất liệu khởi nguồn như thế, nếu xây dựng bộ máy nhà nước với các cơ chế kiểm soát và giám sát tốt, ngăn chặn sự tha hóa về đạo đức, có nhiều khả năng bà Aung Sang Suu Kyi sẽ có một bộ máy nhà nước mà hiệu năng sẽ được nâng dần theo thời gian (các viên chức và chính khách mới được bổ nhiệm cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm điều hành quốc gia) nhưng điều quan trọng nhất, là họ sẽ giữ được sự trong sạch và cả động cơ lý tưởng, điều sẽ đảm bảo Myanmar tiến nhanh và vững chắc về dài hạn.
Bà Aung Sang Suu Kyi có một sự liên hệ thiên nhiên với nước Anh, qua các mối quan hệ gia đình và qua cả sức hút cá nhân rất lớn của bà. Bà có lợi thế để tập hợp một lực lượng cố vấn có kinh nghiệm kỹ trị từ Anh, để bù đắp khiếm khuyết của mình. Việc trước mắt của Aung Sang Suu Kyi, chính là tập hợp quanh mình những nhân sự chất lượng cao, có động cơ cống hiến và lý tưởng. Bà cũng phải tìm tiếng nói chung với những thành phần cũ trong chính phủ quân sự độc tài, và hợp tác với họ thay vì loại trừ nhau, bởi nếu không nền tảng đoàn kết của Myanmar sẽ bị phá hoại nghiêm trọng. Nếu bà Aung Sang Suu Kyi có thể có các chuyên viên quản trị giỏi của Anh về làm cố vấn, và mời được cả những chính khách cũ nhưng có lý tưởng cao (Ví dụ như tổng thống Thein Sein) tham gia vào chính quyền mới với một vai trò thích hợp nào đó, nhiều khả năng Myanmar sẽ có một cú lột xác ngoạn mục trong 10 năm tới.
Nền chính trị ở Myanmar hiện nay chỉ là một bước chuyển tiếp của một xã hội dân chủ. Phe quân sự vẫn nắm 25% số ghế lưỡng viện không cần bầu chọn và nắm quyền phủ quyết hiến pháp. Lợi ích cũ của những thành phần đang nắm quyền trong phe quân sự sẽ vẫn là những trở lực lớn cho các chính sách kinh tế và cải cách quốc gia. Tuy nhiên, người Myanmar đã tiến được một bước dài trong lộ trình hướng tới tiến bộ, thịnh vượng và tự do. Vận hội người Myanmar có trong tay hôm nay, là những thứ mà người Việt nam phải nhìn và ao ước.
Thế giới này kết nối với nhau bởi Babylon Effect, những thứ diễn ra ở trên trời hay dưới đất cuối cùng đều có thể gây ra lũ ở Việt Nam. Huống hồ sau Myanmar, Việt Nam nổi lên thành cái gai duy trì nền độc tài duy nhất ở đông nam á. Thực tại này sẽ tác động mạnh đến nhận thức cả ở Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh nội trị và ngoại họa đều bi bét, nó rồi sẽ dẫn đến cái gì?

Luật mới và cơ hội làm ăn

Luật mới và cơ hội làm ăn.

Ngày 28/11/2015, chế độ Việt Nam thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu chống tham nhũng đến cùng bằng việc bỏ án tử hình đối với tội tham ô, nếu đối tượng phạm tội bồi thường 3/4 số tiền đã chiếm đoạt của nhà nước.

Nổi trội ở đây là tinh thần đấu tranh chống tham nhũng đến cùng, thể hiện quyết tâm đem mồi nhử để thu hồi tiền thất thoát cho nhà nước. Nó cũng thể hiện tinh thần nhân đạo bác ái của chế độ với những đồng chí tốt của mình. Một đỉnh cao mới trong số các đỉnh cao ưu việt của nền chính trị xã hội chủ nghĩa. Biện pháp con cá và mồi câu này quả là kỳ diệu, nó không đòi hỏi việc cần phải thiết lập các cơ chế giám sát phức tạp, việc phải đào tạo lựa chọn con người để ngăn ngừa tham nhũng xảy ra, cái mà bọn tư bản giãy chết phải mất nhiều thập niên tốn công xây đắp.

Bộ luật mới ngay lập tức tác động mạnh đến số phận nước nhà. Nhiều đồng chí tốt giữ cương vị cao trong các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổ chức tài chính quốc gia đang nghiên cứu rất kỹ điều khoản luật mới này. Một số đồng chí có gọi điện hỏi anh, phải mần răng để khai thác quy định mới cho thật tốt. Bài toán ở đây khá đơn giản, với các đồng chí cận tuổi hưu, vùng vẫy cũng đã chán, ăn hút cũng đã nhiều, cần có hoàn cảnh sống chay tịnh kiêng khem để chữa bệnh Gut, tiểu đường hay sinh lý yếu, đồng chí lớn thì cứ đút túi đại khoảng 1000 tỷ, dấu thật kỹ, khi lộ thì đem 750 tỷ ra khắc phục hậu quả, còn lại 250 tỷ chắc cũng đủ lo cho bu cháu với mấy thằng cu, đem số lẻ tiếp tế hàng ngày thì các đồng chí cũng sống thọ thêm được 20,30 năm, án chung thân quan hệ quản giáo tốt thì cũng chỉ độ 10-12 năm là ra sau đặc xá. Nếu cứ nhìn vào vinashin với số tiền công khai thất thoát (không phải con số thực) lên tới 86.000 tỷ, nếu cứ đúng tỷ lệ 75% khắc phục hậu quả thì các đồng chí vẫn còn đến 21500 tỷ để chia nhau.

Quy định mới của luật, quả là một đỉnh cao mới trong các chính sách của chế độ ta. Tô điểm thêm cho tính sáng tạo của một trong những sự tồn tại dị dạng hiếm hoi còn sót lại trên thế giới.

Một phần của bức tranh "Đêm trước ngày tận thế", nó sinh ra những thứ không ai có thể gọi thành lời.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Tại sao Stalin?

Tại sao Stalin?
Putin đang vật vã chèo chống nước Nga giữa con bão tố cấm vận, chiến tranh và bạn bè (tưởng là) đâm thọc sau lưng. Lối hành xử của Mỹ, Nato, Thổ Nhĩ Kỳ khiến người ta càng cảm nhận sâu sắc đâu là thực tại của các mối quan hệ đồng minh, tính bền vững của các hiệp ước và đâu là phần khuất của tảng đá ngầm dưới bọt sóng biển.
Cũng vào thời điểm này, Trung Quốc thách thức mọi điều ước quốc tế và ngày một hung hăng. Tin gần nhất là tàu quân sự Trung Quốc áp sát và chĩa súng đe dọa tàu vận tải Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Hoàng Sa giờ đã là vùng biển cấm với Việt Nam. Và miếng bánh hão đại cục mà Tập Cận Bình dí cho đám lãnh đạo Việt Nam đang ngày qua ngày biến nốt Trường Sa thành vùng biển cấm.
Quay cuồng trong sóng gió, giữa nạn nội xâm độc tài tham nhũng ngày một thối nát, là mối đe dọa ngoại xâm cháy sát lông mày, người Việt Nam vật vã tìm một lối đi. Thù ngoài giặc trong, có lẽ đây là một thời kỳ lịch sử sóng gió nhất của Việt Nam. Nhưng cũng chính thời khắc này, người Việt cần xiết chặt tay nhau, tìm lối ra giữa màn đêm đen tối, để chứng minh với thế giới về khả năng sinh tồn của một dân tộc kiên cường, như chúng ta vẫn luôn là trong suốt chiều dài cha ông lập quốc.
Đoạn trên anh viết theo văn phong Churchil, làm tài liệu demo cho các lãnh đạo Việt Nam trong bài phát ngôn nhậm chức sau kỳ đại hội vào đầu năm tới. Còn đây là nội dung muốn bàn.
Hãy đọc thật kỹ phần tư liệu lịch sử này (trích đoạn một bài dịch trên trang nghiên cứu quốc tế) để hiểu đâu là bản chất chi phối các hiệp ước và các mối quan hệ quốc tế, để ý thức được cái gì thực sự là thứ sẽ giúp người Việt Nam tìm thấy lối ra. Một kết luận phụ rút ra, cũng để nhiều bạn hiểu cái gì khiến những cá nhân khác nhau đi vào lịch sử. Ở đây là Stalin, một bạo chúa hung tàn, nhưng đồng thời, tất nhiên, một con người kiệt xuất:
Tưởng Kinh Quốc bí mật gặp Stalin, cố gắng đấu lý
Hôm sau Tống Tử Văn gửi điện cho Tưởng Giới Thạch, báo cáo tình hình hội đàm và đề nghị Tưởng xem xét mấy phương án như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc ký hiệp định liên minh với Liên Xô, cho phép Liên Xô đóng quân tại Mông Cổ; thứ hai, để Ngoại Mông Cổ thực hiện “tự trị cao độ”; thứ ba, Ngoại Mông Cổ có quyền tự chủ về quân sự, nội chính và ngoại giao, nhưng không có tính chất là một nước cộng hòa liên bang Xô Viết.
Người Mỹ rất quan tâm tới cuộc đàm phán Trung Quốc-Liên Xô. Tổng thống Truman bảo Bộ trưởng Ngoại giao Byrnes chuyển tới Chính phủ Trung Quốc ý kiến như sau: “Chưa thảo luận cách giải thích về địa vị của Ngoại Mông Cổ trong hiệp định Yalta; Chính phủ Mỹ cho rằng tuy về pháp lý thì chủ quyền Ngoại Mông Cổ vẫn thuộc Trung Quốc, nhưng trên thực tế chủ quyền ấy chưa được hành xử.”
Tống Tử Văn nắm lấy lời văn “phải duy trì hiện trạng của Ngoại Mông Cổ” trong hiệp định Yalta để đấu lý. Ông kiên trì nói hiện trạng đó tức là chủ quyền của Ngoại Mông Cổ vẫn thuộc về Trung Quốc. Còn Stalin thì nói rõ Liên Xô yêu cầu Trung Quốc thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập. Hai cách nói này tuy diễn tả cùng một sự thật nhưng ảnh hưởng thì lại khác nhau xa.
Dĩ nhiên Tưởng Giới Thạch hiểu rõ sự hơn thiệt trong đó. Thấy trên bàn đàm phán đã tạm thời bất đồng, Tưởng Giới Thạch bèn điện cho Tưởng Kinh Quốc, bảo Quốc lấy danh nghĩa cá nhân gặp riêng Stalin.
Tưởng Kinh Quốc nhớ lại:
Khi gặp nhau tại nhà riêng của Stalin, lúc đó tôi có nói: “Người Trung Quốc chúng tôi kiên trì kháng chiến chống Nhật là để thu hồi lãnh thổ đã bị mất. Hiện giờ Nhật còn chưa thua mà [chúng tôi] đã cắt nhượng một vùng đất rộng như Ngoại Mông Cổ thì cuộc kháng chiến của chúng tôi còn có ý nghĩa gì? Quốc dân Trung Quốc nhất định sẽ chửi chúng tôi là đồ bán nước.”
Vì đã là chỗ gặp riêng nên Stalin cũng bớt dùng các lời lẽ ngoại giao mà nói thẳng thừng với Tưởng Kinh Quốc: “Ông nói rất có lý, nhưng có điều ông cần biết rằng hôm nay không phải là tôi cầu xin ông mà là ông đến xin tôi giúp. Nếu các ông có đủ sức đánh bại người Nhật thì dĩ nhiên tôi sẽ không nói gì. Nhưng các ông không đủ sức thì những lời vừa rồi ông nói là vô ích.”
Tưởng Kinh Quốc nói: “Ngài chẳng cần lo ngại Ngoại Mông Cổ đe dọa sự an toàn của Liên Xô. Sau khi Nhật thua trận, nước Nhật sẽ không còn ngoi dậy được nữa. Chỉ Trung Quốc mới có thể tấn công Liên Xô từ Ngoại Mông Cổ, nhưng bây giờ hai nước chúng ta có thể liên minh với nhau, Trung Quốc bảo đảm ít nhất hữu hảo với Liên Xô trong ba chục năm. Ngài cũng biết đấy, cứ cho là Trung Quốc muốn đánh Liên Xô thì cũng chẳng có sức mà đánh.”
Stalin lắc đầu: “Ông nhầm rồi. Thứ nhất, cứ cho là Nhật thua thì dân tộc ấy cũng không bị tiêu diệt. Nếu người Mỹ tiếp quản nước Nhật thì không quá 5 năm sau Nhật sẽ bò dậy.”
Tưởng Kinh Quốc nói xen vào: “Nếu Liên Xô tiếp quản nước Nhật thì sao?”
“Tôi tiếp quản ấy à, cũng chẳng qua lui lại thêm 5 năm thôi.” Stalin nói tiếp: “Thứ hai, hiện nay Trung Quốc không đủ sức đánh chúng tôi, nhưng chỉ cần Trung Quốc thống nhất thì các ông sẽ tiến nhanh hơn bất cứ nước nào. Ông nói liên minh với nhau, bây giờ vì tôi không coi ông là nhà ngoại giao nên tôi nói thật với ông nhé: hiệp ước là thứ không đáng tin đâu.”
Tưởng Kinh Quốc không biết nói gì nữa.
Stalin nói tiếp: “Còn có nguyên nhân thứ ba, cứ cho là Nhật và Trung Quốc không đủ sức qua Ngoại Mông Cổ đánh Liên Xô, điều đó không có nghĩa là không có những lực lượng khác tấn công Liên Xô.”
“Mỹ chăng?” Tưởng Kinh Quốc hỏi.
“Dĩ nhiên rồi.” Stalin nói không chút do dự.
Tưởng Kinh Quốc nghĩ bụng, ông vừa mới ký hiệp định Yalta với người Mỹ xong, được hời lớn như thế[4] mà ông còn coi người Mỹ là kẻ địch. Trung Quốc trong mắt ông lại càng là đối thủ tiềm tàng. Với tâm trạng như thế, thật sự chẳng còn lý lẽ gì để nói nữa.
Trong mẩu tư liệu lịch sử trên, Stalin thể hiện cái nhìn sâu sắc về bản chất thứ chi phối quan hệ giữa các quốc gia, tính bền vững của các hiệp ước. Và cái nhìn cua Stalin về Nhật Bản, ngay ở thời khắc đất nước ấy sắp chiến bại, là một cái nhìn vượt thời đại. Để sinh tồn trong thế giới này, cuối cùng, chỉ có quyền lợi quốc gia là thứ vững bền hơn tất thảy. Lùi dù chỉ một chút lợi ích quốc gia để đổi lấy những thứ viển vông, cũng đồng nghĩa với việc đẩy tương lai đất nước dần xuống đáy vực thẳm.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Đồng Nọc Nạng và công lý thời kỳ thực dân





Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một đường link yêu cầu lấy chữ ký, không rõ tác giả. Đây là một bức thư ngắn, viết bằng tiếng Anh với đôi chỗ chưa thực sự chuẩn về dữ kiện và ngôn ngữ, gửi đến chính phủ Mỹ theo đường link chính thức của nhà trắng. Theo quy định của luật pháp Mỹ, mọi ý kiến gửi đến, nếu nhận được đủ 100.000 yêu cầu ủng hộ, chính phủ Mỹ sẽ phải ban hành một câu trả lời chính thức, bất kể đó là nội dung gì.

Đây là đường link cho bài viết: https://goo.gl/lTQgbK

Trong một Status ngắn trên trang face này, anh chia sẻ thông tin và đề nghị mọi người cùng ký. Không dễ dàng để tập hợp đủ 100 nghìn chữ ký ủng hộ, và dù có đủ, thì ngay cả một phản ứng ngoại giao ủng hộ từ Mỹ cũng hầu như khó có thể thay đổi số phận của cậu thiếu niên 15 tuổi được đề cập đến trong bài viết. Tuy nhiên, hành động ấy rất có ý nghĩa. Bất cứ ai quan tâm và giành thời gian cho nó, cho một điều rất nhỏ và đơn giản bạn chưa bao giờ làm, cũng đồng nghĩa với việc chính bạn đang thay đổi. Ký hay không ký chỉ là vài cái kick chuột và vài dòng ký tự, nhưng nó lại quyết định đến việc thay đổi số phận, trong trường hợp này, không phải chỉ của một vài người. Thông điệp mà anh muốn nhấn mạnh: Hãy làm, hãy bắt đầu, từ những điều rất nhỏ, không phải cho hôm nay mà là cho ngày mai.

Nội dung câu chuyện trên là gì thì có rất nhiều thông tin trên net, cả chính thống lẫn mạng xã hội, anh không post lại ở đây. Đại loại là câu chuyện kinh điển về việc cưỡng chế giữa lực lượng hành pháp và sự phản kháng của một nhóm nhỏ người dân. Toàn bộ gia đình ấy đều đã ngồi tù. Cậu bé 15 tuổi trong bài viết này được tách ra xét xử riêng và bản án nhận được là 4 năm rưỡi tù giam. Câu chuyện này có nhiều nét phảng phất vụ án Tiên Lãng của ông Đoàn Văn Vươn, một người nông dân lương thiện chỉ muốn sống bằng chính đôi tay trên mảnh đất mình khai phá, bị đẩy vào thế buộc phải dùng bạo lực để chống lại đoàn quân đến cưỡng chế tài sản của mình. Ông Vươn nhận bản án 5 năm tù cho tội giết người (dù không ai chết) dưới mức khung hình phạt khá nhiều và mới được thả sau nhiều năm ngồi tù, nhưng vì sự can thiệp quyết liệt của dư luận xã hội, chính sách của nhà nước đã phải thay đổi và gia đình ông Vươn giữ được mảnh đất của mình. Hiện nay thì người đàn ông ấy đã quay về làm một nông dân, tiếp tục cần mẫn trên mảnh đất cũ đã hoang phế trong nhiều năm ngồi tù. Có lẽ đến giờ ông ta vẫn phải tự hỏi, cái gì đã khiến ông ta mất hơn 4 năm ngồi tù, một người lương thiện bị dồn vào bước đường cùng và để rồi ông lại trở về với chính những gì xuất phát?

Năm 2008, trong một buổi trả lời ý kiến người dân được truyền hình trực tiếp, có một câu hỏi được gửi đến Putin: “Nếu có một cảnh sát xấu đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì liệu người dân có được quyền chống lại hay không?” Ông Putin, trên sóng truyền hình trực tiếp, đã trầm tư khá lâu và trả lời ngắn gọn “Có”. Và ông ta bổ sung “Luật pháp sau đó sẽ hành động để đảm bảo mọi người dân đều được bảo vệ, nhưng mỗi công dân trước hết đều có quyền bảo vệ chính mình”.

Câu chuyện của cậu thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn năm 2015, câu chuyện về ông Đoàn Văn Vươn năm 2012, câu trả lời của ông Putin năm 2008, những câu chuyện khác nhau, xảy ra ở những không gian và thời gian khác nhau nhưng lại có một điểm chung xuyên suốt. Nó khiến người ta phải đặt ra một câu hỏi về tính hợp pháp hay bất hợp pháp trong các hành vi chống cự của người dân với các lực lượng hành pháp mang màu áo chính quyền trong những trường hợp cụ thể. Người Nga và nhiều nước khác đã có câu trả lời từ tổng thống và nền pháp quyền quốc gia của họ. Còn người Việt Nam, bất kể đó là câu chuyện gì, bất kể lực lượng hành pháp đang hành động đúng hay sai, cánh cửa duy nhất cho những người dân với lý lịch hoàn toàn vô tội ấy luôn luôn là nhà tù.

Anh buộc phải nhớ đến một sự kiện ở xa hơn, đã đi vào lịch sử, vụ án Đồng Nọc Nạng (nhiều nguồn tin gọi là Nọc Nạn) năm 1928, vào thời kỳ thực dân Pháp đang chiếm đóng Việt Nam. Chi tiết vụ việc, các bạn có thể đọc hai nguồn tin này:
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_N%E1%BB%8Dc_N%E1%BA%A1n


Đại loại có một gia đình nông dân khai hoang 73 hecta đất sau nhiều thế hệ. Qua việc mua bán lòng vòng và các thủ đoạn cấu kết giữa một số cá nhân và quan phủ người Việt, gia đình người nông dân ấy “Gia đình ông Biện Toại” bị tước đoạt toàn bộ diện tích đất mình đã khẩn hoang. Việc theo kiện của ông ta không thành công và chính quyền thực dân cấp giấy sở hữu cho người chiếm đoạt. Ngày 16/02/1928 lực lượng cưỡng chế hợp pháp của chính quyền bấy giờ, gồm hai viên cảnh sát Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Bị dồn đến chân tường, toàn bộ gia đình Biện Toại chống lại đến cùng. Tournier bị Mười Chức (em ruột Biện Toại) đâm trúng bụng, sau đó thì chết. Phía gia đình Biện Toại có bốn người thương vong trong đó có một phụ nữ mang thai.

Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạng ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco. Bản án được tuyên bởi một chánh án người Pháp, một công tố viên luận tội người Pháp và những luật sư biện hộ cho các bị cáo cũng là người Pháp, cho một vụ án mà hành vi chống người thi hành công vụ là rất rõ ràng (10 người trong gia đình Biện Toại, trang bị dao và mác nhọn chia làm hai tốp lao đến đoàn cưỡng chế) và gây ra cái chết của một cảnh sát Pháp. Vậy nhưng cái tòa án thực dân ấy lại tuyên một bản án cho những người nông dân thuộc địa chống chính quyền cai trị mẫu quốc một bản án mà đến ngày hôm nay, sang thế kỷ 21, còn khiến người Việt Nam đang sống trong chế độ Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa phải tự vấn cái gì đang thực sự tồn tại trên đất nước mình:


Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng) tha ngay tại tòa. Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án ăn trộm.


Đó chính là công lý thời kỳ thực dân, thời kỳ mà ngày nay lịch sử được viết bởi bên thắng cuộc, luôn giành cho nó những ngôn từ đen tối nhất. Thế nhưng hãy nhìn bản án tuyên cho ông Đoàn Văn Vươn, cho cậu thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, và tự đặt ra câu hỏi, vào năm 2015, ở thế kỷ 21, người dân Việt Nam đang thực sự được hưởng nền pháp lý kiểu gì?

Vì vậy, một lần nữa, các bạn phải tự đặt câu hỏi đâu là công lý và lẽ công bằng. Và hãy làm một điều rất nhỏ thôi, để thay đổi chính mình và cho ngày mai. Hãy ký:


P/S có một ý kiến comment thú vị của một bạn trong status trước của anh về cùng chủ đề:

Chuyện của người Kinh lại sang gõ cửa thằng Mẽo kêu oan khổ là sao? Thực sự đéo hiểu nổi

Và một ý kiến phản hồi cũng rất thú vị của một bạn khác: Chuyện Biển Đông là việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nên cần song phương giải quyến vấn đề này. Đề Nghị nghiêm cấm mọi hành vi và tư tưởng đa phương hóa giải quyết vần đề này nhất là những việc đăng tin chính quyền Mỹ phản đối TRung Quốc trái phép xây dựng trên Biển Đông. Thực sự cũng đéo hiểu nổi...

Đây là ý kiến của anh: Để đấu tranh cho tự do và công lý, người ta cần tận dụng mọi phương tiện, mọi cơ hội ít ỏi có được, dù đó là ở đâu, là với ai. Nhất là khi đó là những giải pháp văn minh và hòa bình. Đơn giản vậy thôi.
Bổ sung câu trả lời cho các câu hỏi về chi tiết sự kiện:

Vài bạn thắc mắc vụ Nguyễn Mai Trung Tuấn, các bạn chịu khó search một tí. Tất cả các nguồn tin trên báo chính thống khi tường thuật vụ việc đều lờ tịt "thời gian gia đình Tuấn sinh sống trên mảnh đất này", một thông tin rất quan trọng quyết định đến vụ án. Theo tường thuật của các nhân chứng sinh sống tại Thạnh Hóa - Long An, thì gia đình này (ông nội đã chết) sống ở mảnh đất này từ những năm 1965, tính đến 2015 là tròn 50 năm không có tranh chấp, trải qua hai chế độ, chính thể Việt Nam Cộng Hòa (cũ) và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hiện nay). Việc họ có được coi là chủ nhân hợp pháp của mảnh đất đó hay không (dù có hay không có trước bạ), được quy định rõ trong luật đất đai 2003. Đây là câu chuyện của các luật sư và các nhà làm luật.

Có một vấn đề rất lớn là cơ sở chính để truy tố Tuấn là bản giám định thương tích của nạn nhân, được kết luận 35%. Đây là một bản giám định đáng ngờ, loại axit Tuấn sử dụng nếu là axit dùng để đổ ắc quy (thứ có sẵn trong nhà làm nghề sửa xe) thì khó có thể gây thương tích mang tính tàn phá như thế. Ảnh chụp nạn nhân Thủy trước tòa trông hoàn toàn không tương xứng với bản giám định thương tật 35%. Trên báo chí chính thống, đáng ngạc nhiên, không có bất cứ một bức chụp nào cận cảnh vết thương tích của nạn nhân. Tất cả đều được dấu kín trong bộ áo sơ mi đóng thùng chỉn chu và một bản giám định có nhiều khiếm khuyết. Việc ký ủng hộ Tuấn không đem lại cơ hội gì nhiều, nhưng ít nhất cũng sẽ gióng lên hồi chuông và biết đâu nó đem lại cơ hội cho một hội đồng giám định thương tật khác, xác định chính xác mức độ thương tích của "nạn nhân".

Nói chung, đây vẫn là câu chuyện của "lỗi hệ thống và sự lạm dụng quyền lực" https://www.facebook.com/Langlanhtu/posts/10203780061062043 Các chính sách được ban hành và được thực thi nhằm mang lại lợi ích cho nhà cầm quyền chứ không xuất phát từ quan điểm "an dân". Cho nên, công lý Đồng Nọc Ngạn thời kỳ thực dân vào năm 1928 vẫn là một giấc mơ cho nhiều người Việt Nam vào năm 2015.
2015.