Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Trung Đông và diện mạo một thế giới mới

Thế giới này thật kỳ lạ. Có đôi khi những sự kiện xảy ra bất chấp mọi dự đoán của những chiến lược gia thiên tài. Có lẽ đó chính là điều khiến sự sinh tồn của con người vừa bấp bênh lại vừa hấp dẫn, khi cơ hội, sự rủi ro và những điều bất định vẫn có thể thường xuyên xuất hiện trên thế giới này.

Những ngày này toàn thế giới đang dõi mắt về Trung Đông, nơi mà những chính phủ với những nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn từng vững tay chèo hàng vài thập kỷ. Mới hôm trước họ và những người thân thuộc còn là những kẻ đứng trên đỉnh uy quyền, ngày hôm sau đã là đám lưu vong vô tổ quốc, bị nguyền rủa ở chính quê hương và bị khinh ghét trong tư cách những kẻ độc tài, ham hố quyền lực, vơ vét tài sản quốc gia và đốn mạt.

Từ một sự kiện gần như chẳng mấy để các vị lãnh đạo quốc gia quan tâm, một vụ tự thiêu nhỏ nhoi của một chàng sinh viên tốt nghiệp tại một miền đất cũng không mấy đáng chú ý trên bản đồ thế giới, vốn được ngự trị trong trật tự xếp đặt của các cường quốc lớn, bỗng chốc một lò lửa khổng lồ lan rộng khắp Trung Đông. Lần lượt các chính phủ từng ngự trị vài thập niên tại Tunisie, Ai Cập nối nhau sụp đổ. Cơn địa chấn rung chuyển khắp thế giới. Lò lửa lan nhanh sang các quốc gia lân cận. Khói lửa bùng cháy tại Bharain, Iran, Iraq và đặc biệt dữ dội tại Libya. Những nhà lãnh đạo quốc gia vốn ngự trị trên đỉnh cao quyền lực, bỗng chốc trở thành những kẻ lưu vong bị phỉ nhổ bởi chính dân tộc mình. Mumbarak, Ben Ali và rồi rất có thể tới đây là Gadafi đang cùng phải gánh chịu số phận nghiệt ngã mà lịch sử phán quyết cho những nhà độc tài có bàn tay đẫm máu, mà thời gian cai trị kéo dài gắn liền với sự thoái hóa đạo đức và bóp cổ dân đen. Tài sản của họ và gia tộc đang bị phong tỏa trên khắp thế giới, và trở thành những kẻ lạc loài trong mắt những người đồng chủng tộc. Cái giá phải trả đầy cay đắng mà đáng ra họ đã có thể tránh được.

Cách đây dăm tháng, không ai chờ đợi và hình dung được những gì đang xảy ra tại Trung Đông lại có thể trở thành sự thật. Phần lớn những quốc gia này đều giàu tài nguyên, có nền kinh tế phát triển thuộc vào nhóm trung bình khá trên thế giới. Thu nhập quốc dân tính trên đầu người hoàn toàn không thấp. Và điều giống nhau là, hầu hết các quốc gia này đều được cai trị bởi những nhà lãnh đạo độc đoán trong suốt nhiều năm ròng. Được coi là những chế độ có độ ổn định cao và khét tiếng với chính sách cai trị bàn tay sắt. Đã từ lâu, thế giới Arap không được coi là nơi mà niềm khát vọng tự do mãnh liệt, bởi bản thân hồi giáo vốn là một thứ giáo lý có tính độc đoán một cách tự nhiên. Vậy mà ngạc nhiên thay, đó lại chính là nơi mà những lò lửa đòi hỏi sự ra đi của những chế độ độc tài đang bùng cháy dữ dội nhất.

Những nguyên nhân dẫn đến làn sóng dữ dội của người dân tại Tunisia, Ai Cập, Iraq, Iran, Bharain, Libya ... đều khá rõ ràng: Nền cai trị độc tài, nạn tham nhũng hoành hành, sự bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội và đặc biệt là nạn lạm phát cộng với tỉ lệ thất nghiệp cao trong những thành phần trẻ tuổi. Từ một đốm lửa nhỏ, đám đông quần chúng sát cánh với nhau thành một lò lửa dữ dội. Súng ống và bạo lực đã được các nhà độc tài sử dụng tối đa. Máu đổ và nhiều người đã chết. Người ta chứng kiến sự sụp đổ từ bên trong một cách nhanh chóng của các nền cai trị độc tài, khi bạo lực không những không đè bẹp mà chỉ làm khát vọng tự do của đám đông thức tỉnh càng mạnh mẽ hơn.

Một cách tỉnh táo, phải nhìn nhận rằng vai trò của Mỹ trong những sự kiện tại Tunisia và Ai Cập là khá đậm nét. Nhưng những gì đang diễn ra tại Libya thì lại là điều mà cả thế giới đều bất ngờ, gồm cả nước Mỹ. Được kích thích bởi niềm khao khát tự do đạt tới thành công tại Ai Cập và Tunisia, người dân Libya cũng chợt trở lên bừng tỉnh. Gadafi và gia tộc đang vật lộn trong cơn động đất. Súng máy, pháo hạng nặng và máy bay oanh tạc đều đã được ông ta dùng đến để chống lại chính dân tộc mình. Chế độ Gadafi đang hấp hối từ bên trong, khi giờ đây ông ta phải sử dụng những đội quân đánh thuê để bắn giết chính người Libya. Bất chấp kết quả cuối cùng thế nào, Gadafi chắc chắn vĩnh viễn không còn chỗ đứng trong lòng người dân Libya, và cố nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với chế độ của ông ta đang ở những ngày tận số.

Hầu hết các nước có nền cai trị mang hơi hướng độc tài tại Trung Đông đều đang nín thở. Cơn rùng mình ớn lạnh còn lan sang cả Á Châu, nơi mà nhiều nền độc tài toàn trị đã ngự trị ngót dăm sáu thập niên. Người ta đang tự hỏi, cuộc cách mạng đang diễn ra tại Trung Đông đang gửi thông điệp gì cho nhân loại vào đầu thế kỷ 21 này? Nếu thế kỷ 20 được coi là thế kỷ chấm dứt của thời kỳ thuộc địa, có lẽ thế kỷ 21 cũng sẽ là thời kỳ chấm dứt của những nền cai trị độc tài. Mọi sự thay đổi trật tự lịch sử đều không dễ dàng, sẽ có máu, bạo lực và đôi khi là những cuộc chiến tàn bạo, nhưng cũng sẽ là những điều không thể đảo ngược.

Sự tồn tại của mọi nền cai trị độc tài, đều đang được đo bằng một chiếc đồng hồ đếm ngược.

Có một lời nhận định của một thằng Tàu Khựa là Lưu Á Châu mà anh Lãng khá tâm đắc "Nền văn minh Mỹ dù có đặt một thằng cực ngu lên nắm quyền, nó cũng không gây được mấy tổn hại cho cái đất nước ấy, còn với nền cai trị Trung Hoa, sự thịnh vượng phụ thuộc rất lớn vào sự sáng suốt của người đứng đầu. Nó có thể may mắn có được những nhà lãnh đạo tài giỏi trong 10, 20 thậm chí 30 năm, nhưng sự thông thái đó không thể luôn kéo dài vĩnh viễn. Và tương lai của một dân tộc không thể đặt cược vào một canh bạc phụ thuộc quá lớn vào trí tuệ kéo dài của một nền độc tài, sớm muộn gì cũng sẽ có một thằng ngu lên nắm quyền và cố nhiên sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả một đất nước". Thằng Khựa này có tầm nhìn xa, trừ câu cuối cùng, sự sụp đổ có thể chỉ là của một chế độ cai trị chứ không phải là của một đất nước.

Nhìn sang tình hình Thái Lan, với làn sóng biến động chính trị suốt 4 năm qua cũng cho thấy đâu là thực tiễn vấn đề. Bất chấp các làn sóng chính trị của phe áo đỏ hay áo vàng, mà có nhiều lúc làm tê liệt toàn bộ hệ thống chính trị Thái Lan, cái đất nước ấy vẫn đạt được tốc độ phát triển đầy ấn tượng và người dân vẫn giàu có lên từng ngày trong suốt những năm qua. Phải chăng người Thái cũng đang được tưởng thưởng vì có một nền văn minh đã trải qua thử thách?

Ngày hôm nay của Mubarak, Ben Ali ... cũng sẽ là ngày mai của nhiều nền cai trị độc tài khác trên thế giới. Điều duy nhất chúng ta nên mong mỏi, là một sự thức tỉnh của những nền cai trị, bởi nếu không sớm muộn gì cũng sẽ có máu đổ và cái giá phải trả là đắt đỏ. Những nhà độc tài bị lật đổ và con cháu giờ đây đang bị phong tỏa tài sản, sống lưu vong và rồi chắc chắn sẽ phải đối mặt với những phiên tòa xét xử cho những tội ác đẫm máu của họ trong lúc cầm quyền.