Cuối cùng thì Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 255 ghế trong hạ viện, 135 ghế thượng viện, 496 ghế trong nghị viện bang và vùng, chiếm 77,04% số ghế được bầu tại ba cấp trong quốc hội. Tỷ lệ vượt trội này giúp Aung San Suu Kyi và đảng của bà giành quyền lãnh đạo tuyệt đối với chính phủ mới, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 03/2016. Đảng NLD có 4 tháng để chuẩn bị bộ máy của mình, gồm ứng viên Tổng Thống và nội các.
Cuộc bầu cử lịch sử của Myanma thành công nhờ sự nỗ lực và hợp tác vượt trội của nhiều thành phần chính trị ở đất nước phức tạp này. Gồm các phe thủ cựu từng nắm quyền độc tài trong nhiều thập niên là quân đội và cả những lực lượng tri thức mới với nỗi khao khát tự do dân chủ. Người Myanma lấy lại được niềm tin vào số mệnh quốc gia và đang đặt kỳ vọng vào một thời kỳ mới. Đây là cơ hội để thực hiện một sứ mệnh lịch sử khác của Aung San Suu Kyi, người đã luôn là biểu tượng cho tự do của Myanma trong khoảng 40 năm qua, nhưng giờ đây, bà phải gánh thêm gánh nặng xây dựng một Myanma mới, để không bỏ lỡ cơ hội mà lịch sử đã trao tặng cho bà và dân tộc bà.
Ấn tượng của anh Lãng về Aung San Suu Kyi là một người phụ nữ đầy trí tuệ, hiểu biết rất rộng, khôn khéo nhưng có chất thép bên trong. Phong thái của người phụ nữ ấy luôn khiến người đối thoại phải chú ý. Dù là một biểu tượng của khát vọng dân chủ nhưng Aung San Suu Kyi cũng là một người đầy thực tế. Có thể thấy rõ điều này trong các chuyến thăm tới Trung Quốc và trong các lời phát ngôn rất thận trọng về các sự kiện liên quan đến xung đột và ly khai của Aung San Suu Kyi.
Không phải người mở đường nào cũng sẽ thành công trong việc chèo lái quốc gia. Nelson Mandela xứng đáng là một thánh nhân khi ông ngay lập tức rời bỏ quyền lực (dù không ai có thể thắng ông trong bất cứ cuộc bỏ phiếu nào) chỉ sau một nhiệm kỳ Tổng Thống sau khi chấm dứt chế độ Apacthai nhằm nhường chỗ cho những nhân vật có năng lực kỹ trị tốt hơn ông lên cầm lái đất nước. Tuy nhiên, Mandela có nền tảng tốt tại Nam Phi, khi bản chất tổ chức nhà nước mà thiểu số elite da trắng đã xây dựng ở đất nước này vận hành khá tốt theo chuẩn mực phương tây. Mandela biết đâu là sứ mệnh của mình, kể cả khi ngồi tù, kể cả khi là tổng thống và kể cả khi chủ động rời bỏ quyền lực. Một nhân cách vĩ đại.
Bài toán của Aung San Suu Kyi khó hơn rất nhiều. Xã hội của Myanmar có xuất phát điểm thấp, mang điển hình của một nước lạc hậu ở Đông Nam Á. Tổ chức nhà nước của phe quân sự độc tài xây dựng trong nhiều thập niên qua không mấy hiệu năng, trong khi đó, những nhân sự chủ chốt của Đảng NLD cũng không có mấy ai có kinh nghiệm điều hành đất nước.
Khó khăn lớn thứ hai của Myanma là nguy cơ nội chiến với các lực lượng ly khai. Ngay khi Myanmar xoay trục sang phía tây, các vụ chạm súng giữa quân chính phủ và người Kachin và người Myanma gốc Hoa bỗng bùng lên dữ dội, không khó hiểu nguyên nhân tại sao. Nhờ sự ủng hộ và đoàn kết của dân chúng sau khi tuyên bố lịch trình dân chủ hóa, tổng thống Thein Sein đã thành công trong việc kiểm soát xung đột và đàm phán ngừng chiến thành công với các lực lượng li khai. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng từ người láng giềng phía Bắc Trung Quốc đối với Myanma vẫn là một nguy cơ lớn cho đống lửa vẫn còn âm ỉ khói ở đất nước này.
Khó khăn thứ ba, là dân trí và hạ tầng. Người Myamar còn một chặng đường dài để đi trong lộ trình kiến thiết đất nước.
Tuy nhiên, Myanmar cũng có nhiều lợi thế. Giống Việt Nam đầu những năm 1986, người Myanmar đang bắt đầu cải cách nền kinh tế của mình sau nhiều thập niên bị kìm kẹp. Các nguồn lực của họ bị nén lại khá nhiều, khi được bung ra, nó sẽ tạo đà tăng trưởng tốt cho Myanmar trong thời kỳ tới. Với diện tích lãnh thổ 676577 km2 (gấp đôi Việt Nam), và dân số xấp xỉ 60 tr người, tôn giáo chính và duy nhất là Phật giáo, nhiều lợi thế về tự nhiên và mặt tiền bờ biển dài 1900 km nhìn ra Ấn Độ Dương, quốc gia này có thể tiến nhanh khi được điều hành đúng cách.
Có nhiều bài toán lớn mà Bà Aung Sang Suu Kyi cần giải quyết để tận dụng cơ hội được lịch sử ban tặng cho đất nước mình. Việc đầu tiên, chính là vượt qua khó khăn mà các thành phần thủ cựu trong phe quân sự cũ đã cài cắm vào hiến pháp để chặn khả năng làm tổng thống của bà (Hiến pháp Myanmar do phe quân đội thông qua và nắm quyền phủ quyết, quy định người kết hôn với người nước ngoài không được phép làm Tổng thống, chồng bà Suu Kyi là một giáo sư người Anh). Điều này dẫn đến một vấn đề tế nhị. Chính trị gia duy nhất và có tầm vóc lớn nhất trong đảng NLD chính là Aung Sang Suu Kyi. Khi không nắm quyền tổng thống, bà buộc phải dựng lên một tổng thống danh nghĩa và điều hành đất nước qua vai trò chủ tịch Đảng cầm quyền. Đây có thể là một yếu tố bất ổn tiềm ẩn với nền dân chủ non trẻ của Myanmar nếu bà Aung Sang Suu Kyi chọn sai người cộng sự. Bản chất của con người, luôn có sự khao khát quyền lực và không phải ai cũng đủ lớn để khỏi lóa mắt khi bỗng nhiên thành tổng thống một quốc gia. Bên cạnh đó, bà Aung Sang Suu Kyi sinh năm 1945, để đến được ngày hôm nay, bà cũng đã chạm mốc tuổi 70 với nhiều thập niên bị tù đầy và quản chế. Gánh nặng thời gian đã ít nhiều phủ xuống đôi vai gầy guộc của người phụ nữ kiên cường này, trong khi dân tộc Myanmar vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và bà phải đóng vai trò người mở đường trên con đường không hề dễ dàng ấy.
Bài toán lớn thứ hai, là bà Aung Sang Suu Kyi sẽ phải tiếp tục duy trì và củng cố sự đoàn kết quốc gia, giữa cái cũ và cái mới, giữa những thành phần độc tài cũ giờ vẫn đang nắm quyền và những nhân vật mới trong bộ máy nhà nước. Và cả sự đoàn kết của người Myanmar, gồm cả thành phần sắc tộc Kachin hay người gốc Hoa, một điều không phải dễ dàng.
Bài toán thứ ba, cũng là bài toán lớn nhất mà bà Aung Sang Suu Kyi phải giải quyết, chính là việc xây dựng một bộ máy cai trị mới, trên nền tảng của chính quyền cũ, một bộ máy đòi hỏi hiệu năng và tính trong sạch. 65 năm trước, khi Lý Quang Diệu lên nắm quyền ở Singapore, ông ta cũng đối mặt với khó khăn tương tự. Sau này khi ghi lại trong hồi ký, Lý Quang Diệu nói rằng ông ta phải cố gắng nắm quyền thật nhanh để tìm cách củng cố và duy trì nền pháp trị kiểu Anh ở Singapore trước khi nó bị làm băng hoại bởi nạn tham nhũng. Lý có nhiều thuận lợi khi chỉ phải cai trị một thành phố vài triệu dân, có nền tảng cũ là bộ máy hành chính của Anh để lại. Aung Sang Suu Kyi khó khăn hơn nhiều khi phải xây một chính quyền mới trên một bộ máy cai trị độc tài lạc hậu, ở một đất nước có dân số xếp hạng 24 trên thế giới.
Thuận lợi lớn nhất của Aung Sang Suu Kyi, bên cạnh sự ủng hộ của dân chúng, có lẽ chính là ở điểm này: Myanmar đang trong những năm đầu tiên cải cách kinh tế sau nhiều thập niên trì trệ, các lợi ích kinh tế chưa được tạo ra nhiều và nạn tham nhũng do đó chưa đến mức bất trị. Tình hình Myanmar hiện nay cũng giống Việt nam đầu những năm 1990. Các đồng sự của bà Aung Sang Suu Kyi, và cả một số thành phần trong bộ máy cai trị quân sự độc tài cũ, đang mang trong mình tâm lý khao khát cống hiến cho quốc gia: Họ vẫn còn nhiều giá trị thuộc về lý tưởng. Với nguồn chất liệu khởi nguồn như thế, nếu xây dựng bộ máy nhà nước với các cơ chế kiểm soát và giám sát tốt, ngăn chặn sự tha hóa về đạo đức, có nhiều khả năng bà Aung Sang Suu Kyi sẽ có một bộ máy nhà nước mà hiệu năng sẽ được nâng dần theo thời gian (các viên chức và chính khách mới được bổ nhiệm cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm điều hành quốc gia) nhưng điều quan trọng nhất, là họ sẽ giữ được sự trong sạch và cả động cơ lý tưởng, điều sẽ đảm bảo Myanmar tiến nhanh và vững chắc về dài hạn.
Bà Aung Sang Suu Kyi có một sự liên hệ thiên nhiên với nước Anh, qua các mối quan hệ gia đình và qua cả sức hút cá nhân rất lớn của bà. Bà có lợi thế để tập hợp một lực lượng cố vấn có kinh nghiệm kỹ trị từ Anh, để bù đắp khiếm khuyết của mình. Việc trước mắt của Aung Sang Suu Kyi, chính là tập hợp quanh mình những nhân sự chất lượng cao, có động cơ cống hiến và lý tưởng. Bà cũng phải tìm tiếng nói chung với những thành phần cũ trong chính phủ quân sự độc tài, và hợp tác với họ thay vì loại trừ nhau, bởi nếu không nền tảng đoàn kết của Myanmar sẽ bị phá hoại nghiêm trọng. Nếu bà Aung Sang Suu Kyi có thể có các chuyên viên quản trị giỏi của Anh về làm cố vấn, và mời được cả những chính khách cũ nhưng có lý tưởng cao (Ví dụ như tổng thống Thein Sein) tham gia vào chính quyền mới với một vai trò thích hợp nào đó, nhiều khả năng Myanmar sẽ có một cú lột xác ngoạn mục trong 10 năm tới.
Nền chính trị ở Myanmar hiện nay chỉ là một bước chuyển tiếp của một xã hội dân chủ. Phe quân sự vẫn nắm 25% số ghế lưỡng viện không cần bầu chọn và nắm quyền phủ quyết hiến pháp. Lợi ích cũ của những thành phần đang nắm quyền trong phe quân sự sẽ vẫn là những trở lực lớn cho các chính sách kinh tế và cải cách quốc gia. Tuy nhiên, người Myanmar đã tiến được một bước dài trong lộ trình hướng tới tiến bộ, thịnh vượng và tự do. Vận hội người Myanmar có trong tay hôm nay, là những thứ mà người Việt nam phải nhìn và ao ước.
Thế giới này kết nối với nhau bởi Babylon Effect, những thứ diễn ra ở trên trời hay dưới đất cuối cùng đều có thể gây ra lũ ở Việt Nam. Huống hồ sau Myanmar, Việt Nam nổi lên thành cái gai duy trì nền độc tài duy nhất ở đông nam á. Thực tại này sẽ tác động mạnh đến nhận thức cả ở Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh nội trị và ngoại họa đều bi bét, nó rồi sẽ dẫn đến cái gì?
Thế giới này kết nối với nhau bởi Babylon Effect, những thứ diễn ra ở trên trời hay dưới đất cuối cùng đều có thể gây ra lũ ở Việt Nam. Huống hồ sau Myanmar, Việt Nam nổi lên thành cái gai duy trì nền độc tài duy nhất ở đông nam á. Thực tại này sẽ tác động mạnh đến nhận thức cả ở Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh nội trị và ngoại họa đều bi bét, nó rồi sẽ dẫn đến cái gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét