Lịch sử Việt Nam, đến bây giờ khi đúc kết lại, thứ nổi bật nhất có lẽ là chiến tranh. Sống bên cạnh một đế quốc hung hăng, người Việt phải chiến đấu để gìn giữ độc lập trong nhiều thế kỷ. Tính đến ngày nay, về cơ bản dân tộc ấy thành công vì vẫn giữ cho mình được một lãnh thổ riêng, dù phải chịu ít nhiều đe dọa.
Xuyên suốt nhiều thế kỷ, các triều đại cai trị tại Việt Nam nối nhau khuyến khích tinh thần dân tộc của người dân, đằng sau mỗi chiến thắng chống ngoại xâm hào hùng, thường là sự quật khởi của một vương triều mới. Những triều đại hùng cường như triều Lý, triều Trần kéo dài được ngót 200 năm. Nhà hậu lê sau này kéo dài hơn, tính từ thế kỷ 15 khi Lê Lợi lên ngôi, cho đến khi triều Tây Sơn thay thế, nó kéo dài được khoảng 300 năm, dù sự tồn tại của triều đình nhiều lúc chỉ là danh nghĩa. Đằng sau mỗi cuộc chiến tranh, luôn là đổ nát và hoang tàn. Danh tướng Lý Thường Kiệt, 80 tuổi vẫn còn cầm quân, đánh đông dẹp bắc, nam chiếm đất Chiêm Thành, Bắc đánh sang tận Ung Châu, Khâm Châu nhà Tống, một đời kiệt hiệt, nhưng cũng chỉ để nhà Lý le lói được ít năm, cuối cùng sụp đổ. Đằng sau chiến thắng hiển hách, người dân Việt lao đầu ra chiến trường, lớp chết lớp thương tàn, cuối cùng cũng chỉ cung cúc lao động đóng thuế nuôi sống triều đình. Kinh tế, văn hóa và các thành tựu thời Lý cũng không mấy nổi bật với lịch sử, và cũng chẳng đóng góp gì cho văn minh nhân loại, chưa nói gì tới việc thúc đẩy lịch sử để người Việt thực sự có được ấm no. Thời Trần hiển hách đánh bại ba đợt xâm lăng của đế chế Nguyên Mông, Hưng Đạo Đại Vương một đời danh tướng. Hịch tướng sỹ đến giờ vẫn là một áng hùng văn, khi đọc lên dù cách nhiều thế kỷ, dù tư tưởng đã lạc hậu so với thời đại nhưng vẫn khiến bầu máu nóng của người Việt sôi trào. Tuy nhiên, 3 cuộc chiến tranh vườn không nhà trống, giặc đánh vào tận kinh thành, người dân ly tán bỏ ruộng bỏ vườn trốn vào rừng hoang sông thẳm, cái bi kịch ấy để đổi lấy sự thống trị của nhà Trần, mà tiêu biểu có lẽ là câu phát ngôn của danh tướng Trần Khánh Dư: “Quan tướng như chim ưng, dân đen như gà vịt. Đem gà vịt mà nuôi chim ưng, phỏng có gì sai?”.
Thời cận đại, ông Hồ dẫn người Việt vào 30 năm chiến tranh, lớp chết lớp tàn, dân tộc nhợt nhạt vì mất máu. Hậu quả chiến tranh thì thảm khốc cả với bên thắng lẫn bên thua. Người Mỹ chết 58 nghìn quân và nhiều chục tỷ USD chiến phí, điều họ rút ra là hãy để bọn mọi ấy tự nói chuyện với nhau. Riêng người Việt, chết thảm khốc trên dưới 4 triệu người, cả nước tan hoang. Sau chiến tranh có trên dưới 2 tr người vượt biên lênh đênh trên biển, có bao nhiêu người bỏ mạng? 500 nghìn hay 1 tr? Chẳng ai hay ngoài sóng nước và cướp biển ở Biển Đông. Bên chiến thắng thì cũng có hàng triệu người là nạn nhân của chiến tranh, mang thương tật, mang hậu quả chất độc màu da cam trở về đời thường, lầm lũi làm việc và đóng thuế nuôi chế độ. Cái bánh vẽ độc lập - tự do - hạnh phúc chỉ là thứ treo trên đầu cho người dân ngưỡng vọng. Bước sang thế kỷ 21, người Việt vẫn vật vã với mối lo ngoại xâm, vật vã đóng thuế nuôi chính quyền với tỷ lệ Thuế/GDP cao nhất châu Á, và phúc lợi cho người dân, gần như một con số 0 tròn chĩnh.
Tinh thần dân tộc, là thứ bùa hộ mạng giúp giữ gìn bờ cõi quốc gia, nhưng nó cũng là thứ gông xiềng để các triều đại và các chế độ cai trị nối tiếp nhau xúi người dân ra chiến trường, gánh chịu đủ đau thương chết chóc, để cuối cùng đổi lại vẫn là một kiếp đời lầm lũi lầm than, cần mẫn đóng thuế nuôi bộ máy cai trị chính mình.
Đó gần như là một cái vòng luẩn quẩn, trói chặt số mệnh người Việt đến tận thế kỷ 21.
Cuối cùng thì điều gì là cần thiết đối với người dân? Một thứ độc lập giả dối trong lầm than, hay một kiếp người trong văn minh và tự do đích thực?
Đôi lúc anh Lãng tự hỏi, sau ngần ấy năm chiến tranh đau thương, sau ngần ấy thập kỷ thất vọng với cái bánh vẽ của một chính thể cai trị tham nhũng và suy đồi, nếu người Việt được bỏ phiếu lựa chọn trở thành bang thứ 53 của nước Mỹ, sẽ có bao nhiêu người say Yes? Và liệu có đến nổi 1% dân số muốn cầm súng ra chiến trường để bảo vệ thứ độc lập vốn luôn bị lợi dụng bởi những thể chế suy đồi?
Năm 2014, người Hồng Kong xuống đường đòi quyền bầu cử. Cái họ muốn là quyền được lựa chọn người đứng đầu theo ý họ chứ không phải là theo ý của triều đại Bắc Kinh. Vì cuối cùng bộ máy cai trị Hồng Kong sống bằng tiền thuế của người Hồng Kong chứ không phải từ ngân sách của Trung Nam Hải. Giữa cơn bão quay cuồng, nhiều học giả Trung Quốc lập luận một cách rất có lý rằng thể chế bầu chọn người đứng đầu trên một danh sách được phê duyệt bởi Bắc Kinh, là dân chủ hơn nhiều so với lối bổ nhiệm toàn quyền từ nước Anh mà người Hồng Kong trước đây phải chịu. Lập luận lừa bịp này có vẻ có lý, nếu không xét đến thực tế rằng người Hong kong đủ khôn để nhận ra, việc bổ nhiệm toàn quyền trước kia xuất phát từ một thể chế cai trị văn minh, và dù không được bầu ra viên toàn quyền ấy thì người Hong Kong vẫn có thể yên tâm rằng chính người dân nước Anh và thể chế văn minh của họ sẽ giám sát hành động của vị toàn quyền, để bảo đảm hành vi của ông ta phải tôn trọng và phục vụ lợi ích mỗi người dân mà ông ta đại diện. Còn việc lựa chọn người đứng đầu từ danh sách của Bắc Kinh, dù có là ai thì cũng chỉ là một kẻ nghe theo mệnh lệnh từ Trung Nam Hải, thứ mệnh lệnh đã từng dội bão lửa xuống đầu người dân ở Thiên An Môn, triệt hạ Pháp Luân Công và buôn bán mạng sống con người. Một lần nữa người ta phải đặt ra câu hỏi, giữa hạnh phúc và tự do với cái khái niệm về tinh thần dân tộc, con người văn minh sẽ chọn cái nào?
Dân tộc Việt Nam, về khả năng đứng ở đâu trong bản đồ chủng tộc. Nhìn vào thực trạng bi bét của đất nước hôm nay, nhiều ý kiến sẽ nhận định đó là một thứ dân thấp kém. Tuy nhiên, như ở nhiều phân tích, anh đã chỉ ra đây là một giống dân không phải không có những phẩm chất phi thường. Cách đây 8 năm, anh đọc được một nhận xét của một giáo sư nhân chủng học người Việt, theo nhiều nghiên cứu, cuối cùng ông ấy kết luận, người Việt tố chất không tồi, nhưng xét về thành tựu cá nhân thì thua cả người châu Phi, vì tính đến năm 2006 đã có hai đời tổng thư ký liên hợp quốc là người da đen. Khi ông Ban Ki Moon lên làm tổng thư ký liên hợp quốc, dù đó là một vị trí sắp xếp mang tính chính trị, nhưng người Hàn Quốc rất tự hào vì cuối cùng họ có đại diện đứng đầu vị trí về mặt danh nghĩa của tổ chức lớn nhất hành tinh. Năm 2015, báo chí loan tin và hình chụp ông Ban Ky Moon về thăm Hà Tây (cũ) trong một chuyến đi mang tính riêng tư, và ông đề tặng lời cảm ơn trong từ đường họ Phan, dòng dõi của vị khoa bảng lừng danh Phan Huy Chú, rằng ông cảm ơn dòng họ đã giữ gìn nhà thờ tổ, và ở vị trí người đứng đầu Liên Hợp Quốc, ông vẫn sẽ luôn tuân theo lời dạy của tổ tiên. Nếu như năm 2010, người Việt phải chia sớt vinh quang cho người Pháp, vì ông Ngô Bảo Châu lĩnh giải Field danh giá nhất trong lĩnh vực toán học khi ông mang quốc tịch Pháp Việt, sang năm 2015, người Hàn Quốc đến lượt mình phải chia sẻ bớt vinh quang cho người Việt Nam vì cú nhận họ bất thình lình của ông Ban. Hóa ra, dù trong khoa học hay trong chính trị, người Việt vẫn có thể vươn tới đỉnh cao. Nhưng ông Ban được nuôi dạy ở Hàn Quốc, còn ông Châu thì được người Pháp cưu mang kể từ lúc trưởng thành. Một hạt giống tốt cần đến một mảnh đất tốt để trưởng thành. Trên một mảnh đất xấu, nó chỉ có thể cho ra một giống người lầm lũi với thời gian.
Bi kịch với 90 tr dân Việt Nam, là ngoài một số ít % được chia sớt quyền lợi từ nồi cơm chế độ, phần còn lại thì lầm lũi cày bừa, nuôi gia đình và đóng thuế. Những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ bị phung phí trong bàn tay của một lũ bất lương, đem lại hiệu quả chẳng đáng là bao so với giá trị đáng ra phải có. Đạo đức xã hội cũng theo đó suy tàn và tương lai đất nước thì mờ mịt.
Năm 2015 người Việt vật vã với mối nguy về nạn ngoại xâm. Điều bi kịch với người Việt, là cái mối nguy đó là một thể chế hung tàn còn hơn nhiều lần cái gông cùm đang cai trị họ. Số phận của người Tân Cương, người Tây Tạng chìm ngập trong đau thương, ngày một bé nhỏ, ngày một bị gạt ra bên lề trên chính quê hương của họ. Đó chính là lý do người Việt ghét và khinh bỉ người Tàu. Tuy nhiên, chính cái thể chế đang đè đầu cưỡi cổ người dân Việt Nam, đang sống phè phỡn trên từng đồng thuế, từng đồng bán tài nguyên và từng đồng vay nợ nước ngoài mà tất cả người Việt đang phải gánh mới là căn nguyên của mọi vấn đề. Tại sao người Việt không thể văn minh khi cái mầm của họ không tồi, tại sao cái nền độc lập ấy không toàn vẹn và luôn bấp bênh, và tại sao cái khái niệm hạnh phúc lẫn tự do vẫn là một cái bánh vẽ xa vời?
Các bạn dư luận viên, các bạn dân chủ viên, và trên hết là từng người dân Việt Nam, hãy tự mình trả lời, đến bao giờ thì người Việt được hưởng một cái nền tảng tương xứng với những gì mà họ cống hiến, bằng cả máu và mồ hôi trong cuộc sống vật vã hàng ngày? Mỗi người Việt Nam sẽ còn bàng quan với cuộc sống bao lâu nữa, từng đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay, sẽ chờ đợi điều gì ở ngày mai? Một xã hội văn minh, được cai trị bằng luật pháp với một chính thể tôn trọng con người, hay tiếp tục là một kiếp người tăm tối, lầm lũi lao động trong một xã hội mà an sinh xã hội gần với zero, luôn bấp bênh trong mối đe dọa chủ quyền và đến một lúc nào đó, với cái nhân danh về niềm tự hào dân tộc, họ lại bị xua ra chiến trường và chết cho những kẻ vẫn hàng ngày ăn hút trên thân xác họ?
P/S: Anh viết bài này như một lời cảm khái trước đại hội 12 năm 2015, khi mọi vị trí đều đã được an bài, và dù có là ai thì số phận người Việt vẫn kéo dài trong chuỗi ngày lầm than. Chìa khóa cho tương lai giờ nằm ở mỗi người, ít nhất, họ phải chứng minh với chính mình, với thế hệ tương lai rằng họ cần một tương lai khác, cần những người đại diện khác. Cần tận dụng từng cơ hội dù là nhỏ nhất, dù là việc bầu chọn hội đồng nhân dân hay đại biểu quốc hội, dù là việc thể hiện bức xúc tập thể với những vấn nạn quốc gia. Cái dân tộc này cần, có lẽ, chính là dũng khí để đấu tranh với chính mình, chứ không phải là thứ tinh thần dân tộc được kích động mỗi khi cần ra chiến tuyến.
Bài viết rất hay và sâu
Trả lờiXóaBài viết của anh rất hay và sâu sắc nhưng em có hai ý kiến như sau:
Trả lờiXóaThứ nhất: E không đồng ý về việc a trích dẫn : "Bác Hồ dẫn người Việt vào 30 năm chiến tranh...". 30 năm chiến tranh chỉ vì Bác Hồ kêu gọi? 30 năm là kết quả của việc dân tộc không thể chịu đựng trước gông cùm của thực dân, đế quốc. Kháng chiến chống Mỹ là chủ trương của Bác hay của một phe phái khác trong ĐCS? Cái a cần trích dẫn là một chế độ không phải một cá nhân như Bác.
Thứ hai: Dân tộc chỉ có thể tự lực tự cường bằng cách như anh nói trấn hưng dân trí chứ không phải phụ thuộc vào Anh vào Mỹ hay vào bất cứ quốc gia nào khác. E sẽ không cầm súng phục vụ cho một chế độ thối nát nhưng cũng không lựa chọn là bang thứ 53 của Mỹ.
Và điều cuối cùng: E cảm ơn những chia sẻ của anh. Nó giúp em có những nhìn nhận đa chiều và khách quan hơn! :D