Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Những câu hỏi lớn cho nền dân chủ non trẻ của Myanmar


Cuối cùng thì Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 255 ghế trong hạ viện, 135 ghế thượng viện, 496 ghế trong nghị viện bang và vùng, chiếm 77,04% số ghế được bầu tại ba cấp trong quốc hội. Tỷ lệ vượt trội này giúp Aung San Suu Kyi và đảng của bà giành quyền lãnh đạo tuyệt đối với chính phủ mới, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 03/2016. Đảng NLD có 4 tháng để chuẩn bị bộ máy của mình, gồm ứng viên Tổng Thống và nội các.
Cuộc bầu cử lịch sử của Myanma thành công nhờ sự nỗ lực và hợp tác vượt trội của nhiều thành phần chính trị ở đất nước phức tạp này. Gồm các phe thủ cựu từng nắm quyền độc tài trong nhiều thập niên là quân đội và cả những lực lượng tri thức mới với nỗi khao khát tự do dân chủ. Người Myanma lấy lại được niềm tin vào số mệnh quốc gia và đang đặt kỳ vọng vào một thời kỳ mới. Đây là cơ hội để thực hiện một sứ mệnh lịch sử khác của Aung San Suu Kyi, người đã luôn là biểu tượng cho tự do của Myanma trong khoảng 40 năm qua, nhưng giờ đây, bà phải gánh thêm gánh nặng xây dựng một Myanma mới, để không bỏ lỡ cơ hội mà lịch sử đã trao tặng cho bà và dân tộc bà.
Ấn tượng của anh Lãng về Aung San Suu Kyi là một người phụ nữ đầy trí tuệ, hiểu biết rất rộng, khôn khéo nhưng có chất thép bên trong. Phong thái của người phụ nữ ấy luôn khiến người đối thoại phải chú ý. Dù là một biểu tượng của khát vọng dân chủ nhưng Aung San Suu Kyi cũng là một người đầy thực tế. Có thể thấy rõ điều này trong các chuyến thăm tới Trung Quốc và trong các lời phát ngôn rất thận trọng về các sự kiện liên quan đến xung đột và ly khai của Aung San Suu Kyi.
Không phải người mở đường nào cũng sẽ thành công trong việc chèo lái quốc gia. Nelson Mandela xứng đáng là một thánh nhân khi ông ngay lập tức rời bỏ quyền lực (dù không ai có thể thắng ông trong bất cứ cuộc bỏ phiếu nào) chỉ sau một nhiệm kỳ Tổng Thống sau khi chấm dứt chế độ Apacthai nhằm nhường chỗ cho những nhân vật có năng lực kỹ trị tốt hơn ông lên cầm lái đất nước. Tuy nhiên, Mandela có nền tảng tốt tại Nam Phi, khi bản chất tổ chức nhà nước mà thiểu số elite da trắng đã xây dựng ở đất nước này vận hành khá tốt theo chuẩn mực phương tây. Mandela biết đâu là sứ mệnh của mình, kể cả khi ngồi tù, kể cả khi là tổng thống và kể cả khi chủ động rời bỏ quyền lực. Một nhân cách vĩ đại. 
Bài toán của Aung San Suu Kyi khó hơn rất nhiều. Xã hội của Myanmar có xuất phát điểm thấp, mang điển hình của một nước lạc hậu ở Đông Nam Á. Tổ chức nhà nước của phe quân sự độc tài xây dựng trong nhiều thập niên qua không mấy hiệu năng, trong khi đó, những nhân sự chủ chốt của Đảng NLD cũng không có mấy ai có kinh nghiệm điều hành đất nước.
Khó khăn lớn thứ hai của Myanma là nguy cơ nội chiến với các lực lượng ly khai. Ngay khi Myanmar xoay trục sang phía tây, các vụ chạm súng giữa quân chính phủ và người Kachin và người Myanma gốc Hoa bỗng bùng lên dữ dội, không khó hiểu nguyên nhân tại sao. Nhờ sự ủng hộ và đoàn kết của dân chúng sau khi tuyên bố lịch trình dân chủ hóa, tổng thống Thein Sein đã thành công trong việc kiểm soát xung đột và đàm phán ngừng chiến thành công với các lực lượng li khai. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng từ người láng giềng phía Bắc Trung Quốc đối với Myanma vẫn là một nguy cơ lớn cho đống lửa vẫn còn âm ỉ khói ở đất nước này.
Khó khăn thứ ba, là dân trí và hạ tầng. Người Myamar còn một chặng đường dài để đi trong lộ trình kiến thiết đất nước.
Tuy nhiên, Myanmar cũng có nhiều lợi thế. Giống Việt Nam đầu những năm 1986, người Myanmar đang bắt đầu cải cách nền kinh tế của mình sau nhiều thập niên bị kìm kẹp. Các nguồn lực của họ bị nén lại khá nhiều, khi được bung ra, nó sẽ tạo đà tăng trưởng tốt cho Myanmar trong thời kỳ tới. Với diện tích lãnh thổ 676577 km2 (gấp đôi Việt Nam), và dân số xấp xỉ 60 tr người, tôn giáo chính và duy nhất là Phật giáo, nhiều lợi thế về tự nhiên và mặt tiền bờ biển dài 1900 km nhìn ra Ấn Độ Dương, quốc gia này có thể tiến nhanh khi được điều hành đúng cách.
Có nhiều bài toán lớn mà Bà Aung Sang Suu Kyi cần giải quyết để tận dụng cơ hội được lịch sử ban tặng cho đất nước mình. Việc đầu tiên, chính là vượt qua khó khăn mà các thành phần thủ cựu trong phe quân sự cũ đã cài cắm vào hiến pháp để chặn khả năng làm tổng thống của bà (Hiến pháp Myanmar do phe quân đội thông qua và nắm quyền phủ quyết, quy định người kết hôn với người nước ngoài không được phép làm Tổng thống, chồng bà Suu Kyi là một giáo sư người Anh). Điều này dẫn đến một vấn đề tế nhị. Chính trị gia duy nhất và có tầm vóc lớn nhất trong đảng NLD chính là Aung Sang Suu Kyi. Khi không nắm quyền tổng thống, bà buộc phải dựng lên một tổng thống danh nghĩa và điều hành đất nước qua vai trò chủ tịch Đảng cầm quyền. Đây có thể là một yếu tố bất ổn tiềm ẩn với nền dân chủ non trẻ của Myanmar nếu bà Aung Sang Suu Kyi chọn sai người cộng sự. Bản chất của con người, luôn có sự khao khát quyền lực và không phải ai cũng đủ lớn để khỏi lóa mắt khi bỗng nhiên thành tổng thống một quốc gia. Bên cạnh đó, bà Aung Sang Suu Kyi sinh năm 1945, để đến được ngày hôm nay, bà cũng đã chạm mốc tuổi 70 với nhiều thập niên bị tù đầy và quản chế. Gánh nặng thời gian đã ít nhiều phủ xuống đôi vai gầy guộc của người phụ nữ kiên cường này, trong khi dân tộc Myanmar vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và bà phải đóng vai trò người mở đường trên con đường không hề dễ dàng ấy.
Bài toán lớn thứ hai, là bà Aung Sang Suu Kyi sẽ phải tiếp tục duy trì và củng cố sự đoàn kết quốc gia, giữa cái cũ và cái mới, giữa những thành phần độc tài cũ giờ vẫn đang nắm quyền và những nhân vật mới trong bộ máy nhà nước. Và cả sự đoàn kết của người Myanmar, gồm cả thành phần sắc tộc Kachin hay người gốc Hoa, một điều không phải dễ dàng.
Bài toán thứ ba, cũng là bài toán lớn nhất mà bà Aung Sang Suu Kyi phải giải quyết, chính là việc xây dựng một bộ máy cai trị mới, trên nền tảng của chính quyền cũ, một bộ máy đòi hỏi hiệu năng và tính trong sạch. 65 năm trước, khi Lý Quang Diệu lên nắm quyền ở Singapore, ông ta cũng đối mặt với khó khăn tương tự. Sau này khi ghi lại trong hồi ký, Lý Quang Diệu nói rằng ông ta phải cố gắng nắm quyền thật nhanh để tìm cách củng cố và duy trì nền pháp trị kiểu Anh ở Singapore trước khi nó bị làm băng hoại bởi nạn tham nhũng. Lý có nhiều thuận lợi khi chỉ phải cai trị một thành phố vài triệu dân, có nền tảng cũ là bộ máy hành chính của Anh để lại. Aung Sang Suu Kyi khó khăn hơn nhiều khi phải xây một chính quyền mới trên một bộ máy cai trị độc tài lạc hậu, ở một đất nước có dân số xếp hạng 24 trên thế giới.
Thuận lợi lớn nhất của Aung Sang Suu Kyi, bên cạnh sự ủng hộ của dân chúng, có lẽ chính là ở điểm này: Myanmar đang trong những năm đầu tiên cải cách kinh tế sau nhiều thập niên trì trệ, các lợi ích kinh tế chưa được tạo ra nhiều và nạn tham nhũng do đó chưa đến mức bất trị. Tình hình Myanmar hiện nay cũng giống Việt nam đầu những năm 1990. Các đồng sự của bà Aung Sang Suu Kyi, và cả một số thành phần trong bộ máy cai trị quân sự độc tài cũ, đang mang trong mình tâm lý khao khát cống hiến cho quốc gia: Họ vẫn còn nhiều giá trị thuộc về lý tưởng. Với nguồn chất liệu khởi nguồn như thế, nếu xây dựng bộ máy nhà nước với các cơ chế kiểm soát và giám sát tốt, ngăn chặn sự tha hóa về đạo đức, có nhiều khả năng bà Aung Sang Suu Kyi sẽ có một bộ máy nhà nước mà hiệu năng sẽ được nâng dần theo thời gian (các viên chức và chính khách mới được bổ nhiệm cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm điều hành quốc gia) nhưng điều quan trọng nhất, là họ sẽ giữ được sự trong sạch và cả động cơ lý tưởng, điều sẽ đảm bảo Myanmar tiến nhanh và vững chắc về dài hạn.
Bà Aung Sang Suu Kyi có một sự liên hệ thiên nhiên với nước Anh, qua các mối quan hệ gia đình và qua cả sức hút cá nhân rất lớn của bà. Bà có lợi thế để tập hợp một lực lượng cố vấn có kinh nghiệm kỹ trị từ Anh, để bù đắp khiếm khuyết của mình. Việc trước mắt của Aung Sang Suu Kyi, chính là tập hợp quanh mình những nhân sự chất lượng cao, có động cơ cống hiến và lý tưởng. Bà cũng phải tìm tiếng nói chung với những thành phần cũ trong chính phủ quân sự độc tài, và hợp tác với họ thay vì loại trừ nhau, bởi nếu không nền tảng đoàn kết của Myanmar sẽ bị phá hoại nghiêm trọng. Nếu bà Aung Sang Suu Kyi có thể có các chuyên viên quản trị giỏi của Anh về làm cố vấn, và mời được cả những chính khách cũ nhưng có lý tưởng cao (Ví dụ như tổng thống Thein Sein) tham gia vào chính quyền mới với một vai trò thích hợp nào đó, nhiều khả năng Myanmar sẽ có một cú lột xác ngoạn mục trong 10 năm tới.
Nền chính trị ở Myanmar hiện nay chỉ là một bước chuyển tiếp của một xã hội dân chủ. Phe quân sự vẫn nắm 25% số ghế lưỡng viện không cần bầu chọn và nắm quyền phủ quyết hiến pháp. Lợi ích cũ của những thành phần đang nắm quyền trong phe quân sự sẽ vẫn là những trở lực lớn cho các chính sách kinh tế và cải cách quốc gia. Tuy nhiên, người Myanmar đã tiến được một bước dài trong lộ trình hướng tới tiến bộ, thịnh vượng và tự do. Vận hội người Myanmar có trong tay hôm nay, là những thứ mà người Việt nam phải nhìn và ao ước.
Thế giới này kết nối với nhau bởi Babylon Effect, những thứ diễn ra ở trên trời hay dưới đất cuối cùng đều có thể gây ra lũ ở Việt Nam. Huống hồ sau Myanmar, Việt Nam nổi lên thành cái gai duy trì nền độc tài duy nhất ở đông nam á. Thực tại này sẽ tác động mạnh đến nhận thức cả ở Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh nội trị và ngoại họa đều bi bét, nó rồi sẽ dẫn đến cái gì?

Luật mới và cơ hội làm ăn

Luật mới và cơ hội làm ăn.

Ngày 28/11/2015, chế độ Việt Nam thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu chống tham nhũng đến cùng bằng việc bỏ án tử hình đối với tội tham ô, nếu đối tượng phạm tội bồi thường 3/4 số tiền đã chiếm đoạt của nhà nước.

Nổi trội ở đây là tinh thần đấu tranh chống tham nhũng đến cùng, thể hiện quyết tâm đem mồi nhử để thu hồi tiền thất thoát cho nhà nước. Nó cũng thể hiện tinh thần nhân đạo bác ái của chế độ với những đồng chí tốt của mình. Một đỉnh cao mới trong số các đỉnh cao ưu việt của nền chính trị xã hội chủ nghĩa. Biện pháp con cá và mồi câu này quả là kỳ diệu, nó không đòi hỏi việc cần phải thiết lập các cơ chế giám sát phức tạp, việc phải đào tạo lựa chọn con người để ngăn ngừa tham nhũng xảy ra, cái mà bọn tư bản giãy chết phải mất nhiều thập niên tốn công xây đắp.

Bộ luật mới ngay lập tức tác động mạnh đến số phận nước nhà. Nhiều đồng chí tốt giữ cương vị cao trong các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổ chức tài chính quốc gia đang nghiên cứu rất kỹ điều khoản luật mới này. Một số đồng chí có gọi điện hỏi anh, phải mần răng để khai thác quy định mới cho thật tốt. Bài toán ở đây khá đơn giản, với các đồng chí cận tuổi hưu, vùng vẫy cũng đã chán, ăn hút cũng đã nhiều, cần có hoàn cảnh sống chay tịnh kiêng khem để chữa bệnh Gut, tiểu đường hay sinh lý yếu, đồng chí lớn thì cứ đút túi đại khoảng 1000 tỷ, dấu thật kỹ, khi lộ thì đem 750 tỷ ra khắc phục hậu quả, còn lại 250 tỷ chắc cũng đủ lo cho bu cháu với mấy thằng cu, đem số lẻ tiếp tế hàng ngày thì các đồng chí cũng sống thọ thêm được 20,30 năm, án chung thân quan hệ quản giáo tốt thì cũng chỉ độ 10-12 năm là ra sau đặc xá. Nếu cứ nhìn vào vinashin với số tiền công khai thất thoát (không phải con số thực) lên tới 86.000 tỷ, nếu cứ đúng tỷ lệ 75% khắc phục hậu quả thì các đồng chí vẫn còn đến 21500 tỷ để chia nhau.

Quy định mới của luật, quả là một đỉnh cao mới trong các chính sách của chế độ ta. Tô điểm thêm cho tính sáng tạo của một trong những sự tồn tại dị dạng hiếm hoi còn sót lại trên thế giới.

Một phần của bức tranh "Đêm trước ngày tận thế", nó sinh ra những thứ không ai có thể gọi thành lời.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Tại sao Stalin?

Tại sao Stalin?
Putin đang vật vã chèo chống nước Nga giữa con bão tố cấm vận, chiến tranh và bạn bè (tưởng là) đâm thọc sau lưng. Lối hành xử của Mỹ, Nato, Thổ Nhĩ Kỳ khiến người ta càng cảm nhận sâu sắc đâu là thực tại của các mối quan hệ đồng minh, tính bền vững của các hiệp ước và đâu là phần khuất của tảng đá ngầm dưới bọt sóng biển.
Cũng vào thời điểm này, Trung Quốc thách thức mọi điều ước quốc tế và ngày một hung hăng. Tin gần nhất là tàu quân sự Trung Quốc áp sát và chĩa súng đe dọa tàu vận tải Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Hoàng Sa giờ đã là vùng biển cấm với Việt Nam. Và miếng bánh hão đại cục mà Tập Cận Bình dí cho đám lãnh đạo Việt Nam đang ngày qua ngày biến nốt Trường Sa thành vùng biển cấm.
Quay cuồng trong sóng gió, giữa nạn nội xâm độc tài tham nhũng ngày một thối nát, là mối đe dọa ngoại xâm cháy sát lông mày, người Việt Nam vật vã tìm một lối đi. Thù ngoài giặc trong, có lẽ đây là một thời kỳ lịch sử sóng gió nhất của Việt Nam. Nhưng cũng chính thời khắc này, người Việt cần xiết chặt tay nhau, tìm lối ra giữa màn đêm đen tối, để chứng minh với thế giới về khả năng sinh tồn của một dân tộc kiên cường, như chúng ta vẫn luôn là trong suốt chiều dài cha ông lập quốc.
Đoạn trên anh viết theo văn phong Churchil, làm tài liệu demo cho các lãnh đạo Việt Nam trong bài phát ngôn nhậm chức sau kỳ đại hội vào đầu năm tới. Còn đây là nội dung muốn bàn.
Hãy đọc thật kỹ phần tư liệu lịch sử này (trích đoạn một bài dịch trên trang nghiên cứu quốc tế) để hiểu đâu là bản chất chi phối các hiệp ước và các mối quan hệ quốc tế, để ý thức được cái gì thực sự là thứ sẽ giúp người Việt Nam tìm thấy lối ra. Một kết luận phụ rút ra, cũng để nhiều bạn hiểu cái gì khiến những cá nhân khác nhau đi vào lịch sử. Ở đây là Stalin, một bạo chúa hung tàn, nhưng đồng thời, tất nhiên, một con người kiệt xuất:
Tưởng Kinh Quốc bí mật gặp Stalin, cố gắng đấu lý
Hôm sau Tống Tử Văn gửi điện cho Tưởng Giới Thạch, báo cáo tình hình hội đàm và đề nghị Tưởng xem xét mấy phương án như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc ký hiệp định liên minh với Liên Xô, cho phép Liên Xô đóng quân tại Mông Cổ; thứ hai, để Ngoại Mông Cổ thực hiện “tự trị cao độ”; thứ ba, Ngoại Mông Cổ có quyền tự chủ về quân sự, nội chính và ngoại giao, nhưng không có tính chất là một nước cộng hòa liên bang Xô Viết.
Người Mỹ rất quan tâm tới cuộc đàm phán Trung Quốc-Liên Xô. Tổng thống Truman bảo Bộ trưởng Ngoại giao Byrnes chuyển tới Chính phủ Trung Quốc ý kiến như sau: “Chưa thảo luận cách giải thích về địa vị của Ngoại Mông Cổ trong hiệp định Yalta; Chính phủ Mỹ cho rằng tuy về pháp lý thì chủ quyền Ngoại Mông Cổ vẫn thuộc Trung Quốc, nhưng trên thực tế chủ quyền ấy chưa được hành xử.”
Tống Tử Văn nắm lấy lời văn “phải duy trì hiện trạng của Ngoại Mông Cổ” trong hiệp định Yalta để đấu lý. Ông kiên trì nói hiện trạng đó tức là chủ quyền của Ngoại Mông Cổ vẫn thuộc về Trung Quốc. Còn Stalin thì nói rõ Liên Xô yêu cầu Trung Quốc thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập. Hai cách nói này tuy diễn tả cùng một sự thật nhưng ảnh hưởng thì lại khác nhau xa.
Dĩ nhiên Tưởng Giới Thạch hiểu rõ sự hơn thiệt trong đó. Thấy trên bàn đàm phán đã tạm thời bất đồng, Tưởng Giới Thạch bèn điện cho Tưởng Kinh Quốc, bảo Quốc lấy danh nghĩa cá nhân gặp riêng Stalin.
Tưởng Kinh Quốc nhớ lại:
Khi gặp nhau tại nhà riêng của Stalin, lúc đó tôi có nói: “Người Trung Quốc chúng tôi kiên trì kháng chiến chống Nhật là để thu hồi lãnh thổ đã bị mất. Hiện giờ Nhật còn chưa thua mà [chúng tôi] đã cắt nhượng một vùng đất rộng như Ngoại Mông Cổ thì cuộc kháng chiến của chúng tôi còn có ý nghĩa gì? Quốc dân Trung Quốc nhất định sẽ chửi chúng tôi là đồ bán nước.”
Vì đã là chỗ gặp riêng nên Stalin cũng bớt dùng các lời lẽ ngoại giao mà nói thẳng thừng với Tưởng Kinh Quốc: “Ông nói rất có lý, nhưng có điều ông cần biết rằng hôm nay không phải là tôi cầu xin ông mà là ông đến xin tôi giúp. Nếu các ông có đủ sức đánh bại người Nhật thì dĩ nhiên tôi sẽ không nói gì. Nhưng các ông không đủ sức thì những lời vừa rồi ông nói là vô ích.”
Tưởng Kinh Quốc nói: “Ngài chẳng cần lo ngại Ngoại Mông Cổ đe dọa sự an toàn của Liên Xô. Sau khi Nhật thua trận, nước Nhật sẽ không còn ngoi dậy được nữa. Chỉ Trung Quốc mới có thể tấn công Liên Xô từ Ngoại Mông Cổ, nhưng bây giờ hai nước chúng ta có thể liên minh với nhau, Trung Quốc bảo đảm ít nhất hữu hảo với Liên Xô trong ba chục năm. Ngài cũng biết đấy, cứ cho là Trung Quốc muốn đánh Liên Xô thì cũng chẳng có sức mà đánh.”
Stalin lắc đầu: “Ông nhầm rồi. Thứ nhất, cứ cho là Nhật thua thì dân tộc ấy cũng không bị tiêu diệt. Nếu người Mỹ tiếp quản nước Nhật thì không quá 5 năm sau Nhật sẽ bò dậy.”
Tưởng Kinh Quốc nói xen vào: “Nếu Liên Xô tiếp quản nước Nhật thì sao?”
“Tôi tiếp quản ấy à, cũng chẳng qua lui lại thêm 5 năm thôi.” Stalin nói tiếp: “Thứ hai, hiện nay Trung Quốc không đủ sức đánh chúng tôi, nhưng chỉ cần Trung Quốc thống nhất thì các ông sẽ tiến nhanh hơn bất cứ nước nào. Ông nói liên minh với nhau, bây giờ vì tôi không coi ông là nhà ngoại giao nên tôi nói thật với ông nhé: hiệp ước là thứ không đáng tin đâu.”
Tưởng Kinh Quốc không biết nói gì nữa.
Stalin nói tiếp: “Còn có nguyên nhân thứ ba, cứ cho là Nhật và Trung Quốc không đủ sức qua Ngoại Mông Cổ đánh Liên Xô, điều đó không có nghĩa là không có những lực lượng khác tấn công Liên Xô.”
“Mỹ chăng?” Tưởng Kinh Quốc hỏi.
“Dĩ nhiên rồi.” Stalin nói không chút do dự.
Tưởng Kinh Quốc nghĩ bụng, ông vừa mới ký hiệp định Yalta với người Mỹ xong, được hời lớn như thế[4] mà ông còn coi người Mỹ là kẻ địch. Trung Quốc trong mắt ông lại càng là đối thủ tiềm tàng. Với tâm trạng như thế, thật sự chẳng còn lý lẽ gì để nói nữa.
Trong mẩu tư liệu lịch sử trên, Stalin thể hiện cái nhìn sâu sắc về bản chất thứ chi phối quan hệ giữa các quốc gia, tính bền vững của các hiệp ước. Và cái nhìn cua Stalin về Nhật Bản, ngay ở thời khắc đất nước ấy sắp chiến bại, là một cái nhìn vượt thời đại. Để sinh tồn trong thế giới này, cuối cùng, chỉ có quyền lợi quốc gia là thứ vững bền hơn tất thảy. Lùi dù chỉ một chút lợi ích quốc gia để đổi lấy những thứ viển vông, cũng đồng nghĩa với việc đẩy tương lai đất nước dần xuống đáy vực thẳm.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Đồng Nọc Nạng và công lý thời kỳ thực dân





Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một đường link yêu cầu lấy chữ ký, không rõ tác giả. Đây là một bức thư ngắn, viết bằng tiếng Anh với đôi chỗ chưa thực sự chuẩn về dữ kiện và ngôn ngữ, gửi đến chính phủ Mỹ theo đường link chính thức của nhà trắng. Theo quy định của luật pháp Mỹ, mọi ý kiến gửi đến, nếu nhận được đủ 100.000 yêu cầu ủng hộ, chính phủ Mỹ sẽ phải ban hành một câu trả lời chính thức, bất kể đó là nội dung gì.

Đây là đường link cho bài viết: https://goo.gl/lTQgbK

Trong một Status ngắn trên trang face này, anh chia sẻ thông tin và đề nghị mọi người cùng ký. Không dễ dàng để tập hợp đủ 100 nghìn chữ ký ủng hộ, và dù có đủ, thì ngay cả một phản ứng ngoại giao ủng hộ từ Mỹ cũng hầu như khó có thể thay đổi số phận của cậu thiếu niên 15 tuổi được đề cập đến trong bài viết. Tuy nhiên, hành động ấy rất có ý nghĩa. Bất cứ ai quan tâm và giành thời gian cho nó, cho một điều rất nhỏ và đơn giản bạn chưa bao giờ làm, cũng đồng nghĩa với việc chính bạn đang thay đổi. Ký hay không ký chỉ là vài cái kick chuột và vài dòng ký tự, nhưng nó lại quyết định đến việc thay đổi số phận, trong trường hợp này, không phải chỉ của một vài người. Thông điệp mà anh muốn nhấn mạnh: Hãy làm, hãy bắt đầu, từ những điều rất nhỏ, không phải cho hôm nay mà là cho ngày mai.

Nội dung câu chuyện trên là gì thì có rất nhiều thông tin trên net, cả chính thống lẫn mạng xã hội, anh không post lại ở đây. Đại loại là câu chuyện kinh điển về việc cưỡng chế giữa lực lượng hành pháp và sự phản kháng của một nhóm nhỏ người dân. Toàn bộ gia đình ấy đều đã ngồi tù. Cậu bé 15 tuổi trong bài viết này được tách ra xét xử riêng và bản án nhận được là 4 năm rưỡi tù giam. Câu chuyện này có nhiều nét phảng phất vụ án Tiên Lãng của ông Đoàn Văn Vươn, một người nông dân lương thiện chỉ muốn sống bằng chính đôi tay trên mảnh đất mình khai phá, bị đẩy vào thế buộc phải dùng bạo lực để chống lại đoàn quân đến cưỡng chế tài sản của mình. Ông Vươn nhận bản án 5 năm tù cho tội giết người (dù không ai chết) dưới mức khung hình phạt khá nhiều và mới được thả sau nhiều năm ngồi tù, nhưng vì sự can thiệp quyết liệt của dư luận xã hội, chính sách của nhà nước đã phải thay đổi và gia đình ông Vươn giữ được mảnh đất của mình. Hiện nay thì người đàn ông ấy đã quay về làm một nông dân, tiếp tục cần mẫn trên mảnh đất cũ đã hoang phế trong nhiều năm ngồi tù. Có lẽ đến giờ ông ta vẫn phải tự hỏi, cái gì đã khiến ông ta mất hơn 4 năm ngồi tù, một người lương thiện bị dồn vào bước đường cùng và để rồi ông lại trở về với chính những gì xuất phát?

Năm 2008, trong một buổi trả lời ý kiến người dân được truyền hình trực tiếp, có một câu hỏi được gửi đến Putin: “Nếu có một cảnh sát xấu đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì liệu người dân có được quyền chống lại hay không?” Ông Putin, trên sóng truyền hình trực tiếp, đã trầm tư khá lâu và trả lời ngắn gọn “Có”. Và ông ta bổ sung “Luật pháp sau đó sẽ hành động để đảm bảo mọi người dân đều được bảo vệ, nhưng mỗi công dân trước hết đều có quyền bảo vệ chính mình”.

Câu chuyện của cậu thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn năm 2015, câu chuyện về ông Đoàn Văn Vươn năm 2012, câu trả lời của ông Putin năm 2008, những câu chuyện khác nhau, xảy ra ở những không gian và thời gian khác nhau nhưng lại có một điểm chung xuyên suốt. Nó khiến người ta phải đặt ra một câu hỏi về tính hợp pháp hay bất hợp pháp trong các hành vi chống cự của người dân với các lực lượng hành pháp mang màu áo chính quyền trong những trường hợp cụ thể. Người Nga và nhiều nước khác đã có câu trả lời từ tổng thống và nền pháp quyền quốc gia của họ. Còn người Việt Nam, bất kể đó là câu chuyện gì, bất kể lực lượng hành pháp đang hành động đúng hay sai, cánh cửa duy nhất cho những người dân với lý lịch hoàn toàn vô tội ấy luôn luôn là nhà tù.

Anh buộc phải nhớ đến một sự kiện ở xa hơn, đã đi vào lịch sử, vụ án Đồng Nọc Nạng (nhiều nguồn tin gọi là Nọc Nạn) năm 1928, vào thời kỳ thực dân Pháp đang chiếm đóng Việt Nam. Chi tiết vụ việc, các bạn có thể đọc hai nguồn tin này:
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_N%E1%BB%8Dc_N%E1%BA%A1n


Đại loại có một gia đình nông dân khai hoang 73 hecta đất sau nhiều thế hệ. Qua việc mua bán lòng vòng và các thủ đoạn cấu kết giữa một số cá nhân và quan phủ người Việt, gia đình người nông dân ấy “Gia đình ông Biện Toại” bị tước đoạt toàn bộ diện tích đất mình đã khẩn hoang. Việc theo kiện của ông ta không thành công và chính quyền thực dân cấp giấy sở hữu cho người chiếm đoạt. Ngày 16/02/1928 lực lượng cưỡng chế hợp pháp của chính quyền bấy giờ, gồm hai viên cảnh sát Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Bị dồn đến chân tường, toàn bộ gia đình Biện Toại chống lại đến cùng. Tournier bị Mười Chức (em ruột Biện Toại) đâm trúng bụng, sau đó thì chết. Phía gia đình Biện Toại có bốn người thương vong trong đó có một phụ nữ mang thai.

Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạng ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco. Bản án được tuyên bởi một chánh án người Pháp, một công tố viên luận tội người Pháp và những luật sư biện hộ cho các bị cáo cũng là người Pháp, cho một vụ án mà hành vi chống người thi hành công vụ là rất rõ ràng (10 người trong gia đình Biện Toại, trang bị dao và mác nhọn chia làm hai tốp lao đến đoàn cưỡng chế) và gây ra cái chết của một cảnh sát Pháp. Vậy nhưng cái tòa án thực dân ấy lại tuyên một bản án cho những người nông dân thuộc địa chống chính quyền cai trị mẫu quốc một bản án mà đến ngày hôm nay, sang thế kỷ 21, còn khiến người Việt Nam đang sống trong chế độ Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa phải tự vấn cái gì đang thực sự tồn tại trên đất nước mình:


Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng) tha ngay tại tòa. Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án ăn trộm.


Đó chính là công lý thời kỳ thực dân, thời kỳ mà ngày nay lịch sử được viết bởi bên thắng cuộc, luôn giành cho nó những ngôn từ đen tối nhất. Thế nhưng hãy nhìn bản án tuyên cho ông Đoàn Văn Vươn, cho cậu thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, và tự đặt ra câu hỏi, vào năm 2015, ở thế kỷ 21, người dân Việt Nam đang thực sự được hưởng nền pháp lý kiểu gì?

Vì vậy, một lần nữa, các bạn phải tự đặt câu hỏi đâu là công lý và lẽ công bằng. Và hãy làm một điều rất nhỏ thôi, để thay đổi chính mình và cho ngày mai. Hãy ký:


P/S có một ý kiến comment thú vị của một bạn trong status trước của anh về cùng chủ đề:

Chuyện của người Kinh lại sang gõ cửa thằng Mẽo kêu oan khổ là sao? Thực sự đéo hiểu nổi

Và một ý kiến phản hồi cũng rất thú vị của một bạn khác: Chuyện Biển Đông là việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nên cần song phương giải quyến vấn đề này. Đề Nghị nghiêm cấm mọi hành vi và tư tưởng đa phương hóa giải quyết vần đề này nhất là những việc đăng tin chính quyền Mỹ phản đối TRung Quốc trái phép xây dựng trên Biển Đông. Thực sự cũng đéo hiểu nổi...

Đây là ý kiến của anh: Để đấu tranh cho tự do và công lý, người ta cần tận dụng mọi phương tiện, mọi cơ hội ít ỏi có được, dù đó là ở đâu, là với ai. Nhất là khi đó là những giải pháp văn minh và hòa bình. Đơn giản vậy thôi.
Bổ sung câu trả lời cho các câu hỏi về chi tiết sự kiện:

Vài bạn thắc mắc vụ Nguyễn Mai Trung Tuấn, các bạn chịu khó search một tí. Tất cả các nguồn tin trên báo chính thống khi tường thuật vụ việc đều lờ tịt "thời gian gia đình Tuấn sinh sống trên mảnh đất này", một thông tin rất quan trọng quyết định đến vụ án. Theo tường thuật của các nhân chứng sinh sống tại Thạnh Hóa - Long An, thì gia đình này (ông nội đã chết) sống ở mảnh đất này từ những năm 1965, tính đến 2015 là tròn 50 năm không có tranh chấp, trải qua hai chế độ, chính thể Việt Nam Cộng Hòa (cũ) và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hiện nay). Việc họ có được coi là chủ nhân hợp pháp của mảnh đất đó hay không (dù có hay không có trước bạ), được quy định rõ trong luật đất đai 2003. Đây là câu chuyện của các luật sư và các nhà làm luật.

Có một vấn đề rất lớn là cơ sở chính để truy tố Tuấn là bản giám định thương tích của nạn nhân, được kết luận 35%. Đây là một bản giám định đáng ngờ, loại axit Tuấn sử dụng nếu là axit dùng để đổ ắc quy (thứ có sẵn trong nhà làm nghề sửa xe) thì khó có thể gây thương tích mang tính tàn phá như thế. Ảnh chụp nạn nhân Thủy trước tòa trông hoàn toàn không tương xứng với bản giám định thương tật 35%. Trên báo chí chính thống, đáng ngạc nhiên, không có bất cứ một bức chụp nào cận cảnh vết thương tích của nạn nhân. Tất cả đều được dấu kín trong bộ áo sơ mi đóng thùng chỉn chu và một bản giám định có nhiều khiếm khuyết. Việc ký ủng hộ Tuấn không đem lại cơ hội gì nhiều, nhưng ít nhất cũng sẽ gióng lên hồi chuông và biết đâu nó đem lại cơ hội cho một hội đồng giám định thương tật khác, xác định chính xác mức độ thương tích của "nạn nhân".

Nói chung, đây vẫn là câu chuyện của "lỗi hệ thống và sự lạm dụng quyền lực" https://www.facebook.com/Langlanhtu/posts/10203780061062043 Các chính sách được ban hành và được thực thi nhằm mang lại lợi ích cho nhà cầm quyền chứ không xuất phát từ quan điểm "an dân". Cho nên, công lý Đồng Nọc Ngạn thời kỳ thực dân vào năm 1928 vẫn là một giấc mơ cho nhiều người Việt Nam vào năm 2015.
2015.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Cuộc phiêu lưu mới của Vladimir Putin tại Trung Đông


Ngày 24/11/2015, truyền thông toàn cầu xôn xao với loạt tin và hình ảnh về chiếc oanh tạc cơ Su 24 của Nga bị bắn hạ gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Lần đầu tiên trong 40 năm qua, một máy bay quân sự Nga bị bắn hạ bởi lực lượng quân sự một nước thuộc NATO. Sự kiện này ngay lập tức chứng minh tầm vóc của nó đối với nền tài chính toàn cầu.




Theo Wall Street Journal, giá chứng khoán toàn cầu  sụt giảm ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga xác nhận máy bay chiến đấu  Su-24 của nước này bị bắn hạ.

Chỉ số chứng khoán  Stoxx Europe 600 giảm 1,2%, giá cổ phiếu Mỹ sụt 0,4%. Ở châu Âu, giá cổ  phiếu các hãng hàng không và công ty du lịch tuột dốc mạnh.

Tại châu Á, chỉ số chứng khoán S&P 200 (Úc) giảm  1%, Hang Seng (Hong Kong) 0,4%, Nikkei (Nhật) 0,2%... Giới phân tích cho  biết các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ căng thẳng và đối đầu leo thang  giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá dầu thô Brent biển Bắc  tăng 1,3% lên 45,39 USD/thùng do mối lo ngại căng thẳng giữa hai nước sẽ  khiến xung đột ở Trung Đông thêm nóng bỏng. Trong khi đó, cả giá đồng  lira Thổ Nhĩ Kỳ và đồng rúp Nga cũng đều sụt giảm.

Tại  thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, theo cập nhật từ Bloomberg, chốt phiên giao dịch  hôm 24/11, đồng lira của nước này giảm mạnh nhất so với 24 đồng tiền  khác của nhóm các nước mới nổi. So với USD, đồng lira mất 0,6% giá trị  và chốt phiên ở mức 2,8679 Lira/USD.

Chỉ số Borsa Istanbul 100 của thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ thì rớt hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong một tháng.

Trong nỗ lực đối phó với sự cố bất ngờ, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng đề nghị một cuộc họp khẩn cấp với các đối tác NATO. Rõ ràng người Thổ không thể đứng một mình để xử lý cuộc khủng hoảng này và cần phải dựa vào liên minh quân sự hùng mạnh mà họ là một thành viên.

Nước Nga cũng ngay lập tức đáp lời. Giữa cuộc gặp với vua Jordan Abdullah II ở Sochi, Putin dùng từ ngữ nặng nề để mô tả về hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ, coi đó là hành động đâm dao sau lưng của những kẻ đồng lõa với khủng bố. Tuy nhiên, Putin không phát khùng, ông ta không nhắc tới các biện pháp đáp trả quân sự trong bài phát biểu ngắn của mình.  Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, không phải là Geogia hay Ucraine.

Điều gì đã diễn ra và tại sao tiêm kích F16 của Thổ Nhĩ Kỳ lại khai hỏa vào máy bay Nga, một động thái chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nặng đến đất nước này dù nhìn dưới bất cứ góc độ nào? NATO không phải là một tấm áo choàng có thể đem lại an ninh tuyệt đối cho bất cứ quốc gia nào khi đối đầu với Nga, bởi đây là một trong số rất ít các cường quốc có thể hủy diệt bất cứ đối thủ nào với bộ máy quân sự khổng lồ của nó. Trong nhiều năm qua, việc máy bay các nước bay lạc vào không phận của nhau trong thời gian ngắn khi hoạt động ở vùng trời giáp giới không phải là một sự kiện cá biệt và phần lớn chúng đều được xử lý hòa bình. Kể từ khi Nga mang máy bay ném bom đến Syria, đã nhiều lần máy bay Nga ít nhiều bay lạc sang không phận Thổ Nhĩ Kỳ khi oanh tạc các mục tiêu của IS và lực lượng đối lập tại Syria. Tất cả các trường hợp đều được xử lý trong sự kiềm chế của cả hai phía và ngay chính bản thân Nga cũng thừa nhận lỗi thuộc về phần mình khi các phi công có sự sai sót đối với các thiết bị dẫn đường mặt đất. Lần này F16 khai hỏa bằng tên lửa Sidewinder X9, một loại vũ khí có xác suất diệt mục tiêu cao nhất của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Để tô điểm thêm cho tấn bi kịch, lực lượng đối lập gốc Thổ Turkmen tại Syria loan truyền đoạn Video cho thấy họ bắn hạ một trực thăng Mi8 của Nga đang tiến hành giải cứu hai phi công nhảy dù từ chiếc Su24 bị bắn rơi. Cũng trong ngày 24/11, nhiều nguồn tin chưa được kiểm chứng thì lực lượng đối lập Turkmen tuyên bố đã bắn hạ cả hai phi công trên chiếc Su24 ngay khi họ nhảy dù. Những tin tức nặng nề này không đem lại điều gì tốt đẹp cho Thổ Nhĩ Kỳ và cả nước Nga, và có thể đẩy cả hai vào một cuộc phiêu lưu không mong muốn, thậm chí có thể dẫn động tới một cuộc chiến toàn cầu.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đột ngột này bắt nguồn từ đâu? Trong cuộc họp G20 gần đây nhất, Vladimir Putin dù không chỉ đích danh nhưng thẳng thừng đề cập về việc có những quốc gia trong nhóm G20 đang tài trợ cho nhà nước khủng bố IS tại Iraq và Syria. Quốc gia G20 duy nhất tại Trung Đông, giáp giới với Syria, là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ít ngày qua, oanh tạc cơ Nga không còn thuần túy đánh vào các lực lượng quân sự của IS và các lực lượng đối lập. Đã có những đòn oanh tạc nặng nề vào các giếng dầu, các nhà máy lọc dầu đang nằm dưới quyền kiểm soát của IS và đặc biệt là các đòn oanh tạc của không quân Nga vào các đoàn xe chở dầu của IS với hàng nghìn chiếc nối đuôi nhau. Hướng tới của các đoàn xe đó, bao gồm biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến đây câu chuyện trở nên sáng sủa hơn nhiều. Người Thổ đang cảm thấy bị mất mối làm ăn, khi việc buôn lậu dầu giá rẻ của IS đang đem lại cho họ những khoản lợi nhuận kếch xù bất chấp IS đang tiến hành những hành động tàn sát tại Trung Đông hay đánh bom giữa châu Âu. Bài toán với Thổ Nhĩ Kỳ khá đơn giản: Họ đang kiếm được tiền và chẳng có giọt máu nào của người Thổ rơi khi người Iraq hay Syria bị chặt đầu. Thậm chí trong 130 người thiệt mạng trong vụ đánh bom của IS tại Paris cũng chẳng hề có người gốc Thổ. Vì vậy mà F16 đã khai hỏa vào hai chiếc Su24, khi chúng hoạt động sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà theo lời chỉ huy căn cứ không quân gần đó của Nga, thì vừa kết thúc hoạt động oanh tạc vào một đoàn xe chở dầu của IS. Đoàn xe chở dầu của IS gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, không khó hình dung đích đến của chúng là ở đâu và ai là người đang kiếm lợi.

Cuộc phiêu lưu này sẽ đi đến đâu? Rõ ràng các nước giữa châu Âu đang bị đặt vào một bài toán khó. Khi cuộc đánh bom rung chuyển Paris vừa mới diễn ra. Các thiết bị nổ được tìm thấy trong nhiều cuộc bố giáp tại Đức, Pháp, Bỉ cho thấy IS sẽ không chỉ dừng ở đó thì cuộc chiến của Nga đang được nhiều nước châu Âu hoan nghênh. Và hành động kiếm tiền trên xương máu đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ chắc hẳn sẽ gây phẫn nộ với nhiều người Pháp. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Hồi giáo thế tục duy nhất tại NATO, không phải lần đầu tiên khiến người châu Âu ở một nền văn minh khác phải nhìn với ánh mắt kỳ thị và ghét bỏ. Tuy nhiên, trong luật chơi toàn cầu, quyền lợi quốc gia bao giờ cũng mạnh hơn các khái niệm về đạo đức. Việc người Nga mang cỗ máy chiến tranh đến Syria cũng chẳng phải vì mục tiêu diệt khủng bố để bảo vệ hòa bình hay công lý toàn cầu. Nước Nga cần bảo vệ đồng minh Syria, nước duy nhất cho phép Nga đặt căn cứ quân sự tại Trung Đông khi các đòn tiến công của IS và lực lượng đối lập Syria đang đẩy Bashar al-Assad vào bước đường cùng. Nhưng đó không phải là lý do quan trọng nhất để Nga điều động bộ máy chiến tranh đang có phần rệu rã vì thiếu tiền và đồng rup mất giá kỷ lục kể từ cuộc xung đột với Ucraine. Putin đang dốc những đồng dự trữ quốc gia vốn không còn nhiều cho cuộc phiêu lưu tại Trung Đông để cứu vãn giá dầu vốn là sức mạnh chính của nước Nga trong hai thập niên qua. Chiến tranh càng lan rộng tại cái rốn dầu của thế giới, thì giá của nguồn tài nguyên quan trọng sống còn này sẽ càng tăng theo các bước leo thang. Sự kiện Su24 bị bắn rơi, sẽ là một nấc thang mới cho lò lửa chiến tranh ở Trung Đông.

Không khó để hình dung các bước tiếp sau của sự kiện này. Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các đồng minh NATO để ứng phó với cuộc khủng hoảng. Người Mỹ, người Anh hay người Pháp chẳng ai hài lòng gì với lối bắt tay IS kiếm tiền của Thổ. Đã từ lâu, chính Thổ Nhĩ Kỳ là con đường để các thành phần cực đoan châu Âu tới Syria tham gia IS và cũng từ đó trở về châu Âu và trở thành những nhân tố gây bất ổn tiềm tàng. Điều 5 của hiến chương NATO cũng không thể được Thổ vận dụng. Chẳng có trái bom hay phát đạn nào của Nga rơi trên đất Thổ và máy bay Nga cũng rơi cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tới 4 km. Thậm chí chính người Pháp chứ không phải người Nga sẽ chất vấn Thổ về bằng chứng xâm phạm của máy bay Nga với không phận Thổ nếu quốc gia này đòi hỏi các đồng minh NATO phải sát cánh với mình. Thổ gần như sẽ phải đối mặt một mình với cuộc khủng hoảng và hẳn người Thổ đang cầu mong hai phi công Su24 thực sự còn sống để họ có thể kiểm soát căng thẳng với Nga. Nếu hành vi khai hỏa của chiếc F16 là một toan tính đã được lập trình thì lần này Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp sai lầm khá nặng.

Điều mà cả thế giới đang quan tâm là Putin sẽ làm gì? Sự tổn thất quan hệ ngoại giao và thương mại song phương là điều khó tránh khỏi dù nó sẽ mang đến thiệt hại cho cả hai phía. Trong bối cảnh bị châu Âu cấm vận, Nga cũng không vui vẻ gì khi các đối tác thương mại ít ỏi của mình bị xói mòn. Putin sẽ không tấn công đáp trả Thổ về mặt quân sự. Điều đó sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu trực tiếp với NATO và chắc chắn sẽ kết thúc bằng một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nga cũng có thể đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền về hành vi bắt tay IS của Thổ Nhĩ Kỳ, điều sẽ tác động rất mạnh tới người Pháp hay người Đức, những nước vừa bị đánh bom hay tìm thấy các thiết bị nổ đe dọa mạng sống người dân. Ngoài ra nước Nga sẽ tận dụng triệt để cơ hội này để đẩy lò lửa Trung Đông vào một cao trào mới nhằm cứu vãn giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu về hồi phục. Nga chắc chắn sẽ tăng mạnh cỗ máy quân sự của mình tại Syria. Các oanh tạc cơ Nga giờ đây sẽ ưu tiên chăm sóc cho các đoàn xe chở dầu của IS đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ một cách triệt để. Lực lượng đối lập Syria gốc Thổ - người Turkmen tại vùng biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ là mục tiêu chính của Nga trong những ngày sắp tới. Không quân Nga hoạt động tại biên giới giáp Thổ chắc chắn sẽ có các máy bay tiêm kích bay kèm oanh tạc cơ, điều sẽ khiến Thổ bị đặt bên miệng hố chiến tranh. Nga cũng có thể triển khai các thiết bị phòng không mặt đất S300 và S400 để kiểm soát vùng trời tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tầm bắn của các thiết bị phòng không tiên tiến này lên tới 300 - 400 km. Kịch bản tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, là Nga sẽ tìm cách bẫy máy bay F16 của Thổ Nhĩ Kỳ ra vùng giáp giới và bắn hạ chúng bằng máy bay tiêm kích Su30 SM hoặc các phương tiện phòng không mặt đất, điều sẽ không dẫn đến chiến tranh Nga - NATO nhưng sẽ đẩy căng thẳng toàn cầu lên một tầm cao mới. Và giá dầu, chắc chắn sẽ tăng.

Các nước châu Âu, gần đây nhất đã gia hạn lệnh cấm vận Nga tới giữa năm 2016. Vũ khí của châu Âu đe dọa Nga hầu như không còn gì trong 6 tháng tới. Trong khi đó, Putin lại có nhiều lựa chọn cho mình để thoát khỏi vũng lầy. Hai sức mạnh chính của nước Nga, là nguồn dầu và vũ khí. Không có gì ngạc nhiên nếu tổng thống Vladimir Putin tiếp tục dùng vũ khí để cứu lấy giá dầu. Cuộc phiêu lưu mới của Putin ở Trung Đông, rồi sẽ đi đến đâu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn?

Update nhận xét về tình hình:  Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Thổ ... Khi tham gia cuộc chiến tai Syria mỗi bên đều có toan tính riêng. Các nhân tố mới liên tục phát sinh và đôi khi vượt quá tầm kiểm soát của mọi phía. Hiện nay thì có vẻ Putin đang tạm thời lấn lướt ở Syria, nhưng nếu vì thế kết luận lợi thế thuộc về Nga thì quá vội vàng. Trừ khi chiến tranh lan tràn khắp Trung Đông, sang cả Arap Saudi, Iran, jordan... Thì tương quan cung cầu và giá dầu thế giới mới thay đổi đột biến. Nga chiếm lợi thế tại Syria đơn giản vì đã có lực lượng mặt đất có tổ chức tốt của lính chính phủ Syria chống lưng, cộng thêm lực lượng chính quy từ Iran và Herbolah yểm hộ. Chứ ngót vài chục chiếc máy bay và đôi ba giàn phòng không mặt đất liệu có là bao trước hỏa lực Nato để nói tới chuyện giành ưu thế chiến trường. Điều quan trọng nhất là ở đây này: Kinh tế Nga đang tăng trưởng âm, năm thứ hai liên tiếp. Chỉ có Nga, Ucraince, Syria, Lybia và Iraq rơi vào tình trạng này. Các nước kia đều đang có nội chiến, còn mỗi Nga. Nga hung hăng, nhung từng trái bom, từng đồng quân nhu Nga đang tiêu ở Syria đều ăn vào quỹ dự trữ liên bang, tức là của để giành. Quỹ này sẽ sớm hết thôi nếu tình hình không có gì thay đổi lớn. Dù Nga đang có lợi thế tại Syria, nhưng từ kinh nghiệm Liên Xô trước đây ở Apghanixtan, Nga sẽ không bao giờ bình định được quốc gia này, và điều quan trọng là, Nga làm gì có tiền để đánh lâu dài hàng chục năm như thời liên xô cũ. Đó là lý do anh Lãng gọi cuộc chiến tại Syria là một cuộc phiêu lưu mới của Putin, chưa ai nhìn thấy ngày kết thúc. Thật ra thì Putin đang đặt cược vào hội nghị các nước OPEC nhóm họp trong ít ngày tới, bằng việc khoe cơ bắp ở Syria để làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ với các nước Trung Đông, khiến OPEC ra một quyết định có lợi cho nguồn cung dầu lửa (hạn chế sản lượng chẳng hạn) để đẩy giá tăng lên. Đây là thứ Nga khao khát nhất. Nhìn bản đồ thì Nga có thể doạ được Jordan, vì nếu Nga tiến hành các chiến dịch quân sự sát ván tại biên giới Jordan, IS sẽ chạy sang quốc gia này và gây bất ổn, một liệu pháp xuất khẩu khủng hoảng smile emoticon Tuy nhiên, nước chi phối thời cuộc ở đây là Arap Saudi, một nước luôn kín tiếng và nước có tiếng nói quyết định sau cùng lại là Mỹ. Chi phí sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ năm 2014 vào khoảng 60usđ/ thùng. Các tiến bộ công nghệ vẫn đang được ứng dụng nhanh và giá thành khai thác dầu đá phiến dự báo giảm xuống khoảng 12usd/thùng, và trong trường hợp này cuộc phiêu lưu của Putin sẽ nhanh kết thúc.