Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Lục tỉnh kinh lý ký

Anh đi kinh lý 6 tỉnh biên giới để kiểm tra tình hình trong bối cảnh thời cuộc có xu hướng diễn biến phức tạp. Để tránh gây phiền phức cho các đơn vị địa phương, anh đi một mình và không báo trước. Hơn nữa, một vài bạn thân rất hợp tính anh như Sầm Đức Xương nay đã ngồi tù, chỉ vì tạo điều kiện cho các cháu học sinh cấp 2 Hà Giang kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình bằng vốn tự có, hay cựu chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô cũng vì quan hệ bạn bè thân thiết với Sầm Đức Xương, có phúc cùng hưởng, có thịt cùng chia mà nay đã lui về nghiên cứu lịch sử Đảng và chủ nghĩa Mác trong biệt thự riêng. Các đồng chí lãnh đạo mới lên thì đang bận rộn chạy dự án nặn tượng 1400 tỷ để thể hiện quyết tâm và tình cảm vô bờ bến của bà con Tây Bắc với Bác Hồ: Dẫu có thất học, dẫu có thiếu ăn nhưng bà con Tây Bắc quyết tâm dù mặc quần đùi cũng phải dựng tượng Bác. Các đồng chí địa phương bận rộn như vậy, để tránh anh em bày vẽ rình rang tốn kém đón tiếp, anh đi bí mật, và lần đầu tiên, tự lái trên các cung đường giáp biên giới.

Anh từng nhiều lần đi công cán lục tỉnh phía Bắc. Nhưng toàn ngồi phưỡn bụng chờ đến nơi thì xuống bắt tay chào hỏi dự tiệc rồi về. do quan liêu nên anh mù đường. Để tránh nguy cơ lãnh tụ ngồi văn phòng nhiều, bụng bự nguy cơ sớm liệt dương mà lại xa rời quần chúng, lần này anh dành vài ngày, đi xuyên từ Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La rồi vòng về Hà Nội, nhằm kiểm tra thực địa lên kế hoạch phòng thủ trong trường hợp Trung Quốc tấn công.

Mò lên Cao Bằng, anh lọ mọ dò theo cung đường 3B, ngoằn nghèo trên bản đồ. Do sinh lý khỏe nhưng địa lý yếu, tới 8h30 tối anh mới mò tới Yến Lạc. Đêm tối mịt mù, anh đành nghỉ lại với đồng bào địa phương, tiện thể thăm nom các gia đình có công với cách mạng. Sáng sớm hôm sau anh mò dậy lúc 5h30, tiếp tục đi theo đường đèo 3B, lên thăm chiến trường Thất Khê cũ. Qua Yến Lạc 8 km, thấy rõ vùng biên giới được lãnh đạo địa phương rất quan tâm chăm chút trên tinh thần cảnh giác cao độ với Trung Quốc. Đoạn đường đèo chắc phải 10 năm chưa được tu tạo, dốc khoảng 20 độ, cung đèo lầy đất. Anh Lãng liều mạng thóp bụng bia nghiến răng đạp chân ga, gần đến đỉnh đèo thì gặp hai vệt sống trâu sâu 40 cm lầy đất, đầu xe quay ngang và tí thì lật ngửa. Trong 15 phút kế tiếp, anh cài số lùi và để bốn bánh xe trượt trên đất lầy với nguy cơ không biết lúc nào tụt xuống vực. Dù bụng có nặng bia nhưng thần kinh anh vẫn còn cứng như thép nguội nên an toàn rút xuống chân đèo. Có đi thực tế mới thấy các đồng chí địa phương đã bố trí sẵn trận địa chờ Tầu. Riêng cái cung đèo này thì Khựa có đem tăng type 98 sang cũng nằm chết dí vì lầy đất. Ta bố trí một đại đội cũng đủ chặn được một quân đoàn bộ binh cơ giới hợp thành. Tuy bà con địa phương sinh hoạt kham khổ đói khát vì đường xá hiểm hóc nát bét như voi dày, nhưng trên tinh thần giàn trận đón lõng quân thù, anh tán thành việc xây tượng đài 1400 tỷ, còn đường xá nát bét bao năm bà con vẫn kiên cường chịu được, như vậy là rất tốt.

Yên tâm với mặt trận Yến Lạc - Thất Khê, anh vòng đầu xe về quốc lộ 3, theo đèo gió rồi lên tới Cao Bằng. Đến đây thì các đồng chí địa phương nghe phong phanh lãnh tụ Lãng vi hành kinh lý nên cử một xe cảnh sát tới chạy dep đường. Được một lát,anh em bên Tỉnh đội nghe tin cũng cho một xe biển đỏ tới hộ tống. Thấy anh em bày vẽ phiền phức anh Lãng bỏ ngang không ghé Cao Bằng mà tạt ra Bản Giốc. Đồng bào chiến sỹ ở đây giữ thác rất tốt dù Tàu Khựa đã khợp mất một nửa phần thác đẹp nhất sau hiệp định phân giới. Anh vẫy bác chèo ghe lượn về phía bờ Tàu, ghé sát cột mốc của Khựa rồi hiên ngang đứng đái. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng quyết tâm đứng đái về mốc Khựa của anh là không gì có thể lay chuyển được.

Một số hình ảnh trong chuyến kinh lý:
- Đoạn đường đèo cách Yến Lạc 8km về phía Thất Khê. Tăng Tàu qua đây đảm bảo lộn cổ xuống vực.
- Các đồng chí bên Công An tỉnh và anh em bên tỉnh đội nghe tin tới dẹp đường và hộ tống.

1 nhận xét: