Một xã hội văn minh là một xã hội có nhiều di sản hoành tráng. Các công trình kiến trúc, là một phần của nền văn hóa vật thể, luôn là biểu tượng của trình độ phát triển xã hội. Hầu hết các di chỉ kiến trúc vĩ đại trên thế giới đều do các nền văn minh rực rỡ nhất kiến tạo ra. Ngày nay dấu ấn của sự thịnh vượng có thể được nhìn thấy ở NewYork, London, Paris và một loạt các cường quốc có nền kinh tế phát triển cao trên thế giới.
Việt Nam, cố nhiên cũng muốn chứng tỏ sự văn minh và thịnh vượng bằng các công trình hoành tráng. Điểm khác duy nhất, là dường như sự hoành tráng đang được nỗ lực tập trung vào những công trình mang nặng ý nghĩa tuyên truyền, tức là các tượng đài tưởng niệm các lãnh tụ cộng sản.
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cộng sản với sự nghiệp để lại nhiều tranh cãi. Lý tưởng phát triển xã hội của ông ngày nay đã được lịch sử và chính những người kế tục ông gạt sang một bên lề vì tính ảo tưởng của nó. Nhiều người nói ông là một người luôn đề cao và tôn trọng nhân quyền, nhưng chế độ ông dựng ra và để lại đến ngày nay lại là một trong những thể chế độc tài có hạng. Có nhiều huyền tích về đức tính giản dị và tiết kiệm của ông, nhưng lăng mộ của ông tại quảng trường Ba Đình và quần thể kiến trúc lăng xung quanh lại là một trong những công trình tốn kém bậc nhất, với diện tích nhiều chục hecta ở vị trí đắc địa nhất thủ đô, cộng với chi phí duy trì nguyên một Bộ tư lệnh bảo vệ hàng năm, chi phí đều từ tiền đóng thuế. Không rõ ông giản dị tới mức nào khi còn sống nhưng sự xa hoa của ông sau khi chết thì lại là một thực tiễn không thể chối bỏ.
Và hàng chục hecta của quần thể Lăng khi nhìn từ trên cao:
Tuần đầu tháng 8/2015, tràn ngập thông tin báo chí là hình ảnh khu vực Quảng Ninh và nhiều tỉnh Tây Bắc ngập trong bão lũ. Thiệt hại trực tiếp về vật chất là nhiều nghìn tỷ đồng, về con người tính đến nay cũng đã có nhiều chục người thiệt mạng. Nhiều khu vực dân cư vẫn chìm sâu trong bão lũ, nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm dưới hàng mét bùn đất. Khó có thể nói thiệt hại về lâu dài sẽ là bao nhiêu, bởi ngoài các tổn hại trước mắt, còn cả về hậu quả khó ước tính về môi trường, khi bùn đất trong bão lũ chứa quặng than và rất nhiều kim loại nặng. Con số có thể là hàng chục nghìn tỷ để khôi phục các khu vực bị ảnh hưởng và khắc phục hậu quả môi trường.
Cũng trong những ngày đầu tháng 8/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La thông qua nghị quyết xây dựng quần thể Quảng trường và tượng đài ông Hồ Chí Minh với kinh phí 1400 tỷ. Để phản bác các thông tin về dựng tượng ông Hồ tốn kém, ông Cầm Ngọc Minh, chủ tịch tỉnh Sơn La đăng đàn giải thích, tượng ông Hồ chỉ 200 tỷ thôi, còn lại là chi phí cho quần thể quảng trường. Giải thích của ông có vẻ hợp lý vì mỗi cái tượng mà chi tới 1400 tỷ quả thực quá nhiều. Nhưng ông kém sòng phẳng khi lờ đi thực tế rằng không dựng tượng ông Hồ thì chẳng ai cấp kinh phí cho ông làm quần thể quảng trường tới hơn nghìn tỷ như thế.
Câu chuyện cuối cùng đặt ra là tiền sẽ tính từ đâu? Chẳng có vấn đề gì nếu Sơn La là một tỉnh giàu có như Singapore, tuy nhiên đây lại là một trong những khu vực nghèo nhất cả nước. Thu ngân sách toàn tỉnh Sơn La năm 2014 là 2680 tỷ đồng. So sánh con số ấy với dự án 1400 tỷ để làm quảng trường và tượng ông Hồ cho thấy lãnh đạo tỉnh này quả là những bậc thầy tiêu tiền thiện nghệ. Dự chi ngân sách tỉnh Sơn La năm 2015 đạt trên 9500 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc Sơn La nhận được sự hỗ trợ cân đối ngân sách rất lớn từ Trung Ương. Điều đó đáng ra cần phải đặt lãnh đạo Sơn La trước một bài toán nặng về đạo đức: Mọi đồng tiền họ định chi ra, đều dựa trên sự cân đối hỗ trợ rất lớn từ tiền đóng thuế của người dân cả nước.
Số tiền 1400 tỷ thực tế có thể làm được những gì? Nếu lấy quy mô đầu tư trung bình của một dự án sản xuất dăm gỗ, hoặc chế biến nông sản, có mức đầu tư khoảng 30 tỷ, mỗi dự án giải quyết việc làm cho 300 - 500 lao động, thì số tiền 1400 tỷ nếu được sử dụng tốt để đầu tư cho phát triển kinh tế, hoặc để các doanh nghiệp vay, có thể tạo mới ít nhất 50 nhà máy và cụm nhà máy có mô hình hoạt động phù hợp khu vực Tây Bắc và Sơn La, tạo thêm công ăn việc làm cho 15000 - 25000 lao động, với tổng doanh thu tính thuế có thể ước đạt 10000 tỷ đồng.
Tây Bắc và Sơn La, hiện trạng là một khu vực có tỷ lệ hộ nghèo còn trên 26%.
Bỏ qua khả năng siêu hạng của lãnh đạo nhiều tỉnh và lãnh đạo Trung Ương Việt Nam về năng lực tiêu tiền. Hãy nói về ý nghĩa xã hội và dấu ấn thịnh vượng về quần thể tượng đài ông Hồ cũng như các dấu tích tượng đài của chế độ cộng sản trên khắp Việt Nam. Có thể nói càng những nơi nghèo thì lãnh đạo địa phương càng ấp ủ những dự án tượng đài hoành tráng. Thay vì dấu ấn kiến trúc văn minh đại diện cho sự thịnh vượng, người ta chỉ nhìn thấy ở đó những nguồn lực quốc gia mất hút trong lúc đất nước còn nghèo.
Trong đám tang của ông Lý Quang Diệu, cha già lập quốc Singapore, một trong những đảo quốc ngày nay đã thành nơi thịnh vượng hàng đầu thế giới (Những năm 1960, kinh tế Singapore thua xa Sài gòn), ông Lý Hiển Long thủ tướng Singapore có nhắc đến điều này trong điếu văn: "Nếu có một ai đó đến Singapore và hỏi: Tượng đài ông Lý Quang Diệu ở đâu??? Người đó sẽ nhận được câu trả lời: "Hãy nhìn xung quanh bạn - LOOK AROUND YOU!!!". Ông Lý Hiển Long và người dân Singapore có thể tự hào về điều này, toàn bộ những công trình hạ tầng, những thành tựu kinh tế và sự phồn thịnh rực rỡ ngày nay của đất nước Singapore chính là tượng đài rực rỡ nhất của ông Lý Quang Diệu, dù người Sing vẫn chưa đúc một bức tượng hay xây một quảng trường nào để tưởng niệm ông, dù họ có thể làm điều đó thật dễ dàng với GDP hơn 321 tỷ USD. (Để so sánh, 7,5 tr người Sing làm ra 321 tỷ USD một năm, 90 tr người Việt cặm cụi làm ra khoảng 180 tỷ USD/năm)
Ông Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản có vô số tượng đài, quảng trường và nguyên một quần thể Lăng nằm chính giữa Ba Đình để tưởng niệm về sự nghiệp của ông, nhưng nếu LOOK AROUND YOU khắp Việt Nam để nhìn vào thực trạng kinh tế đất nước, khi vẫn còn nằm trong top đáy của các nước trung bình, chất lượng cuộc sống và hệ thống an sinh xã hội cho người dân vào loại thấp nhất thế giới, tình trạng bất bình đẳng ngày một gia tăng trong lúc tham nhũng trở nên bất trị. Ông Hồ nếu quả thật là một người liêm khiết, yêu dân và ưa tiết kiệm, có lẽ khó có thể tự hào khi nhìn thấy những tượng đài ấy của mình và có lẽ phải ghê sợ với di sản mà ông để lại cho hậu thế hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét