Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Bức ảnh thay đổi thế giới

Alan Kurdi, một cái tên lạ lẫm với hầu hết ngót 8 tỷ người trên thế giới này, vào ngày 04/09/2015 đã trở lên nổi tiếng theo một cách mà chắc em chưa bao giờ hình dung đến.

Trong cuộc đời ngắn ngủi chưa đầy 3 tuổi của mình, Kurdi chắc chắn chưa hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh và ở quê hương mình. Trong sự xô đẩy của định mệnh, được định đoạt bằng quyết định của những người thân, Alan Kurdi được đưa lên một con thuyền nhỏ cùng với cha, mẹ và người anh trai 5 tuổi, với em, hẳn cũng giống một chuyến đi chơi. Ít giờ sau, em được tìm thấy khi nằm dài trên bãi cát của một bờ biển tại Thổ Nhĩ Kỳ, yên bình trong giấc ngủ giờ đã thành vĩnh viễn. Mẹ và anh trai của Kurdi cũng ra đi trong ngày hôm đó khi chiếc thuyền nhỏ chìm giữa biển trong nỗ lực tuyệt vọng chạy trốn khỏi Syria, giờ đã thành một địa ngục sau các nước cờ giành giật quyền lực giữa các thế lực chính trị cả trong và ngoài quốc gia Trung Đông bi thảm này.

Đó là những gì được phơi bày trên hầu hết các bản tin của các hãng truyền thông trên thế giới vào ngày 04/09/2015.

Anh Lãng đã ngắm bức ảnh này nhiều lần, và thú thật chưa bao giờ đủ can đảm để nhìn chăm chú quá 1 phút. Dù rằng luôn có điều gì đó thôi thúc cần phải nhìn lại thêm một lần nữa.



Những năm 1970 và 1980, hàng triệu người Việt lênh đênh trên biển, giữa bão tố, đói khát, cướp bóc và sát nhân, vào lúc mà trình độ văn minh của nhân loại còn man rợ hơn ngày nay rất nhiều lần, chắc chắn những bi kịch tương tự Alan Kurdi không hề ít, thậm chí còn bi thảm hơn nhiều lần. Lúc đó chưa sẵn máy ảnh và truyền thông, mạng internet cũng không hề có. May mắn thay (hay cũng bi thảm thay) những nỗi đau ấy của người Việt không bị lưu lại một cách đầy ám ảnh giống như bức ảnh này.

Anh sẽ không nói gì về lương tri, thứ tình cảm ủy mị em chã ấy là sự biểu trưng cho sự đớn hèn và là căn nguyên của nhiều đau khổ trên thế giới này. Nhưng sự ám ảnh từ hình ảnh này khiến anh và các bạn cần thật sự trân trọng những gì đang có, và phải quyết liệt đấu tranh để triệt tiêu mọi nhân tố khiến con cháu chúng ta phải rơi vào thảm cảnh bi thương này.

Thế giới năm 2015, cũng vì thế mà thay đổi.

Cuối cùng người ta vẫn thấy đâu là ánh sáng của văn minh và tự do. Một châu Âu vật vã trong suy thoái kinh tế, một loạt các đảng phái có khuynh hướng bài trừ người nhập cư lên nắm quyền ở nhiều nước châu Âu trong các năm 2011 - 2015. Khắp nơi người ta nói đến việc bế quan tỏa cảng với các nền văn hóa ngoại lai, với người nhập cư và bảo vệ việc làm cũng như an sinh xã hội cho người bản địa. Sau khi hình ảnh và câu chuyện về Kurdi được lan truyền, người ta thấy một lối cư xử hoàn toàn khác. Hầu hết các chính phủ châu Âu đều hành động trong các chương trình an sinh cho người nhập cư tị nạn, nhiều dòng người tại Na Uy, Áo, Đức, Anh ... mang theo chăn và quần áo ấm ra đón những người tị nạn. Một lần nữa, giá trị nhân văn, khái niệm về lòng bác ái và quyền con người thắng thế tại Âu Châu, dù các khó khăn kinh tế vẫn chưa hề thuyên giảm. Cuối cùng thì sức sống thực sự của các giá trị dân chủ vẫn giành phần thắng cuối cùng, sau nhiều nghi ngờ về sự thất bại của các nền văn minh phương tây khi để các xu hướng dân tộc chủ nghĩa thắng thế trong một vài năm khó khăn kinh tế. Một điển hình cho các giá trị nhân văn, Angela Merkel tuyên bố nước Đức sẽ giành một ngân khoản 11 tỷ USD để hỗ trợ cho người nhập cư trong năm tài chính tới. Trong một phát biểu công khai, nữ thủ tướng quyền lực của một nước Đức luôn chặt chẽ trong chi tiêu và thận trọng trong tiếp nhận các nền văn hóa ngoại lai, nói về một xu hướng mới khi đón tiếp những người xa lạ, và bà tin rằng đó sẽ là xu hướng tốt. Rất khó để nói trước điều đó sẽ đúng hay sai, khi thế giới ngày nay thường phải vật lộn giữa các giá trị văn minh và cực đoan, khi lực lượng tàn bạo đến ghê rợn là IS lại mộ được một lượng chiến binh đáng kể từ những thanh niên được sinh ra và lớn lên ở các nước châu Âu vốn được hưởng các giá trị nhân văn từ tấm bé.

Tuy nhiên giữa sự bạo tàn của chiến tranh, của các toan tính đầy thủ đoạn của các thế lực chính trị trên thế giới và những số phận bi thương như Alan Kurdi. Xen lẫn giữa bức tranh bạo tàn và bi thương, đọng lại cuối cùng và đem lại niềm hy vọng, chính là các giá trị nhân văn, sản phẩm kết tinh từ sự văn minh và tự do mà các nền văn minh phương tây đã phấn đấu để đạt tới trong nhiều thế kỷ.

Không ai có thể nói trước được liệu những người di cư hồi giáo Syria được châu Âu chào đón hôm nay, sau nhiều năm nữa sẽ biến thành những động lực tích cực mới cho miền đất mà họ phải đánh đổi vô số thứ mới tìm đến được, hay lại trở thành các nhân tố gây bất ổn và biến thành các ví dụ điển hình cho sự thất bại của các giá trị châu Âu. Tuy nhiên, ngay vào lúc này, thế giới có lẽ lại tìm thấy một niềm hy vọng khi ánh sáng của văn minh và tự do vẫn đang thắng thế.

Một quốc gia phải sống bấp bênh trong mối đe dọa chủ quyền, trong một xã hội cai trị độc tài và ngự trị bởi nạn tham nhũng và các giá trị xã hội ngày càng xuống cấp, sớm muộn rồi cũng sẽ đối mặt với hoang tàn nếu những công dân của nó không thức tỉnh. Anh Lãng không xúi các bạn làm loạn, vì như vậy là rất ngu và anh không muốn ngồi tù, nhưng anh Lãng xúi các bạn phải thức tỉnh ý thức và trách nhiệm với xã hội. Phải hành động bằng chính những quyền mà hiến pháp trao tặng cho mỗi công dân, phải đòi hỏi xã hội được cai trị bằng luật pháp và sự công bằng. Phải đòi hỏi bộ máy nhà nước sống bằng tiền thuế và tiền bán tài nguyên quốc gia phải hành động trong sạch vì lợi ích quốc gia. Phải kiên trì trong hòa bình nhưng kiên quyết đối mặt với họa xâm lăng với dũng khí cao nhất để bảo toàn được tương lai cho các thế hệ tiếp sau. Trên hết, phải có tự trọng với chính bản thân mình để nhận ra mình vẫn là một con người với niềm khao khát cho những giá trị thuộc về lý tưởng.

Liệu dân tộc này có còn phải chịu đựng bi thương như hơn hai triệu người Việt đã từng trên biển vào những năm 1970, 1980 và nhiều năm sau đó? Liệu một lúc nào đó chính con cái các bạn sẽ phải nằm dài trên cát giống Alan Kurdi? Liệu có một lúc nào đó người Việt nam sẽ được sống trong hoàn cảnh và các giá trị như Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy? Và liệu sau 10, 15 năm nữa những câu hỏi giống như thế này vẫn được gõ và đưa lên net như một ám ảnh? Những người Việt Nam có tư duy, đang sống và tồn tại ở thời điểm này, chúng ta đang làm gì để thúc đẩy một tương lai văn minh và tự do cho thế hệ sau của người Việt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét