Truyện ngụ ngôn về những con sư tử và câu chuyện Tân Hiệp Phát.
Có một nguyên tắc xuyên suốt của anh khi viết trên net, là hiếm khi anh trở lại câu chuyện về cùng một vấn đề đến hai lần, trừ khi đó là những vấn đề lớn của quốc gia. Tuy nhiên, sau bài viết trước về Tân Hiệp Phát và bản án 7 năm tù giành cho người đàn ông bị quy tội cưỡng đoạt trong vụ án chai nước chứa ruồi, anh buộc phải quay trở lại câu chuyện này lần thứ hai:
Những khía cạnh về pháp lý và đạo đức về trường hợp của Tân Hiệp Phát đã được bàn đến ở bài viết trước, anh không nhắc lại ở đây. Điều anh muốn bàn luận, là sự kiện tẩy chay Tân Hiệp Phát trong cộng đồng mạng người Việt đã bị đẩy đi quá xa. Thay vì một làn sóng đấu tranh thể hiện tình cảm chính đáng của người Việt, nó đang bị lợi dụng biến thành một đòn triệt hạ của những đối thủ cạnh tranh. Mỉa mai thay, tình cảm chính đáng của người Việt và lòng căm phẫn đối với bất công, đang bị khai thác và biến thành công cụ lợi dụng cho một đám cá mập khác. Anh có thể chỉ đích danh, đó là Cocacola, đó là Pepsi và nhiều doanh nghiệp chủ yếu thuộc nhóm FDI, vốn từ lâu thèm thuồng miếng bánh thị phần của Tân Hiệp Phát. Tại sao anh Lãng kết luận như vậy?
Kể từ bài viết đầu tiên trên net tính đến nay đã 20 năm, điều mong muốn nhất của anh là những độc giả Lãng luôn giữ cho mình cái đầu lạnh và bầu máu nóng. Họ cần có nhiệt huyết để biết nghĩ về những giá trị cộng đồng và chung sức cho những vấn đề lớn của quốc gia. Nhưng họ cần có cái đầu lạnh để giữ cho mình sự tỉnh táo và tránh biến mình thành con rối bị lợi dụng và kích động bởi các tập đoàn lợi ích. Không phải chỉ một lần những tình cảm chính đáng của người Việt bị kích động và lợi dụng dưới đủ thứ ngôn từ cao đẹp. Các bạn hãy đọc lại bài này, để thấy rằng nếu thiếu sự tỉnh táo, thì thậm chí cả tình cảm thiêng liêng giống như lòng yêu nước cũng có thể bị biến thành thứ công cụ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người:
"Luận về dân tộc và dân quyền"
https://www.facebook.com/notes/lang-anh/lu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-v%C3%A0-d%C3%A2n-quy%E1%BB%81n/10203864462572028
Quay trở lại câu chuyện Tân Hiệp Phát và ngón đòn triệt hạ của các đối thủ cạnh tranh. Trước hết phải khẳng định rõ rằng Tân Hiệp Phát có một triết lý kinh doanh không mấy sạch sẽ. Nó sẵn sàng bất chấp lợi ích của người tiêu dùng khi có một lý lịch kém minh bạch trong việc sử dụng nguyên liệu sản xuất kém chất lượng. Nó cũng có lối hành xử tàn nhẫn và thiếu tình người khi chăm chăm tìm cách triệt hạ mọi nguồn nguy hiểm tiềm ẩn cho nó bằng cách gài những người phát hiện các sản phẩm lỗi của nó vào vòng lao lý. Và cố nhiên, là một doanh nghiệp gộc ở Việt nam, nó có lịch sử cấu kết chặt chẽ với quyền lực chính trị, càng khiến triết lý kinh doanh của nó trở thành một thứ triết lý mang tính rừng rú của chủ nghĩa tư bản thời kỳ sơ khai.
Ở phía còn lại, nhóm các doanh nghiệp FDI cạnh tranh với Tân Hiệp Phát như Cocacola hay Pepsi, những công ty đa quốc gia đến từ Mỹ và Châu Âu, đáng buồn thay khi đến Việt Nam cũng chẳng giữ được thứ văn hóa kinh doanh sạch sẽ vốn có ở phương tây mà cũng nhanh chóng biến tướng thành những tay cá mập tham lam và sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của đất nước mà họ đang khai thác. Hơn 20 năm qua, Cocacola khai lỗ năm này qua năm khác, đẩy giá thành nhập thiết bị và nguyên liệu từ các công ty liên quan trong hệ thống của họ ở nước ngoài lên quá mức bình thường. Kết quả là lợi nhuận của chúng được chuyển ra nước ngoài trong khi quy mô của những tập đoàn này ở Việt Nam đã tăng gấp hàng chục lần trong suốt một thời gian dài. Họ khai thác thị phần của 90 triệu người Việt nam, kiếm tiền từ đó nhưng không đóng lấy một đồng thuế thu nhập. Đây là một thứ văn hóa kinh doanh mang tính tước đoạt. Và họ làm được điều này tất nhiên cũng bằng những cách chẳng sạch sẽ gì, nó bao gồm cả việc lợi dụng sự ngu dốt của bộ máy cai trị Việt Nam, nhưng phần nhiều hơn, thì chắc chắn là dựa vào lobby và hối lộ. Nhìn vào đó, có thể nói văn hóa kinh doanh của nhóm cá mập này cũng chẳng mấy sạch sẽ so với văn hóa của Tân Hiệp Phát và cũng đều đáng phải bị trừng phạt theo cách này hay cách khác. Khi nêu sự so sánh này ở bài viết trước, anh Lãng đọc thấy một loạt comment biện hộ trơ tráo không kém gì những ý kiến biện hộ đã được đưa ra bởi lãnh đạo Tân Hiệp Phát trên báo chí, đại loại:
- Ừ thì Cocacola và Pepsi trốn thuế, nhưng thế cũng tốt. Thuế nộp cho chính quyền tham nhũng tiêu xài chứ người dân có được đồng nào đâu?
- Sản phẩm nước uống đóng chai đúng là đều chứa hóa chất và chất bảo quản, nhưng có sản phẩm có hại ít giống của Coca hay Pepsi và sản phẩm có hại nhiều giống Tân Hiệp Phát chứ?
- Tân Hiệp Phát là công ty của ba Tàu, cần phải tẩy chay. Sao so với Coca hay Pepsi được.....
Đọc những ý kiến trên, anh không thể rút ra kết luận nào khác hơn, là rõ ràng làn sóng tẩy chay Tân Hiệp Phát đang bị một đám cá mập đứng sau lợi dụng. Và vì không thể nhắm mắt nhìn cảnh tình cảm chính đáng của người Việt bị lợi dụng biến thành công cụ cho một nhóm lợi ích núp sau, anh phải viết rõ chính kiến của mình.
Trước hết, các bạn hãy nhìn xa hơn, nhìn vào 20 năm sau. Ai cũng có thể thấy rõ chính thể hiện nay đang ở trong giai đoạn suy tàn. Nó sẽ phải thay đổi hoặc bị thay thế, đó là điều chắc chắn. Nhưng đất nước này thì vẫn phải tồn tại. Và sự thịnh vượng của một quốc gia, vẫn phải dựa vào nền tảng của hệ thống tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nghĩa là hệ thống các doanh nghiệp và các tế bào của nền kinh tế. Trong bài toán đường dài quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia, có sự khác biệt mang tính bản chất của lực lượng doanh nghiệp nội địa và lực lượng doanh nghiệp FDI có vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp nội địa, về cơ bản, toàn bộ giá trị mà họ tạo ra, bao gồm lợi nhuận phần lớn đều nằm lại tại Việt Nam, nó chỉ chảy một phần ra nước ngoài đáp ứng nhu cầu đầu tư hay tiêu dùng của nhóm tư bản dân tộc, nhưng hầu hết đều sẽ đọng lại tại Việt nam, vì gia đình, con cái và sự nghiệp của nhóm này đều nằm ở đất nước này. Những giá trị đó bằng kênh này hay kênh khác, rồi sẽ biến thành các nguồn lực tiếp tục làm cường thịnh đất nước. Nhóm FDI hoàn toàn khác. Chủ sở hữu của nó là những cổ đông nằm ở nước ngoài. Nó tạo ra công ăn việc làm tại bản địa, nhưng về lâu về dài, lợi nhuận được tạo ra bởi các công ty này sẽ chảy về chính quốc. Nếu một đất nước mà thành phần kinh tế FDI chiếm vai trò chủ đạo, thì đó là đất nước mà đại bộ phận dân tộc biến thành lực lượng làm thuê cho các nhà tư bản nước ngoài. Trong bài toán phân phối lợi ích, chúng ta đều rất rõ ràng, lương của người đi làm thuê thường chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị mà họ tạo ra. Không có đất nước nào có thể cường thịnh khi cả nước đi làm thuê cho nước ngoài ngay trên chính quê hương mình.
Do đó, câu chuyện của Tân Hiệp Phát cần phải được kiểm soát, và cộng đồng người Việt cần tránh biến mình thành công cụ bị lợi dụng của một nhóm lợi ích núp sau. Điều nhục nhã nhất là khi những tình cảm thiên về công lý lại biến thành thứ bị lạm dụng và lợi dụng. Vậy chúng ta nên làm gì?
Trước hết là việc kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát cần được thực hiện theo cách không phải là để khiến Tập đoàn này phá sản. Điều đó không có lợi gì cho Việt Nam về lâu dài ngoài Cocacola hay Pepsi đang lăm lăm xoa tay rình sẵn. Mục tiêu của việc tẩy chay, là để buộc Tân Hiệp Phát phải thay đổi triết lý kinh doanh của nó, tôn trọng thị trường, tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng và nhân văn hơn trong cách hành xử với con người. Tân Hiệp Phát đã tổn thất hàng ngàn tỷ (theo con số họ tự tính toán dù anh khá nghi ngờ) và có thể sẽ còn tổn thất hàng ngàn tỷ. Áp lực của cộng đồng hiện nay cần phải mang thông điệp có tính xây dựng cho cả hai bên: Xã hội sẽ tiếp tục tẩy chay, cho đến khi Tân Hiệp Phát có những hành động cụ thể trên thực tiễn. Tập đoàn này nếu muốn tồn tại, có thể phải bỏ ra nhiều trăm tỷ, thậm chí là hàng nghìn tỷ để nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa quy trình sản xuất và minh bạch hóa nguồn nguyên liệu sử dụng, và đặc biệt nó phải có lối hành xử nhân văn hơn trong cách sự kiện như vụ án con ruồi và một loạt vụ việc đã diễn ra trong quá khứ. Một lời xin lỗi và những hành động cụ thể kèm theo những giá trị vật chất cụ thể cho những cá nhân từng bị Tân Hiệp Phát gài vào vòng lao lý là thứ mà Tập đoàn này phải làm. Và nếu nó đã làm tất cả những thứ đó, mà vẫn có những ý kiến kêu gọi xã hội quay lưng, vậy thì xin chúc mừng, các bạn đang biến mình thành thứ con rối bị lợi dụng một cách đáng thương hại và chà đạp lên chính tương lai lâu dài của đất nước này.
Thông điệp trừng phạt, do đó, phải gắn với sự xây dựng chứ không phải là để tiêu diệt. Mất 20 năm mới có một doanh nghiệp nội địa như Tân Hiệp Phát, trong bối cảnh những tập đoàn cá mập như Coca hay Pepsi rình rẵn như hổ rình mồi, nếu Tân Hiệp Phát sụp thì coi như ngành đồ uống đóng chai được nuốt trọn bởi các thương hiệu ngoại. Hãy ý thức đến điều này.
Anh Lãng không bao giờ kêu gọi các bạn ủng hộ hàng Việt một cách vô điều kiện. Sự ủng hộ đó là một khế ước xã hội mang tính hai chiều. Sẽ có sự ưu ái, nhưng chỉ là giành cho những nhà sản xuất có lương tâm. Với những nhà sản xuất xấu xa nhưng phục thiện, tất nhiên cũng có cơ hội giành cho họ.
Cuối cùng, anh kể cho các bạn nghe về câu chuyện ngụ ngôn giữa hai đàn cừu và những con sư tử ăn thịt:
Một vùng đất được chia đôi bởi một dãy núi, mỗi bên có một đàn cừu sinh sống. Chúa nói với hai đàn cừu, do vạn vật cân bằng, nên mỗi đàn cừu đều phải có một kẻ thù thiên nhiên. Chúng có quyền lựa chọn hai phương án. Một là chúng sẽ có một kẻ thù duy nhất chỉ là một con sư tử hoặc phương án hai sẽ là hai con sư tử, nhưng đàn cừu nào mà chọn hai con thì được quyền quyết định con sư tử nào trong hai con đó sẽ được quyền săn mồi.
Đàn cừu bên phía Đông chọn phương án một con. Còn đàn bên phía Tây chọn phương án hai con. Sau một thời gian, cuộc giết chóc của những con sư tử diễn ra. Do phía Đông chỉ có một con sư tử, mỗi ngày nó chỉ ăn một con cừu và chỉ đi săn khi đói, nên dù chết chóc nhưng đàn cừu bên Đông vẫn chịu được. Ngược lại, đàn cừu bên Tây vô cùng khổ sở. Khi chúng lựa chọn bất cứ con sư tử nào được xuất hiện trên lãnh địa của chúng thì cả hai con đều háu đói và sung sức, thỏa sức săn đuổi và tàn sát khiến số chết của chúng gấp đôi. Đàn cừu phía Đông do đó cười cợt đàn phía Tây và thấy rằng chúng đã vô cùng thông minh và may mắn khi lựa chọn phương án một. Tuy nhiên một thời gian sau, con sư tử bên Đông vì ăn uống điều độ và nhàm chán, nó không còn đi săn mồi vì đói nữa mà còn lấy việc tàn sát làm thú vui, khiến đàn phía Đông vô cùng khổ sở.
Còn đàn cừu phía Tây, do mệt mỏi phải chạy trốn suốt ngày, chúng chán không buồn nghĩ đến việc đổi ca cho hai con sư tử, mà chấp nhận việc phải sống cùng một con và chịu sự săn đuổi mỗi ngày. Một tuần sau đó, các con cừu phía Tây chợt nhớ ra chúng còn một con sư tử thứ hai, mà theo lời Chúa thì dù đàn cừu bên Tây được quyền lựa chọn thời gian xuất hiện luân phiên của mỗi con sư tử nhưng chúng vẫn phải để con sư tử này xuất hiện. Khi vừa được thả ra trên đồng cỏ phía Tây, con sư tử thứ hai đã chịu đói một tuần và vô cùng hung dữ. Nó lao vào săn đuổi và tàn sát đàn phía Tây vô tội vạ. Đàn cừu phía Tây hoảng sợ vội vàng triệu hồi con sư tử thứ nhất ra và tống con sư tử đói về lại chỗ Chúa. Sau một thời gian, chúng lại gọi con sư tử thứ hai ra. Lúc này con sư tử thứ hai vô cùng đói khát, và vô cùng sợ hãi việc có thể bị đàn cừu phía Tây trả về chỗ chúa thêm một tuần nữa. Nó bèn đến thương lượng với đàn cừu phía Tây rằng nó sẽ không săn đuổi đàn cừu nữa, một tuần nó chỉ xin được ăn một lần, và mỗi lần cũng chỉ chọn những con cừu ốm bệnh để ăn mà thôi. Đàn cừu hài lòng với phương án đó và con sư tử cư xử rất tử tế, khiến đàn cừu phía Tây giờ đây có cuộc sống rất dễ chịu. Cả đàn cừu phía Tây họp lại, để bàn nhau từ giờ chỉ chọn con sư tử này xuất hiện và mặc kệ con sư tử kia. Tuy nhiên những con cừu già không đồng ý. Chúng nói nếu con sư tử kia chết đói, thì từ giờ đàn phía Tây chỉ có mỗi một lựa chọn và sẽ có cuộc sống giống hệt đàn bên Đông chứ không được như bây giờ. Thế là đàn cừu phía Tây lựa chọn việc cho hai con sư tử xuất hiện luân phiên. Và vì con sư tử nào cũng đều sợ cảnh bị nhốt và đói nên chúng đều chấp nhận luật lệ do đàn cừu phía Tây đề ra"
Câu chuyện ngụ ngôn này, có ý nghĩa sâu sắc không phải chỉ trong trường hợp Tân Hiệp Phát. Một xã hội thông thái phải là xã hội biết duy trì và nuôi dưỡng các giá trị cạnh tranh, để chúng so sánh với nhau và đem lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Tất nhiên nó cũng có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, và phản ánh lý do tại sao quyền lực độc quyền dù trong kinh doanh hay chính trị đều là tai họa đối với loài người.
Anh hy vọng bài viết này là đủ để mỗi người vào đây tự ý thức được đâu là điều cần làm đối với các sự kiện xã hội đang diễn ra hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét