Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2008

Game theory - Đời có là một trò chơi?

Có nhiều sự việc, thuộc những lĩnh vực rất khác nhau, nhưng khi đi đến tận cùng, người ta lại thấy rằng chúng vận động theo một quy luật chung nào đấy. Cách đây nhiều năm, khi lần đầu đọc cuốn Game theory của Drew Fudenberg viết chung với Jean Tirole, anh các chú đã đặt ra một câu hỏi, Đời liệu có phải chỉ là một trò chơi?

Bản chất của cái gọi là lý thuyết trò chơi, có thể hình dung như một Matrix tổng hợp giữa lựa chọn và kết quả. Lý luận dựa trên nền tảng toán học hiện đại phương tây này thật đáng ngạc nhiên lại có nét tương đồng rất sâu sắc với triết lý Phật giáo phương đông. Quy luật vận động xã hội được Phật giáo cô đọng bởi chữ Nhân và Quả. Game theory lại dựa trên một phân tích tổng hợp giữa hành vi của các chủ thể tham gia để đưa đến một sự đánh giá về kết quả cuối cùng. Rất nhiều thứ trong xã hội, đang ngày ngày vận động trong quy luật ấy.
Lý thuyết trò chơi nói với chúng ta rằng, trong một sự cạnh tranh giữa một số lượng hữu hạn đối thủ, biết rõ thông tin về nhau, thì mỗi bên, nếu hành động một cách lý trí, sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở tính toán về hành vi của đối thủ để tránh điều bất lợi nhất có thể xảy ra. Cuối cùng, dù không mong muốn, nhưng các bên sẽ cùng điều chỉnh hành vi tiệm cận về một đường biên lợi ích, mà ở đó quyền lợi của các bên là khả thi hơn cả. Có thể lấy ví dụ về game theory một cách hết sức đơn giản như thế này. Hai doanh nghiệp kinh doanh bao cao su là OK và Durex đang cạnh tranh trong một lĩnh vực hẹp. Vì BCS chỉ có hai ứng dụng cơ bản, một là đem sử dụng một lần, hai là đem thổi làm bóng bay. Nhưng vì giá bán OK đang là 1$/1c còn Durex đâu đó cũng cỡ 0,99$ nên ngoài việc đem dùng vào cái việc đó ra thì rất ít ai đem đi thổi bóng. Chính sách bán hàng của OK và Durex sẽ dẫn đến các phản ứng khác nhau của thị trường, tức là người tiêu thụ, và từ đó cũng ảnh hưởng đến lợi ích mà OK và Durex thu được. Hãy nhìn vào ma trận hành vi này:


phương án OK Durex Bọn chã
P/A 1 giá 1$/c. Lợi nhuận 5 $ giá 0,99$/c. Lợi nhuận 4 $ Đắt quá, ngày ông làm nhát thôi
P/A2 Phải cạnh tranh chiếm thị trường, ông mày giảm giá 0,7$/c.
Lợi nhuận tổng hợp 8 $
Láo, ông cũng theo. Giá xuống 0,68$/c.
Lợi nhuận tổng hợp 7,9$
Giá này được đấy, công suất tăng gấp đôi: 2 nhát/ngày
P/A 3 Down tiếp xem nó theo được không
0,4$/c. Lợi nhuận 10 $
Chơi. Giá còn 0,37$/c. Lợi nhuận 9 $ Rẻ, còn dư tiền bồi dưỡng. Công suất lên 3 phát/ngày
P/A 4 ông Hốt tất liệt, vét hêt thị trường
Giá 0,1$/c. Lợi nhuận 3 $
Tao chơi đến cùng
giá 0,075$/c. Lợi nhuận 2,5 $
Khặc, khặc. Máy móc công suất tối đa rồi. 3 phát/ngày, hơn nữa thế léo nào được?

Bọn chã ngó xong cái bảng bên trên sẽ thấy tối hù. Chúng sẽ bảo nhau, bảng léo gì mà khó hiểu thế này. Thứ duy nhất chúng mày hiểu trên kia chắc là các từ Bao cao su, OK hay Durex. Phản ứng của chúng mày là tất nhiên, nếu không chúng mày đã không phải là chã. 

Khái luận về ma trận hành vi trên có thể hiểu thế này. Ở phương án 1, OK định giá bán sản phẩm là 1$/bcs; chiến lược giá tương ứng của Durex là 0,99. Mức giá này với bọn chã là cao, tiền léo đâu ra mà xài nhiều được. Nên dù nhu cầu có lớn hơn, thì chã cũng chỉ dám ngày làm một nhát. Kết quả là với chính sách giá và lượng cầu thị trường như vậy, lợi nhuận của OK là 5$ trong khi Durex thu được 4$.

CEO của OK về bóp trán ngẫm nghĩ, thế này léo được, hàng mình ngon hơn, nhãn hiệu ngon hơn mà lại không lấn được sân, để thằng kia cạnh tranh ngang ngửa. Đã vậy ông giảm giá, OK xuống giá còn 0,7đ. Durex không chịu kém, À, mày định chơi bẩn hả, giá cũng xuống còn 0,68đ. Bọn chã hồ hởi, giá này được đấy, công suất hoạt động tăng lên 2 nhát/ngày. Do thị trường tăng nên lượng sản phẩm của OK và Durex tiêu thụ mạnh. Dù giá giảm khiến lợi nhuận cận biên giảm xuống, nhưng lợi nhuận tổng hợp lại tăng do doanh số tăng. Kết quả là lợi nhuận của cả hai tăng lên tương ứng: 8đ và 7,9đ

Trong phương án 3, OK quyết tâm tiếp tục cạnh tranh, xuống giá còn 0,4$. Durex không chịu kém, giá xuống còn 0,37$. Trước sức cạnh tranh này, nhu cầu của chã tăng mạnh, do còn thừa tiền để mua Minh mạng thang tẩm bổ, chúng nâng công suất lên 3 phát/ngày. Lợi nhuận tăng do doanh số tăng, CEO OK hỉ hả đếm được 10 đồng, còn Durex cũng thoả mãn đút túi 9 đồng.

Phương án 4, OK bóp trán, thằng này lỳ thật, chuyến này ông chơi tất tay xem mày chịu được nhiệt không? Ok xuống giá 0,1 $ nhằm Hốt Tất Liệt thị trường. Durex chấp nhận chiến đến cùng, giá lùi còn 0,75$/c. Nhưng dù giá xuống thê thảm, công suất của chã cũng đến tới hạn rồi. 3 phát/ngày không thể tăng hơn được nữa. Điều này dẫn đến lợi nhuận của OK và Durex sụt giảm cực mạnh, còn tương ứng 3 đ và 2,5 đ.
Tổng hợp hành vi của OK và Durex trong bối cảnh thị trường năng lực hành vi giới hạn của chã dẫn đến hình thành một loại trò chơi. Do CEO của cả OK và Durex đều là dạng Hải Đăng, nên dù không bàn bạc với nhau, trong đầu của cả hai thằng đều phác ra cùng một ma trận hành vi, theo đó lợi ích của các bên được tính toán trên cơ sở xem xét chiến lược phản ứng có thể có của đối thủ. Trong trò chơi này, cả hai bên khi quyết định một chính sách cạnh tranh về giá, đều phải tính toán đến phản ứng tiếp sau của đối thủ, từ đó ước lượng được lợi ích có thể thu được của mình. Nếu hai phía có lượng thông tin giống nhau, và có khả năng tính toán chính xác như nhau, thì tự khắc các chiến lược giá sẽ cùng gặp nhau tại phương án 3, ở chính sách mà lợi ích các bên là lớn nhất. Tự điều chỉnh hành vi, để có một kết quả chấp nhận được cho các phía, chính là bản chất cái gọi là lý thuyết trò chơi.

Nhìn nhận tổng hợp cuộc sống dưới nhãn quan của game theory, thấy rằng từ chuyện cua gái cho đến chuyện làm ăn, hoặc những chuyện bàn trời nói đất như chính trị và chủ quyền, đều có thể lấy game theory ra làm căn bản.

Từ nhiều ngày qua, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nóng lên rất nhanh. Theo các hành vi leo thang của người Tàu, càng ngày mối nguy chủ quyền càng đậm nét. Bọn chã có thể sẽ nói, àh, sợ léo gì, đây là vấn đề thuộc về game theory. Mỗi phương án của Trung Quốc sẽ đều phải tính đến phản ứng của chúng ta. Và chắc cũng sẽ tồn tại đâu đó một phương án trung dung đem lại kết quả chấp nhận được cho tất cả các bên. Bọn chã hỷ hả, nghĩ rằng chúng rất thông minh vì học bài Bác Lãng dạy một cách nhanh đến thế.

Nhưng bọn chã không thể tư duy được như Bác Lãng. Đúng là mỗi một phản ứng từ Trung Quốc sẽ dẫn tới một sự đáp trả nào đó từ phía Việt Nam, tưởng chừng ở đây sẽ hình thành cái gọi là một trò chơi ràng buộc hành vi giữa các bên. Thực ra hoàn toàn không phải vậy. Một trò chơi chỉ có thể được xác lập nếu các phía tham gia đều dám và chấp nhận chơi tới cùng. Chẳng hạn như OK và Durex, sẵn sàng chơi đến phương án phá giá tất tay. Câu chuyện giữa TQ và Việt Nam hoàn toàn không phải vậy. Hãy cũng xem các diễn biến trong 18 năm qua, tính từ thời điểm bình thường hoá quan hệ năm 1991. Trong suốt một thời kỳ dài mà 16 chữ vàng được coi là yếu chỉ trong hoạt động ngoại giao, trên thực tế Việt Nam gần như một con rối thảm hại trong tay người Trung Quốc. Quá khứ của Việt nam thường được coi là một bản hùng ca đẫm máu, nhưng lịch sử dường như đã dừng lại ở năm 1979. Trong lúc mọi tài liệu, sách báo, sách lịch sử, sách giáo khoa ở Việt nam thường nói rất chi tiết về các cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp thì có một khoảng trắng gần như đã bị xoá đi, về cuộc xâm lược ngắn ngủi nhưng tàn bạo của người Trung Quốc năm 79, rồi liên tiếp các hoạt động chiến tranh cục bộ trong những năm 80, và đặc biệt là thảm bại đắng cay tại Trường Sa năm 88, khi hải quân Việt Nam thúc thủ và Trung Hoa xâm lược 9 đảo và đá thuộc chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Một lịch sử phải đổi bằng máu nhưng không còn được nhắc đến, hay nói đúng hơn, không được nhắc đến xứng tầm với sự thiêng liêng của nó.

Đâu là câu trả lời? Phải chăng chúng ta cần xoá lịch sử đi, để có quan hệ ngoại giao tốt hơn cho tương lai đất nước? Vậy chúng ta nói gì đây khi lịch sử bi thảm của các cuộc chiến tranh Đông Dương khốc liệt với người Pháp và người Mỹ vẫn được ngợi ca, chúng ta vẫn bắt tay họ và đặt nền tảng cho những mối quan hệ hữu ái và thiết thực. Hành vi không tôn trọng lịch sử của chính chúng ta, chỉ nói lên một thực tế rằng, Trung Quốc đã can thiệp và gây sức ép quá sâu đối với giới tinh hoa chính trị của đất nước này. Về phương diện nào đó, Việt Nam đã bị khuất phục. Hậu quả của sự quỵ luỵ có thể được nhìn thấy một cách nhãn tiền. Một lịch sử trải dài 18 năm qua trên biển đông, là một lịch sử mà lá cờ đại bá của Trung Quốc từng bước xuôi về phía nam. Sau khi đặt chân thành công lên Trường Sa, Trung Quốc gấp gáp hiện đại hoá lực lượng không hải, từng bước xua hải đội và bàn tay đẫm máu xuống phía nam. Sau các câu chuyện còn nhiều nghi vấn về lợi ích của Việt nam trên biên giới phía Bắc và vịnh Bắc Bộ sau các hiệp định phân giới, người Trung Quốc tiếp tục xua tàu thuyền càn quét tài nguyên hải sản ở Biển Đông, đặt một loạt các dàn khoan hút dầu tại những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Tàu quân sự của Trung Quốc hoạt động thường xuyên. Số vụ bắn giết ngư dân Việt Nam bởi tàu Hải Quân Trung Quốc tăng dần qua các năm. Sự kiện 9 ngư dân thiệt mạng năm 2005, rồi phiên toà hài kịch mà Bắc Kinh lôi ra xử ngư dân Việt Nam tội hải tặc và tuyên trắng án. Cho đến vụ chạm súng bắn chìm tàu ngư dân VN mới đây tại vùng biển cách TP HCM chỉ 350 km ngay trước mũi hai chiến hạm của Việt Nam (đến quan sát, dừng lại từ xa và thúc thủ). Gần đây nhất, thông tin về một tàu đánh cá Việt nam bị "tàu lạ" tông chìm, dẫn đến mất tích của 10 ngư dân (xác tàu mới đây đã được tìm thấy, cùng với xác của một người Việt Nam trên mảnh vỡ). Trong trò chơi ở Biển Đông suốt 18 năm qua, Trung Quốc là người chơi duy nhất. Phản ứng có tính trường kỳ và nhất quán của Việt Nam: "Chúng tôi cực lực phản đối, chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền ...." Cuốn băng cũng được tua đi tua lại trong suốt 18 năm. Người ta sẽ phải đặt dấu hỏi, nó sẽ được tua đến bao giờ, liệu có vì cũ quá mà bị đứt và không còn tua được nữa. Chưa ai có thể trả lời câu hỏi đó.

Rõ ràng trong cuộc chơi tại Biển Đông, Việt Nam chưa dám tham gia như một người chơi thực thụ, và vì thế, cái gọi là tương quan game theory đã không thể được xác lập. Hãy thử cùng phác một ma trận sơ lược về các hành vi tại Biển Đông, để xem đáng ra, và thực ra chúng ta cần phải làm gì:


Phương án Trung Quốc Việt Nam Kết quả
P/A1 Tuyên bố chủ quyền, đẩy mạnh các hoạt động dân sự Tuyên bố chủ quyền đáp trả. Chủ trương giữ nguyên trạng Giữ nguyên trạng thái
P/A2 Gây hấn bằng các hành vi khiêu khích Phản đối ngoại giao, xúc tiến chuẩn bị Giữ nguyên trạng thái, tồn tại căng thẳng
P/A 3 Dùng vũ lực khiêu khích, gây sức ép quân sự Đẩy mạnh chuẩn bị đề phòng chiến tranh, tìm kiếm đồng minh, xem xét quan hệ với các thế lực mới, xem xét lại chính sách về Đài Loan và tìm cách chia sẻ quyền lợi với Asean tại Biển Đông, nhằm thiết lập một mặt trận đề kháng Xúc tiến đàm phán, tìm kiếm giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên. Kìm chế tránh chiến tranh
P/A 4 Dùng vũ lực xâm lươợ Chiến tranh toàn diện Lợi ích các bên tại Biển Đông giảm xuống bằng 0 trong suốt thời kỳ chiên tranh. Lợi ích các phía bị tổn hại nặng khi cuộc chiến kéo dài.

Nếu đứng trên giác độ lý thuyết trò chơi mà đánh giá, thì dường như lựa chọn tốt nhất cho cả hai phía VN, TQ và phù hợp với tình hình hiện tại, là trạng thái thứ 3. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi và chỉ khi, một điều kiện tiên quyết là Việt nam dám tham gia vào cuộc chơi với tư cách một người chơi sòng phẳng. Rất đáng thất vọng, hiện tại chúng ta chưa có được cái thế và dũng khí để chứng minh cho TQ thấy chúng ta đáng là một người chơi như thế, khiến người Tàu cũng buộc phải giới hạn lại hành vi của mình.

Việt Nam đang tăng cường hiện đại hoá Hải Quân. Người ta đang nói tới nhiều chiến hạm đã được đặt mua và nhiều chiến hạm khác đang được đặt hàng đóng mới. Đối với người Việt nam đang sống bên lề của nguy cơ, mọi tin tức như thế đều rất ấm lòng. Nhưng một thực tế khác là số trang thiết bị tuy lớn và mới đối với VN nhưng so với TQ đang nâng mức chi tiêu quân sự lên hàng trăm tỷ USD một năm thì chỉ là hạt cát so với biển cả. Việt Nam đang không làm hết những điều có thể làm để đối phó lại với nguy cơ. Trong nhiều năm qua, chúng ta thất bại trong việc xây dựng một mặt trận đoàn kết nói chung để đề kháng lại với Trung Quốc, ngay trong lòng Asean. Chúng ta không đủ lực để đối kháng lại TQ, đáng ra cần tới một bó đũa để tránh TQ bẻ gẫy từng chiếc một, thì Việt nam lại sai lầm tiếp cận theo lối tay đôi với người Tàu. Chúng ta bị ép trên mọi vấn đề. Thậm chí phải nhắm mắt và xoá đi cả một phần lịch sử đẫm máu để đổi lấy sự hài lòng và trịnh thượng của người Trung Quốc. Sau tuyên bố chung về Biển Đông ký tháng 11/2002, là một tiền đề tốt cho sự khởi đầu về một nỗ lực đoàn kết chống áp lực thôn tính của người Tàu, đáng lý ra, chính Asean phải dựng ra một nhóm đàm phán giữa các nước thành viên, để tìm kiếm giải pháp phân chia quyền lợi tại Biển Đông, và thống nhất cách thức hành xử với TQ. Chính Việt Nam, nước có quyền lợi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng đồng thời bị coi là kẻ cứng cổ nhất, đáng ra phải là người khởi xướng cho tiến trình đàm phán nội bộ Asean ấy. Chúng ta đã không làm gì, TQ nhanh chóng lấn tới và tìm cách phá nát cái hiệp ước ấy. Mắt xích yếu nhất là Philipin. Thoả ước thăm dò khai thác giữa TQ và Philipin ký kết năm 2004 và VN sau khi phản đối đã buộc phải tham gia đánh dấu một thất bại thảm hại trong việc đoàn kết nội bộ Asean. Chúng ta không làm điều cần làm, trong khi TQ lựa chọn một cách đi thâm độc. Từ thất bại này đến thất bại khác, Việt nam thực sự trở thành một kẻ đơn độc trước nguy cơ từ Trung Hoa bá quyền và hùng mạnh. Nỗi lo bảo tồn thể chế có lẽ lớn hơn mối lo chủ quyền, Việt Nam hầu như không làm được gì để xúc tiến quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ và thế giới Phương Tây, nhằm kiềm chế ảnh hưởng từ Trung Quốc. Trong lúc Ấn Độ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt nam, người ta không hiểu tại sao VN lại đi nhập súng bắn tỉa của Pakistan, điều mà người Ấn không muốn thấy. Chúng ta quá ngây thơ, hay có ai đó quá dại dột để phải luôn tìm cách tránh làm mất lòng gã láng giềng bất hảo? Thật khó có câu trả lời.

Phong trào phản kháng tự phát đầy lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam cuối năm 2007 đã thổi một làn gió mới vào mọi vấn đề. Việt Nam dường như bừng tỉnh, và nhiệt huyết của người Việt Nam bất chấp sự cấm đoán và phản ứng thụ động của chính quyền có lẽ đã gửi một vài thông điệp có ý nghĩa cho người Tàu và cả những kẻ theo đuôi Trung Hoa hèn nhát trong nước. Thoạt tiên TQ phản ứng một cách trịnh thượng và điên cuồng, khi Tần Cương lớn tiếng dạy dỗ các cuộc biểu tình đó làm tổn hại quan hệ Việt Trung, và yêu cầu Việt Nam ngăn cấm. Một loạt các cuộc biểu tình phản đối của người Việt diễn ra tiếp nối sau đó ở nhiều nước khác nhau. Sự áp chế của chính quyền trong nước trở lên mạnh mẽ hơn, nhưng mọi thứ sau đó bỗng chợt thay đổi. TQ đột nhiên trở lên hoà hoãn và biết điều hơn, khi cho một quan chức địa phương tuyên bố kế hoạch Tam Sa thực ra không có thực (trong khi đó kế hoạch này được Quốc vụ viện, cơ quan pháp lý cao nhất của TQ thông qua nghị quyết). Nhiều tuyên bố ngoại giao tiếp nối sau đó thể hiện một sự xoa dịu đáng ngạc nhiên, khi người Tàu đột nhiên nhấn mạnh đến cái gọi là tình hữu hảo. Trung Quốc đủ thâm độc và khôn ngoan. Kinh nghiệm hàng nghìn năm ở VN chắc đã dậy TQ rằng đừng dại để dân tộc này kết thành một khối và đánh thức lòng tự hào không bao giờ tắt của nó. TQ có lẽ đang tìm cách lùi để tiến, tìm cách xoa dịu công luận nói chung, vì người Việt Nam khi biểu tình đã gửi đến thế giới một thông điêp khôn ngoan : "Hành vi xâm lược của TQ đang đe doạ cả Á Châu". Có lẽ TQ cho rằng đàm phán tay đôi với các chính phủ yếu và chủ trương quỵ luỵ sẽ là ngon ăn hơn so với việc đối mặt với một dân tộc phẫn nộ, và nhiều dân tộc khác cũng có cùng mối lo. Cũng rất có thể, với bản tính thâm độc và xảo quyệt của người Tàu, Trung Quốc đang dự kiến cho một hành vi bất ngờ sau Olimpic Bắc Kinh, khi họ đã đủ mạnh để sẵn sàng đơn phương xâm lược, trong khi Việt Nam còn đang đơn độc và ít khả năng đáp trả. Chính xác đó là những lựa chọn chắc chắn đang nằm trên bàn cân của người Trung Quốc.

Truyền thông Việt nam sau các cuộc tuần hành đột nhiên bừng tỉnh. Dù thông tin về các cuộc biểu tình bị cấm nhắc đến trên báo chí, nhưng một sự thay đổi có tính đột phá, các tin bài đưa tin về các hoạt động tại Trường Sa bỗng xuất hiện hàng ngày trên báo chí. Điều chưa bao giờ diễn ra trước đó, ngoài việc năm thì mười hoạ có một tuyên bố phản ứng ngoại giao yếu ớt của người phát ngôn BNG Việt nam trước các hành vi gây hấn của TQ. Rõ ràng, áp lực từ lòng yêu nước của người Việt Nam đã có một sức mạnh không phải chỉ với bên ngoài, mà còn với chính những thành phần bên trong người Việt Nam.

Sự thức tỉnh tuy đáng quý, nhưng vẫn có phần muộn màng.

Để thực sự trở thành một người chơi thực thụ trên bàn cờ Biển Đông, vẫn còn đó những việc mà chúng ta cần phải làm. Còn thời gian để làm, nhưng cũng không nhiều nữa:

1. Nỗ lực hết mức xây dựng một sự thống nhất ý chí trong Asean, đề nghị thành lập một nhóm đàm phán về quyền lợi của các nước Asean có liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Thậm chí có thể tính tới việc tạm thời chấp nhận ý tưởng các nước Asean cùng phối hợp khai thác Biển Đông, tạm gác chủ quyền trong nội bộ khối sang một bên, nhưng tất cả đồng lòng phản đối hành vi xâm chiếm của TQ. Điều này nếu làm được, thực sự sẽ tạo dựng được một sức mạnh đồng thuận đối kháng lại TQ.

2. Đẩy mạnh hết mức có thể các mối quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ ở phương tây về mặt quân sự. Đánh giá các khả năng nhập khí tài, tìm kiếm sự trợ giúp huấn luyện, cùng tập trận chung. Nghiên cứu khả năng hợp tác quân sự hoặc cho thuê quân cảng Cam Ranh. Sự khác biệt về thể chế là hạn chế lớn đối với giải pháp này, nhưng ít nhất, cần nhìn nhận mối quan hệ thuận lợi với Hoa Kỳ và phương tây là khả năng duy nhất để VN tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ trong trường hợp cần phải chiến tranh toàn diện với TQ.

3. Xây dựng mối quan hệ đồng minh chiến lược đi vào thực chất với Nhật Bản và Ấn Độ. Việt Nam với Nhật Bản và Ấn Độ từng nhiều lần tuyên bố nhấn mạnh, đó là các mối quan hệ đồng minh chiến lược. Chúng ta đã có sự hợp tác kinh tế chặt chẽ và thiết thực với Nhật Bản. Do có cùng mối nguy về Trung Hoa, Việt Nam nhận được thiện cảm rõ rệt của chính giới Nhật. Dù cường quốc này đang có một hiến pháp hoà bình phi quân đội, nên khả năng hợp tác quân sự bị giới hạn, tuy nhiên việc tham khảo các kinh nghiệm về công nghiệp quốc phòng thì Nhật lại có thừa tiềm năng. Ngược lại, với Ấn Độ, quan hệ kinh tế VN chưa có một tầm quan trọng nhưng hợp tác về mặt chính trị lại tiến trước rất xa. Ấn Độ là đối thủ trực tiếp và mạnh mẽ hàng đầu của TQ tại châu Á. Ấn Độ đang có nhiều lý do để hợp tác xây dựng một Việt nam hùng mạnh đứng cạnh TQ. Có thể làm gì để khai thác hết các thế mạnh mà các mối quan hệ này đem lại?

Và trên hết, sức mạnh thực sự của Việt nam, nằm ở ý chí dám chống đến cùng, kể cả việc chấp nhận chiến tranh toàn diện với Trung Hoa, một khi cái đất nước hiếu chiến ấy quyết tâm xâm lược. Lý thuyết trò chơi sẽ chỉ ra rằng, trong tình huống ấy, TQ sẽ không được lợi gì. Chỉ có bằng cái quyết tâm ấy, mới có thể khiến TQ phải tự mình giới hạn hành vi, và thực sự VN thành một người chơi sòng phẳng.

Vẫn còn đó một câu chuyện dài, và lịch sử vẫn đang ở phía trước.

P/S: Anh xin thông báo cho các thể loại bọn chim non em chã mò vào đây nghiêng ngó, cái anh cần là chúng mày vào đọc và nghiền ngẫm, đéo cần chúng mày phát biểu lung tung. Sự kiên nhẫn với chã của anh vốn cực kỳ giới hạn. Phương pháp đơn giản để diệt chã của anh là xoá comment hoặc nhét chúng mày vào danh sách refuse cho nó gọn. Cho nên chúng mày nên tự biết giới hạn hành vi sao cho phù hợp với Game theory, không rồi sau lại trách anh ác.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn một bài viết rất hay, sau 13 năm em mới được tiếp.cận để đọc.

    Trả lờiXóa