Tháng 09/2015, nhiều sự kiện đáng nhớ diễn ra ở Việt Nam và thế giới.
Ngày
02/09/2015, Việt Nam tổ chức lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm
quốc khánh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nếu định danh theo cách phân
loại của Cộng hòa Pháp, thì đây là nền đệ nhất cộng hòa của Việt Nam
thời cận đại. Quốc gia này từng có một bản hiến pháp khá dân chủ, vì vào
thời điểm soạn thảo nó năm 1946, ông Hồ Chí Minh đã bê nguyên xi nhiều
điều khoản trong hiến pháp của các nước Pháp, Mỹ vào tham khảo, cũng
giống như ông khéo léo mượn vài câu trong các áng hùng văn bất diệt của
Tuyên ngôn độc lập Mỹ hay Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng
Hòa Pháp để đưa vào trong bản tuyên ngôn độc lập ngày 02/09/1945 của
người Việt Nam:
- Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền
bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được;
trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu
hạnh phúc (Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776)
- Người ta sinh ra tự
do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng
và quyền lợi (Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm
1791)
Cho đến tận ngày nay, những ý tưởng từ những áng
hùng văn trên vẫn là lý tưởng và cảm hứng bất diệt của nhân loại cho một
xã hội ngày một văn minh xét trên bình diện toàn cầu.
Năm
1945, ông Hồ là người Việt Nam tài ba lỗi lạc nhất trong số tất cả
những người Việt cùng thời đại. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.
Ông có 30 năm lăn lộn ở nước ngoài. Ông từng sang Mỹ, Pháp, Anh và nhiều
nước khác trên thế giới. Ông từng hoạt động nhiều năm tại Nga, Trung
Quốc và Hồng Kong. Nói theo thuật ngữ ngày hôm nay, ông là người Việt
được "nối mạng" với hệ thống internet toàn cầu sơ khai vào thời điểm đó.
Cuộc đời chìm nổi của ông ở nhiều quốc gia khiến ông có sự trải nghiệm
khác thường về nhiều thể chế. Sai lầm lớn nhất của ông Hồ là khi ông đọc
bản luận cương "Dân tộc và thuộc địa" của Lê Nin, lần đầu tiên vào năm
1920. Đó là tài liệu duy nhất ở phương tây ông tìm thấy nói về vấn đề
giải phóng dân tộc. Ông Hồ lạc vào quỹ đạo cộng sản một cách vô thức do
cái bẫy của ngôn từ. Cả cuộc đời ông chưa bao giờ đọc hết bộ Tư Bản
Luận, thế nhưng ông lại được gán cho cái mác của một nhà cộng sản lão
thành cho đến lúc qua đời. Ông từng bị Stalin giam lỏng tại Mouscou vì
cho rằng ông chỉ là một tay cơ hội chứ không phải người cộng sản. Ông là
người sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam vào 03/02/1930 và là tác giả bản
chính cương vắn tắt nổi tiếng trong lịch sử Đảng, thế nhưng sau đó
Stalin đưa Trần Phú và Hà Huy Tập về nước, gạt toàn bộ vai trò của ông
Hồ vì nhận định ông là một tay cộng sản chệch hướng và sai lầm, chỉ chăm
chăm độc lập dân tộc mà thiếu tinh thần giai cấp. Trần Phú lên làm Tổng
bí thư đầu tiên của ĐCS, sau đó ban hành một điều lệ Đảng trong đó phê
phán nặng nề tư tưởng của ông Hồ. Sau khi đào thoát ngoạn mục khỏi mật
vụ Pháp tại Hồng Kong (Với sự trợ giúp của những nhà dân chủ điển hình
như luật sư Frank Loseby), năm 1934 ông trốn về Liên Xô và bị Stalin
giam lỏng năm năm tại Mouscou. Năm 1938, ông kiếm cớ đào thoát về Diên
An, căn cứ đầu não của ĐCS Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu một bi kịch
khác trong sự nghiệp của ông Hồ, ở đây ông gặp nhiều lãnh tụ cộng sản
TQ. Những mối liên hệ cá nhân của ông trong thời kỳ này đã dẫn đến một
bi kịch lớn của người Việt Nam về sau này, khi ông Hồ đưa phong trào
dành độc lập của người Việt Nam gắn với quỹ đạo cộng sản vào năm 1949.
Nền đệ nhất cộng hòa của Việt Nam đã sơ khai thành hình và nhanh chóng
diệt vong khi ông Hồ công cán Trung Quốc vào đầu năm 1950. Ông thành
công đặt quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô, kiếm được nguồn viện trợ vũ
khí và cố vấn để đánh thắng người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng
cũng chính chuyến đi này đã giết chết bản hiến pháp được soạn thảo năm
1946, hiến pháp văn minh nhất mà người Việt Nam có được tính đến thời
điểm này. Ông Hồ đưa người Việt Nam đến một chiến thắng có tính chiến
thuật, nhưng lại thua về chiến lược nếu xét về lợi ích toàn cục của dân
tộc. Sau thời điểm này, sự nghiệp của ông Hồ chỉ còn là một chuỗi sự
kiện gắn cuộc chiến ý thức hệ đẫm máu và những quyết sách cai trị sai
lầm, cả trong trị quốc, bồi đắp nhân tài và lựa chọn người kế nghiệp.
Nền
đệ nhị cộng hòa của Việt Nam, đáng ra có cơ hội được thiết lập bởi Bảo
Đại, vị vua cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn. Ngày 11/03/1945, Bảo
Đại tuyên cáo "Việt Nam độc lập" sau khi Nhật đảo chính Pháp và trao trả
độc lập cho Việt Nam. Ông giao việc thành lập chính phủ cho Trần Trọng
Kim, một giáo sư sử học yêu nước nhưng không có kinh nghiệm hoạt động
chính trị. Chính phủ mới chưa kịp soạn thảo một bản hiến pháp cho riêng
nó thì bị lật đổ bởi phong trào cách mạng của ông Hồ ngày 19/08/1945.
Năm 1947, Bảo Đại có cơ hội thứ hai để lập nên nền đệ nhị cộng hòa. Ngày
7/12/1947, Bảo Đại ký với Pháp hiệp ước Vịnh Hạ Long, theo đó sẽ dẫn
tới sự thành lập Quốc Gia Việt Nam trên cơ sở độc lập, thống nhất nằm
trong khối Liên Hiệp Pháp. Chính Phủ mới cũng không có hiến pháp mà chỉ
có một hiến chương lâm thời, lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng lần đầu tiên được
chọn làm quốc kỳ và nó còn gắn với một giai đoạn lịch sử của Việt Nam
mãi về sau này. Dù có nhiều cơ hội được trao tặng do vị thế thiên nhiên
được đặt vào vai trò lãnh tụ ở Việt Nam (Vị vua cuối cùng của vương
triều chính thống cuối cùng trong lịch sử Việt Nam), được người Pháp đào
tạo từ nhỏ, nhưng Bảo Đại không vượt qua được chính mình vì cuộc sống
nhung lụa từ bé không cho phép ông trở thành một lãnh tụ phù hợp thời
đại. Bảo Đại có lẽ là một người tử tế nhưng không có khả năng để đảm
nhận vai trò lãnh tụ.
Ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm thành
lập chính thể Việt Nam Cộng Hòa, có ranh giới từ vĩ tuyến 17 hất vào
Nam, sau đó ông được bầu làm Tổng Thống. Về một khía cạnh nào đó, ông
Diệm đã lập nên nền Đệ Nhị cộng hòa của Việt Nam, sau khi nền Đệ Nhất
Cộng Hòa được ông Hồ lập nên và chính tay bóp chết khi gia nhập quỹ đạo
cộng sản sau năm 1950. Lúc này đất nước đã lâm vào một cuộc chiến ủy
nhiệm khốc liệt, khi người Việt hai miền được nước ngoài trang bị vũ khí
lao vào cuộc bắn giết kéo dài 20 năm. Năm 1975, do có ưu thế hơn về khả
năng chiến tranh và động viên con người bằng bàn tay sắt, miền Bắc
chiến thắng, đánh chiếm toàn bộ miền Nam và lập ra nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam dưới sự cai trị độc tôn của Đảng Cộng Sản. Cả nền đệ
nhất và đệ nhị cộng hòa trong lịch sử Việt Nam đều bị nối nhau bóp chết.
Bản hiến pháp mới ra đời, đè bẹp mọi tiến bộ của hiến pháp 1946 và hiến
pháp 1955 (ở miền nam Việt Nam), đưa Việt Nam vào một thời kỳ cai trị
bởi chế độ độc tài và dẫn đến 30 năm tụt hậu so với thế giới văn minh về
sau này.
Những nét khái quát trên là bức tranh toàn cảnh
về lịch sử. Nó là sự tồn tại khách quan, không phải để chê bai hay phủ
nhận. Đối với người Việt Nam hiện nay, chúng ta buộc phải nhìn nhận và
thừa nhận khuôn khổ hiến pháp và pháp luật đang được lập ra trong nước,
được bảo đảm hiệu lực thi hành bằng súng đạn và nhà tù của một chế độ
cai trị độc tài.
Năm 1986, khi Việt Nam lâm vào khủng
hoảng nặng nề, Đảng Cộng Sản Việt Nam tìm kiếm con đường đổi mới. Điều
đáng tiếc nhất đối với lịch sử Việt Nam, là bối cảnh lịch sử lúc ấy
không dẫn tới sự giải tán của chế độ độc tài như đã diễn ra ở Ba Lan và
nhiều nước Đông Âu. Bộ máy lãnh đạo Việt Nam ở thời điểm 1986 và đầu
những năm 1990 có nhiều con người còn thực sự sống với động cơ lý tưởng.
Họ thiếu kiến thức về quản trị quốc gia, thiếu kiến thức về kinh tế thị
trường, thiếu tầm nhìn xa nhưng ít nhiều họ thực lòng muốn cống hiến
cho đất nước. Việt Nam mò mẫm đi theo mô hình Trung Quốc, giữ lại sự cai
trị độc tài và áp dụng mô hình kinh tế thị trường. Lợi ích kinh tế được
tạo ra nhưng quyền lực không được giám sát (Ai có thể giám sát độc tài)
đã dẫn tới nạn tham nhũng lan tràn và làm băng hoại hệ thống chính trị.
Năm 2015, Việt nam được cai trị bởi một hệ thống quan chức độc tài giàu
nứt đố đổ vách. Người ta không còn nói tới việc ai là lãnh đạo giỏi hơn
ai mà chỉ còn đánh giá ai thủ đoạn hơn ai, và phe cánh nào nhiều thế
lực hơn trong nền chính trị Việt Nam. Hệ thống chính trị không còn người
tốt, chỉ còn phe cánh và lợi ích nhóm. Và người Việt Nam không có sự
lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, mà chỉ có sự lựa chọn giữa cái xấu và
cái xấu nhiều hơn. Nguồn lực quốc gia bị triệt tiêu vào những lỗ đen
tham nhũng, theo cách nói của chuyên gia World Bank thì "Đây là một quốc
gia không chịu phát triển", hiểu theo nghĩa nó có thừa đủ mọi yếu tố và
thời cơ để vươn lên thoát khỏi thế giới thứ ba, nhưng nó cứ dậm chân và
mãi nhàng nhàng trong một mức phát triển dưới trung bình. Chớ trêu
thay, người ta giờ đây không còn bàn tới việc bao giờ Việt Nam có thể
vượt qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia (vượt Singapore thì chỉ còn nằm
trong giấc mơ đẹp nhất của người Việt), mà người ta đang nói tới nguy cơ
Việt Nam bị Campuchia và Lào vượt mặt, một viễn cảnh gần. Vì đâu nên cớ
sự này???
Trong thiên Lãng luận "Thoát Khựa Luận" http://langlanhtu.blogspot.com/2014/05/thoat-khua-luan.html
anh Lãng từng phân tích ý nghĩa cốt tử của một thể chế tiến bộ đối với
vận mệnh quốc gia. Lịch sử Việt Nam không có Minh Trị Thiên Hoàng (Nhật
Bản), không có Park Chun Hee (Hàn Quốc), không có cha con họ Tưởng
(Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc - Đài Loan); không có Lý Quang Diệu
(Singapore). Chúng ta chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam, vì thế mà giờ đây
chúng ta đi sau các quốc gia và vùng lãnh thổ được nhắc đến phía trên từ
100 - 200 năm xét về trình độ phát triển. Chúng ta có độc tài thay vì
một xã hội tự do, nên chúng ta đi sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia 30 -
40 năm về trình độ văn minh. Và ngày nay thì Campuchia, Mianma đang
chuyển mình mạnh mẽ và khả năng những quốc gia này vượt mặt Việt Nam
không còn là chuyện quá xa vời.
Phải làm gì? Cần làm gì? Nên làm cái gì???
Giải
pháp lớn nhất mà phe dân chủ hải ngoại (mà nhiều đại diện của nó hành
xử với những ý kiến bất đồng cũng chẳng khác gì lắm phe cộng sản, điển
hình như việc RFA sa thải ông Lê Diễn Đức vì ông này phỉ báng Việt Tân
và Việt Nam Cộng Hòa) đưa ra là xóa bỏ chế độ cộng sản. Mục tiêu này rất
đẹp, nhưng xóa bỏ cách nào một bộ máy cai trị chặt chẽ với khoảng 3,6
triệu Đảng viên, gắn kết với nhau bởi lợi ích chia chác từ một chính thể
độc tài và được bảo vệ bởi một đội ngũ an ninh và quân đội hơn nửa
triệu người??? Sự đấu tranh sắt máu ngay và luôn chỉ dẫn tới bạo loạn và
hoang tàn. Tự do có thể đến tiếp sau nhưng đó sẽ là viễn cảnh sau vài
chục năm tan hoang, và Trung Quốc thì đang lăm le chỉ chờ Việt Nam loạn
lạc để xâm lược như những gì chúng đã làm năm 1958, 1974 và 1988. Iraq,
Syria, Libya là những ví dụ sống động và đắt giá.
Giải
pháp lớn nhất mà phe Cộng Sản (nên gọi đúng hơn là tập đoàn lợi ích độc
tài) và các dư luận viên của nó đưa ra, là người Việt Nam cần tuyệt đối
tin tưởng vào con đường lãnh đạo của Đảng. Đi theo con đường này, Việt
Nam ngày một tụt hậu, đạo đức xã hội ngày một suy thoái, bất bình đẳng
ngày càng tăng, môi trường ngày một bị hủy hoại, tài nguyên bị tận thu
và bán bằng hết đến mức cạn kiệt, tham nhũng ngày một nặng nề và thậm
chí ăn sâu vào cả lực lượng quân đội khiến khả năng bảo vệ tổ quốc ngày
một giảm. Trong số các quốc gia trên thế giới, giờ chỉ còn một số ít
nước quân đội được trực tiếp làm kinh tế như ở Việt Nam, và tham nhũng
khi giới có súng được làm ăn thì vô cùng tệ hại và không thể kiểm soát.
Đó cũng là con đường ngắn nhất và nhanh nhất làm tha hóa lực lượng vũ
trang và suy giảm khả năng bảo vệ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt
Nam đang bị đe dọa nặng nề về chủ quyền. Sớm muộn cái kết của con đường
này là nghèo đói và hoang tàn, mất cả tương lai và thậm chí mất luôn
chủ quyền lãnh thổ.
Cả hai giải pháp, đều chỉ dẫn Việt Nam đến hoang tàn và biển máu.
Khi
không có một hệ thống chính trị tiên tiến dẫn đầu, mỗi công dân cần
thức tỉnh vai trò và làm nhiệm vụ của mình. Bởi nếu điều đó không diễn
ra, sớm muộn người Việt Nam sẽ thấy con cháu mình có tương lai giống như
cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi, nằm dài trên cát trên một bờ biển của Thổ
Nhĩ Kỳ, bi kịch thuyền nhân và hoang tàn thập kỷ 1970 và 1980 là một ám
ảnh lẩn khuất đối với lịch sử Việt Nam (Thiên Lãng luận Bức ảnh thay đổi
thế giới: http://langlanhtu.blogspot.com/2015/09/alan-kurdi-mot-cai-ten-la-lam-voi-hau.html )
Xóa
bỏ Đảng Cộng Sản là một con đường ngắn nhất dẫn tới bạo loạn và nhà tù.
Đó cũng là một con đường trái với pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Đứng
trên phương diện một người thực tế, anh Lãng không bao giờ cho rằng giải
pháp giật sập cái nhà duy nhất mình đang có trước khi xây dựng được
ngôi nhà mới là một lựa chọn khôn ngoan.
Giải pháp duy
nhất, là người Việt Nam cần tin ở chính mình, thức tỉnh ý thức công dân
trong phạm vi hiến pháp hiện hành để đấu tranh cho sự tiến bộ dần của xã
hội.
Từ một thực tế phổ quát ở Việt nam, ở đâu mà dân trí
thấp thì bộ máy chính quyền thả sức chà đạp người dân (Nhiều vùng nông
thôn sưu cao thuế nặng còn hơn thời Pháp thuộc). Ở những vùng miền mà
dân trí cao hơn, người dân có khả năng sử dụng và chia sẻ thông tin trên
internet thì khả năng đàn áp của hệ thống chính quyền độc tài kém hiệu
quả hơn. Nhiều lúc, nó buộc phải thừa nhận sai lầm và sửa đổi chính
sách. Ngay từ thực tiễn nạn mãi lộ giao thông trong hệ thống CSGT toàn
quốc, ở những nơi mà người dân có hiểu biết tốt về luật pháp, tận dụng
được công nghệ để ghi hình làm bằng chứng khi tranh luận, phần lớn
trường hợp CSGT đều không kiếm được tiền, thậm chí nhiều trường hợp còn
buộc phải bị kỷ luật khi bằng chứng sai phạm được đăng trên mạng. Trong
vấn nạn về kiện tụng đất đai, khái niệm dân oan thường tập trung ở những
người nông dân ít học, khi bị đẩy vào đường cùng, họ chỉ còn mỗi con
đường màn trời chiếu đất khiếu kiện và trưng biển "dân oan" trong nỗ lực
tuyệt vọng tìm kiếm sự công bằng. Một số trường hợp chọn con đường phản
đối cực đoan, như ông Đoàn Văn Vươn, dùng súng để bảo vệ tài sản mồ hôi
nước mắt của mình, chống lại lực lượng đông nghịt công an vũ trang tận
răng đến cướp đất. Dù được thừa nhận oan khuất, nhưng ông Vươn vẫn phải
chịu bản án 5 năm tù, cặm cụi cải tạo mong sớm được về nhà và mới được
thả tự do nhân dịp quốc khánh 2015. Cho đến tận lúc ông Vươn ra tù,
người ta vẫn không thể trả lời câu hỏi tại sao những người nông dân chỉ
có động cơ duy nhất là được sống và làm ăn yên ổn ấy lại bị buộc phải
cầm súng và cuối cùng ném vào tù??? Một chế độ đẩy người dân lương thiện
đến chỗ phạm pháp và bỏ tù họ thì không thể có lý do tồn tại mà không
thay đổi. Sự kiện của ông Vươn không vô nghĩa. Nó làm thay đổi rất lớn
đường lối của Đảng Cộng Sản về chính sách đất đai được quy định trong
luật đất đai năm 1993. Xét về ý nghĩa nào đó, đó là một mốc dấu đóng góp
vào sự tiến bộ xã hội ở Việt Nam.
Chúng ta trở lại với
con đường duy nhất đúng để tìm đường phát triển cho quốc gia: Khai dân
trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh - Tôn chỉ của nhà tư tưởng lớn Phan Châu
Trinh, phát động từ năm 1906 với phong trào Duy Tân ở Việt Nam. Con
đường để chấn hưng dân trí không dễ dàng, thậm chí là không thể vội
vàng, nhưng nó là thứ duy nhất đúng với thời đại.
Mỗi người Việt Nam do đó cần phải làm gì? Các bạn cần trả lời câu hỏi này:
Đã bao giờ mỗi người Việt Nam tốt nghiệp đại học đọc trọn vẹn hết một
lần "Hiến Pháp" nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam??? Ngoài
những người chuyên nghiên cứu luật pháp, câu trả lời chắc chắn là
"Không" với 99% những người biết đọc biết viết tại Việt Nam. Người Mỹ có
thể không cần đọc hiến pháp nước họ, người Pháp có thể không quan tâm
đến hiến pháp hiện hành, người Anh, người Nhật cũng vậy. Nền chính trị ở
những quốc gia này đủ tiến bộ để xã hội có sự giám sát tốt về quyền
lực, khiến bộ máy cai trị buộc phải hành xử trong phạm vi hiến pháp và
pháp luật. Nhưng với một quốc gia bị cai trị bởi chính thể độc tài, thì
người dân, đặc biệt là những người có hiểu biết, không thể không đọc
hiểu hiến pháp quốc gia. Các bạn không thể và không cần phải đọc hiểu
hết các văn bản quy phạm pháp pháp luật, nhưng các bạn buộc phải đọc
hiểu toàn văn hiến pháp hiện hành ít nhất một lần, đủ để nắm được các
quyền cơ bản của mình. Nếu bạn chưa làm điều đó bao giờ, thì đây là điều
bạn cần làm ngay vào lúc này:
Toàn văn hiến pháp Việt Nam năm 2013: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/toan-van-hien-phap-nuoc-chxhcn-viet-nam-201311281149826.htm
Khen
ngợi hay phỉ báng hiến pháp này đều là một điều thừa. Mỗi người Việt
Nam cần chấp nhận nó vì nó là sự tồn tại thực tế; tránh xa cái xấu và cố
gắng vận dụng cái tốt chứa đựng trong nó, hành động với ý thức công dân
và trách nhiệm với đất nước, với mục tiêu cao nhất là cải biến xã hội,
khiến quyền lực độc tài bị kiểm soát bởi sức mạnh toàn dân, từ đó đặt
nền tảng cho sự tiến bộ xã hội.
Mỗi người Việt Nam, ngay
từ lúc này, hãy đọc kỹ Chương II Hiến Pháp năm 2013, quy định về quyền
con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đọc hiểu và vận dụng
được những điều khoản hiến định này, là công cụ lớn nhất và mạnh nhất
của chính các bạn để thúc đẩy xã hội. Nếu chính các bạn không chịu hiểu
và phấn đấu cho những quyền hiến định của mình, thì ai sẽ làm điều đó
thay cho các bạn?
Có ba phong trào mà người Việt cần làm.
Phong
trào đầu tiên, do đó, là phong trào đọc hiểu hiến pháp. Khi 30% người
Việt Nam đọc và hiểu được những điều cơ bản của Chương II hiến pháp năm
2013, anh tin chắc đất nước sẽ bắt đầu có sự thay đổi. Sự hiểu biết cơ
bản về quyền và nghĩa vụ công dân của mỗi cá nhân, tự nó sẽ trang bị cho
người Việt Nam những kiến thức và giải pháp. Mỗi người sẽ hiểu về các
quyền bất khả xâm phạm theo hiến định của mình và từ đó sẽ biết cách bảo
vệ chính mình và bảo vệ xã hội.
Phong trào thứ hai, là
phong trào giám sát xã hội nhờ lợi thế mà internet mang lại. Chúng ta có
thể nhìn sang Trung Quốc. Dù Tập Cận Bình tiến hành cuộc đại thanh
trừng hệ thống chính trị chỉ nhằm thâu tóm quyền lực, nhưng không thể
phủ nhận rằng hàng triệu quan chức tham nhũng Trung Quốc đã bị trừng
phạt và tống vào tù. Bên cạnh các đòn triệt hạ do phe phái đánh nhau,
thì chính người Trung Quốc đang góp phần rất tích cực vạch mặt các quan
chức tham nhũng để dẫn tới nhà nước buộc phải vào cuộc điều tra vì đã
trót phát động phong trào chống tham nhũng. Hầu hết các quan chức Trung
Quốc bị hạ bệ đều bắt nguồn từ việc các bằng chứng về lối sống vô đạo
đức (bồ nhí, ăn chơi trụy lạc) hoặc sở hữu tài sản khủng bị tung hê lên
mạng. Người Việt Nam cần phải học tập điều này. Bất kể việc chống tham
nhũng là giả hay thật ở Việt Nam (anh Lãng không bình luận), thì về mặt
công khai, hệ thống chính trị Việt Nam vẫn đang tuyên truyền về một cuộc
chiến chống tham nhũng. Mỗi người Việt Nam hãy góp củi để đống lửa cháy
thêm to. Một bức ảnh chụp quan chức ăn chơi, một bức hình chụp tài sản
khủng của quan chức và con cháu chúng được công bố công khai trên
facebook và các trang mạng xã hội đều sẽ góp phần thúc đẩy tiến bộ xã
hội. Các bạn có công cụ, có khả năng và có quyền tự do ngôn luận để làm
điều đó. Nếu chưa từng nghĩ đến thì hãy bắt đầu, nếu chưa từng làm thì
hãy bắt đầu làm.
Phong trào thứ ba, là phong trào chấn
hưng dân khí. Mỗi người Việt Nam cần có niềm tự hào là một công dân có ý
thức với xã hội, là người sẽ đặt nền tảng cho một xã hội văn minh cho
thế hệ kế tiếp. Nâng cao tri thức để tăng hiểu biết mỗi ngày, tập thể
dục để khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, yêu thiên nhiên, tham gia các
hoạt động xã hội để tránh xa những thói quen giải trí tầm thường dẫn
tới suy thoái cả về sức khỏe và đạo đức. Không thể có một đất nước nghèo
hèn nếu 30% người Việt Nam đều hành động và suy nghĩ theo lối tư duy
này.
Con đường để thúc đẩy xã hội, khiến đất nước giàu mạnh, không nằm ở đâu xa mà ở chính mỗi người.
(P/S)
Viết xong bài này anh Lãng sẽ lặn một hơi, hẹn gặp lại các bạn trong
năm 2017 hoặc lâu hơn nữa :) Trừ khi có một sự kiện nào đó có tính đe
dọa sinh tồn, ví dụ nguy cơ Trung Quốc xua quân xâm lược, có thể anh sẽ
quay lại sớm hơn. Gửi tới các bạn lời chào thân ái và quyết thắng :)
Lập luận tốt nhưng khó thực hiện.đảng ta cũng có cái lí ,con đường đi cho mình mà vực dậy sau chiến tranh lụy tàn thương vong mấy mươi năm kinh tế như bây giờ cũng là một thành công của đảng rồi anh ạ.
Trả lờiXóaLập luận tốt nhưng khó thực hiện.đảng ta cũng có cái lí ,con đường đi cho mình mà vực dậy sau chiến tranh lụy tàn thương vong mấy mươi năm kinh tế như bây giờ cũng là một thành công của đảng rồi anh ạ.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaơ, thế còn bài '' nguy cơ chiến tranh việt trung và chiến lược phòng thủ'' thì sao ạ? 8 phần mà mới có 2 phần a ạ., khi nào viết tiếp vậy ạ?
Trả lờiXóaLãng đầu bò là thằng duy nhất tỏ ra minh triết về mặt chính trị tại thời điểm này.
Trả lờiXóa