Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Bàn về cách mạng xã hội.

Tháng 10/2015 - Bàn về cách mạng xã hội
“Thế giới này sẽ thay đổi, từ những điều rất nhỏ mà mỗi chúng ta làm, cùng với nhau, chúng ta sẽ giúp thế giới này trở lên tốt đẹp hơn” - Đây là một câu trong một bài viết của một em bé 12 tuổi mà anh tình cờ đọc được, một chân lý đơn giản và không thể đúng hơn. Kết luận rút ra là bài học có thể đến từ bất kỳ đâu, từ bất cứ ai, miễn là mỗi chúng ta giữ cho mình một tư duy cởi mở, và như Steven Job nói, hãy sống khát khao, sống dại khờ để đón nhận những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Nói đến sự thay đổi xã hội ở Việt Nam, người ta thường hình dung đến những cuộc cách mạng đẫm máu và bi thảm trong quá khứ. Liệu có một cách nào khác giúp xã hội thay đổi với một cái giá dễ chịu hơn và một lộ trình thời gian chấp nhận được? Đây là câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của nhiều thế hệ người Việt.
Năm 1989, khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Do tính biểu tượng và vị thế của các quốc gia, người ta hay nói tới sự sụp đổ của bức tường Berlin hay sự tan rã của Liên bang Sô Viết. Thực tế ấy khiến nhiều người quên mất một góc nhỏ ở Đông Âu, nằm kẹt giữa hai thế lực luôn luôn hùng cường Nga - Đức, một quốc gia nhỏ từng có thời kỳ bị xóa tên trên bản đồ thế giới - Poland. Tuy nhiên, chính ở đây, chính ở đất nước vốn bị xóa tên trong thời kỳ thế chiến thứ hai, chịu sự dày xéo của cả đạo quân tàn bạo của Hitler lẫn gót sắt sặc mùi giai cấp của Stalin, chính đất nước này đã viết lên một trang sử riêng của nó, khiến bức màn sắt một thời ở Đông Âu sụp đổ. Ba Lan (Poland hay Polska) ngày nay là quốc gia thành công nhất trong khối Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Thống kê của World Bank, năm 1987, GDP Ba Lan vỏn vẹn 63,90 tỷ USD. Năm 2014, GDP danh nghĩa của Ba Lan lên tới 548 tỷ USD và đạt tới 721,39 tỷ USD nếu tính theo chỉ số ngang giá sức mua (PPP). Ba Lan hiện xếp hạng 20 thế giới xét về quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của 38 triệu dân Ba Lan hiện nay đạt tới 23.649 USD/người, cao hơn hầu hết các nước hậu cộng sản. Bên cạnh các thành công về kinh tế, Ba Lan cũng có sự hội nhập hầu như trọn vẹn với thế giới văn minh. Năm 1999 Ba Lan có mặt trong Nato, năm 2004, người Ba Lan được cộng đồng kinh tế EU đón chào trong tư cách của một quốc gia được hoan nghênh chứ không phải chấp nhận gia nhập vì khuyến khích. Điều gì đã khiến Ba Lan đạt được những thành tựu nổi bật mà nhiều người đánh giá là đỉnh cao trong lịch sử suốt 500 năm gần đây của Ba Lan, sau một xã hội tan hoang được tái xây dựng từ năm 1989?
Sự sụp đổ của các xã hội cộng sản trong khối Warszawa thường được nhắc đến do những sai lầm nội tại của chế độ cộng sản. Điều đó là đúng với hầu hết trường hợp. Nhưng sai lầm chỉ dẫn tới sụp đổ, còn sự hồi sinh thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp hơn. Trong những nhân tố làm nên điều kỳ diệu của sự hồi sinh, nhân tố quan trọng nhất, là sự trưởng thành của xã hội, hay nói cách khác, chính là nền tảng dân trí và dân khí mà mỗi xã hội đạt được. Dù ít được nhắc đến, nhưng chính người Ba Lan, một cách lặng lẽ và kiên cường, đã góp phần của họ vào quá trình đào mồ cho chủ nghĩa cộng sản khát máu kiểu Mác Lê ở Đông Âu. Cuộc cách mạng chấn hưng dân trí diễn ra âm thầm ở Ba Lan từ những năm 1970. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Ba Lan, đáng ngạc nhiên, lại bắt đầu từ chính một phong trào mang đặc hơi hướng của xã hội cộng sản: Phong trào công đoàn đoàn kết của những người công nhân Ba Lan. Tuy nhiên, khác với những cuộc đấu tranh giai cấp khát máu trong quá khứ, Công đoàn đoàn kết của Ba Lan, khởi đầu từ sự đấu tranh của những người công nhân về tình trạng thiếu thốn triền miên và những cam kết hầu như không được thực thi của chế độ cộng sản, đã tìm được sự hội tụ chung với những người trí thức thuộc nhiều tầng lớp ở Ba Lan. Điều đó giúp công đoàn đoàn kết thay vì một đám đông hỗn loạn và hung hãn, trở thành một tổ chức xã hội có sức mạnh vượt trội và được định hướng đúng đắn bởi dòng chảy tri thức. Jacek Kuron, một trí thức công giáo Ba Lan, là một trong số những người tiên phong đã khuyến khích và giúp đỡ công nhân Ba Lan dựng lên công đoàn độc lập của họ. Năm 1980, công đoàn đoàn kết thông báo tổ chức của họ có tới 10 triệu thành viên, và thành phần của nó không phải chỉ có công nhân mà gồm đông đảo tri thức. Tháng 12/1981 chính quyền cộng sản Ba Lan tuyên bố thiết quân luật và bắt giam hàng nghìn thành viên công đoàn. Sự đàn áp tiếp tục kéo dài trong nhiều năm sau đó, nhưng không dập tắt được một phong trào có sức mạnh ngày càng lan rộng. Cuối cùng, trong biến cố lịch sử phi thường năm 1989, công đoàn đoàn kết Ba Lan đã lật đổ chế độ cộng sản và xây dựng thể chế văn minh cho mình. 10 năm sau, họ góp mặt trong ngôi nhà chung châu Âu với tư cách của một quốc gia đạt trình độ cao cả về văn hóa và kinh tế.
Điều gì đã giúp người Ba Lan đạt được những kỳ tích ấy, với một cái giá rất êm đềm nếu so với những biến cố đẫm máu và tăm tối như ở Syria, Libya, iraq hay thậm chí là Ucraine? Lịch sử sẽ ghi nhận điều này: Công đoàn đoàn kết Ba Lan và những thành viên của nó, đã khởi đầu cho cuộc cách mạng vĩ đại của họ từ chính phong trào đọc và đấu tranh cho những quyền ghi trong hiến pháp. Trong suốt cuộc cách mạng kéo dài 10 năm kể từ tháng 8/1980, ngày Công đoàn đoàn kết Ba Lan được thành lập cho đến lúc chế độ cộng sản sụp đổ, hầu hết các hoạt động phản kháng và gây sức ép với chế độ cầm quyền để đòi hỏi các thay đổi xã hội đều xuất phát từ cách yêu cầu dựa trên nền tảng hiến pháp. Chịu sự đàn áp nặng nề của chính quyền, nhưng những người trí thức công giáo, những lãnh tụ công nhân và những thành phần cấp tiến của Ba Lan đã kiên trì trong hòa bình nhưng quyết liệt cho những đòi hỏi của mình. Những cuộc đấu tranh gây tiếng vang của Công đoàn đoàn kết, đều xuất phát từ chính những quyền của người dân được ghi trong hiến pháp. Trong vòng 10 năm, bằng việc nhận thức sâu sắc các quyền hiến định về quyền con người, trong sự đoàn kết và chấp nhận khác biệt, người Ba Lan kiên cường đối mặt với những đợt trấn áp của chế độ cộng sản. Nhiều nghìn người bị tống vào tù, nhưng sự kiên trì trong hòa bình và sự trưởng thành về mặt tư duy của xã hội đã khiến cái giá phải trả của người Ba Lan không quá nặng nề. Khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, khác với hầu hết các nước Đông Âu hậu cộng sản, người Ba Lan đạt tới một trình độ nhận thức hoàn toàn khác biệt về xã hội và nhân quyền. Cuộc đấu tranh sát cánh trong nhiều năm giữa công nhân, trí thức, các thành phần công giáo và nông dân khiến người Ba Lan có sự trưởng thành hơn hết về việc chấp nhận và dung hòa sự khác biệt. Ba Lan nhanh chóng đạt được sự ổn định thật sự về xã hội đa nguyên trên nền tảng của một xã hội đã được khai phóng về dân trí trong suốt một quá trình hơn 10 năm. Người Ba Lan mất hai năm để thoát khỏi sự hỗn độn hậu cộng sản, kể từ năm 1991 đến nay, Ba Lan phát triển với một tốc độ thần kỳ so với các nước Đông Âu. Không giống Nga, khi xã hội tự do nhanh chóng quay lại sự thống trị mang hơi hướng độc tài, cũng không giống Ucraine, nơi người dân hầu như không biết làm gì với món quà dân chủ từ trên trời rớt xuống, để rồi sau 24 năm nhận được độc lập, Ucraine chỉ có một chế độ chính trị tham nhũng nối đuôi sau các kỳ bầu cử, và cuối cùng đối mặt với cảnh tan hoang dưới sức ép của người Nga. Cũng chính Ba Lan, là ví dụ bằng vàng cho những xã hội muốn đạt tới văn minh khi so sánh với tình trạng đầy ám ảnh tại các nước Trung Đông. Dân chủ chỉ có giá trị ở một xã hội khai phóng, chứ không thể phát huy sức sống và tính ưu việt của nó ở những xã hội mà người dân còn chưa biết phải làm gì với số phận của chính mình.
Hồi ký của nhiều lãnh tụ Công đoàn đoàn kết Ba Lan sau này đều ghi nhận: “Những cuộc đấu tranh của chúng tôi để gây sức ép với chính quyền, đều xuất phát từ chính nền tảng hiến pháp. Dựa vào đó, chúng tôi yêu cầu họ phải xóa bỏ các điều luật gây cản trở xã hội. Chúng tôi chịu đàn áp và khủng bố, nhưng với các quyết sách trong hòa bình và sự nhận thức ngày càng tăng của các thành viên, cùng với nhau, cuối cùng chúng tôi (đã) được điều mình muốn”
Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, vấn đề gai góc nhất khi Việt Nam đàm phán TPP không phải nằm ở các sắc thuế, cũng không phải ở việc bảo hộ hay mở cửa các thị trường, mà chính ở điều kiện về việc thành lập “Công đoàn độc lập” của những người lao động. Những người có đủ sự trải nghiệm hẳn sẽ nhận ra lý do tại sao mà Việt Nam e ngại đến thế với điều kiện này, dù chế độ cộng sản hiện nay vẫn mặc nhiên tự nhận họ chính là đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam. Trong nguy cơ có tính sinh tồn từ sức ép của người Tàu, cùng với sự vận động gần như tất yếu của dòng chảy quyền lực Á Châu, tính đến thời điểm này, có vẻ tạm coi chế độ cộng sản cầm quyền hiện nay buộc phải chấp nhận đối mặt với thực tiễn. Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước về điều kiện TPP. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngỏ ý Việt Nam sẵn sàng sửa đổi các điều luật để đáp ứng điều kiện TPP. Rõ ràng đây là một cơ may lớn đối với lịch sử đất nước.
Nhưng trông đợi vào vận may không phải là cách mà một dân tộc nên làm. Do đó, chưa bao giờ, chưa có lúc nào mà vấn đề nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí lại quan trọng như lúc này. Người Việt Nam cần có sự trưởng thành, có đủ tri thức, có đủ sự tỉnh táo, có đủ dũng khí và cần có đủ sức mạnh đoàn kết để chuẩn bị cho tiền đề của một xã hội văn minh. Chúng ta quay trở lại cuộc cách mạng ba ngọn thác mà anh Lãng đã đề cập đến ở đây:

1. Tại sao nên thừa nhận hiến pháp? Thừa nhận hiến pháp, là để mọi cuộc đấu tranh xã hội phải diễn ra trên cơ sở hòa bình. Bạo lực là cách nhanh nhất để làm thui chột xã hội và tạo điều kiện cho những kẻ cực đoan có cơ hội xúi giục đám đông. Không thể có sự tỉnh táo ở một đám đông say sưa bắn giết. Đó chính là điều đã diễn ra ở Ucraine, Libya, Syria hay Iraq ngày nay, và nó đã không diễn ra ở Ba Lan, khi những thành viên công đoàn đoàn kết đã chọn cho mình một lối đi khác: đấu tranh ôn hòa kết hợp với sự khai phóng xã hội.
2. Đọc hiểu hiến pháp để làm gì? Đọc hiểu hiến pháp, đặc biệt là phần viết về quyền con người, về quyền và nghĩa vụ công dân, chính là để mỗi cá nhân có nhận thức sâu sắc về giá trị hiến định của cá nhân mình trước xã hội, trước chính quyền và trước lịch sử. Đọc hiểu hiến pháp để hiểu về quyền của mình, để từ đó biết vận dụng những quyền hiến định ấy để đấu tranh đòi hỏi xã hội phải thay đổi, đòi hỏi chế độ phải cải cách thậm chí bãi bỏ các điều luật gây cản trở sự tiến bộ xã hội. Chính trong quá trình ấy, nhận thức của mỗi cá nhân sẽ tăng dần theo thời gian khi ý thức về quyền con người được khai phóng. Chỉ có sự khai phóng ấy mới khiến mỗi cá nhân ý thức được sức mạnh của mình, ý thức được vai trò của mình và đồng thời cũng ý thức và trân trọng được cái giá của hòa bình. Một đám đông man rợ chỉ có thể hành xử một cách man rợ, kết thúc cũng sẽ là sự hỗn loạn trong man rợ. Một cộng đồng văn minh sẽ có sức mạnh đẳng cấp với lối đấu tranh trong sự văn minh. Và chỉ có như thế mới đạt được nền tảng cho một xã hội dân chủ văn minh. Khi một xã hội đủ trưởng thành, nó sẽ có đủ trình độ và văn minh để viết cho mình một bản hiến pháp mới, trong hòa bình.

3. Những quyền lực nào bạn có khi nhận thức sâu sắc về quyền con người và quyền công dân? Có vô số thứ mà mỗi cá nhân có thể làm và có khả năng làm được một khi tư duy được khai phóng. Nếu hơn 30 triệu người dùng Internet ở Việt nam, những cử tri trong hiện tại và trong tương lai ý thức được giá trị của mình, thì điều đầu tiên mỗi người có thể làm, là việc biến những lá phiếu trong kỳ bầu cử kế tiếp trở thành một phương tiện thể hiện quyền lực xã hội, thay vì chỉ là một tờ giấy lộn như vài chục năm qua. Mỗi công dân đều có quyền lựa chọn người đại diện cho mình trước khi bỏ phiếu, và nếu danh sách ứng viên do chế độ hiện hành lập ra hàng năm chỉ gồm toàn những thứ mà các bạn cho là ăn hại, thì không ai cấm mỗi người gạch tên toàn bộ đám ăn hại ấy trước khi bỏ phiếu vào thùng. Chế độ có thể nhắm mắt làm ngơ nếu chỉ có vài nghìn lá phiếu giống thế, nhưng khi con số lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu thì đó sẽ là một cú sốc gây chấn động. Đó sẽ chính là tiền đề cho một xã hội văn minh, nơi mỗi cá nhân ý thức được quyền lực và nghĩa vụ đối với xã hội của mình.
Internet đem lại một món quà đắt giá cho quyền lực thứ 4. Đây là nơi duy nhất mà người Việt nam có thể thực sự thể hiện được quyền lực giám sát xã hội của mình. Khi báo chí không còn giữ được vị trí của nó như một phương tiện tuyên truyền phục vụ chế độ trong dòng thác của mạng xã hội, rõ ràng, người Việt nam ngày nay có lợi thế hơn người Ba Lan những năm 1970 rất nhiều để thực hiện việc giám sát xã hội, chia sẻ quan điểm và hội tụ về tư duy, từ đó tạo thành động lực đối với xã hội. Trong những ngày qua, nhiều vấn đề được nhiều người Việt nam xới lên trên các trang thông tin mạng. Và trào lưu này ngày một nhiều, đáng mừng thay, đó chính là một phần của cuộc cách mạng ba ngọn thác đang làm biến đổi xã hội Việt nam. Sự trưởng thành của người Việt, ý thức trách nhiệm đối với xã hội và sự quan tâm tới cộng đồng ngày một nhiều hơn trong dòng thác đang diễn ra này. Chính những điều đó đang làm xã hội thay đổi, chính những điều đó đang khiến mỗi cá nhân ngày một trưởng thành và khai phóng về mặt tư duy, chính những điều đó đang giúp đất nước biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Một trí thức khai phóng Nhật Bản từng nói với Phan Bội Châu vào đầu thế kỷ 20: “Quý quốc đừng lo không giành được độc lập dân tộc, mà Quý quốc cần phải đối mặt với nỗi lo dân tộc không có đủ tư cách có được độc lập”
Anh Lãng cũng muốn chia sẻ điều này với các bạn: “Các bạn đừng lo Việt Nam không có dân chủ. Điều các bạn cần lo là dân tộc này không có đủ tư cách để có được dân chủ”
Ba Lan mất 15 năm, tính từ 1974 - 1989, trong thời đại không internet và đất nước bị kìm kẹp trong bức màn sắt với thế giới văn minh. Việt Nam năm 2015 được kết nối với thế giới, có tới hơn 30% dân số thông thạo internet và mạng xã hội, nơi mỗi công dân có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm và thực hiện quyền giám sát xã hội của mình. Chúng ta sẽ mất bao nhiêu năm nếu thực sự khai phóng trở thành một động lực cho mỗi con người???

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Quá khứ đến tương lai - Thay đổi để hùng cường

Tháng 09/2015, nhiều sự kiện đáng nhớ diễn ra ở Việt Nam và thế giới.

Ngày 02/09/2015, Việt Nam tổ chức lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm quốc khánh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nếu định danh theo cách phân loại của Cộng hòa Pháp, thì đây là nền đệ nhất cộng hòa của Việt Nam thời cận đại. Quốc gia này từng có một bản hiến pháp khá dân chủ, vì vào thời điểm soạn thảo nó năm 1946, ông Hồ Chí Minh đã bê nguyên xi nhiều điều khoản trong hiến pháp của các nước Pháp, Mỹ vào tham khảo, cũng giống như ông khéo léo mượn vài câu trong các áng hùng văn bất diệt của Tuyên ngôn độc lập Mỹ hay Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng Hòa Pháp để đưa vào trong bản tuyên ngôn độc lập ngày 02/09/1945 của người Việt Nam:

- Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc (Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776)
- Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng và quyền lợi (Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791)

Cho đến tận ngày nay, những ý tưởng từ những áng hùng văn trên vẫn là lý tưởng và cảm hứng bất diệt của nhân loại cho một xã hội ngày một văn minh xét trên bình diện toàn cầu.

Năm 1945, ông Hồ là người Việt Nam tài ba lỗi lạc nhất trong số tất cả những người Việt cùng thời đại. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Ông có 30 năm lăn lộn ở nước ngoài. Ông từng sang Mỹ, Pháp, Anh và nhiều nước khác trên thế giới. Ông từng hoạt động nhiều năm tại Nga, Trung Quốc và Hồng Kong. Nói theo thuật ngữ ngày hôm nay, ông là người Việt được "nối mạng" với hệ thống internet toàn cầu sơ khai vào thời điểm đó. Cuộc đời chìm nổi của ông ở nhiều quốc gia khiến ông có sự trải nghiệm khác thường về nhiều thể chế. Sai lầm lớn nhất của ông Hồ là khi ông đọc bản luận cương "Dân tộc và thuộc địa" của Lê Nin, lần đầu tiên vào năm 1920. Đó là tài liệu duy nhất ở phương tây ông tìm thấy nói về vấn đề giải phóng dân tộc. Ông Hồ lạc vào quỹ đạo cộng sản một cách vô thức do cái bẫy của ngôn từ. Cả cuộc đời ông chưa bao giờ đọc hết bộ Tư Bản Luận, thế nhưng ông lại được gán cho cái mác của một nhà cộng sản lão thành cho đến lúc qua đời. Ông từng bị Stalin giam lỏng tại Mouscou vì cho rằng ông chỉ là một tay cơ hội chứ không phải người cộng sản. Ông là người sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam vào 03/02/1930 và là tác giả bản chính cương vắn tắt nổi tiếng trong lịch sử Đảng, thế nhưng sau đó Stalin đưa Trần Phú và Hà Huy Tập về nước, gạt toàn bộ vai trò của ông Hồ vì nhận định ông là một tay cộng sản chệch hướng và sai lầm, chỉ chăm chăm độc lập dân tộc mà thiếu tinh thần giai cấp. Trần Phú lên làm Tổng bí thư đầu tiên của ĐCS, sau đó ban hành một điều lệ Đảng trong đó phê phán nặng nề tư tưởng của ông Hồ. Sau khi đào thoát ngoạn mục khỏi mật vụ Pháp tại Hồng Kong (Với sự trợ giúp của những nhà dân chủ điển hình như luật sư Frank Loseby), năm 1934 ông trốn về Liên Xô và bị Stalin giam lỏng năm năm tại Mouscou. Năm 1938, ông kiếm cớ đào thoát về Diên An, căn cứ đầu não của ĐCS Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu một bi kịch khác trong sự nghiệp của ông Hồ, ở đây ông gặp nhiều lãnh tụ cộng sản TQ. Những mối liên hệ cá nhân của ông trong thời kỳ này đã dẫn đến một bi kịch lớn của người Việt Nam về sau này, khi ông Hồ đưa phong trào dành độc lập của người Việt Nam gắn với quỹ đạo cộng sản vào năm 1949. Nền đệ nhất cộng hòa của Việt Nam đã sơ khai thành hình và nhanh chóng diệt vong khi ông Hồ công cán Trung Quốc vào đầu năm 1950. Ông thành công đặt quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô, kiếm được nguồn viện trợ vũ khí và cố vấn để đánh thắng người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng cũng chính chuyến đi này đã giết chết bản hiến pháp được soạn thảo năm 1946, hiến pháp văn minh nhất mà người Việt Nam có được tính đến thời điểm này. Ông Hồ đưa người Việt Nam đến một chiến thắng có tính chiến thuật, nhưng lại thua về chiến lược nếu xét về lợi ích toàn cục của dân tộc. Sau thời điểm này, sự nghiệp của ông Hồ chỉ còn là một chuỗi sự kiện gắn cuộc chiến ý thức hệ đẫm máu và những quyết sách cai trị sai lầm, cả trong trị quốc, bồi đắp nhân tài và lựa chọn người kế nghiệp.

Nền đệ nhị cộng hòa của Việt Nam, đáng ra có cơ hội được thiết lập bởi Bảo Đại, vị vua cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn. Ngày 11/03/1945, Bảo Đại tuyên cáo "Việt Nam độc lập" sau khi Nhật đảo chính Pháp và trao trả độc lập cho Việt Nam. Ông giao việc thành lập chính phủ cho Trần Trọng Kim, một giáo sư sử học yêu nước nhưng không có kinh nghiệm hoạt động chính trị. Chính phủ mới chưa kịp soạn thảo một bản hiến pháp cho riêng nó thì bị lật đổ bởi phong trào cách mạng của ông Hồ ngày 19/08/1945. Năm 1947, Bảo Đại có cơ hội thứ hai để lập nên nền đệ nhị cộng hòa. Ngày 7/12/1947, Bảo Đại ký với Pháp hiệp ước Vịnh Hạ Long, theo đó sẽ dẫn tới sự thành lập Quốc Gia Việt Nam trên cơ sở độc lập, thống nhất nằm trong khối Liên Hiệp Pháp. Chính Phủ mới cũng không có hiến pháp mà chỉ có một hiến chương lâm thời, lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng lần đầu tiên được chọn làm quốc kỳ và nó còn gắn với một giai đoạn lịch sử của Việt Nam mãi về sau này. Dù có nhiều cơ hội được trao tặng do vị thế thiên nhiên được đặt vào vai trò lãnh tụ ở Việt Nam (Vị vua cuối cùng của vương triều chính thống cuối cùng trong lịch sử Việt Nam), được người Pháp đào tạo từ nhỏ, nhưng Bảo Đại không vượt qua được chính mình vì cuộc sống nhung lụa từ bé không cho phép ông trở thành một lãnh tụ phù hợp thời đại. Bảo Đại có lẽ là một người tử tế nhưng không có khả năng để đảm nhận vai trò lãnh tụ.

Ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm thành lập chính thể Việt Nam Cộng Hòa, có ranh giới từ vĩ tuyến 17 hất vào Nam, sau đó ông được bầu làm Tổng Thống. Về một khía cạnh nào đó, ông Diệm đã lập nên nền Đệ Nhị cộng hòa của Việt Nam, sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được ông Hồ lập nên và chính tay bóp chết khi gia nhập quỹ đạo cộng sản sau năm 1950. Lúc này đất nước đã lâm vào một cuộc chiến ủy nhiệm khốc liệt, khi người Việt hai miền được nước ngoài trang bị vũ khí lao vào cuộc bắn giết kéo dài 20 năm. Năm 1975, do có ưu thế hơn về khả năng chiến tranh và động viên con người bằng bàn tay sắt, miền Bắc chiến thắng, đánh chiếm toàn bộ miền Nam và lập ra nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới sự cai trị độc tôn của Đảng Cộng Sản. Cả nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa trong lịch sử Việt Nam đều bị nối nhau bóp chết. Bản hiến pháp mới ra đời, đè bẹp mọi tiến bộ của hiến pháp 1946 và hiến pháp 1955 (ở miền nam Việt Nam), đưa Việt Nam vào một thời kỳ cai trị bởi chế độ độc tài và dẫn đến 30 năm tụt hậu so với thế giới văn minh về sau này.

Những nét khái quát trên là bức tranh toàn cảnh về lịch sử. Nó là sự tồn tại khách quan, không phải để chê bai hay phủ nhận. Đối với người Việt Nam hiện nay, chúng ta buộc phải nhìn nhận và thừa nhận khuôn khổ hiến pháp và pháp luật đang được lập ra trong nước, được bảo đảm hiệu lực thi hành bằng súng đạn và nhà tù của một chế độ cai trị độc tài.

Năm 1986, khi Việt Nam lâm vào khủng hoảng nặng nề, Đảng Cộng Sản Việt Nam tìm kiếm con đường đổi mới. Điều đáng tiếc nhất đối với lịch sử Việt Nam, là bối cảnh lịch sử lúc ấy không dẫn tới sự giải tán của chế độ độc tài như đã diễn ra ở Ba Lan và nhiều nước Đông Âu. Bộ máy lãnh đạo Việt Nam ở thời điểm 1986 và đầu những năm 1990 có nhiều con người còn thực sự sống với động cơ lý tưởng. Họ thiếu kiến thức về quản trị quốc gia, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, thiếu tầm nhìn xa nhưng ít nhiều họ thực lòng muốn cống hiến cho đất nước. Việt Nam mò mẫm đi theo mô hình Trung Quốc, giữ lại sự cai trị độc tài và áp dụng mô hình kinh tế thị trường. Lợi ích kinh tế được tạo ra nhưng quyền lực không được giám sát (Ai có thể giám sát độc tài) đã dẫn tới nạn tham nhũng lan tràn và làm băng hoại hệ thống chính trị. Năm 2015, Việt nam được cai trị bởi một hệ thống quan chức độc tài giàu nứt đố đổ vách. Người ta không còn nói tới việc ai là lãnh đạo giỏi hơn ai mà chỉ còn đánh giá ai thủ đoạn hơn ai, và phe cánh nào nhiều thế lực hơn trong nền chính trị Việt Nam. Hệ thống chính trị không còn người tốt, chỉ còn phe cánh và lợi ích nhóm. Và người Việt Nam không có sự lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, mà chỉ có sự lựa chọn giữa cái xấu và cái xấu nhiều hơn. Nguồn lực quốc gia bị triệt tiêu vào những lỗ đen tham nhũng, theo cách nói của chuyên gia World Bank thì "Đây là một quốc gia không chịu phát triển", hiểu theo nghĩa nó có thừa đủ mọi yếu tố và thời cơ để vươn lên thoát khỏi thế giới thứ ba, nhưng nó cứ dậm chân và mãi nhàng nhàng trong một mức phát triển dưới trung bình. Chớ trêu thay, người ta giờ đây không còn bàn tới việc bao giờ Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia (vượt Singapore thì chỉ còn nằm trong giấc mơ đẹp nhất của người Việt), mà người ta đang nói tới nguy cơ Việt Nam bị Campuchia và Lào vượt mặt, một viễn cảnh gần. Vì đâu nên cớ sự này???

Trong thiên Lãng luận "Thoát Khựa Luận" http://langlanhtu.blogspot.com/2014/05/thoat-khua-luan.html anh Lãng từng phân tích ý nghĩa cốt tử của một thể chế tiến bộ đối với vận mệnh quốc gia. Lịch sử Việt Nam không có Minh Trị Thiên Hoàng (Nhật Bản), không có Park Chun Hee (Hàn Quốc), không có cha con họ Tưởng (Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc - Đài Loan); không có Lý Quang Diệu (Singapore). Chúng ta chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam, vì thế mà giờ đây chúng ta đi sau các quốc gia và vùng lãnh thổ được nhắc đến phía trên từ 100 - 200 năm xét về trình độ phát triển. Chúng ta có độc tài thay vì một xã hội tự do, nên chúng ta đi sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia 30 - 40 năm về trình độ văn minh. Và ngày nay thì Campuchia, Mianma đang chuyển mình mạnh mẽ và khả năng những quốc gia này vượt mặt Việt Nam không còn là chuyện quá xa vời.

Phải làm gì? Cần làm gì? Nên làm cái gì???

Giải pháp lớn nhất mà phe dân chủ hải ngoại (mà nhiều đại diện của nó hành xử với những ý kiến bất đồng cũng chẳng khác gì lắm phe cộng sản, điển hình như việc RFA sa thải ông Lê Diễn Đức vì ông này phỉ báng Việt Tân và Việt Nam Cộng Hòa) đưa ra là xóa bỏ chế độ cộng sản. Mục tiêu này rất đẹp, nhưng xóa bỏ cách nào một bộ máy cai trị chặt chẽ với khoảng 3,6 triệu Đảng viên, gắn kết với nhau bởi lợi ích chia chác từ một chính thể độc tài và được bảo vệ bởi một đội ngũ an ninh và quân đội hơn nửa triệu người??? Sự đấu tranh sắt máu ngay và luôn chỉ dẫn tới bạo loạn và hoang tàn. Tự do có thể đến tiếp sau nhưng đó sẽ là viễn cảnh sau vài chục năm tan hoang, và Trung Quốc thì đang lăm le chỉ chờ Việt Nam loạn lạc để xâm lược như những gì chúng đã làm năm 1958, 1974 và 1988. Iraq, Syria, Libya là những ví dụ sống động và đắt giá.

Giải pháp lớn nhất mà phe Cộng Sản (nên gọi đúng hơn là tập đoàn lợi ích độc tài) và các dư luận viên của nó đưa ra, là người Việt Nam cần tuyệt đối tin tưởng vào con đường lãnh đạo của Đảng. Đi theo con đường này, Việt Nam ngày một tụt hậu, đạo đức xã hội ngày một suy thoái, bất bình đẳng ngày càng tăng, môi trường ngày một bị hủy hoại, tài nguyên bị tận thu và bán bằng hết đến mức cạn kiệt, tham nhũng ngày một nặng nề và thậm chí ăn sâu vào cả lực lượng quân đội khiến khả năng bảo vệ tổ quốc ngày một giảm. Trong số các quốc gia trên thế giới, giờ chỉ còn một số ít nước quân đội được trực tiếp làm kinh tế như ở Việt Nam, và tham nhũng khi giới có súng được làm ăn thì vô cùng tệ hại và không thể kiểm soát. Đó cũng là con đường ngắn nhất và nhanh nhất làm tha hóa lực lượng vũ trang và suy giảm khả năng bảo vệ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bị đe dọa nặng nề về chủ quyền. Sớm muộn cái kết của con đường này là nghèo đói và hoang tàn, mất cả tương lai và thậm chí mất luôn chủ quyền lãnh thổ.

Cả hai giải pháp, đều chỉ dẫn Việt Nam đến hoang tàn và biển máu.

Khi không có một hệ thống chính trị tiên tiến dẫn đầu, mỗi công dân cần thức tỉnh vai trò và làm nhiệm vụ của mình. Bởi nếu điều đó không diễn ra, sớm muộn người Việt Nam sẽ thấy con cháu mình có tương lai giống như cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi, nằm dài trên cát trên một bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ, bi kịch thuyền nhân và hoang tàn thập kỷ 1970 và 1980 là một ám ảnh lẩn khuất đối với lịch sử Việt Nam (Thiên Lãng luận Bức ảnh thay đổi thế giới:  http://langlanhtu.blogspot.com/2015/09/alan-kurdi-mot-cai-ten-la-lam-voi-hau.html )

Xóa bỏ Đảng Cộng Sản là một con đường ngắn nhất dẫn tới bạo loạn và nhà tù. Đó cũng là một con đường trái với pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Đứng trên phương diện một người thực tế, anh Lãng không bao giờ cho rằng giải pháp giật sập cái nhà duy nhất mình đang có trước khi xây dựng được ngôi nhà mới là một lựa chọn khôn ngoan.

Giải pháp duy nhất, là người Việt Nam cần tin ở chính mình, thức tỉnh ý thức công dân trong phạm vi hiến pháp hiện hành để đấu tranh cho sự tiến bộ dần của xã hội.

Từ một thực tế phổ quát ở Việt nam, ở đâu mà dân trí thấp thì bộ máy chính quyền thả sức chà đạp người dân (Nhiều vùng nông thôn sưu cao thuế nặng còn hơn thời Pháp thuộc). Ở những vùng miền mà dân trí cao hơn, người dân có khả năng sử dụng và chia sẻ thông tin trên internet thì khả năng đàn áp của hệ thống chính quyền độc tài kém hiệu quả hơn. Nhiều lúc, nó buộc phải thừa nhận sai lầm và sửa đổi chính sách. Ngay từ thực tiễn nạn mãi lộ giao thông trong hệ thống CSGT toàn quốc, ở những nơi mà người dân có hiểu biết tốt về luật pháp, tận dụng được công nghệ để ghi hình làm bằng chứng khi tranh luận, phần lớn trường hợp CSGT đều không kiếm được tiền, thậm chí nhiều trường hợp còn buộc phải bị kỷ luật khi bằng chứng sai phạm được đăng trên mạng. Trong vấn nạn về kiện tụng đất đai, khái niệm dân oan thường tập trung ở những người nông dân ít học, khi bị đẩy vào đường cùng, họ chỉ còn mỗi con đường màn trời chiếu đất khiếu kiện và trưng biển "dân oan" trong nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm sự công bằng. Một số trường hợp chọn con đường phản đối cực đoan, như ông Đoàn Văn Vươn, dùng súng để bảo vệ tài sản mồ hôi nước mắt của mình, chống lại lực lượng đông nghịt công an vũ trang tận răng đến cướp đất. Dù được thừa nhận oan khuất, nhưng ông Vươn vẫn phải chịu bản án 5 năm tù, cặm cụi cải tạo mong sớm được về nhà và mới được thả tự do nhân dịp quốc khánh 2015. Cho đến tận lúc ông Vươn ra tù, người ta vẫn không thể trả lời câu hỏi tại sao những người nông dân chỉ có động cơ duy nhất là được sống và làm ăn yên ổn ấy lại bị buộc phải cầm súng và cuối cùng ném vào tù??? Một chế độ đẩy người dân lương thiện đến chỗ phạm pháp và bỏ tù họ thì không thể có lý do tồn tại mà không thay đổi. Sự kiện của ông Vươn không vô nghĩa. Nó làm thay đổi rất lớn đường lối của Đảng Cộng Sản về chính sách đất đai được quy định trong luật đất đai năm 1993. Xét về ý nghĩa nào đó, đó là một mốc dấu đóng góp vào sự tiến bộ xã hội ở Việt Nam.

Chúng ta trở lại với con đường duy nhất đúng để tìm đường phát triển cho quốc gia: Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh - Tôn chỉ của nhà tư tưởng lớn Phan Châu Trinh, phát động từ năm 1906 với phong trào Duy Tân ở Việt Nam. Con đường để chấn hưng dân trí không dễ dàng, thậm chí là không thể vội vàng, nhưng nó là thứ duy nhất đúng với thời đại.

Mỗi người Việt Nam do đó cần phải làm gì? Các bạn cần trả lời câu hỏi này: Đã bao giờ mỗi người Việt Nam tốt nghiệp đại học đọc trọn vẹn hết một lần "Hiến Pháp" nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam??? Ngoài những người chuyên nghiên cứu luật pháp, câu trả lời chắc chắn là "Không" với 99% những người biết đọc biết viết tại Việt Nam. Người Mỹ có thể không cần đọc hiến pháp nước họ, người Pháp có thể không quan tâm đến hiến pháp hiện hành, người Anh, người Nhật cũng vậy. Nền chính trị ở những quốc gia này đủ tiến bộ để xã hội có sự giám sát tốt về quyền lực, khiến bộ máy cai trị buộc phải hành xử trong phạm vi hiến pháp và pháp luật. Nhưng với một quốc gia bị cai trị bởi chính thể độc tài, thì người dân, đặc biệt là những người có hiểu biết, không thể không đọc hiểu hiến pháp quốc gia. Các bạn không thể và không cần phải đọc hiểu hết các văn bản quy phạm pháp pháp luật, nhưng các bạn buộc phải đọc hiểu toàn văn hiến pháp hiện hành ít nhất một lần, đủ để nắm được các quyền cơ bản của mình. Nếu bạn chưa làm điều đó bao giờ, thì đây là điều bạn cần làm ngay vào lúc này:


Khen ngợi hay phỉ báng hiến pháp này đều là một điều thừa. Mỗi người Việt Nam cần chấp nhận nó vì nó là sự tồn tại thực tế; tránh xa cái xấu và cố gắng vận dụng cái tốt chứa đựng trong nó, hành động với ý thức công dân và trách nhiệm với đất nước, với mục tiêu cao nhất là cải biến xã hội, khiến quyền lực độc tài bị kiểm soát bởi sức mạnh toàn dân, từ đó đặt nền tảng cho sự tiến bộ xã hội.

Mỗi người Việt Nam, ngay từ lúc này, hãy đọc kỹ Chương II Hiến Pháp năm 2013, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đọc hiểu và vận dụng được những điều khoản hiến định này, là công cụ lớn nhất và mạnh nhất của chính các bạn để thúc đẩy xã hội. Nếu chính các bạn không chịu hiểu và phấn đấu cho những quyền hiến định của mình, thì ai sẽ làm điều đó thay cho các bạn?

Có ba phong trào mà người Việt cần làm.

Phong trào đầu tiên, do đó, là phong trào đọc hiểu hiến pháp. Khi 30% người Việt Nam đọc và hiểu được những điều cơ bản của Chương II hiến pháp năm 2013, anh tin chắc đất nước sẽ bắt đầu có sự thay đổi. Sự hiểu biết cơ bản về quyền và nghĩa vụ công dân của mỗi cá nhân, tự nó sẽ trang bị cho người Việt Nam những kiến thức và giải pháp. Mỗi người sẽ hiểu về các quyền bất khả xâm phạm theo hiến định của mình và từ đó sẽ biết cách bảo vệ chính mình và bảo vệ xã hội.

Phong trào thứ hai, là phong trào giám sát xã hội nhờ lợi thế mà internet mang lại. Chúng ta có thể nhìn sang Trung Quốc. Dù Tập Cận Bình tiến hành cuộc đại thanh trừng hệ thống chính trị chỉ nhằm thâu tóm quyền lực, nhưng không thể phủ nhận rằng hàng triệu quan chức tham nhũng Trung Quốc đã bị trừng phạt và tống vào tù. Bên cạnh các đòn triệt hạ do phe phái đánh nhau, thì chính người Trung Quốc đang góp phần rất tích cực vạch mặt các quan chức tham nhũng để dẫn tới nhà nước buộc phải vào cuộc điều tra vì đã trót phát động phong trào chống tham nhũng. Hầu hết các quan chức Trung Quốc bị hạ bệ đều bắt nguồn từ việc các bằng chứng về lối sống vô đạo đức (bồ nhí, ăn chơi trụy lạc) hoặc sở hữu tài sản khủng bị tung hê lên mạng. Người Việt Nam cần phải học tập điều này. Bất kể việc chống tham nhũng là giả hay thật ở Việt Nam (anh Lãng không bình luận), thì về mặt công khai, hệ thống chính trị Việt Nam vẫn đang tuyên truyền về một cuộc chiến chống tham nhũng. Mỗi người Việt Nam hãy góp củi để đống lửa cháy thêm to. Một bức ảnh chụp quan chức ăn chơi, một bức hình chụp tài sản khủng của quan chức và con cháu chúng được công bố công khai trên facebook và các trang mạng xã hội đều sẽ góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Các bạn có công cụ, có khả năng và có quyền tự do ngôn luận để làm điều đó. Nếu chưa từng nghĩ đến thì hãy bắt đầu, nếu chưa từng làm thì hãy bắt đầu làm.

Phong trào thứ ba, là phong trào chấn hưng dân khí. Mỗi người Việt Nam cần có niềm tự hào là một công dân có ý thức với xã hội, là người sẽ đặt nền tảng cho một xã hội văn minh cho thế hệ kế tiếp. Nâng cao tri thức để tăng hiểu biết mỗi ngày, tập thể dục để khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, yêu thiên nhiên, tham gia các hoạt động xã hội để tránh xa những thói quen giải trí tầm thường dẫn tới suy thoái cả về sức khỏe và đạo đức. Không thể có một đất nước nghèo hèn nếu 30% người Việt Nam đều hành động và suy nghĩ theo lối tư duy này.

Con đường để thúc đẩy xã hội, khiến đất nước giàu mạnh, không nằm ở đâu xa mà ở chính mỗi người.

(P/S) Viết xong bài này anh Lãng sẽ lặn một hơi, hẹn gặp lại các bạn trong năm 2017 hoặc lâu hơn nữa :) Trừ khi có một sự kiện nào đó có tính đe dọa sinh tồn, ví dụ nguy cơ Trung Quốc xua quân xâm lược, có thể anh sẽ quay lại sớm hơn. Gửi tới các bạn lời chào thân ái và quyết thắng :)

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Bức ảnh thay đổi thế giới

Alan Kurdi, một cái tên lạ lẫm với hầu hết ngót 8 tỷ người trên thế giới này, vào ngày 04/09/2015 đã trở lên nổi tiếng theo một cách mà chắc em chưa bao giờ hình dung đến.

Trong cuộc đời ngắn ngủi chưa đầy 3 tuổi của mình, Kurdi chắc chắn chưa hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh và ở quê hương mình. Trong sự xô đẩy của định mệnh, được định đoạt bằng quyết định của những người thân, Alan Kurdi được đưa lên một con thuyền nhỏ cùng với cha, mẹ và người anh trai 5 tuổi, với em, hẳn cũng giống một chuyến đi chơi. Ít giờ sau, em được tìm thấy khi nằm dài trên bãi cát của một bờ biển tại Thổ Nhĩ Kỳ, yên bình trong giấc ngủ giờ đã thành vĩnh viễn. Mẹ và anh trai của Kurdi cũng ra đi trong ngày hôm đó khi chiếc thuyền nhỏ chìm giữa biển trong nỗ lực tuyệt vọng chạy trốn khỏi Syria, giờ đã thành một địa ngục sau các nước cờ giành giật quyền lực giữa các thế lực chính trị cả trong và ngoài quốc gia Trung Đông bi thảm này.

Đó là những gì được phơi bày trên hầu hết các bản tin của các hãng truyền thông trên thế giới vào ngày 04/09/2015.

Anh Lãng đã ngắm bức ảnh này nhiều lần, và thú thật chưa bao giờ đủ can đảm để nhìn chăm chú quá 1 phút. Dù rằng luôn có điều gì đó thôi thúc cần phải nhìn lại thêm một lần nữa.



Những năm 1970 và 1980, hàng triệu người Việt lênh đênh trên biển, giữa bão tố, đói khát, cướp bóc và sát nhân, vào lúc mà trình độ văn minh của nhân loại còn man rợ hơn ngày nay rất nhiều lần, chắc chắn những bi kịch tương tự Alan Kurdi không hề ít, thậm chí còn bi thảm hơn nhiều lần. Lúc đó chưa sẵn máy ảnh và truyền thông, mạng internet cũng không hề có. May mắn thay (hay cũng bi thảm thay) những nỗi đau ấy của người Việt không bị lưu lại một cách đầy ám ảnh giống như bức ảnh này.

Anh sẽ không nói gì về lương tri, thứ tình cảm ủy mị em chã ấy là sự biểu trưng cho sự đớn hèn và là căn nguyên của nhiều đau khổ trên thế giới này. Nhưng sự ám ảnh từ hình ảnh này khiến anh và các bạn cần thật sự trân trọng những gì đang có, và phải quyết liệt đấu tranh để triệt tiêu mọi nhân tố khiến con cháu chúng ta phải rơi vào thảm cảnh bi thương này.

Thế giới năm 2015, cũng vì thế mà thay đổi.

Cuối cùng người ta vẫn thấy đâu là ánh sáng của văn minh và tự do. Một châu Âu vật vã trong suy thoái kinh tế, một loạt các đảng phái có khuynh hướng bài trừ người nhập cư lên nắm quyền ở nhiều nước châu Âu trong các năm 2011 - 2015. Khắp nơi người ta nói đến việc bế quan tỏa cảng với các nền văn hóa ngoại lai, với người nhập cư và bảo vệ việc làm cũng như an sinh xã hội cho người bản địa. Sau khi hình ảnh và câu chuyện về Kurdi được lan truyền, người ta thấy một lối cư xử hoàn toàn khác. Hầu hết các chính phủ châu Âu đều hành động trong các chương trình an sinh cho người nhập cư tị nạn, nhiều dòng người tại Na Uy, Áo, Đức, Anh ... mang theo chăn và quần áo ấm ra đón những người tị nạn. Một lần nữa, giá trị nhân văn, khái niệm về lòng bác ái và quyền con người thắng thế tại Âu Châu, dù các khó khăn kinh tế vẫn chưa hề thuyên giảm. Cuối cùng thì sức sống thực sự của các giá trị dân chủ vẫn giành phần thắng cuối cùng, sau nhiều nghi ngờ về sự thất bại của các nền văn minh phương tây khi để các xu hướng dân tộc chủ nghĩa thắng thế trong một vài năm khó khăn kinh tế. Một điển hình cho các giá trị nhân văn, Angela Merkel tuyên bố nước Đức sẽ giành một ngân khoản 11 tỷ USD để hỗ trợ cho người nhập cư trong năm tài chính tới. Trong một phát biểu công khai, nữ thủ tướng quyền lực của một nước Đức luôn chặt chẽ trong chi tiêu và thận trọng trong tiếp nhận các nền văn hóa ngoại lai, nói về một xu hướng mới khi đón tiếp những người xa lạ, và bà tin rằng đó sẽ là xu hướng tốt. Rất khó để nói trước điều đó sẽ đúng hay sai, khi thế giới ngày nay thường phải vật lộn giữa các giá trị văn minh và cực đoan, khi lực lượng tàn bạo đến ghê rợn là IS lại mộ được một lượng chiến binh đáng kể từ những thanh niên được sinh ra và lớn lên ở các nước châu Âu vốn được hưởng các giá trị nhân văn từ tấm bé.

Tuy nhiên giữa sự bạo tàn của chiến tranh, của các toan tính đầy thủ đoạn của các thế lực chính trị trên thế giới và những số phận bi thương như Alan Kurdi. Xen lẫn giữa bức tranh bạo tàn và bi thương, đọng lại cuối cùng và đem lại niềm hy vọng, chính là các giá trị nhân văn, sản phẩm kết tinh từ sự văn minh và tự do mà các nền văn minh phương tây đã phấn đấu để đạt tới trong nhiều thế kỷ.

Không ai có thể nói trước được liệu những người di cư hồi giáo Syria được châu Âu chào đón hôm nay, sau nhiều năm nữa sẽ biến thành những động lực tích cực mới cho miền đất mà họ phải đánh đổi vô số thứ mới tìm đến được, hay lại trở thành các nhân tố gây bất ổn và biến thành các ví dụ điển hình cho sự thất bại của các giá trị châu Âu. Tuy nhiên, ngay vào lúc này, thế giới có lẽ lại tìm thấy một niềm hy vọng khi ánh sáng của văn minh và tự do vẫn đang thắng thế.

Một quốc gia phải sống bấp bênh trong mối đe dọa chủ quyền, trong một xã hội cai trị độc tài và ngự trị bởi nạn tham nhũng và các giá trị xã hội ngày càng xuống cấp, sớm muộn rồi cũng sẽ đối mặt với hoang tàn nếu những công dân của nó không thức tỉnh. Anh Lãng không xúi các bạn làm loạn, vì như vậy là rất ngu và anh không muốn ngồi tù, nhưng anh Lãng xúi các bạn phải thức tỉnh ý thức và trách nhiệm với xã hội. Phải hành động bằng chính những quyền mà hiến pháp trao tặng cho mỗi công dân, phải đòi hỏi xã hội được cai trị bằng luật pháp và sự công bằng. Phải đòi hỏi bộ máy nhà nước sống bằng tiền thuế và tiền bán tài nguyên quốc gia phải hành động trong sạch vì lợi ích quốc gia. Phải kiên trì trong hòa bình nhưng kiên quyết đối mặt với họa xâm lăng với dũng khí cao nhất để bảo toàn được tương lai cho các thế hệ tiếp sau. Trên hết, phải có tự trọng với chính bản thân mình để nhận ra mình vẫn là một con người với niềm khao khát cho những giá trị thuộc về lý tưởng.

Liệu dân tộc này có còn phải chịu đựng bi thương như hơn hai triệu người Việt đã từng trên biển vào những năm 1970, 1980 và nhiều năm sau đó? Liệu một lúc nào đó chính con cái các bạn sẽ phải nằm dài trên cát giống Alan Kurdi? Liệu có một lúc nào đó người Việt nam sẽ được sống trong hoàn cảnh và các giá trị như Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy? Và liệu sau 10, 15 năm nữa những câu hỏi giống như thế này vẫn được gõ và đưa lên net như một ám ảnh? Những người Việt Nam có tư duy, đang sống và tồn tại ở thời điểm này, chúng ta đang làm gì để thúc đẩy một tương lai văn minh và tự do cho thế hệ sau của người Việt?