Những ngày gần đây, báo chí thế giới và Việt Nam lác đác có những
thông tin nhắc đến những mâu thuẫn lẻ tẻ nổ ra tại biên giới Việt Nam -
Campuchia. Đây không phải là một câu chuyện mới mà đã bắt nguồn từ lâu
trong quá khứ.
Những tranh cãi giữa Việt Nam và Campuchia
về phần lãnh thổ ngày nay được gọi là đồng bằng sông Cửu Long (Lãnh thổ
chính thức thuộc Việt Nam hiện đại) và Campuchia khmer krom (theo cách
diễn giải của người Campuchia) từng kéo dài trong nhiều thế kỷ. Về mặt
lịch sử, đây là vùng đất hoang vu gần như không người ở cho đến khi
những đoàn khai hoang đầu tiên của người Việt và người Minh hương (người
Trung Quốc bại trận dưới triều Minh chạy sang Việt Nam lánh nạn và xin
thần phục triều đình nhà Nguyễn) khai phá. Bằng nỗ lực trong nhiều thế
kỷ, họ biến một vùng đất hoang vu, sình lầy thành một khu vực đông đúc
và giàu có. Vùng đất này, được gọi là Nam Kỳ theo cách định danh chính
thức của vua Minh Mạng vào năm 1832. Với sự kiểm soát trên thực tế trong
nhiều thế kỷ, đây là vùng lãnh thổ được công nhận thuộc về Việt Nam
theo mọi hiệp ước và bản đồ quốc tế hiện đại.
Năm 1859,
Pháp bắt đầu công cuộc xâm lược Việt Nam. Do lợi thế vượt trội về nền
văn minh, đến năm 1867, Pháp chính thức chiếm trọn toàn bộ lãnh thổ Nam
Kỳ gồm 6 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà
Tiên (Tên gọi cũ chính thức của Nam kỳ lục tỉnh). Biên giới chính thức
giữa Nam kỳ và Campuchia được xác lập lần đầu tiên theo thỏa ước ký kết
giữa Thống đốc Nam kỳ và Vua Norodom I vào ngày 09/07/1870. Sau đó ba
nặm một hiệp ước khác được ký bổ sung vào ngày 15/08/1873. Nếu đối chiếu
với bản đồ Đại Nam năm 1829, một số vùng đất thuộc Tây Ninh, Châu Đốc
và Hà tiên của Việt Nam đã bị cắt về Cao Miên. Tuy nhiên, những hiệp ước
này là những hiệp ước chính thức đầu tiên phân định ranh giới giữa Việt
Nam và Campuchia. Biên giới hiện đại giữa hai nước ngày nay về cơ bản
cũng được xác lập trên cơ sở của các hiệp ước này.
Tham
vọng của Campuchia với vùng đất mà họ gọi là Khmer Krom chưa bao giờ tắt
trong nhiều thế kỷ, bất chấp các hiệp ước quốc tế và hiện đại được các
vương triều và chính quyền Campuchia nối nhau ký kết. Tuy nhiên, theo
nhiều nghiên cứu quốc tế, xét cả về mặt lịch sử và thực tế, Campuchia
chưa bao giờ kiểm soát Nam kỳ, dù là dưới vương triều cực thịnh nhất của
họ vào thời đế quốc Angkor từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12. Tuy
nhiên, vấn đề Campuchia Krom luôn được nêu ra mỗi khi có một thế lực
chính trị muốn tranh thủ tình cảm dân tộc cực đoan của người Campuchia.
Thế lực gần nhất và khét tiếng nhất đối với yêu sách này, chính là Pon
pot.
Không dựa trên bất cứ một bằng chứng lịch sử hoặc
thỏa ước quốc tế nào, Pon pot chỉ đơn giản tuyên bố: "Bất cứ nơi nào có
cây thốt nốt mọc, đó là đất của Campuchia". Cây thốt nốt mọc nhiều ở
Cam, ở Thái cũng như ở Việt Nam. Yêu sách của Pon pot, tuy nhiên chỉ
hướng tới Việt Nam. Bởi đơn giản, đó là một lá bài trong canh bạc được
chơi bởi người Trung Quốc.
Chế độ Pon Pot là một trong
những chế độ cai trị cực đoan nhất trong lịch sử hiện đại. Độ tàn ác của
nó vượt gấp nhiều lần công cuộc kỳ thị do thái của Hitler. Nhà nước hồi
giáo khét tiếng tàn bạo IS hiện nay nếu so với Pon Pot thì vẫn phải gọi
Pon Pot là đại sư phụ. Hitler giết dân do thái, IS khủng bố những người
Hồi Giáo tại Iraq hay Syris. Riêng Pon pot, diệt chủng chính dân tộc
mình bằng những biện pháp cực kỳ tàn bạo.
Pon pot luôn tự
nhận là người đại diện cho quyền lợi của Campuchia, tuy nhiên trên thực
tế, ông ta là một người Campuchia gốc Hoa. Sau khi thâu tóm được quyền
lực do làn sóng chiến tranh giải phóng dân tộc ở Đông Dương do Việt Nam
làm nòng cốt và sự thoái lui của Mỹ, Pon pot thiết lập sự kiểm soát trên
toàn lãnh thổ Campuchia từ ngày 17/04/1975. Trong vòng 4 năm, từ 1975 -
1978, theo mọi nghiên cứu quốc tế, Pon pot tàn sát từ 1,5 đến 2,3 triệu
người Campuchia trên tổng dân số 8 triệu người. Nhiều nghiên cứu mới
nhất thống nhất ở con số 1,7 triệu người Campuchia bị giết hại dưới thời
Pon pot, tương ứng với 26% tổng dân số Campuchia. Nếu chế độ này tồn
tại được thêm ít năm, với tốc độ giết hại như vậy, dân tộc Campuchia có
lẽ chỉ còn tồn tại trong sách vở.
Như một cách để tập hợp
dân chúng, Pon pot tìm cách gây chiến với Việt Nam. Về mặt đối nội, là
để khơi gợi tình cảm dân tộc cực đoan của người Campuchia, để xao lãng
và xoa dịu người Campuchia trước chính sách cai trị tàn bạo diệt chủng
của chế độ Pon pot. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách hung hăng của
Pon pot với Việt Nam nằm dưới sự thúc đẩy trực tiếp của Trung Quốc, nước
duy nhất hậu thuẫn cho chế độ Pon Pot, viện trợ hầu hết vũ khí và trang
bị cho thế lực này, cùng với sự hiện diện của hàng chục nghìn cố vấn
trên khắp lãnh thổ Campuchia.
Bắt nguồn sâu xa của sự
kiện, là chính sách bành trướng nhất quán của Trung Quốc trải dài suốt
quá trình lịch sử. Là một đất nước có truyền thống hung hăng và máu xâm
lược thâm căn cố đế, chính sách xuyên suốt của mọi triều đại Trung Hoa,
là luôn muốn làm suy yếu, kiểm soát và nếu được thì thôn tính các quốc
gia láng giềng với nó. Công cuộc thôn tính của các triều đại Trung Quốc
khá thành công. Nó thành công sát nhập Mãn Thanh, Nội Mông, Tây Tạng,
Đại lý, nhiều vùng đất thuộc Bách Việt và Nam Việt cũ trong suốt quá
trình xâm lược nối tiếp nhau trong nhiều thế kỷ. Duy nhất có một vùng
đất, cuộc xâm lược của Trung Quốc bị chặn lại, là miền Giao Chỉ vốn là
nơi phát tích của nước Việt Nam hiện đại. Nhiều thế hệ nối tiếp người
Việt nỗ lực đánh trả các cuộc xâm lăng của các triều đại Hán, Đường,
Tống, Minh, Nguyên, Thanh và nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa hiện đại.
Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, được xác lập về cơ bản dưới
triều đại nhà Lý và giữ được tính ổn định gần như bất biến trong suốt
11 thế kỷ. Ngày nay, đường biên này đã được xác lập chính thức theo hiệp
định phân giới Việt Nam - Trung Hoa. Với hơn 1065 km biên giới đất liền
và 383 km biên giới mặt nước. Biên giới Việt Trung được xác lập bởi một
hệ thống cột mốc dày đặc, tới 1378 cột mốc biên giới, một minh chứng
hùng hồn cho thấy sự "hữu hảo" và "tin cậy" giữa hai quốc gia. Đây là
đường biên có mật độ cột mốc dày đặc nhất so với mọi đường biên giới
quốc gia trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên vì người Việt từng gánh
chịu ít nhất 13 cuộc chiến xâm lược nối tiếp từ các triều đại cai kỵ
Trung Quốc, trải dài từ thời phong kiến đến thời hiện đại.
Chính
sách của chính quyền Trung Quốc hiện nay với Việt Nam không khác gì
chính sách của họ với Triều Tiên. Trung Quốc luôn tìm cách phân rẽ các
nước cứng đầu giáp giới với họ, nhằm làm suy yếu các quốc gia này, để
phụ thuộc hoàn toàn và nếu có điều kiện thì thôn tính sát nhập. Trung
Quốc thành công ở Triều Tiên, khiến đất nước này bị cắt làm đôi kể từ
năm 1952. Ngày nay, Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) là một đất nước giàu mạnh
hàng đầu thế giới, sánh vai với thế giới văn minh, riêng phần Bắc Triều
Tiên chịu sự kiểm soát và thao túng trực tiếp của Trung Quốc, là một
quốc gia nằm ở đáy của đói nghèo, luôn phải chìa tay xin viện trợ lương
thực hàng năm, nhưng thường xuyên hung hăng hô hào chiến tranh với Nhật
Bản, Hàn Quốc và với Mỹ. Trung Quốc cũng tìm cách áp đặt thực tế này với
Việt Nam. Năm 1954, Trung Quốc thỏa thuận với các nước lớn tách đôi
Việt Nam làm hai phần với ranh giới là vỹ tuyến 17. Trong nhiều năm sau
đó, Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Bắc Việt Nam để chống lại Việt Nam
Cộng Hòa và Hoa Kỳ, nhằm hai mục đích: Ngăn ngừa Việt Nam độc lập thống
nhất và tránh việc để một chế độ thân thiện với Hoa Kỳ tiến tới sát lãnh
thổ Trung Hoa. Cũng trong thời kỳ này, lợi dụng tình hình chiến tranh
Việt Nam, Trung Quốc tìm cách gặp nhấm dần từng vùng lãnh thổ của nước
láng giềng, dù họ luôn hô hào mị dân là đồng minh của chính phủ do ông
Hồ Chí Minh lập lên ở miền Bắc. Năm 1958, Trung Quốc chiếm đóng một nửa
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh
Việt Nam đang ở thời kỳ cao điểm và Mỹ đã triệt thoái về nước sau hiệp
định Paris năm 1972, Trung Quốc xua quân chiếm đóng nốt phần còn lại của
quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia kiểm soát
Hoàng Sa trên thực tế ở thời điểm đó đã có một nỗ lực kháng cự ngắn ngủi
nhưng bất thành. Tuy nhiên, người Việt trên toàn thế giới lúc bấy giờ
đã xuống đường biểu tình dữ dội để phản đối sự xâm lược của Trung Quốc.
Bằng
những nỗ lực khôn ngoan và năng lực tác chiến cao, Bắc Việt Nam thành
công thống nhất Nam Việt Nam, xác lập một nước Việt Nam thống nhất kể từ
ngày 30/04/1975. Kết cục này không nằm trong chờ mong của Trung Quốc.
Chính sách của Trung Quốc với chính phủ Cộng Sản Việt Nam, vốn được coi
là đồng minh nhanh chóng thay đổi. Theo xu thế này, Pon pot được Trung
Quốc hậu thuẫn nhằm làm một con bài quan trọng để suy yếu Việt Nam, bắt
Việt Nam phải nghe lời và khuất phục trước các yêu sách thôn tính của
người Trung Quốc.
Tàn bạo nhưng khờ khạo trong suy xét
tình hình, Pon pot ảo tưởng rằng có thể chiến thắng Việt nam với sự hậu
thuẫn của người Trung Quốc. Từ năm 1975 đến 1978, lính Khmer đỏ của
Trung Quốc nhiều lần đột kích sang lãnh thổ Việt Nam, gây ra những vụ
thảm sát tàn bạo tại Tây Ninh và An Giang (Riêng cuộc đột kích của
Ponpot vào Tây Ninh ngày 25/09/1977, lính Khmer đỏ đốt phá 471 ngôi nhà
và giết hại hơn 800 người Việt bằng những hình thức hết sức man rợ, mang
tính đặc trưng của cách thức diệt chủng mà Ponpot tiến hành ở
Campuchia). Dù các cuộc tấn công của Ponpot bị đánh thiệt hại nặng bởi
các lực lượng thiện chiến của Việt Nam, nhưng với sự hà hơi của Trung
Quốc trong nỗ lực làm suy yếu Việt Nam, Ponpot không từ bỏ dã tâm chiến
tranh. Ngày 23/12/1978, quân đội chính quy Việt Nam tràn sang biên giới
Campuchia, mở đầu cho việc giải phóng quốc gia này khỏi một trong những
chế độ tàn bạo nhất lịch sử. Trong vòng 2 tuần, lính Việt Nam đánh đến
thủ đô Phnompenh, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ diệt chủng Pon pot. Cùng
với cuộc tiến quân của Việt Nam, người Campuchia sống sót thoát khỏi
quá trình diệt chủng. Thế giới kinh hoàng khi chứng kiến sự xuất hiện
của những cánh đồng chết trên khắp lãnh thổ Campuchia với hơn 1,7 triệu
người bỏ mạng chỉ trong vài năm Pon pot nắm quyền.
Nhằm
cứu nguy cho đàn em Pon Pot, tháng 02/1979 Trung Quốc xua 600 nghìn quân
ồ ạt tiến đánh Việt Nam. Đối mặt với một đất nước thiện chiến vừa trải
qua 30 năm chiến tranh giành độc lập kéo dài, Trung Quốc bị chặn lại ở
biên giới phía Bắc và chịu tổn thất nặng. Sau ít ngày tiến công, Trung
Quốc buộc phải tuyên bố đơn phương rút quân, thất bại cả trong mục đích
xâm lược Việt Nam lẫn mục tiêu giải cứu cho Pon Pot. Tuy nhiên, Việt Nam
phải gánh chịu một cuộc chiến tiêu hao kéo dài trong nhiều năm sau đó, ở
cả biên giới phía Bắc và cuộc chiến tại Campuchia, nhằm giữ cho đất
nước này thoát khỏi sự tái chiếm của Khmer đỏ.
Bước sang
năm 2015, khi chính sách xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông chịu sự
phản đối quyết liệt của các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, lá
bài cũ Campuchia được Trung Quốc vận dụng lại trong một câu chuyện mới.
Bằng các khoản viện trợ và đầu tư hậu hĩnh, Trung Quốc từng bước nắn
được chính sách ngoại giao Campuchia theo hướng có lợi cho mình. Là một
nước không có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Campuchia nhiều lần có những
tuyên bố nghiêng về đòi hỏi của Trung Quốc. Tháng 7/2015, gần như cùng
thời điểm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ, hội
đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc gặp có tính lịch sử,
có một vụ xung đột nhỏ nổ ra ở biên giới Việt Nam - Campuchia, một sự
kiện rõ ràng không phải là tình cờ khi nhìn vào các bài học thực tiễn và
lịch sử. Sau sự kiện đó ít ngày, 23 viên tướng Campuchia đồng loạt
viếng thăm Trung Quốc, một sự kiện chưa có tiền lệ, gợi lên nhiều ký ức
về câu chuyện năm 1978. Có thể nói, cùng với chính sách đối ngoại bảo vệ
lãnh thổ ngày càng quyết đoán của Việt Nam, cùng với xu thế nhích lại
không thể đảo ngược của quan hệ Việt Mỹ, lá bài Campuchia đang được
Trung Quốc vận dụng lại trong chính sách kiểm soát và thôn tính khu vực
của mình.
Dĩ nhiên người Campuchia không lạ gì dã tâm bành
trướng của Trung Hoa, nhưng do không có biên giới giáp ranh với Trung
Hoa, Campuchia cảm thấy an toàn tương đối và tận dụng lợi thế để gặt hái
càng nhiều lợi ích từ Trung Quốc càng tốt. Chính sách này phù hợp với
lợi ích quốc gia Campuchia, nhưng cũng có thể đẩy đất nước này vào vòng
xoáy nguy hiểm. Thủ tướng Campuchia hiện nay, Hunsen, người đàn ông đã
nắm quyền qua 3 thập kỷ, là một người từng được hậu thuẫn bởi Việt Nam.
Tận mắt thấy Khmer đỏ bị quân đội Việt Nam đánh tan tác chỉ trong vòng 2
tuần, Hunsen và Campuchia hiểu cái giá của sự mạo hiểm nếu lặp lại sai
lầm ngu suẩn của Pon pot. Trên thực tế, bất chấp các luận điệu ủng hộ
(dù không quá công khai) tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông,
Campuchia luôn cố gắng duy trì quan hệ thân thiện với Việt Nam. Giữa
Campuchia và Thái Lan từng có đụng độ chính thức tại biên giới khiến
nhiều lính hai bên thiệt mạng, nhưng ở phần biên giới giáp ranh Việt
Nam, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định phân giới chính thức vào các năm
1983, 1985 và 2005 dựa trên nền tảng đường biên giới được hoạch định
theo bản đồ Bonne được xác lập giữa ranh giới Nam kỳ, Trung kỳ và
Campuchia trong quá khứ. Trên thực tế hai nước đã hoàn tất phân định 78%
tổng chiều dài biên giới. Phần mốc giới còn lại vẫn đang được xúc tiến
trong sự nỗ lực của cả hai bên.
Lá bài Campuchia đang được
Trung Quốc tìm cách vận dụng lại trong một câu chuyện mới, nhưng vấn đề
là Campuchia ngày nay, sau các bài học quá khứ và lịch sử, vẫn còn chưa
quên 4 năm cai trị của Ponpot và hàng chục nghìn cố vấn Trung Hoa với
cái chết của 26% dân số. Dù tình cảm yêu ghét đan xen, nhưng người
Campuchia không quên thực tế chính Việt Nam đã cứu dân tộc họ thoát khỏi
sự diệt chủng, và càng không quên thực tế về bước chiến thần tốc của
quân đội Việt Nam, khi giải phóng hầu hết lãnh thổ Campuchia chỉ trong
có vài tuần. Do đó, có thể nói lá bài Campuchia trong tay Trung Quốc
ngày nay không có sức nặng như thời Ponpot.
Là một quốc
gia đã thoát khỏi nạn diệt chủng và hòa nhập thế giới văn minh,
Campuchia có những chính sách phục vụ lợi ích quốc gia của riêng mình.
Một trong những lợi ích mang tính chiến lược của họ, là quan hệ hòa bình
hợp tác với Việt Nam. Lính campuchia có thể chạm súng với lính Thái
Lan, nhưng điều tương tự chưa bao giờ diễn ra ở phần biên giới chưa phân
định Việt Cam. Người Campuchia hiểu việc xung đột với Việt Nam có thể
dẫn đến hậu quả gì. Tuy nhiên, rõ ràng Campuchia không nề hà gì khi
nghiêng về Trung Quốc ở Biển Đông, nơi họ chẳng có mảy may lợi ích,
nhưng đổi lại có thể là các khoản đầu tư và viện trợ hậu hĩ từ Trung
Quốc. Đây là một chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia của Campuchia,
dù nó khiến Việt Nam, philipin, malaysia và các quốc gia đang có mâu
thuẫn với Trung Quốc ở Biển Đông không mấy dễ chịu.
Nhận
thức rõ vấn đề này, có thể giúp Việt Nam tỉnh táo đánh giá tình hình và
đặt lên bàn cân một cách chính xác chính sách đối ngoại của Campuchia
trong quan hệ tay ba Việt - Trung - Cam. Chúng ta cần chấp nhận thực tế
Campuchia cũng đang chơi bài theo cách riêng của mình để phục vụ lợi ích
quốc gia của họ, nhưng đồng thời cũng phải thừa khôn ngoan để nhận định
rằng bất kể Trung Quốc xúi giục ở mức nào, Campuchia cũng sẽ không dại
dột gây căng thẳng biên giới với Việt nam, bởi họ có đủ bài học quá khứ
và lịch sử.
Lá bài Campuchia, do đó có thể khiến Việt nam
khó chịu đôi chút ở Biển Đông, nhưng cũng không làm thay đổi được thực
tế vấn đề, bởi mọi tiêu chí về luật pháp quốc tế đều rất rõ ràng. Ngược
lại, chính Campuchia sẽ phải định hình chính sách của mình, bởi mọi sự
dịch chuyển lại gần quỹ đạo Trung Quốc, sẽ khiến họ bị kéo xa ra khỏi
Asean và phần còn lại của thế giới văn minh. Campuchia cũng nhiều lần
bày tỏ nguyện vọng tham gia TPP, nhưng danh sách 12 quốc gia đang đàm
phán hiệp ước không có họ, và chắc hẳn cũng sẽ không có trong tương lai
gần. Dù bài học Ponpot cũng đã lùi xa, nhưng thực trạng bi bét của các
quốc gia nằm trong quỹ đạo Trung Hoa cũng là một thực tế mà người Cam
không mấy lạ lùng. Ngay cả Myanmar, sau nhiều chục năm lệ thuộc chặt chẽ
Trung Hoa, cũng đã nỗ lực tìm mọi cách thoát ra và đất nước này chỉ
khởi sắc kể từ chính sách thoát Trung của Thanswe. Đó là một tấm gương
rất gần gũi cho mọi quốc gia trong khu vực.
Năm 2015, Việt
Nam đang bước vào một quỹ đạo phát triển mới với nhiều hứa hẹn và cả về
những triển vọng an ninh, với sự hợp tác của nhiều quốc gia lớn trên
thế giới. Triển vọng của Việt Nam khi hòa nhập với thế giới văn minh,
chắc chắn cũng là điều mà người Campuchia mong muốn. Trung Quốc do đó
chắc chắn sẽ thất bại nếu muốn dùng Campuchia kiềm chế Việt Nam như cách
họ đã từng làm với chế độ Ponpot.
Bác Lãng viết đều tay nhé! Đọc bài của bác tỉnh cả người.
Trả lờiXóaBài hay quá, cảm ơn bác nhiều !
Trả lờiXóa