Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Trung Quốc là một nước lớn, đó là một thực tế

Hội nghị ngoại trưởng các nước Asean mở rộng tại Hà Nội vừa qua, ông Dương Khiết Trì, trước làn sóng chỉ trích của Hoa Kỳ và 12 quốc gia tham dự cuộc họp, về hành vi hiếu chiến và dã tâm thôn tính biển Đông (hay biển Nam Trung Hoa theo cách gọi của người Trung Quốc), đã nhìn xoáy sâu vào vị ngoại trưởng Singapore và dằn từng tiếng "Trung Quốc là một nước lớn, đó là một thực tế". Việc ngoại trưởng Trung Hoa chọn Singapore để nhấn mạnh thông điệp của mình cũng là một điều khá dễ hiểu. Singapore nằm trong nhóm nước nhỏ bé nhất và có số dân ít ỏi nhất trong số các nước Asean. Hơn thế, Singapore lại giàu nhất, và người giàu luôn có nhiều điều để mất, đặc biệt khi đối diện với một thế lực khổng lồ, hung hăng, đặc biệt chưa bao giờ biết quý trọng sinh mạng con người, dù đó là dân của chính họ.

Có một điều, ông Lương Khiết Trì cố gắng muốn lờ đi "Trung Quốc là một nước lớn, đó là một thực tế. Ngoài ra, còn một thực tế khác, có nhiều nước lớn khác đang tồn tại đầy quyền lực trên thế giới này".

Trong khoảng 5 năm trở lại đây Việt Nam vật lộn đầy cực nhọc trong ván bài biển Đông với người Tàu. Áp đảo cả về kinh tế và quân sự, hạm đội Trung Quốc ngày một vươn xa hơn trên biển Đông. Những vụ tàn sát ngư dân Việt Nam, khi súng nổ nhắm vào tàu thuyền tránh bão trên vùng biển đảo tranh chấp, hay những vụ "tàu lạ" tông chìm ngư thuyền đánh cá của Việt Nam liên tiếp trên biển, làm dấy lên sự phẫn nộ của bất cứ một ai còn có lương tri trên thế giới này. Dĩ nhiên, trên mạng Trung Quốc thì lan tràn lời cổ vũ "tông chìm nữa, bắt tàu cá đòi tiền chuộc nữa, để đám ngư dân Việt Nam tuyệt vọng và kiệt quệ không còn mò ra biển". Trước mối đe dọa vô nhân tính và vì sự sinh tồn, người Việt Nam đứng sát nhau hơn. Thể chế tham nhũng ái quốc tại Việt Nam cũng vật lộn với canh bạc nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia và vãn hồi thế đứng chông chênh của chế độ trong con mắt người dân: Chính phủ đầu tư ngày một mạnh tay cho các khoản chi quốc phòng. Người Việt Nam không còn cửa lùi trên biển.

Mỹ chứng kiến những nỗ lực ấy trong sự dè chừng đầy toan tính. Các nước Asean khác quan sát với vẻ lo lắng kèm theo nỗi vui mừng ẩn dấu. Họ hiểu rằng thật may mắn vì chính Việt Nam mới là nước nằm kề sát Trung Hoa, chịu nhiều đe dọa nhất, lợi ích bị tổn thương lớn nhất, và phải là người đón đầu cơn gió.

Sự toan tính đầy ích kỷ của người Tàu thể hiện cả ở khía cạnh khai thác các lợi ích ảnh hưởng đến tòan khu vực. Trung Quốc ngày một xây nhiều đập hơn ở những con sông quốc tế có thượng nguồn nằm ở lãnh thổ Trung Hoa, bất chấp việc đó gây thiệt hại nặng nề cho các nước Asean nhỏ yếu nằm ở cuối nguồn. Trong bối cảnh nước biển dâng và trái đất ngày một nóng lên, nhiều nước Asean, đặc biệt là Việt Nam, đang đối diện với một viễn cảnh thiệt hại nặng nề vì những kế hoạch khai thác đơn phương đầy ích kỷ và vô trách nhiệm của người Trung Quốc.

Người Việt Nam có truyền thống đấu tranh bền bỉ cho những quyền lợi chính đáng của mình. Không một người Việt Nam nào muốn chiến tranh với Trung Hoa, nhưng cũng không có một người Việt Nam nào không cảnh giác với nguy cơ về một cuộc chiến, khi Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ dã tâm thôn tính lãnh thổ trên biển của người Việt. Hơn thế, tuyệt đại bộ phận người Việt, dù không muốn, nhưng sẵn sàng bước vào một cuộc chiến khi bị đẩy đến chân tường. Lịch sử và truyền thống dân tộc được tái hiện, ngay cả khi Việt Nam vật lộn giữa làn sóng suy thoái toàn cầu 2008, 2009.

Nước Mỹ chứng minh một thực tế khác, ngòai Trung Quốc, còn có những nước lớn khác trên thế giới này. Quyền lợi va chạm mạnh mẽ Mỹ Trung trên một lọat lĩnh vực khác nhau khiến Mỹ ngày một quan tâm hơn đến những quốc gia có cùng quyền lợi chiến lược với mình. Lần đầu tiên, cả Việt Nam và Mỹ đều chợt nhận ra: "Dù có rất nhiều khác biệt về thể chế và ý thức, nhưng đứng trên bình diện quyền lợi quốc gia, cả hai nước, đều có chung mối quan tâm chiến lược trên khu vực biển Đông".

Hilary Clinton đến Việt Nam với một bài phát biểu dội gáo nước lạnh vào thẳng mặt Trung Hoa, khi ngụ ý đầy thẳng thắn "Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là hòan toàn vô căn cứ". Gáo nước lạnh vào Trung Quốc trái lại, lại là một liều thuốc dưỡng mật đại bổ đối với một loạt nước Asean khác, vốn trước nay hết sức thận trọng khi muốn biểu đạt ý đồ chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà Hilary Clinton tuyên bố trước giới báo chí sau cuộc họp: 12 quốc gia tham dự hội nghị đều bày tỏ với bà sự quan ngại của họ về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Điều đó có nghĩa mọi quốc gia trong khu vực đều có chung một nhận thức, ngoại trừ Trung Quốc.

Người ta ngay lập tức nhận thấy tác động của vấn đề: Chỉ vài tuần sau cuộc họp, Indonesia tuyên bố công khai "Đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là phi lý và trái ngược hòan toàn nguyên tắc về luật biển chiếu theo công ước quốc tế 1982". Người Indonesia còn khiến Trung Quốc hai thận hơn khi dùng chính những lập luận của Trung Quốc về việc diễn tả các đảo đá không người trong lập luân bác bỏ chủ quyền của Nhật Bản ở Đông Hải. Điều này thật đáng chú ý, bởi Indonesia, có số dân lớn nhất khối Asean, cũng đồng thời là nước có ít va chạm về chủ quyền nhất với Trung Quốc ở Biển Đông, và trước giờ họ thích tìm vị trí đứng trung gian hòa giải hơn là đối đầu với Trung Hoa. Giờ đây người Tàu chợt nhận ra, người Indonesia đang cất tiếng nói bằng một câu chuyện rất khác.

Thế giới giờ đây đã rất khác đối với người Tàu. Nỗ lực đàm phán song phương để bẻ dần từng chiếc đũa nhỏ yếu trong số các nước mà Trung Quốc đang cố gắng tước đoạt chủ quyền ở vùng biển Đông mà người Tàu ấp ủ ngày một bước vào ngõ cụt. Hoa Kỳ thực dụng, họ chờ đợi bằng được đến khi Việt Nam chứng tỏ quyết tâm và chứng tỏ trên thực tế, người Việt có đủ khả năng bảo vệ chính mình để cất lời. Khi một nước lớn cất lời, đã có nhiều giọng ca khác hòa nhịp vào dàn đồng ca : Thế giới có nhiều nước lớn, không phải chỉ mình Trung Quốc.

Lời phát biểu của Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên tổng cục trưởng tổng cục 2, một thế lực đầy quyền lực trong nền ưtrị Việt Nam, và hiện tại là thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: "Việt Nam không muốn chiến tranh, không bao giờ dùng vũ lực (trước), nhưng có đủ khả năng tự vệ". Khi được hỏi lời tuyên bố đó liệu có phải để đáp lại sự đe dọa dùng vũ lực của Trung Quốc, ông Vịnh, với một câu trả lời xứng đáng với cha mình, cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh "Nên dành câu hỏi đó cho Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam". Dù rằng ông Vịnh là một cái tên dính với khá nhiều nghi án xung quanh tổng cục 2 và các canh bạc đấu đá nội bộ của hệ thống quyền lực Việt Nam, nhưng cha ông, Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh, là một người yêu nước, và ông Vịnh cũng mang trong mình dòng máu đó. Hy vọng rằng, đó cũng là điểm chung của phần lớn những người đang nắm quyền cai trị của Việt Nam trong giai đoạn chông chênh hiện nay của lịch sử.

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn của lịch sử. Bất chấp sự khác biệt về thể chế và ý thức hệ, nhưng những điểm chung về lợi ích quốc gia có thể giúp Việt Nam có chỗ đứng sát cạnh những thế lực lớn trên ván bài chiến lược toàn cầu. Làm thế nào tận dụng được những cơ hội đang mở ra trước mắt nhằm củng cố sức mạnh quốc gia và bảo vệ chủ quyền, đồng thời giữ mình đủ khôn ngoan để tránh bị biến thành quân tốt thí khi các nước lớn mặc cả sau lưng. Bài toán khó nhưng không phải không có lời giải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét