Nhật Bản, một dân tộc kiêu hùng, đang vật lộn với nỗi đau của nó. Tai họa giáng xuống đầu nước Nhật đầy bất ngờ, người Nhật đang cắn răng gánh chịu thảm họa lớn nhất giáng xuống dân tộc họ kể từ sau thế chiến thứ II.
Như câu ngạn ngữ cổ, một cánh bướm ở Babylon vẫy nhẹ cũng có thể gây nạn hồng thủy ở sông Nin, số phận Nhật Bản, với tư cách một siêu cường kinh tế, với tư cách một người bạn hiếm hoi và thật tâm muốn Việt Nam hùng cường, do đó, có ảnh hưởng sâu sắc đến đất nước chúng ta. Những ngày này, bên cạnh nỗi đau mà người Nhật đang phải chịu đựng, những người Việt Nam có tầm nhìn xa cũng phải thoáng ưu tư về những khó khăn mà rồi đây Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Khi một người bạn hùng mạnh gặp khó khăn và phải lo toan cho những vấn đề nội tại của chính họ, sự trợ giúp bạn bè vì vậy sẽ giảm xuống. Một cách nhãn tiền, những chương trình đầu tư, hợp tác và cả viện trợ của Nhật Bản giành cho Việt Nam do đó sẽ chịu ảnh hưởng. Hiện tại còn quá sớm để đánh giá về tính tiêu cực của vấn đề, nhưng rõ ràng, đó không phải là một triển vọng sáng sủa cho Việt Nam, nhất là vào thời điểm, Việt Nam đang cần các nguồn lực tài chính hơn bao giờ hết.
Hậu quả của một thời gian dài phát triển đất nước thiếu định hướng và tầm nhìn, chạy theo con số tăng trưởng lấy thành tích báo cáo hơn là phát triển bền vững, đến giờ những bất ổn nội tại của Việt Nam đã bộc lộ gần như toàn diện: Nguồn lực con người, chất lượng lao động kém (vì một thời gian dài không được định hướng đầu tư), năng lực sản xuất kém, công nghệ sử dụng trong nước lạc hậu, và đặc biệt, đất nước được lãnh đạo bởi một hệ thống kém phẩm chất và thiếu tầm nhìn theo đúng nghĩa đen. Dĩ nhiên, vận mệnh dân tộc đang phải trả giá. Việt Nam nhập siêu nặng nề vì chúng ta sản xuất ra ít hơn thứ chúng ta mua, sự lệ thuộc vào Trung Quốc mỗi lúc một lớn hơn, vận mệnh dân tộc ngày một bị đe dọa.
Hệ thống chính trị Việt Nam, nơi mà khi làm sai cá nhân có thể đổ lỗi cho hệ thống, hay như cách nói của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Vấn đề này (nhân sự vinashin) nếu truy gốc rễ thì ắt nguồn từ tận thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt" (sic). Khi các chính trị gia thiếu tầm nhìn và vô đạo đức, dân tộc phải lãnh đủ hậu quả. Một nền chính trị được xây đắp bởi những cá nhân có thể chắc mẩm rằng kể cả khi họ làm sai cũng chẳng có sự trừng phạt, nó sẽ tạo thành một hệ thống quái đản như thứ mà chúng ta đang phải chấp nhận.
Máu đổ tại Trung Đông, nhiều nghìn (và có thể còn nhiều hơn) người đã chết để phản đối các chính thể cai trị độc tài. Người Việt Nam rồi đây sẽ phải biết ơn vì những người đã chết ở miền đất xa xôi ấy. Họ đã dùng máu để nêu lên một lời cảnh báo đầy thuyết phục: "thế kỷ 21 không còn là lúc mà những kẻ con buôn chính trị có thể chơi theo luật riêng bất chấp đạo đức và quyền lợi số đông mà không bị trừng phạt". Lời cảnh báo ấy hữu hiệu với TQ và càng hữu hiệu với Việt Nam. Đã quá lâu rồi anh Lãng mòn mỏi trong nhìn nhận một gương mặt có tầm nhìn trong hệ thống cai trị bước vào sân khấu trung tâm nhưng vô vọng. Tại sao một dân tộc quật cường, từng làm nên nhiều kỳ tích huy hoàng trong lịch sử mà lại nối nhau cai trị bởi một đám những thằng ngu? Đây là một vết nhơ lịch sử mà rồi đây người Việt sẽ còn phải cảm thấy hổ thẹn.
Dĩ nhiên anh Lãng không xúi các bạn về một cuộc náo loạn đám đông. Cái đó xảy ra, đất nước chúng ta mất nhiều hơn được. Nhưng mỗi người Việt Nam cần phải ý thức, vận mệnh dân tộc nằm trên vai của mỗi cá nhân, và nếu thờ ơ, chúng ta sẽ ném tương lai của chúng ta và con cháu vào trong sọt rác.
Năm 2011, Việt Nam sẽ phải vật lộn với nhiều thử thách có tính sống còn. Hệ thống kinh tế vĩ mô đầy chênh vênh, do sai lầm tích lũy của một hệ thống cai trị ngu đần. Những người bạn lớn như Nhật Bản đang gặp khó khăn, trong lúc mối đe dọa truyền kiếp Trung Quốc vẫn đang thẳng tiến. Chúng ta sẽ phải chấp nhận vượt qua thử thách này, với tư cách một dân tộc quật cường, đã trải qua những thời khắc hiểm nghèo nhất của lịch sử.
Cố nhiên, anh Lãng tin tưởng ở các bạn, lũ con bò, mà thực sự sức mạnh nội tại tiềm ẩn trong các bạn vô cùng to lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét