Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Chiến lược mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Sau những động thái quan trọng của các thế lực liên quan đến khu vực Biển Đông, Trung Quốc đang hiệu chỉnh đối sách của mình cho phù hợp với tình hình mới.

Truyền thông Trung Quốc sau khi dùng những ngôn từ dậm dọa đao to búa lớn nặng nề với Việt Nam và những nước Asean, sau các diễn biến liên quan đến sự trở lại của Mỹ ở Biển Đông, thấy rằng chính sách này không những không hiệu quả, thậm chí còn đem lại hiệu ứng ngược, Trung Quốc rất nhanh chóng điều chỉnh chính sách của mình. Thay vì các ngôn từ dậm dọa, bóng gió hoặc trực tiếp đề cập tới sức mạnh quân sự và các đòn trừng phạt kinh tế, Trung Quốc nhanh chóng đổi tông sang những ngôn từ có tính mềm dẻo hơn, nhằm tìm kiếm một cách tiếp cận khác đối với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Do việc dân việc nước bề bộn, không có thời gian đi sâu phân tích, anh Lãng nêu ra vài nhận định ngắn kèm theo mấy ý kiến chỉ đạo, bọn chã phải lấy đó làm kim chỉ nam định hướng hành động và suy nghĩ trong thời gian tới:

Nhận định 1:
Tham vọng của Trung Quốc không bao giờ thay đổi: Trước hết phải khẳng định rằng, bất kể cách tiếp cận của Trung Quốc là mềm dẻo hay cứng rắn, thì tham vọng hàng đầu của Trung Quốc vẫn luôn luôn là đường lưỡi bò độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc có thể trắng trợn lấn át lướt tới khi thấy không có sức mạnh nào chặn được nó (Như những diễn biến suốt từ năm 2007 - đầu năm 2010 trên biển, Trung Quốc liên tục đơn phương cấm biển, ngăn chặn các hợp đồng khai thác thăm dò của VN, xua đuổi ngư dân VN bằng các biện pháp khủng bố khỏi khu vực biển đông), hoặc có thể kiềm chế hơn khi tình hình không còn thuận lợi (như hiện nay, khi Mỹ quay lại khu vực, và các nước Asean tỏ ra cứng rắn hơn), tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông là không thay đổi. Kết rút ra: Mọi hành động, suy nghĩ, kế hoạch, mục đích của chúng ta đều phải đặt trên nền tảng nhìn xuyên thấu mục tiêu và dã tâm của Trung Quốc để luôn luôn cảnh giác.

Nhận định 2: Trung Quốc lựa chọn cách tiếp cận mềm để xóa tâm lý chống đối Trung Quốc ở các nước Asean, đặc biệt là Việt Nam, với hai mục đích:
1.Kìm kẹp mạnh hơn Việt Nam về mặt kinh tế, thông qua việc tìm cách thâm nhập ngày một sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam.
2. Phân hóa và chia rẽ tâm lý cảnh giác với Trung Quốc của người Việt Nam.

Tiêu biểu cho chính sách này, là động thái mới nhất của Trung Quốc khi bộ trưởng tài chính nước này đưa ra lời đề nghị Asean chấp nhận đồng Nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán trong giao thương giữa Trung Quốc và khu vực. Hơn nữa, sau các lời đe dọa trừng phạt về mặt kinh tế khi Việt Nam điều chỉnh chính sách xích lại Mỹ, Trung Quốc nhận thấy việc đó có thể tạm thời gây khó khăn cho Việt Nam, nhưng lại bất lợi về mặt chiến lược nếu sau cú sốc ban đầu Việt Nam gượng dậy được (điều chắc chắn Việt Nam có thể thực hiện) và thoát một cách triệt để khỏi cái bóng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, do đó, thực tế Trung Quốc không dám đưa ra bất cứ chính sách bất lợi nào khiên Việt Nam nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của mình.

Về mặt văn hóa và con người, Trung Quốc tổ chức đại hội thanh niên với sự tham gia của 30000 người, mời 3000 thanh niên Việt Nam tham dự tại quảng châu. Đây là một chính sách quan trọng của Trung Quốc nhằm tác động phân hóa, tiến tới xóa bỏ tâm lý cảnh giác với Trung Quốc vốn tồn tại phổ biến và ăn sâu trong người Việt, đặc biệt là đánh trực tiếp vào tầng lớp thanh niên. Chính sách này của Trung Quốc có thể có những thành công nhất định, nếu người Việt không cảnh giác.

Thời gian tới, Trung Quốc nhất định đẩy mạnh chính sách theo hai hướng này, Việt Nam cần hết sức cảnh giác.

Nhận định 3: Chính sách quốc gia của Việt Nam đang thực dụng và khá khôn ngoan. Có vẻ những ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ Lãng với Bộ Chính Trị gần đây đã được cân nhắc một cách nghiêm túc và sát với thực tế. Anh Lãng khá hài lòng với các động thái khôn ngoan các bạn tai to bạn thân anh trong Bộ Chính Trị. Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách củng cố tiềm lực quốc phòng (mua sắm vũ khi, đa dạng hóa nguồn cung cấp), xích lại phía Mỹ, tìm cách hạn chế nhập siêu với Trung Quốc (điều chỉnh tăng tỷ giá, con mẹ nó, vụ này làm anh mất khá tiền khi bụp phát các bạn tăng tỷ giá 2%, thôi coi như tiền cúng cho chính sách quốc gia), Việt Nam cũng tỏ ra khá thủ đoạn trong các hoạt động thăm viếng và phát ngôn với Trung Quốc, theo hướng dùng những ngôn từ xoa dịu triệt để. Đại loại như chính sách ba không mà tướng Vịnh tuyên bố trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây: Không đồng minh, không liên minh quân sự, không dùng nước thứ ba chống nước khác... đại loại thế. Ngôn từ chỉ là ngôn từ, quan trọng vẫn là hành động thực tế. Do đó, việc tuyên bố cứ tuyên bố, nhưng động thái thực tế nếu vẫn bám sát theo chỉ đạo chiến lược của anh Lãng: Tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc, nâng cao tiềm lực quốc phòng, xích lại Mỹ và phương tây, củng cố quan hệ chiến lược với Nhật, Ấn, Nga và khối Asean, Việt Nam sẽ thành công.

Kết luận cuối cùng: Chúng ta cần cảnh giác. Tham vọng và dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông là không bao giờ thay đổi. Dã tâm của Trung Quốc có thành công hay không, phụ thuộc vào sức đề kháng tổng hợp của Việt Nam, về mọi mặt: Kinh Tế, Quân Sự, Ngoại Giao. Chúng ta cần cư xử với Trung Quốc theo cách thức của một dân tộc quật cường, khôn ngoan và đầy bản lĩnh, như chúng ta đã và sẽ trong suốt lịch sử tồn tại của đất nước. Đây chính là lúc các bạn, nghĩa là bọn con bò, cần đặt niềm tin vào sự chỉ đạo của anh, lãnh tụ Lãng kính yêu của các bạn

P/S Thời gian tới anh bận rộn việc đấu đá leo sâu vào Bộ Chính Trị, trách nhiệm rất nặng nề. Ý kiến chỉ đạo của anh, các bạn cần nghiền ngẫm kỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét