Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Chiến lược mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Sau những động thái quan trọng của các thế lực liên quan đến khu vực Biển Đông, Trung Quốc đang hiệu chỉnh đối sách của mình cho phù hợp với tình hình mới.

Truyền thông Trung Quốc sau khi dùng những ngôn từ dậm dọa đao to búa lớn nặng nề với Việt Nam và những nước Asean, sau các diễn biến liên quan đến sự trở lại của Mỹ ở Biển Đông, thấy rằng chính sách này không những không hiệu quả, thậm chí còn đem lại hiệu ứng ngược, Trung Quốc rất nhanh chóng điều chỉnh chính sách của mình. Thay vì các ngôn từ dậm dọa, bóng gió hoặc trực tiếp đề cập tới sức mạnh quân sự và các đòn trừng phạt kinh tế, Trung Quốc nhanh chóng đổi tông sang những ngôn từ có tính mềm dẻo hơn, nhằm tìm kiếm một cách tiếp cận khác đối với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Do việc dân việc nước bề bộn, không có thời gian đi sâu phân tích, anh Lãng nêu ra vài nhận định ngắn kèm theo mấy ý kiến chỉ đạo, bọn chã phải lấy đó làm kim chỉ nam định hướng hành động và suy nghĩ trong thời gian tới:

Nhận định 1:
Tham vọng của Trung Quốc không bao giờ thay đổi: Trước hết phải khẳng định rằng, bất kể cách tiếp cận của Trung Quốc là mềm dẻo hay cứng rắn, thì tham vọng hàng đầu của Trung Quốc vẫn luôn luôn là đường lưỡi bò độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc có thể trắng trợn lấn át lướt tới khi thấy không có sức mạnh nào chặn được nó (Như những diễn biến suốt từ năm 2007 - đầu năm 2010 trên biển, Trung Quốc liên tục đơn phương cấm biển, ngăn chặn các hợp đồng khai thác thăm dò của VN, xua đuổi ngư dân VN bằng các biện pháp khủng bố khỏi khu vực biển đông), hoặc có thể kiềm chế hơn khi tình hình không còn thuận lợi (như hiện nay, khi Mỹ quay lại khu vực, và các nước Asean tỏ ra cứng rắn hơn), tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông là không thay đổi. Kết rút ra: Mọi hành động, suy nghĩ, kế hoạch, mục đích của chúng ta đều phải đặt trên nền tảng nhìn xuyên thấu mục tiêu và dã tâm của Trung Quốc để luôn luôn cảnh giác.

Nhận định 2: Trung Quốc lựa chọn cách tiếp cận mềm để xóa tâm lý chống đối Trung Quốc ở các nước Asean, đặc biệt là Việt Nam, với hai mục đích:
1.Kìm kẹp mạnh hơn Việt Nam về mặt kinh tế, thông qua việc tìm cách thâm nhập ngày một sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam.
2. Phân hóa và chia rẽ tâm lý cảnh giác với Trung Quốc của người Việt Nam.

Tiêu biểu cho chính sách này, là động thái mới nhất của Trung Quốc khi bộ trưởng tài chính nước này đưa ra lời đề nghị Asean chấp nhận đồng Nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán trong giao thương giữa Trung Quốc và khu vực. Hơn nữa, sau các lời đe dọa trừng phạt về mặt kinh tế khi Việt Nam điều chỉnh chính sách xích lại Mỹ, Trung Quốc nhận thấy việc đó có thể tạm thời gây khó khăn cho Việt Nam, nhưng lại bất lợi về mặt chiến lược nếu sau cú sốc ban đầu Việt Nam gượng dậy được (điều chắc chắn Việt Nam có thể thực hiện) và thoát một cách triệt để khỏi cái bóng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, do đó, thực tế Trung Quốc không dám đưa ra bất cứ chính sách bất lợi nào khiên Việt Nam nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của mình.

Về mặt văn hóa và con người, Trung Quốc tổ chức đại hội thanh niên với sự tham gia của 30000 người, mời 3000 thanh niên Việt Nam tham dự tại quảng châu. Đây là một chính sách quan trọng của Trung Quốc nhằm tác động phân hóa, tiến tới xóa bỏ tâm lý cảnh giác với Trung Quốc vốn tồn tại phổ biến và ăn sâu trong người Việt, đặc biệt là đánh trực tiếp vào tầng lớp thanh niên. Chính sách này của Trung Quốc có thể có những thành công nhất định, nếu người Việt không cảnh giác.

Thời gian tới, Trung Quốc nhất định đẩy mạnh chính sách theo hai hướng này, Việt Nam cần hết sức cảnh giác.

Nhận định 3: Chính sách quốc gia của Việt Nam đang thực dụng và khá khôn ngoan. Có vẻ những ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ Lãng với Bộ Chính Trị gần đây đã được cân nhắc một cách nghiêm túc và sát với thực tế. Anh Lãng khá hài lòng với các động thái khôn ngoan các bạn tai to bạn thân anh trong Bộ Chính Trị. Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách củng cố tiềm lực quốc phòng (mua sắm vũ khi, đa dạng hóa nguồn cung cấp), xích lại phía Mỹ, tìm cách hạn chế nhập siêu với Trung Quốc (điều chỉnh tăng tỷ giá, con mẹ nó, vụ này làm anh mất khá tiền khi bụp phát các bạn tăng tỷ giá 2%, thôi coi như tiền cúng cho chính sách quốc gia), Việt Nam cũng tỏ ra khá thủ đoạn trong các hoạt động thăm viếng và phát ngôn với Trung Quốc, theo hướng dùng những ngôn từ xoa dịu triệt để. Đại loại như chính sách ba không mà tướng Vịnh tuyên bố trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây: Không đồng minh, không liên minh quân sự, không dùng nước thứ ba chống nước khác... đại loại thế. Ngôn từ chỉ là ngôn từ, quan trọng vẫn là hành động thực tế. Do đó, việc tuyên bố cứ tuyên bố, nhưng động thái thực tế nếu vẫn bám sát theo chỉ đạo chiến lược của anh Lãng: Tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc, nâng cao tiềm lực quốc phòng, xích lại Mỹ và phương tây, củng cố quan hệ chiến lược với Nhật, Ấn, Nga và khối Asean, Việt Nam sẽ thành công.

Kết luận cuối cùng: Chúng ta cần cảnh giác. Tham vọng và dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông là không bao giờ thay đổi. Dã tâm của Trung Quốc có thành công hay không, phụ thuộc vào sức đề kháng tổng hợp của Việt Nam, về mọi mặt: Kinh Tế, Quân Sự, Ngoại Giao. Chúng ta cần cư xử với Trung Quốc theo cách thức của một dân tộc quật cường, khôn ngoan và đầy bản lĩnh, như chúng ta đã và sẽ trong suốt lịch sử tồn tại của đất nước. Đây chính là lúc các bạn, nghĩa là bọn con bò, cần đặt niềm tin vào sự chỉ đạo của anh, lãnh tụ Lãng kính yêu của các bạn

P/S Thời gian tới anh bận rộn việc đấu đá leo sâu vào Bộ Chính Trị, trách nhiệm rất nặng nề. Ý kiến chỉ đạo của anh, các bạn cần nghiền ngẫm kỹ.

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Nền hòa bình tạm thời cho Việt Nam

Phân tích xu thế thời cuộc là một việc không dễ dàng, bản thân nó chứa quá nhiều yếu tố bất định và hàm chứa sẵn rủi ro. Tuy nhiên vẫn có nhiều ước đoán vượt thời đại từng được đưa ra. Thời gian đã kiểm nghiệm tính chính xác của những phân tích ấy.

Cách đây khoảng 4 năm, anh Lãng mở topic "Làm gì đây?" tại diễn đàn Tathy Thăng Long khi bàn về mối hiểm họa Trung Quốc đối với Việt Nam, lúc đó anh thật sự kinh hoàng khi nhìn nhận vào một sự thờ ơ có hệ thống trong suy nghĩ của các cơ quan chính thống Việt Nam đối với hiểm họa to lớn này của đất nước. Ngoại trừ những phản ứng ngoại giao yếu ớt và đầy mờ nhạt của người phát ngôn Bộ ngoại giao mỗi khi có một sự kiện lấn lướt của nước ngoài ở Biển Đông, các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam lúc đó gần như coi Biển Đông là một đề tài cấm kỵ. Thậm chí các câu chữ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa còn bị liệt vào một trong số những câu chữ thuộc đề tài "nhạy cảm". Tuy nhiên điều rất may mắn là những suy nghĩ cảnh giác với Trung Quốc dường như đã là một phần máu thịt của người Việt Nam. Topic ấy nhận được nhiều sự quan tâm, đốm lửa lan nhanh trên khắp thế giới mạng. Cùng với sự kiện Tam Á, làn sóng cảnh giác và đấu tranh của người Việt cho Biển Đông trở thành một cao trào bùng phát dữ dội. Điểm nhấn cho nó là hai cuộc biểu tình liên tiếp trước sứ quán và lãnh sự Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của nhiều thanh niên Việt Nam. Kể từ đó, dân tộc dường như thức tỉnh sau một thời kỳ dài thờ ơ. Anh cho rằng, những sự kiện như thế rồi sẽ được ghi lại dấu ấn đối với lịch sử, bất kể nó đã không nhận được sự thừa nhận chính thức từ phía chính quyền. Đó là khúc tráng ca của lòng yêu nước.

Ý chí của người dân cuối cùng đã phản ứng vào chính sách. Sau sự kiện Tam Á cuối năm 2007, báo chí phản ánh về Biển Đông thường xuyên và cập nhật hơn, người Việt thì luôn luôn cảnh giác trước mọi động thái liên quan đến Trung Quốc. Sự cảnh giác ấy không thừa. Đấu tranh của người Việt đã góp phần chặn đứng sự thâu tóm của Trung Quốc ở Tây Nguyên (Bản dự thảo kế hoạch đầu tiên khai thác Bauxite Tây Nguyên do TKV đưa ra thậm chí đề xuất cho phép Trung Quốc góp vốn tới 51% nhà máy khai thác quặng, sau làn sóng đấu tranh dữ dội của người Việt, Bộ Chính Trị ra nghị quyết khẳng định nhà máy khai thác chỉ sử dụng nhà thầu TQ xây dựng, còn 100% sở hữu thuộc về Việt Nam). Tiếp đó là các câu chuyện liên quan đến thuê đất thuê rừng, với mối nguy cơ ít hơn, nhưng thái độ quyết liệt của người Việt đã làm rõ nhiều câu chuyện của vấn đề, và giúp chặn đứng nhiều nguy cơ lớn.

Sự cảnh giác của người Việt hòan toàn không thừa. Chúng ta đang sống cạnh một cường quốc với dã tâm thôn tính và bành trướng vào hàng mạnh nhất lịch sử.

Có nhiều phân tích anh từng dự báo về các bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông hồi năm 2007. Sau gần 4 năm nhìn lại, hầu hết những ước đoán ấy đều thành sự thật. Các mốc thời gian 2008, 2009 và nửa đầu năm 2010 trôi qua một cách nặng nề. Những cao trào căng thẳng trên biển bùng phát không ít lần trước sự lấn lướt của các phương tiện vũ trang Trung Quốc trên Biển Đông. Nguy cơ về một cuộc xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào với sự hung hăng của tàu bè Trung Quốc. Việt Nam cho đến rất gần đây thôi còn đang đứng trước nguy cơ mà anh cho rằng ít người chịu nhận ra. Những tháng đầu năm 2010, Trung Quốc có thể gây hấn bất cứ lúc nào, khi sức mạnh Việt Nam về mặt quân sự còn thua kém trong khi chính sách của các nước lớn chưa định hình. Mặc dù Việt Nam ký kết hàng loạt các hợp đồng mua sắm khí tài tốn kém, nhưng thời gian giao hàng và thời gian để sử dụng thành thạo trang thiết bị (đặc biệt là tàu ngầm) thì còn phải mất 3 - 5 năm. Trong khi đó, sẽ lấy gì để đảm bảo hòa bình trong 3 - 5 năm trống vắng về khả năng phòng thủ?

Tuy nhiên hiện nay, anh có thể khẳng định với các bạn, nguy cơ về một cuộc xung đột ở Biển Đông đã giảm xuống mức cực thấp, mặc dù giọng điệu gây hấn của Trung Quốc từ cả các nguồn chính thống, phi chính thống, báo mạng hay dư luận sẽ còn tăng mỗi lúc một cao. Chúng ta nên vui mừng vì sự hiện diện của người Mỹ, sự điều chỉnh chính sách của nó đang tái lập một trật tự cân bằng mới trong khu vực. Trong loạt phân tích "Viễn kiến biển đông" anh có nhấn mạnh về vai trò "chiếc ô an ninh" mà sự hiện diện của Mỹ mang lại. Trong một khoảng thời gian từ 5 - 10 năm, khi Mỹ chưa hạ gục được Trung Quốc về kinh tế, sẽ rất khó có khả năng hai nước lớn này bắt tay mặc cả với nhau về quyền lợi và phân vùng ảnh hưởng. Đó sẽ là thời gian Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông, thắt chặt và củng cố liên minh với những bạn bè truyền thống, đồng thời o bế quan hệ với những người bạn mới. Đó sẽ là thời gian trăng mật của mối quan hệ Mỹ - Việt. Tận dụng tốt được thời kỳ này, Việt Nam sẽ củng cố được sức mạnh của mình, và có thể tự bảo vệ được chính mình ngay cả khi nước Mỹ rời đi.

Hiện tại mà nói, khi Mỹ đang để mắt tới Biển Đông, thậm chí chẳng ngán ngại gì mang tàu sân bay tới tập trận tại sát cánh cổng Trung Quốc là Hoàng Hải, thì Trung Quốc khó có thể dám động binh trước mắt quan sát của Mỹ. Chỉ riêng cái nguy cơ Mỹ cung cấp khí tài, trang bị cho các nước có tiếng tăm cứng cổ như Việt Nam nếu Trung Quốc phát động chiến tranh cũng đã đủ để Trung Quốc kinh hoàng, chưa tính tới việc Mỹ phong tỏa Mallacca với cái cớ bảo đảm an ninh hàng hải trong tình hình xung đột. Cho nên, có thể khẳng định rằng, trong thời gian 5 năm trước mắt, nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông là rất rất thấp. Anh Lãng cuối cùng đã có thể thở phào, một cách nhẹ nhõm trong âu lo.

Trong thời gian có nền hòa bình đảm bảo từ 5 - 10 năm ấy, khi các thế lực lớn đang giữ miếng gằm ghè nhau, sẽ là ngu xuẩn nếu chúng ta rung đùi, buông xuôi và phó mặc vào một nền hòa bình dễ dãi. Đây chính là khoảng thời gian quý báu người Việt Nam cần hết sức tranh thủ để nâng cao sức mạnh quốc gia:

- Trong vòng 5 năm, hầu hết các hợp đồng mua sắm khí tài ồ ạt Việt Nam ký thời gian qua đều sẽ được giao hàng. Việt Nam sẽ có nhiều tàu chiến hiện đại, một hạm đội gồm đủ 6 tàu ngầm tấn công và nhiều phi đội chiến đấu cơ hiện đại. Khi có đủ số khí tài này trong lực lượng, có thể nói Việt Nam sẽ thực sự là một lực lượng đáng gờm về mặt quân sự ở Biển Đông, có khả năng đáp trả tương xứng với bất cứ một sự đe dọa nào từ Trung Quốc. Thua kém về trang bị, về số lượng khí tài nhưng Việt Nam chiếm lợi thế tuyệt đối về địa lợi. Người Việt cũng có truyền thống tài ba trong việc phát huy tính năng các loại khí tài trong chiến đấu. Điều này thì ai cũng đều hiểu rõ. Có nghĩa là, nếu người Việt không chủ quan, thì trong vòng 5 năm tới, chúng ta chắc chắn sẽ có trong tay một khả năng tự vệ đáng nể ở Biển Đông, lúc đó, ngay cả khi Mỹ đã thỏa thuận xong với Trung Quốc về các vấn đề chiến lược và rút đi, thì Việt Nam cũng đã trở thành một cục xương khó nuốt.

- Trong vòng 5 năm tới, sẽ là thời kỳ nồng ấm đặc biệt trong quan hệ Mỹ - Việt. Việt Nam cần hết sức tranh thủ thiện cảm có tính cấp thời này để khai thác các lợi ích từ Mỹ. Cần thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư, các nguồn viện trợ, thậm chí là các nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự hiện đại để phát triển kinh tế và quốc phòng. Việt Nam cần tận dụng việc Mỹ đánh giá vai trò quan trọng của Việt Nam trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, để thúc đẩy Mỹ áp dụng những chính sách có lợi nhất giúp Việt Nam mạnh lên, chẳng hạn về mặt kinh tế thì công nhân Việt Nam là nền kinh tế thị trường, xóa bỏ các hàng rào kỹ thuật chặn hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, về mặt quân sự thì viện trợ và bán các khí tài hiện đại, về mặt khoa học công nghệ thì giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, giúp xử lý các vấn nạn về môi trường ... Nếu khai thác tốt nước Mỹ trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có một sức bật lớn để tiến lên phía trước.

Có thể khẳng định rằng, trong 5 - 10 năm tới, một khi Mỹ vẫn còn coi Trung Quốc là hiểm họa đe dọa sự thống trị kinh tế của Mỹ, nước Mỹ sẽ tìm mọi cách ép Trung Quốc phải nhượng bộ về chiến lược phát triển. Cuộc đấu này cam go, Mỹ sẽ thắng nhưng tốn thời gian, và thời gian đó sẽ là món quà cho người Việt Nam. Việt Nam sẽ rất ít có nguy cơ bị Trung Quốc tấn công, một khi Trung Quốc vẫn còn phải đương đầu với sức ép từ Mỹ. Do đó, chúng ta ít nhiều có thể an tâm về một nền hòa bình tạm thời.

Ngược lại, anh cho rằng thời gian tới sức ép về mặt kinh tế của Trung Quốc với Việt Nam sẽ cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc sẽ đẩy việc tuyên truyền chống Việt Nam thành một cao trào, sẽ có rất nhiều dậm dọa, sẽ có rất nhiều sức ép về kinh tế được đưa ra. Mục tiêu chính là nhằm làm Việt Nam khiếp sợ, quỵ gối và quy hàng. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn về kinh tế, bởi hiện tại hoạt động kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại, thậm chí sẽ có không ít khủng hoảng khi Trung Quốc dùng các ngón đòn dưới háng về tỷ giá, về hàng xuất và dựng lên các hàng rào kỹ thuật đối phó Việt Nam. Đây sẽ là một thời kỳ người Việt Nam cần thắt lưng buộc bụng theo đúng nghĩa đen.

Tuy nhiên, với một tầm nhìn xa hơn vào tương lai, anh lại cho rằng những khó khăn ấy là cơ may lớn của Việt Nam để thoát khỏi cái bóng ám ảnh nặng nề của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhiều nguồn hàng xuất xứ Trung Quốc. Việt Nam nhập siêu nặng nề với Trung Hoa trong khi xuất siêu với phần lớn các nền kinh tế châu Âu và nước Mỹ. Nền sản xuất Việt Nam còn bị chèn ép nặng nề bởi làn sóng hàng lậu xuyên biên giới từ lâu đã vượt quá mức báo động. Việc Trung Quốc tiến hành các hành vi gây sức ép kinh tế sẽ khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn và gây ra những tổn thương lâu dài, đồng thời cũng sẽ làm quan hệ thương mại Việt - Trung sụt giảm mạnh. Về mặt chiến thuật, chúng ta sẽ tổn thất nặng trước các đòn trừng phạt kinh tế của Trung Quốc, nhưng về mặt chiến lược, một chân trời mới sẽ mở ra đối với Việt Nam. Một khi Việt Nam thoát được khỏi sự lệ thuộc vào các nguồn cung cấp hàng hóa Trung Hoa, thiết lập được các nguồn cung cấp mới, và đặc biệt, từ trong khốn khó xây dựng được năng lực tự chủ riêng của nền kinh tế, thì đó cũng chính là lúc Việt Nam có thể tự cường, và có thể tin vào một nền độc lập, tự chủ, hòa bình lâu dài bên cạnh Trung Hoa.

Anh tin chắc sẽ có không ít thế lực ở Việt Nam chống phá quyết liệt những định hướng này, bởi quyền lợi cá nhân của họ gắn liền với các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ nỗ lực làm suy yếu, chia rẽ sự đồng nhất về ý tưởng của Việt Nam, song song với sức ép về kinh tế, sẽ là sự đe dọa nặng nề về mặt ngoại giao và ngôn từ. Nhưng anh còn chắc chắn hơn rằng, nếu chúng ta kiên quyết, vững vàng, thì Việt Nam sẽ thành công tự đứng trên đôi chân của mình. Có thể ngẩng mặt tự tin vào chính một nền hòa bình được đảm bảo bằng sức mạnh nội tại quốc gia, chứ không phải một nền hòa bình mong manh nhờ đánh đu thời cuộc.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Viễn kiến nào cho Biển Đông?

Những ngày gần đây, Biển Đông trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới. Hầu hết các hãng thông tấn toàn cầu đều loan báo với cùng một giọng điệu chung: "Mỹ đã quay lại khu vực Đông Nam Á". Cùng với đó là sự bận rộn của các trung tâm phân tích chiến lược trên thế giới, và trên hết, là phản ứng cấp thời của các nước có liên quan trong khu vực. Trung Quốc, nước đóng một vai trò rất lớn trong việc gây ra các xáo trộn về quyền lực toàn cầu, tất nhiên, gây chú ý nhiều hơn cả bởi các phát ngôn và hành động đao to búa lớn của mình.

Hạm tàu sân bay Geoge Wasington đang neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng, cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý, trong lúc các khu trục hạm mang tên lửa tấn công phối thuộc thì đang bận rộn với các hoạt động viếng thăm quân cảng của Việt Nam. Diễn biến này đáp ứng đòi hỏi của Việt Nam cũng như Hoa Kỳ, đồng thời cũng là điều Trung Quốc không muốn thấy.

Sự quay lại của Mỹ đã gây ra những phản ứng tích cực từ hầu hết các nước trong khu vực. Indonexia, trong một động thái chưa từng có, công khai phản bác yêu sách chủ quyền về vùng biển Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông. Việt Nam , nước có quyền lợi trực tiếp nhất đối với biển Đông thì hào hứng và bận rộn trong các hoạt động ngoại giao, quân sự con thoi với đối tác mới. Phillipin cũng tranh thủ cơ hội đóng vai trò của một người hòa giải, khi cao giọng tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông chỉ cần đàm phán song phương giữa khối Asean với Trung Quốc, mà không cần có sự tham gia của bên thứ ba (ở đây là Mỹ). Nhìn một cách tổng thể, có vẻ các nước trong khu vực Đông Nam Á đang hành động có phần trái chiều, nhưng tinh tế hơn, sẽ thấy các nước đều đang chơi con bài riêng của mình, nhằm tối đa hóa lợi ích với yếu tố mới phát sinh do sự hiện diện trở lại của Mỹ trong khu vực. Người ta nhìn nhận việc Phillipin rất tế nhị đưa ra lời nhận xét muốn đàm phán song phương giữa khối Asean với Trung Quốc (Điều Trung Quốc mong muốn), song song với việc kêu gọi các nước nhanh chóng hoàn thiện và ký kết bộ quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông (Điều Trung Quốc không hề muốn). Đây là một cửa lùi khôn khéo Phillipin mở ra cho khối Asean với người Tàu, có toan tính đến vai trò mà Mỹ đang hiện diện. Phản ứng các nước có thể khác nhau về biểu hiện bề ngoài, nhưng có vẻ các nước Asean đang cùng chơi chung một chiến lược, có đấm có xoa với dã tâm thôn tính Biển Đông của người Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ - Trung bắt nguồn từ một loạt vấn đề. Nghiêm trọng nhất là xung đột hai nước về kinh tế, thương mại và tài chính. Mỹ hiện nay chịu thâm hụt nặng trong kim ngạch buôn bán song phương với Trung Quốc, nhiều công ty Mỹ gặp khó khăn với môi trường kinh doanh và các rào cản kỹ thuật Trung Quốc dựng lên ở nội địa, và quan trọng hơn cả, do có thặng dư thương mại khổng lồ, dư dả về ngoại tệ, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Đây là điểm yếu mà Mỹ đang tìm mọi cách để khắc phục. Bên cạnh đó, các chiến lược về chính trị, kinh tế của Trung Quốc đang phá hoại các toan tính trên bình diện an ninh toàn cầu của Mỹ và Đồng Minh. Ván bài Trung Quốc chơi tại Triều Tiên, khiến Mỹ rơi vào tình thế bế tắc và hầu như không thể giải quyết tình hình trên bán đảo này trong 3 - 5 năm tới. Câu chuyện tại Iran nặng nề hơn nhiều. Trong lúc Mỹ cố gắng áp dụng các lệnh cấm vận trừng phạt nhằm làm nản lòng của Iran trong tham vọng phát triển hạt nhân, thì Trung Quốc đang đào hố dưới chân Mỹ. Các công ty Trung Quốc đang vớ bẫm từ những hợp đồng béo bở ký với Iran trên một loạt lĩnh vực từ sản xuất, thương mại, và đặc biệt hơn cả là các hợp đồng khoan hút dầu và khí đốt. Cách chơi không mấy mã thượng của Trung Quốc khiến Mỹ thiệt thòi cả về kinh tế cũng như chính trị. Nước Mỹ đã có quá đủ, đã đến lúc nó thấy cần phải hành động.

Một loạt các diễn biến kéo dài suốt từ tháng 3/2010 trở lại đây cho thấy Mỹ đang có sự điều chỉnh về chiến lược. Mỹ và đồng minh đang tìm mọi cách gây sức ép với Trung Quốc, để bắt các quốc gia hãnh tiến ấy phải chấp nhận một luật chơi chung. Nước Mỹ cần đến những người bạn mới bên cạnh những người bạn cũ. Nhìn xa hơn qua đại dương, đích nhắm của họ hiện tại chính là Việt Nam . Quốc gia duy nhất, cũng là dân tộc duy nhất trong khu vực, có đủ tiềm chất để cứng chọi cứng với Trung Hoa. Sự cứng cổ của người Việt Nam , nước Mỹ đã từng nếm trải và thấm thía. Quá khứ tuy đau đớn, nhưng giờ người Mỹ nhận ra rằng sự cứng cổ ấy là thứ nước Mỹ cần trong ván bài chiến lược toàn cầu gây sức ép với Trung Hoa.

Cũng chính ở thời điểm này, quyền lợi quốc gia khiến Việt Nam mong muốn xích lại gần Mỹ một cách tự nhiên. Đã nhiều tháng nay, Việt Nam chật vật khốn khó với các hoạt động bành trướng đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Không thể trơ mắt nhìn Trung Quốc gây sức ép phá hoại các hợp đồng khai thác tài nguyên nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, bắt bớ bắn giết và cướp đoạt tiền bạc của ngư dân trên biển, và đẩy các dàn khoan thăm dò dầu khí ngày một xa hơn xuống phía nam, chính quyền Việt Nam gồng mình trong những hợp đồng mua sắm trang bị quốc phòng tốn kém. Người Việt Nam cố gắng bằng mọi cách nâng cao sức mạnh của mình, nhưng họ biết, chỉ có vậy là không đủ. Điểm chung này khiến Việt Nam hoan hỉ đón nhận sự trở lại của Mỹ trong khu vực với một sự hồ hởi hiếm thấy, bất chấp các lời chỉ trích thường xuyên qua lại giữa hai bên do sự khác biệt về ý thức hệ.

Phần lớn các nhà phân tích chiến lược trong những ngày này đều đưa ra nhận xét vui mừng với sự ấm nóng trong quan hệ Việt Mỹ. Ở một phía ngược lại, Trung Quốc thì nhìn nhận vấn đề trong con mắt dè chừng và có phần cay cú. Trung Quốc nhận ra, Mỹ đang phá hoại luật chơi mà Trung Quốc muốn áp dụng trong khu vực.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm khi nói đến một mối quan hệ đồng minh bền vững giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Và sẽ là hết sức ngây thơ, nếu vội nhận xét rằng, Việt Nam cần trở thành đồng minh của Mỹ để chặn bước người Tàu trên biển. Đơn giản, bởi đó là điều ảo tưởng.

Thế giới sau thời Bezinsky hiếm có nhân vật chính trị nào có tầm nhìn vượt thời đại vài chục năm. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có một "Viễn Kiến Biển Đông", nhìn sâu vào bản chất vấn đề và vạch đường đi cho hôm nay và cho nhiều thế hệ kế tiếp. May mắn thay, Việt Nam không thiếu người tài, hơn thế, lãnh tụ Lãng vẫn còn sung sức, chưa liệt dương và còn lâu mới chết
.

Các bạn phải chấp nhận những nhận xét dưới đây như những tiên đề không chứng minh, và phải xây đắp tầm nhìn của mình trên cơ sở những tiên đề ấy:

Tiên đề 1: Mỹ đến và Mỹ đi.

Người Mỹ đã từng hiện diện trong khu vực vì lợi ích quốc gia của nó. Họ ra đi khi thấy việc ở lại không tác dụng gì mà chỉ thiệt hại thêm. Ngày nay, cũng với toan tính về lợi ích quốc gia mà Mỹ tính chuyện quay lại biển Đông. Chính sách chiến lược của Việt Nam phải được xây dựng trên nền tảng: Người Mỹ có thể đến, nhưng họ sẽ không ở lại vĩnh viễn, mà họ sẽ có thể đi. Mọi chính sách chiến lược trông chờ vào sự hiện diện của Mỹ một cách lâu dài, do đó, chắc chắn đều là sai lầm.

Tiên đề 2: Mỹ - Trung đối đầu nhưng không bao giờ triệt hạ lẫn nhau.

Quyền lợi quốc gia khiến Trung - Mỹ đối đầu, thậm chí mâu thuẫn gay gắt, nhưng sẽ không bao giờ đủ lớn để tính chuyện triệt hạ lẫn nhau. Đơn giản bởi điều đó là phi thực tế. Mỹ quá mạnh để Trung Quốc có thể thách thức trực diện trong một tương lai 50 năm, ngược lại, Trung Quốc quá lớn để Mỹ có thể tính tới việc thanh trừng. Cả hai nước do đó sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của nhau. Các nước nhỏ như Việt Nam , sống bên lề của các nền văn minh lớn, phải nhìn thấu suốt thực tế này. Ngày hôm nay Trung - Mỹ đang gấu ó sửng cồ với nhau, mâu thuẫn có vẻ cao trào, nhưng chắc chắn ngày mai họ sẽ phải tìm cửa xuống thang để cùng hạ đài bàn bạc. Đây là cái bẫy chiến lược mà các nước nhỏ thiếu tầm nhìn thường phạm phải sai lầm, khi đánh giá không đúng về thực trạng mâu thuẫn giữa các cường quốc.
Tiên đề 3: Mâu thuẫn chủ yếu Mỹ - Trung là về kinh tế, không phải về chính trị hay quân sự.

Nước Mỹ đã bỏ phần còn lại của thế giới ở khoảng cách quá xa, để có thể có một quốc gia nào đó đe dọa được Mỹ về quân sự. Ngược lại, Mỹ đang yếu đi về kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng thậm thụt hàng năm, cộng với tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài như một phần gắn liền với nền kinh tế tiêu dùng của Mỹ khiến sức mạnh kinh tế của siêu cường ấy ngày một suy yếu. Trong lúc đó, Trung Quốc với kỳ tích tăng trưởng chưa từng thấy trong nền kinh tế hiện đại, với mức tăng trưởng hai chữ số kéo dài qua ba thập niên và chưa có dấu hiệu dừng lại, đang ngày một thu hẹp khoảng với Hoa Kỳ. Hơn lúc nào hết, Mỹ đang hết sức lo ngại với viễn cảnh Trung Quốc soán ngôi thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với số dân đông, khả năng tổ chức sản xuất hàng lọat trên quy mô lớn cực kỳ hiệu quả, và những chính sách tổng hợp trong hỗ trợ xuất khẩu, từ trợ giá, hỗ trợ thuế, đến việc duy trì chính sách tỷ giá, tiền tệ tạo thuận lợi tối đa cho sức cạnh tranh của hàng hóa made in china bán ra thế giới, Trung Quốc đã tạo được nhiều kỳ tích và nhanh chóng nâng cao sức mạnh kinh tế của mình.

Mỹ và đồng minh đang tìm mọi cách xóa bỏ các lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, thu hẹp thâm hụt thương mại, và làm suy giảm vai trò chủ nợ của Trung Quốc đối với Mỹ nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung. Đây là điểm cốt tủy trong sự đối đầu Mỹ - Trung, nó sẽ còn kéo dài trong ít nhất 5 - 10 năm tới.

Việc mở rộng tầm ảnh hưởng về chính trị và quân sự của Trung Quốc sang các khu vực lân cận, bao gồm biển Đông, trên thực tế không nằm trong các lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ. Trong mọi trường hợp, dù Trung Quốc có thành công hay không trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, thì Mỹ vẫn có toàn quyền đi lại thuận tiện theo các lộ trình hàng hải vốn có, bởi Trung Quốc không thể và cũng chẳng dại dột gì chặn tàu bè Mỹ.

Căng thẳng Mỹ - Trung do đó chỉ là nhất thời, hòa hoãn và đàm phán mới là xu thế chủ đạo.

Tiên đề 4: Cuộc đối đầu dài hạn Mỹ - Trung, phần thắng tất yếu thuộc về Mỹ.


Có nhiều lý do để anh Lãng tin vào viễn kiến của mình:

- Xã hội Trung Quốc đang tiến nhanh trong 30 năm qua theo một cách thức riêng, nhưng đó là một nền văn minh chông chênh, thiếu nền tảng và không thích ứng thời đại. Thế chế cai trị tại Trung Quốc tất yếu sẽ phải thay đổi, điều đó sẽ dẫn tới những biến động to lớn khó lường, ảnh hưởng nặng đến viễn trình lâu dài của nền kinh tế Trung Hoa. Trong khi đó, xã hội Mỹ là một xã hội ưu việt, nền văn minh Mỹ đã được thử thách qua nhiều thăng trầm, vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, và đặc biệt, vẫn giữ được tính năng động với khả năng tự đổi mới đứng đầu thế giới. Nền tảng chính trị xã hội Mỹ bền vững hơn nhiều so với nền tảng chính trị xã hội hiện nay tại Trung Hoa. Do đó, trong một cuộc đấu đường trường, lợi thế tất yếu thuộc về Mỹ.

- Trên bình diện quốc tế, Mỹ là một tay già dơ với đủ thứ bạn bè, những mối quan hệ được xây đắp bền vững theo thời gian, trong khi Trung Quốc vẫn chỉ là một tay gà mờ nhập cuộc. Mỹ có nhiều bạn bè hơn Trung Quốc, nhiều nước chia sẻ cái nhìn của Mỹ hơn là Trung Quốc.

- Nền tảng xã hội Trung Quốc hiện tại tiềm ẩn một vực thẳm mà Trung Quốc nhìn thấy trước nhưng không thể khắc phục: Cơ cấu dân số, cơ cấu giới tính hiện tại và 20 năm sau. Hiện tại thì số dân đông đang trong tuổi lao động là lợi thế lớn của Trung Hoa. Nhưng chính sách sinh một con đang dẫn tới thảm họa mất cân bằng giới tính, và sự thiếu hụt bổ sung về nguồn nhân lực tương lai cho công xưởng khổng lồ của Trng Hoa. Sau 20 năm nữa, số người già nghỉ hưu ở Trung Quốc sẽ chiếm đại bộ phận dân số, và có tuổi thọ ngày càng tăng. Tương lai, người Trung Quốc lấy ai lao động để nuôi sống số dân dưỡng già của nó. Viễn cảnh này sẽ chặn đứng mọi giấc mơ vươn lên về dài hạn của Trung Quốc, bất chấp hiện tại nó đang tăng trưởng với tốc độ bao nhiêu. Trong khi đó, nước Mỹ, với tư cách là một nước phát triển, cũng phải đối mặt với sự suy giảm suất sinh, ngược lại, do là một điểm đến hấp dẫn về mức sống, cơ hội, văn minh và trình độ khoa học, Mỹ giữ được tính ổn định với nguồn dân cư chất lượng cao luôn được bổ sung. Thắng lợi lâu dài, do đó, hoàn toàn nghiêng về phía Mỹ.

- Lợi thế chính của Trung Quốc trong sức mạnh kinh tế, là nằm ở sức mạnh xuất khẩu và tư cách một công xưởng cho nền kinh tế thế giới. Sức mạnh này được tạo ra một cách bất bình đẳng bởi chính sách tỷ giá, chính sách hỗ trợ xuất khẩu tổng hợp mà Trung Quốc áp dụng trong nhiều thập niên qua. Ngòai ra, Trung Quốc hiện tại đang nắm trong tay một số nguồn tài nguyên sống còn, có thể đe dọa Mỹ và các nước phương tây, là đất hiếm. Tuy nhiên, những lợi thế này của Trung Quốc hoàn toàn không thể  duy trì trước một chính sách tổng hợp của Mỹ và Đồng Minh. Chắc chắn rằng Mỹ và phương Tây sẽ gây sức ép thành công bắt buộc Trung Quốc phải nới lỏng tỷ giá, tiền tệ và xóa bỏ các chính sách hỗ trợ xuất khẩu tạo lợi thế bất bình đẳng. Trung Quốc đã bóp chết nhiều ngành sản xuất ở nhiều quốc gia. Hiện tại Mỹ và đồng minh đang nỗ lực chặn nó lại, và Trung Quốc rồi sẽ phải nhượng bộ. Một khi Trung Quốc mất đi các lợi thế cạnh tranh xuất khẩu, và suy giảm vai trò một nhà sản xuất toàn cầu, Trung Quốc sẽ không còn là mối đe dọa có tính hiểm họa đối với Mỹ nữa.

Tiên đề 5: Khi thắng trong ván bài kinh tế, Mỹ sẽ nhường nhịn các đòi hỏi của Trung Quốc về không gian ảnh hưởng xung quanh.

Khi thành công trong vấn đề "lợi ích cốt lõi", Mỹ đương nhiên và bắt buộc sẽ phải nhân nhượng Trung Quốc trước các đòi hỏi kém quan trọng hơn. Biển Đông, tiếc thay, có thể xếp vào nhóm đó. Một nước Mỹ vững vàng ngự trị về kinh tế, sẽ giúp Mỹ tiếp tục giữ sức mạnh về quân sự, chính trị toàn cầu. Do đó, bất kể Trung Quốc có hay không có chủ quyền ở Biển Đông, quyền giao thông của Mỹ và Đồng Minh sẽ hòan toàn không bị đe dọa. Do đó, Mỹ sẽ đến và rồi cũng sẽ rời khỏi biển Đông về dài hạn.

Tuy nhiên điều đó không diễn ra ngay, anh Lãng nhận định rằng, cuộc đấu Mỹ - Trung trên bình diện kinh tế sẽ còn kéo dài trong ít nhất 5 - 10 năm kế tiếp, thậm chí còn có thể kéo dài lâu hơn nữa. Trong thời gian đó, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện ở biển Đông, nâng cao quan hệ với Việt Nam và các nước trong khu vực trong một toan tính gây sức ép tổng hợp với Trung Quốc.

Mọi chính sách chiến lược của Việt Nam , do đó, đều phải xây dựng trên cơ sở của 5 nhân tố có tính tiên đề sống còn này.
Câu hỏi đặt ra: Việt Nam cần phải làm gì?

Việt Nam cần làm gì đáng ra đéo phải việc của anh, nhưng thân làm lãnh tụ đéo ai lại vô trách nhiệm thế. Do đó, đây là những định hướng mà người Việt cần lưu tâm tới:

1. Chính sách tận dụng và khai thác mâu thuẫn Mỹ - Trung.

Mỹ - Trung hiện tại đang căng thẳng, nhưng cả hai nước đều phải chấp nhận sự hiện diện của nhau, do đó, căng thẳng chỉ mang tính nhất thời, không bản chất, chủ yếu vẫn là sự hợp tác và đàm phán. Việt Nam cần tận dụng tối đa mâu thuẫn Mỹ - Trung, không phải để dựa vào Mỹ chống Trung Quốc hay ngược lại, mà là dựa vào sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia, để tối đa hóa lợi ích quốc gia, nâng cao tiềm lực đất nước, tiến tới một viễn cảnh tự chủ, buộc các nước phải tính tới Việt Nam như một nhân tố không thể gạt khỏi cuộc chơi.

Chúng ta khai thác Mỹ thế nào? Cần tận dụng xu hướng ấm nóng Mỹ - Việt trong hiện tại để tận dụng tối đa các lợi ích đến từ Mỹ. Cái nhìn của xã hội Mỹ, nền chính trị Mỹ và do đó là giới tinh hoa nắm quyền chi phối về tiền bạc và chính trị đang hướng tới Việt Nam. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư, các cơ hội hợp tác làm ăn với Mỹ, thậm chí, là tranh thủ sự chú ý của Mỹ để thúc đẩy một số chính sách có lợi cho Việt Nam. Chẳng hạn thúc đẩy Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nới nỏng các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa Việt Nam, và tăng cường viện trợ cho Việt Nam về kinh tế cũng như công nghệ. Tận dụng tốt cơ hội này, kinh tế Việt Nam sẽ có thể có một sức bật mới, có tầm quan trọng sống còn với tương lai phát triển tự cường của đất nước. Đồng thời, cũng với sự nâng cao hợp tác Mỹ - Việt, Việt Nam có thể tiếp cận với những công nghệ vũ khí tối tân nhất của Mỹ, để nâng cao sức mạnh quân sự, bảo đảm khả năng phòng vệ quốc gia. Đây là những lợi ích chiến lược.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng Mỹ với tư cách một chiếc ô an ninh. Hiểm họa lớn nhất của Việt Nam , là một cuộc xung đột cục bộ trên biển Đông với Trung Quốc. Do chênh lệch sức mạnh và do dã tâm thôn tính của người Tàu, thời gian qua, mối đe dọa này là một nguy cơ hết sức hiện thực. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông sẽ là một bảo đảm khiến một cuộc xung đột như thế không thể xảy ra. Việt Nam cần tranh thủ hết sức sự có mặt của các hạm tàu Mỹ, các tập đoàn Mỹ tại biển Đông, tranh thủ thời gian hòa bình để củng cố tiềm lực quốc gia. Mỹ sẽ đến và rồi tất yếu sẽ đi khi mâu thuẫn cốt lõi Mỹ - Trung được giải quyết. Chúng ta có từ 5 - 10 năm quý báu hòa bình để nâng cao sức mạnh, dẫn tới cơ sở cho một nền hòa bình vĩnh viễn. Hòa bình, chỉ có thể đến với kẻ có đủ sức mạnh duy trì nó.

2. Kiên quyết và mềm dẻo trong quan hệ với Trung Quốc.

Quan hệ Việt - Trung hôm nay, lợi ích cốt lõi của Việt Nam đang bị tổn hại nặng nề trên một loạt phương diện. Nổi bật nhất, nguy hiểm nhất, là về kinh tế. Việt Nam hiện phải chịu mức nhập siêu kinh khủng với Trung Quốc, làm xói mòn dự trữ ngoại tệ quốc gia, gây khó khăn nặng nề đến chính sách tỷ giá, tiền tệ và một loạt những vấn đề cốt lõi khác. Hơn thế, sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc, được hỗ trợ bởi chính sách tỷ giá đồng nhân dân tệ, chính sách hỗ trợ xuất khẩu mà Trung Quốc áp dụng nhất quán nhiều thập niên, đang bóp chết nhiều ngành sản xuất của Việt Nam. Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà, do sự yếu kém về quản lý vĩ mô và cả sự nhượng bộ thái quá của chính phủ. Vấn đề còn trầm trọng hơn bởi tình trạng buôn lậu qua biên giới Việt Trung, mà Việt Nam không thể kiểm soát còn Trung Quốc thì không thèm, hay nói đúng hơn là không muốn kiểm soát, khi lợi ích của hoạt động này hòan tòan thuộc về họ.

Chúng ta phải xác định rằng, chiến lược khắc phục thâm hụt thương mại với Trung Quốc, chiến lược dựng lên những hàng rào kỹ thuật tương thích WTO để bảo vệ nền sản xuất Việt Nam trước hàng hóa Trung Quốc phải là một "lợi ích cốt lõi", là một vạch đỏ không thể lùi của người Việt Nam. Việt Nam cần bằng mọi giá, bằng những chính sách tổng hợp, cả về thuế, hàng rào kỹ thuật, chính sách tỷ giá với đồng NDT để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tình trạng nhập siêu với Trung Quốc. Riêng vấn đề kiểm soát hàng nhập lậu xuyên biên giới, lực lượng hải quan và công an hiện tại đã bất lực, Việt Nam cần kiên quyết huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thậm chí sử dụng cả lực lượng quân đội kiểm soát chặt biên giới để xóa bỏ vấn nạn đang làm chảy máu quốc gia này. Những chính sách này sẽ gây phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc, nhưng Việt Nam cần kiên quyết làm, và làm đến cùng bởi đó là giới hạn đỏ mà người Việt không thể lùi. Hơn thế, lúc này, với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, Việt Nam đang có sự đảm bảo hòa bình để kiên quyết thực thi chính sách của mình.

Bên cạnh đó, chúng ta cần hết sức mềm dẻo. Mỹ - Việt xích lại gần nhau khiến Trung Quốc thấy lạnh sườn và hết sức quan ngại. Điều đó buộc Trung Quốc thay vì tiếp tục hung hăng và đàn áp Việt Nam , phải hạ giọng và cùng ngồi xuống bàn đàm phán. Trung Quốc gặp phải nhiều vấn đề, chẳng hạn an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông, của tuyến vận tải chiến lược xuyên eo biển Mallacca, vốn đang là cái yết hầu của nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn gặp phải các vấn đề thuộc nội trị tại Tây Tạng, Tân Cương và eo biển Đài Loan. Những thứ đó, là những vấn đề Việt Nam cần hết sức mềm dẻo, hết sức ủng hộ Trung Quốc nhưng phải kèm theo điều kiện lợi ích.

 
 Trong nhóm lợi ích cốt lõi của Việt Nam , chủ quyền trên biển Đông cũng là một hợp phần không thể tách rời. Trong mọi trường hợp, Việt Nam phải bảo vệ được vùng biển thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa kéo dài chiếu theo công ước quốc tế về luật biển 1982. Việc tái thu hồi lại các đảo đá bị Trung Quốc chiếm bằng vũ lực chưa nên đặt ra, mà cần gác lại, tập trung giải quyết trước hết về chủ quyền chiếu theo thềm lục địa. Đây là giới hạn cuối mà người Việt Nam không được phép lùi trong bất kể mọi tình huống, thậm chí cả với việc đối mặt với nguy cơ xung đột vũ lực hoặc chiến tranh. Phải mềm dẻo trong giải quyết tranh chấp vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc. Nhấn mạnh yếu tố luật pháp quốc tế và thỏa thuận đa quốc gia. Phải tính tới nhân tố Mỹ trong việc tạo sức ép khiến Trung Quốc nhượng bộ, nhưng phải hết sức linh họat để không tạo cảm giác lạnh gáy cho Trung Quốc.

Chiến lược này, cần thực hiện nhất quán trên bình diện quốc gia cũng như những chính sách áp dung cụ thể tới từng đơn vị hành chính, từng chủ thể của nền kinh tế Việt Nam .

3. Viễn kiến quốc gia và trọng đãi nhân tài.

Mấu chốt để đảm bảo lợi ích của Việt Nam , thoát khỏi số phận nhược tiểu để không ai có thể đe dọa, là chúng ta phải mạnh về kinh tế, mạnh về quân sự và hòa hiếu về ngoại giao. Việt Nam chưa có hai nhân tố đầu, nhưng có thể đi trước ở nhân tố thứ ba, chúng ta phải đặt mình vào những mối quan hệ, những khối liên minh đa phương với toàn thế giới.

Đây là một thời khắc quan trọng của lịch sử, đòi hỏi trong bộ máy cầm quyền của Việt Nam phải có những cá nhân có phẩm chất, có tài năng và có tầm nhìn vượt xa hiện tại. Cần đến những con người viễn kiến. Ngòai ra, toàn bộ dân tộc Việt Nam cũng phải thống nhất một suy nghĩ, một nhận định, để đồng tâm nhất chí khai thác cơ hội hiện tại nhằm vựng dậy quốc gia. Yếu tố thứ hai có thể thực hiện được nhờ báo chí và tuyên truyền, riêng việc làm sao để bộ máy lãnh đạo Việt Nam thực sự xuất hiện nhân tài thì nói thật anh Lãng đéo có giải pháp nào cả
. Nhân tài Việt Nam không thể chui vào hệ thống bằng bầu cử. Trong khi đó hệ thống chính trị Việt Nam hiện tại mất năng sàng lọc và trọng dụng nhân tài. Người Việt có tài giờ tòan làm kinh tế, lo làm giàu bản thân, chứ không muốn và cũng không thể len vào hệ thống chính trị.

Chừng nào mà lương bộ trưởng công khai chỉ có 2,5 tr đồng, làm bộ trưởng lương thấp thế làm làm đéo gì, có ai bị điên đâu. Cho nên việc ăn cắp công khai và tha hóa hệ thống là điều không thể tránh khỏi. Ở điểm này, anh đồng ý với nhận định của Geoge Onwell, theo đó hệ thống chính trị độc đảng đạo đức giả chỉ tạo điều kiện để những kẻ giỏi đấu đá và vô đạo đức leo cao, chứ không có chỗ cho những người có phẩm chất và có tài trị quốc.

Trong khi, hơn bất cứ lúc nào, với tình thế phức tạp hiện nay, Việt Nam cần đến những tài năng kiệt xuất lèo lái quốc gia.

Anh hy vọng rằng, những nhận định của anh, cuối cùng cũng sẽ đem lại lời giải cho bài toán khó mà Việt Nam đang phải đối mặt, khi đại bộ phận người Việt Nam đều thấu hiểu vấn đề. Một khi người Việt Nam ai ai cũng là Lãng lãnh tụ, thì viễn cảnh đất nước tự cường đã nằm ngay trước mắt.