Lỗi hệ thống và sự lạm dụng quyền lực
Câu chuyện về cái chết của em Đỗ Đăng Dư và lá đơn của một số luật sư yêu cầu điều tra sự việc gây xôn xao. Một cậu bé vị thành niên, ăn trộm số tiền hiện chưa rõ là 1,5 tr đồng hay 2 tr đồng, bị tạm giam hai tháng và gia đình chỉ còn nhìn thấy con mình khi đã hôn mê sâu. Sau vài ngày, cậu chết mà không kịp nói lời trăng trối. Sự việc gây xôn xao khi các chuyên gia pháp lý phát hiện thấy nhiều lỗi nghiêm trọng của lực lượng hành pháp. Nhìn vấn đề này dưới góc nhìn toàn cục sẽ thấy một bức tranh khác thay vì chỉ là một bất cập xã hội vốn ngày càng phổ biến.
Khai phóng xã hội không phải là một kết cục mà là một tiến trình. Lá đơn này của các luật sư chưa có tiền lệ và thể hiện sự thức tỉnh xã hội đối với những bất cập từ quyền lực không được kiểm soát.
Bất kể câu chuyện này có kết cục ra sao, thì đây cũng là những viên đá đặt nền móng cho xã hội dân sự và sự giám sát quyền lực. Những người ký tên trong lá đơn này đáng được coi trọng. Họ đã vận dụng tốt quyền hiến định của người dân trong khuôn khổ pháp lý và hòa bình. Đây là cách đấu tranh thay đổi xã hội phù hợp với quy luật của thời đại.
Câu chuyện này cần được ủng hộ rộng khắp. Đừng nghĩ rằng đây chỉ là bi kịch của một cậu bé 17 tuổi xa lạ có lý lịch xấu. Cái chết bi thảm tương tự có thể đến với bất cứ ai, rất có thể là một người thân của bạn hoặc thậm chí chính bản thân bạn nếu quyền lực độc tài không được kiểm soát. Hôm nay công an tìm đến Đỗ Đăng Dư, xã hội có một nạn nhân của nạn lạm quyền. Ngày mai, rất có thể họ tìm đến chính bạn vì một lý do trời ơi nào đó. Quyền lực độc tài và các hệ lụy đặt mọi cá nhân trước rủi ro tiềm tàng khi bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Nếu cha mẹ cậu bé này biết ngay từ đầu việc bắt con em họ vi phạm luật pháp thì cập bé này đã không bị đánh chết. Và cả một hệ thống từ công an đến viện kiểm sát của một địa phương, những người thực thi luật pháp, liệu không có ai có đủ kiến thức tối thiểu để hiểu rằng hành vi bắt giam tủy tiện của họ có dấu hiệu vi phạm luật pháp. Bạn tin nổi không? Ở đây là quyền lực độc tài không được kiểm soát và xã hội không có những tổ chức dân sự đủ mạnh để giám sát và can thiệp ngay khi có vấn đề. Khai phóng do đó cần cho mọi đối tượng. Với người dân, họ cần ý thức được việc cần lên tiếng/tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng khi đối mặt với những vấn đề họ thiếu hiểu biết. Với xã hội, cần sự chia sẻ quan tâm với các vấn đề chung (dù không liên quan trực tiếp đến mình) và sự hình thành những nhóm, hội độc lập hỗ trợ cộng đồng. Với những người thực thi pháp luật, họ cần được khai phóng rằng hành vi của họ đang bị giám sát và không thể áp dụng quyền lực bừa bãi mà không trả giá. Tất cả những thứ này, đều cần đến sự khai phóng. Đây cũng là lý do anh nói đến việc tìm hiểu và phổ cập các quyền hiến định về quyền con người trong hiến pháp hiện hành như một trong những giải pháp giúp khai phóng xã hội.
Câu chuyện gần như giống hệt nhau trong mọi xã hội độc tài. Quãng năm 2010, một chuyên gia công nghệ thông tin người Trung Quốc, có bằng Thạc sỹ, đang làm cho một công ty lớn với mức lương trên 3000 usd. Anh ta để tóc dài và đi chơi khuya. Không may, anh ta gặp cảnh sát và bị tóm vào đồn vì một lý do gì đó không ai biết. Hai ngày sau, người thân nhận được tin đến nhận xác người nhà. Vụ việc khiến toàn Trung Quốc bàng hoàng vì nhận ra bất cứ ai trong xã hội cũng có thể trở thành nạn nhân trong một xã hội mà quyền lực được lạm dụng vô tội vạ do thể chế độc tài và thiếu vắng các cơ chế giám sát xã hội. Ở Việt Nam hiện nay thì lực lượng hành pháp nhiều lúc cư xử không khác bọn lưu manh. Nguyên nhân vì sao? Là vì xã hội thiếu vắng hoàn toàn các cơ chế của một xã hội dân sự. Tất cả những điều này sẽ được khắc phục từ từ khi dân trí được khai phóng và dân khí được chấn hưng.
Điểm mấu chốt ở đây là quyền lực độc tài của nhà nước khiến xã hội sinh ra những vấn nạn ngày một bức bối. Tham nhũng, bất công, lạm dụng quyền lực và tha hoá xã hội chỉ là những hệ quả của độc tài quyền lực (không độc tài cũng có những vấn nạn này, nhưng mức độ nhỏ hơn rất nhiều tại các xã hội văn minh và ngày một bị kiểm soát). Người dân thường tại Mỹ, Anh, Pháp cũng chẳng mấy ai có đủ hiểu biết về luật pháp. Nhưng họ ý thức sâu sắc về quyền con người và có xã hội dân sự đủ mạnh để bảo vệ họ khi có dấu hiệu bị lạm dụng quyền lực. Do đó, chính cơ chế gây ra bất công chứ không phải hiện tượng xã hội tự nhiên sinh ra. Cách đây 15 năm, anh nói chuyện với một vụ trưởng có tài và cấp tiến của Bộ KHĐT, nguyên văn ông này nói đến giờ anh vẫn nhớ như in: "Anh không muốn nhận phong bì của các đơn vị, vì làm xấu mặt Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cái thể chế này không cho phép anh sống bằng lương và thu nhập hợp pháp như các đất nước khác". Đó là một người hiếm hoi có tâm trong bộ máy chính quyền nhưng vẫn buộc phải làm sai. Còn vô số những thành phần khác thì hoan hỷ tận dụng thể chế để làm giàu và lạm dụng quyền lực. Cũng chỉ có ở Việt Nam mới có việc coi chuyện thi vào ngành công an là một cơ hội để đổi đời. Nói chung, vấn đề của Việt Nam thuộc về system eror, lỗi hệ thống, giàn khắp từ nhiều vấn đề mà cốt lõi nằm ở quyền lực độc tài của Đảng cộng sản và nhà nước mà nó dựng lên.
Thật ra có nhiều vấn đề đằng sau câu chuyện lá đơn và anh không loại trừ có những người tham gia để mua danh và vì động cơ vụ lợi. Nhưng bất kể đằng sau đó là gì, thì đây cũng là một sự kiện thể hiện xã hội dân sự đang hình hành bất chấp bị kìm kẹp đến đâu. Đằng sau câu chuyện đòi công lý trong một xã hội bất công nhan nhản như ở Việt Nam, khi chính ông chủ tịch nước phải phát ngôn "có cả bầy sâu đang làm rầu nồi canh" (chứ không còn là một con sâu riêng lẻ). Vấn đề chính mà các ông này né tránh là tại sao và vì cái gì sâu ngày một nhiều? Có thiếu điều luật chống tham nhũng chăng? Không. Có thiếu điều luật chống lạm quyền, nhục hình chăng? Cũng không. Nhưng vấn đề lõi là thiếu cơ chế để thực thi những thứ ấy một cách hiệu quả. Như anh đã nói ở trên, thuộc về lỗi hệ thống. Dân trí và xã hội dân sự là những biện pháp căn bản nhất để khắc phục system eror, bước tiếp sau đó là xây dựng một system mới đủ văn minh. Và chẳng cần nhìn đâu xa mà chỉ cần phóng mắt nhìn ra thế giới.
Đây cũng chính là lý do mà việc chống tham nhũng hay chống lạm dụng quyền lực trong các xã hội độc tài hầu như không đạt hiệu quả. Khi nhìn chiến dịch đại truy quét của Tập Cận Bình, dù Tập có bỏ tù nhiều quan chức nữa, truy tố nhiều ủy viên bộ chính trị nữa thì cũng chỉ là trò thanh trừng quyền lực. Vì Tập hoàn toàn né cái lõi của vấn đề là hệ thống lỗi: quyền lực độc tài không được kiểm soát và cũng không thể kiểm soát, vì chịu giám sát và được kiểm soát thì đã không còn là độc tài. Trước sau gì phe cánh Tập đưa lên rồi cũng lại sa vào con đường tha hoá và lạm dụng quyền lực. Đây là kết cục chung của mọi hệ thống độc tài. Câu chuyện cũng giống hệt thế trong lòng Việt Nam.
Khắc phục lỗi hệ thống là giải pháp toàn diện duy nhất. Người ta có thể trông đợi vào cải cách từ trên xuống, nhưng ở Việt Nam, anh Lãng chỉ trông chờ vào sự thức tỉnh xã hội từ dưới lên. Đặt cược vào lương tâm của một lũ bất lương, tự thân nó đã là trò khôi hài đau đớn.