Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Việt Nam năm 2015, chông chênh giữa ngã ba đường.

25/02/2015.

Để đánh giá về tình trạng hiện nay, trước hết phải nhìn thẳng vào những tình huống khó khăn mà người Việt Nam đang phải đối mặt. Trước hết, không gì khác hơn là tình huống ngặt nghèo trên Biển Đông. Trước năm 2014, chiến trường biển đông tính từ Đà Nẵng xuôi về phía nam, địa lợi thuộc tuyệt đối về Việt Nam. Đường bờ biển dài, có thể thiết lập vô số căn cứ lâm thời cho lực lượng hải quân, nhiều vịnh biển kín đáo có thể làm nơi trú ẩn cho tàu ngầm, khoảng cách gần và nhiều sân bay quân sự, cả chính thức cũng như dã chiến, đảm bảo cho Việt Nam một lợi thế trên cơ khi một cuộc chiến cục bộ nổ ra trong vùng biển Trường Sa. Trung Quốc biết rõ điều này, các hành vi gây hấn hung hăng của Trung Quốc với tàu cá và các tàu thuyền dân sự Việt Nam do đó chủ yếu diễn ra ở vùng biển quanh Hoàng sa và cửa ngoài vịnh Bắc bộ. Tình thế đảo chiều năm 2014, với lợi thế vượt trội về nguồn lực, Trung Cộng tiến hành đồng thời hai mũi giáp công lấn chiếm chủ quyền. Trong lúc mọi nguồn lực của Việt Nam bị hút vào sự kiện Haiyan 981, một cách âm thầm, Trung Quốc triển khai kế hoạch xây dựng 5 căn cứ quân sự tại Trường Sa. Đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp thậm chí có kích thước vượt quá đảo Ba Bình - đảo tự nhiên lớn nhất Trường Sa, hiện nằm dưới quyền khống chế của Đài Loan. Với 5 đảo nhân tạo có kích thước khổng lồ, đủ để triển khai lực lượng không quân, hải quân và tên lửa phòng không như một căn cứ phòng thủ toàn diện, có thể nói, Trung Cộng đã tiến một bước dài trên biển đông. Chắc chắn Trung Quốc sẽ sử dụng các căn cứ này như một bàn đạp cả cho các hoạt động quân sự và chấp pháp dân sự, điều sẽ khiến chủ quyền Việt Nam bị xâm hại nặng nề và đời sống ngư dân càng thêm khốn khó. Lợi thế về mặt quân sự của Việt Nam do đó gần như bị xoá sổ. Với khoảng cách trên dưới 450 km, Trung Quốc dễ dàng tung cú đấm phủ đầu ác liệt vào tận trung tâm TP Hồ Chí Minh. Từ các đảo này, Trung Quốc cũng dễ dàng sử dụng trực thăng săn ngầm tuần thám, điều có thể triệt tiêu lợi thế của lực lượng tàu ngầm Việt Nam khi tác chiến tại vùng biển Trường Sa, thậm chí là xa hơn về Phú Quốc. Là một nước lớn, đương nhiên nếu xung đột thực sự nổ ra, Trung Quốc sẽ luôn có lợi thế của kẻ giáng đòn phủ đầu, điều có thể khiến các căn cứ quân sự của Việt Nam từ Đà Nẵng trải dài đến Nha Trang phải thiệt hại nặng nề. Cố nhiên, nếu các chiến lược gia Việt Nam đủ bản lĩnh và dũng khí để giáng đòn tấn công phủ đầu, Việt Nam đủ khả năng để xoá sổ toàn bộ các căn cứ liên hoàn của Trung Cộng tại Trường Sa. Tuy nhiên, đây không phải là điều cần bàn tới khi xét đến bản lĩnh nhược tiểu của đám chóp bu cầm quyền hiện nay. Có thể nói, Việt Nam đang ở tình huống ngặt nghèo khi các lợi thế hiếm hoi trên Biển Đông không còn nữa.
 
Đáng ra thực trạng buồn này có thể tránh được nếu Việt Nam kiên quyết quấy rối lực lượng tàu hút cát bồi đảo của Trung Quốc ở Trường Sa như những gì đã làm với giàn khoan 981. Rất đáng buồn, đám tai to Việt Nam lựa chọn khoanh tay, trong lúc gã đại tướng béo ụt đứng đầu Bộ Quốc Phòng phát ngôn trên báo chí "Tôi không hiểu tại sao người Việt Nam cứ ghét Trung Quốc". Dĩ nhiên với những gã béo ụt như thế phụ trách quân sự và vài câu phản đối bằng mồm không thể chặn được tàu hút cát Trung Hoa. Diện tích đảo của Trung Quốc tại Trường Sa ngày một tăng nhanh, xoá đi vài lợi thế nhạt nhoà mà người Việt Nam đang có. Tất nhiên, bằng cách này hay cách khác, giới quân sự Việt Nam vẫn có khả năng so kè sòng phẳng với tàu khựa tại Trường Sa, bằng cách xây dựng lực lượng phòng không hùng hậu cũng như nâng cao nghệ thuật phân tán ngụy trang lực lượng vốn có truyền thống trải dài nhiều năm kháng chiến. Nhưng câu chuyện không còn dễ dàng khi Trung Cộng đã đặt được một hệ thống căn cứ liên hoàn vững chắc.
 
15 năm đã qua sau thời đại Võ Văn Kiệt, giới lãnh đạo Việt Nam lâm vào một thời kỳ khủng hoảng nặng nề về chất lượng. Đám chính khách sau này, phần lớn kém cỏi, yếu quyền lực và thiếu tầm nhìn xa. Lê Khả Phiêu chỉ trụ được nửa nhiệm kỳ và rớt đài vì đấu đá nội bộ. Nông Đức Mạnh là sự lựa chọn sai lầm nhất của giới tập quyền Việt Nam, khi lựa chọn một gã thiếu phẩm chất, yếu tri thức, thiếu tầm nhìn và tầm thường về độ quyết đoán vốn là những thứ tối thiểu mà một người đứng đầu hệ thống chính trị cần phải có. Do hầu như không có gương mặt nổi trội trong hệ thống chính trị, trong hơn 15 năm, quyền lực bị phân đều giữa các phe phái. Nền chính trị Việt Nam chia năm xẻ bảy bởi các phe nhóm kèn kựa lẫn nhau và chưa bao giờ tập trung thành một mối để phụng sự cho sự phát triển quốc gia. Các quyết sách kinh tế sai lầm trong nhiệm kỳ đầu của Nguyễn Tấn Dũng càng làm bức tranh trở nên bi đát. Ngay ở thời điểm hiện tại, nền chinh trị quốc gia tiếp tục bị xâu xé khi dường như Nguyễn Tấn Dũng đã bị chặn lại bởi ngón đòn khá cao tay của Nguyễn Phú Trọng (cài được điều lệ đảng để chặn đường tiến của Dũng vào năm 2016). Trong lúc đó, người Việt Nam phải đối mặt với tình trạng đáng buồn khi đám ứng cử viên lên nắm quyền tiếp sau, thậm chí còn hủ bại và bất tài hơn đám chóp bu hiện nay. Tương lai đất nước do đó tiếp tục đối mặt với một thời kỳ u ám.
 
Giữa một bức tranh buồn, không phải không có những thứ đáng để hy vọng. Kinh tế Việt Nam nam 2015 chắc chắn khởi sắc hơn. Mọi chỉ số vĩ mô và cả yếu tố tâm lý dân cư, đều cho thấy xu hướng đi lên của nền kinh tế. Cuối 2014, đầu 2015 các chuyen gia kinh tế ghi nhận sự phong phú thấy rõ của hàng hoá nội địa, những mặt hàng trước đây hầu như chỉ nhập từ Trung Quốc thì giờ đây đã thấy xuất hiện thương hiệu Việt. Đám tư sản dân tộc, sau một thời gian dài quay cuồng với cơn lốc chứng khoán và bất động sản, giờ đã chú tâm hơn sang lĩnh vực sản xuất, cả về hàng tiêu dùng, hàng phụ trợ lẫn các sản phẩm nông nghiệp. Chúng ta cũng cần ghi nhận một thực tế đáng mừng, người Việt Nam luôn quay lưng với hàng Trung Quốc nếu họ có sự lựa chọn thay thế. Những xu thế đúng đắn này rồi đây sẽ quyết định tiềm lực quốc gia, giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng yếu hèn hiện tại.
 
Nhìn rộng ra thế giới, 2015 vẫn là một năm thuộc về Trung Quốc. Nước Mỹ, châu Âu và Putin sẽ mất ít nhất 1 năm để hạ nhiệt lò lửa tại Ucraine và tái lập lại quan hệ kinh tế song phương. Cả Mỹ, châu Âu hay nước Nga đều thừa thông minh để hiểu rằng tình thế hiện nay gây tổn hại cho tất cả và ngư ông đắc lợi chỉ mình Trung Quốc. Khi nước Nga bị tách rời khỏi châu Âu, nó mất cơ hội trở thành một phần của thế giới văn minh, và việc hợp tác sâu hơn với Trung Quốc chỉ khiến sức mạnh so sánh của Nga yếu dần so với người Tàu. Sau 30 năm, khi dân số Nga xuống dưới 100 tr, người Nga thậm chí còn không đủ tư cách đứng thẳng người trước Trung Quốc, chưa nói gì tới việc đủ nguồn lực để bảo vệ vùng viễn đông mênh mông giàu có. Với nước Mỹ, lò lửa Ucraine càng kéo dài thì càng khiến chiến lược xoay trục về phía Đông tổn hại. Cuối cùng, cả Mỹ và Nga đều sẽ phải nhận ra rằng đối đầu khiến cả hai thiệt hại. Đối thủ của Mỹ trong 20 năm tới, vĩnh viễn không phải là Nga mà chỉ duy nhất Trung Quốc. Thay vì việc nỗ lực đẩy biên giới Nato tới sát Nga, Mỹ và châu Âu cần tính tới các hiệp ước an ninh đủ sức mạnh với Asean và Trung Á. Xu hướng hoà hợp Mỹ, Nga, EU do đó là một tất yếu, nhưng xu hướng này sẽ bị làm chậm lại bởi dư luận xã hội, vốn có một quyền lực riêng biệt ở các nước phương tây.
 
Nhìn sang châu Á, nếu có điều gì đáng mừng thì đó là sự thay đổi bên trong nước Nhật. Từ từ nhưng chắc chắn, Nhật từng bước quay trở lại hình ảnh của một cường quốc "bình thường", vững về cả hai chân thay vì chỉ mạnh về kinh tế. Điều này sẽ khiến an ninh châu Á được cải thiện, hoà bình do đó sẽ vẫn còn được duy trì trong ít năm tới.
 
Sâu trong lòng Trung Hoa, Tập Cận Bình đã đi được quá nửa chặng đường củng cố quyền lực. Có thể nói không ngoa rằng, Tập là người duy nhất sau Mao Trạch Đông dám và có đủ khả năng thanh trừng những nhân vật quyền lực số 2 và số 3 trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Quyền lực của Tập thậm chí giờ không thua kém Mao Trạch Đông và giờ ở Trung Hoa không phe nhóm nào có thể thách thức uy quyền họ Tập. Gã Khựa này sẽ trở thành một tay độc tài đầy quyền lực, bởi chẳng có chỉ dấu nào cho thấy Tập chịu để Trung Quốc đi vào lộ trình dân chủ. Tập Cận Bình và Trung Quốc, với mọi dấu hiệu của nó, đang đi theo lộ trình của nước Đức dưới thời Hitler, khi ngày một hùng mạnh, ngày một cực đoan và ngày một tham lam với các lợi ích bên ngoài biên giới quốc gia của nó. Trong 10 năm tới, thế giới rồi đây sẽ phải chung sức ngăn chặn thế chiến lần 3 mà ngòi nổ chính chính là Trung Quốc.
 
Trong các xu thế đang diễn ra, người Việt Nam cần làm gì để sinh tồn giữa những nguy cơ lớn? Cốt yếu nhất và căn bản nhất, người Việt cần dồn nỗ lực xây đắp kinh tế, để tiềm lực quốc gia ngày một nhiều hơn. Không có gì phải bàn cãi, nếu ngày nay GDP Việt Nam là 500 tỷ usd, cố nhiên nó sẽ có đủ khả năng đầu tư 15 tỷ Usd vào lĩnh vực quốc phòng và đủ khả năng gây thiệt hại nặng cho bất cứ cường quốc nào muốn xâm phạm nó. Tuy nhiên chúng ta đang phải đối mặt với thực tế GDP ngót nghét 150 tỷ một năm. Trong vòng 5 năm, nếu đi đúng hướng, người Việt có thể nhân đôi con số này. Do không mấy hy vọng vào sự hỗ trợ kém hiệu năng từ một thể chế suy đồi, anh Lãng gửi gắm niềm tin vào giới tư bản dân tộc, những người trải qua 7 năm điêu tàn, đủ thông minh để nhận rõ một quốc gia chỉ có thể hùng cường khi nó sản xuất được nhiều hàng hoá thay vì những lĩnh vực đầu tư ảo. Về mặt văn hoá, thông điệp cũng như kỳ vọng anh muốn gửi gắm tới các bạn, chúng ta cần ý thức được sự nghèo hèn của quốc gia. Mỗi lần rút ví ra để mua một sản phẩm nhập khẩu đắt tiền, dạng như smart phone hay các đồ xa xỉ, các bạn cần hiểu rằng điều đó đang tước đi một phần cơ hội của con cháu chúng ta. Hãy làm nhiều hơn, ăn chơi ít hơn và tích lũy nhiều hơn. Đừng để xã hội Việt Nam chưa giàu đã suy đồi, thực trạng đáng buồn mà người Việt đang phải chịu đựng.
 
Nếu dân chủ là một xu thế tất yếu thì điều tất yếu hơn là Việt Nam cần thêm một thời kỳ quá độ. Nền chính trị Việt Nam cần một sự thống nhất trong bối cảnh phe phái chia năm xẻ bảy trước khi bước sang một quỹ đạo khác của sự văn minh. Do không thể đặt niềm tin gì vào gương mặt ti tiện của Nguyễn Xuân Phúc, vẻ béo ụt hèn mạt của Phùng Quang Thanh hay vẻ nhu nhược của Nguyễn Thiện Nhân, anh đành đặt niềm tin vào đồng chí X. Kỳ vọng duy nhất hiện nay, 3 X sẽ không chịu bó tay trước điều lệ Đảng mà Trọng lú đã cài cắm thông qua, và tìm được cơ hội trở cờ trước năm 2016.
 
Tuy nhiên, như một điều thường thấy, càng hy vọng bao nhiêu vào hệ thống chính trị suy đồi hiện nay thì sẽ càng thất vọng bấy nhiêu. Thành ra, mọi niềm tin của anh đành gửi gắm vào chính các bạn. Hãy để niềm tin ấy được nhân lên và biến thành động lực, thành những nguồn lực xã hội và những trào lưu mà sự hủ bại không thể chặn lại được. Các bạn văn minh hơn, tầm nhìn xa hơn, tỉnh táo với thời cuộc, có trách nhiệm hơn với gia đình và với tương lai đất nước, bản thân đó sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề. Trước năm 1945, người Pháp mở hàng loạt tiệm hút thuốc phiện và nhà thổ công khai, sau này ông Hồ tố cáo trong bản án thực dân: "Pháp âm mưu ru ngủ và làm thoái hóa giống nòi thanh niên thuộc địa". Ngày nay thanh niên Việt Nam quay cuồng trong một nền văn hóa giải trí dị hợm và suy đồi, thiếu vắng hoàn toàn các giá trị lí tưởng nhưng thừa thãi trụy lạc và đồi bại. Nền văn hóa ấy tồn tại công khai, trong sự kiểm soát của bộ máy truyền thông quốc gia, vốn cấm ngặt mọi trang web bàn luận về chính trị và chỉ trích chính quyền, nhưng buông tay cho mọi thứ còn lại, bất cứ thứ gì có thể khiến đám thanh niên xao nhãng ý thức chính trị quốc gia: sex, hưởng lạc, game online ... Nhiều trang web và mạng xã hội giải trí hiện nay có nguồn gốc từ Trung Quốc, một sự phối hợp tuyệt hảo. Trong lúc đó, thực phẩm độc và hóa chất có nguồn gốc từ Tàu thì còn tàn phá giống nòi người Việt với quy mô ác liệt nhiều lần so với khói á phiện thời Pháp thuộc.
 
Chẳng có cái gì có thể cứu chính bạn và gia đình, cứu chính tương lai đất nước này ngoài các bạn, ngoài tri thức, sự hiểu biết và thức tỉnh ý thức xã hội của chính bạn. Dù có thể bạn chỉ là bò :P
 
Chỉ có vậy, đất nước này mới có cơ may vãn hồi hy vọng.