Cuối năm bận rộn, hơn nữa tình hình cơ bản không có nhiều sự kiện nổi bật đáng để anh Lãng có nhã hứng nên anh không viết cái gì. Tuy nhiên hôm nay lét mắt ngó trang tuanvietnam, thấy có đăng bài phỏng vấn Hải đăng Nguyễn Chí Vịnh, quả thật thấy có nhiều điểm đáng để bàn luận.
link bài phỏng vấn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-08-khong-de-nuoc-khac-thoa-hiep-tren-lung-minh-
Nguyễn Chí Vịnh là một cái tên gây nhiều chú ý và tranh cãi trong mấy năm gần đây. Được coi là một bố già đầy quyền lực thời nắm trong tay tổng cục 2, với những thông tin nội bộ có thể làm méo mặt hầu hết giới tai to mặt lớn Việt Nam, khi nhắc đến Nguyễn Chí Vịnh, hầu hết đều có sự e dè và phần nào sợ hãi. Nhiều thông tin không được kiểm chứng trên internet, còn đề cập đến vai trò nổi trội của ông ta trong các vụ đấu đá quyền lực hậu trường, khiến nhiều thế lực chính trị thất điên bát đảo, thậm chí, còn có cả can dự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu coi chính trị là một trò chơi quyền lực, sự đấu đá giữa các phe cánh là một tất yếu. Anh Lãng từng đưa ra nhận xét: Đấu đá phe cánh là một hiện tượng tốt đối với sự phát triển của Việt Nam, miễn nó được khống chế trong một chừng mực hợp lý. Không gì tồi tệ hơn bằng một thể chế cai trị độc tài có tính thống nhất cao, bởi lúc đó các thành viên thống trị đoàn kết và bóp cổ dân đen sẽ ở mức đáng sợ nhất. Chỉ khi chính bộ máy ấy có sự xung đột nội tại, các thế lực khi đấu đá nhau mới cần lôi kéo thêm hậu thuẫn, khi đó, họ mới tính đến lợi ích dân đen với tư cách một lực lượng cần lôi kéo chứ không phải đơn thuần bóc lột. Những năm qua ở Việt Nam, mỗi đợt đấu đá quyền lực, người ta lại thấy tiếng nói dân chúng được lắng nghe hơn và quyền lợi đám đông được cải thiện hơn. Đây là một điểm sáng của nền chính trị độc đoán nhưng phân cực ở Việt Nam.
Là con của cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một công thần chế độ, con đường hoạn lộ của Hải đăng Nguyễn Chí Vịnh khá thuận buồm xuôi gió. Trong hai năm trở lại đây, được thăng hàm Trung tướng và nhậm chức thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, nhiều người, trong đó có anh, cho rằng việc tăng chức để điều tướng Vịnh khỏi tổng cục 2, trên thực tế là một cách giảm bớt mối uy hiếp và quyền lực của nhân vật chính trị này. Với nền chính trị mà hầu hết các quan chức cấp cao đều có tài sản, hoặc con cái, họ hàng giàu có như ở Việt Nam, thì việc một người nắm quyền lâu năm ở một cơ quan chuyên về thông tin mật như tổng cục 2 là một mối đe dọa trực tiếp. Tướng Vịnh, do đó, là một người gây tranh cãi.
Quan sát những gì ông thể hiện ra trong hai năm gần đây, kể từ khi lộ diện khỏi bóng tối quyền lực, phải thừa nhận rằng ông ta có phẩm chất của cha mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người có nhãn quan chính trị rất xa, tài hùng biện xuất sắc và may mắn thay, gồm cả lòng yêu nước. Trong một bài viết từng đề cập đến tướng Vịnh, anh Lãng từng nêu nhận xét này, và đến giờ, anh tin mình đúng. Bất chấp ông Vịnh là một người gây tranh cãi ra sao trong các màn đấu đá quyền lực hậu trường, nhưng phải khẳng định đây là một nhân vật có tầm nhìn sắc sảo, và tài hùng biện ít ai bằng. Hơn nữa, có lẽ chịu ảnh hưởng từ người cha, tướng Vịnh thể hiện lập trường mềm dẻo nhưng rất kiên quyết về chủ quyền lãnh thổ. Lợi ích quốc gia của Việt Nam, sẽ được đảm bảo hơn khi có nhiều nhân vật như tướng Nguyễn Chí Vịnh trong hệ thống quyền lực.
Con đường hoạn lộ của Hải đăng Vịnh đến nay vẫn là một ẩn số. Một mặt phải thừa nhận quyền lực rất thực tiễn mà tướng Vịnh đã (và có lẽ) vẫn đang nắm trong tay khi ông ta từng phụ trách tổng cục 2 trong một thời gian rất dài, và đứng sau một loạt vụ đấu đá quyền lực trong nội bộ hệ thống cầm quyền. Hơn nữa, trong cương vị thứ trưởng bộ quốc phòng, tướng Vịnh thể hiện một năng lực ít ai ngờ thông qua các hoạt động ngoại giao quốc phòng, và một phong cách đầy bản lĩnh khi trả lời các cuộc phỏng vấn. Thành công của nền ngoại giao quốc phòng Việt Nam trong năm 2010, có đóng góp quan trong của tướng Vịnh. Tuy nhiên, khi bước gần tới đỉnh chóp của hệ thống quyền lực, thì thâm niên chính trị của tướng Vịnh vẫn chưa đủ mức để có thể nhìn tới những vị trí cao hơn, đại loại Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng hay tương tự thế. Ít nhất, trước mắt tướng Vịnh cần được cơ cấu vào Trung ương hay là thành phần của Bộ Chính Trị, mà điều đó, vẫn còn là ẩn số.
Cá nhân anh tin rằng tướng Vịnh rất có năng lực trong đấu tranh quyền lực. Ông ta sẽ còn tiến xa. Hơn nữa, tài hùng biện và nhãn quan chính trị của tướng Vịnh khiến anh có cảm giác tìm được tri âm. Đối với nền chính trị còn lâu mới đạt tới ngưỡng cửa dân chủ như ở Việt Nam, thì việc những nhân vật như tướng Vịnh tham gia hệ thống quyền lực, mang lại lợi ích cho đất nước nhiều hơn, và cần đến những người như vậy.