Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Formosa, câu chuyện không thể lãng quên!

Formosa, câu chuyện không thể lãng quên.
Cuối cùng thì những cuộc biểu tình đầy đau thương của những người dân ưu tư với lợi ích cộng đồng đã không uổng phí. Chính quyền sau nhiều tháng trì hoãn trong sự im lặng lạ lùng và bóp cổ gắt gao dư luận đã đưa ra mức án phạt 500 tr USD đối với các hành vi gây ô nhiễm của Formosa. Số tiền này chỉ là muối bỏ bể so với quy mô gây hại tới môi trường của cuộc khủng hoảng. Rặng san hô cần tới 50 năm để hồi phục và các chất độc hại vẫn còn nằm nguyên cùng với đám trầm tích đáy biển, tiếp tục gây hại cho sức khỏe người Việt Nam một cách lâu dài.
Hầu hết các kiến nghị với chính quyền trong nhiều bài viết ở trang face này giờ đây đang được họ thực thi. Tuy nhiên, với mức độ nhẹ hơn trông đợi rất nhiều. Chỉ hy vọng rằng họ đã đủ thức tỉnh để chú trọng ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm trong tương lai của Formosa. Đất nước này cần những điều kiện tối thiểu để người dân có thể sinh tồn nhằm hy vọng vào tương lai khi họ còn sức khoẻ.
Tôi không rõ chính quyền sẽ có kế hoạch sử dụng ra sao với số tiền 500 tr USD ít ỏi này để khắc phục sự cố môi trường. Làm thế nào để có thể loại bỏ các tác nhân gây hại vẫn đang tồn tại, đó là chuyện của TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với các lãnh đạo khác. Tuy nhiên tôi muốn cảnh báo các vị rằng đất nước đang mở to mắt để quan sát hành động của các vị trong việc khắc phục hậu quả và trừng phạt những kẻ tiếp tay cho thủ phạm. Mọi hành động hôm nay của các vị với tư cách những người đứng đầu đều là những bút toán được ghi sổ và sẽ được kết toán trong tương lai. 
Với những người đã xuống đường trong các cuộc tuần hành liên tiếp vì môi trường và chịu nhiều sự đàn áp dã man, đất nước này chịu ơn các bạn. Các bạn đã thắp sáng ngọn lửa cho công lý và lợi ích cộng đồng sau quá nhiều đổ vỡ và thờ ơ. Nó sẽ không tắt. Với những người ủng hộ tuần hành, xin cảm ơn vì niềm tin vào lẽ phải trong các bạn.
Câu chuyện giờ đây đã rõ ràng nhưng nó không trôi qua. Hậu quả với mỗi người dân vẫn còn đó. Tôi hy vọng các nhóm xã hội dân sự sẽ có những hành động thiết thực nhằm trợ giúp về y tế và pháp lý cho những người dân bị nhiễm độc trong vùng ô nhiễm. Tôi cũng kêu các luật sư có những hành động cụ thể để cố vấn pháp lý cho những người chịu thiệt hại về kinh tế và sức khoẻ, mà hầu hết đều nghèo và đang lặng lẽ chịu đựng nỗi đau mà không biết phải làm gì để đòi công lý. Và tôi cũng mong rằng xã hội sẽ không bỏ rơi những người đã thiệt mạng và những người đang gánh chịu bệnh tật vì sự cố môi trường khủng khiếp này.
Chúng ta cần tiếp tục hành động cho hôm nay và để ngăn chặn những thảm hoạ tương tự trong tương lai.
LikeShow more reactions
Comment

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Một phán quyết lịch sử!!!

Một phán quyết lịch sử!
Phán quyết lịch sử của Toà trọng tài thường trực (PCA) về đường chín đoạn và một loạt các vấn đề liên quan đến cách diễn giải công ước quốc tế về biển đông đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới đối với vùng biển đông đúc chật hẹp và đầy rẫy tranh chấp này.
Phán quyết 12/07 được công bố tại Lahay đã chấm dứt nhiều thập kỷ thiếu vắng ràng buộc pháp lý tại biển đông. Dù tất cả các nước đưa ra các yêu sách chủ quyền trong vùng biển này đều là thành viên của Công ước quốc tế về luật biển - UNCLOS 1982, nhưng việc diễn giải và áp dụng công ước này lại được thực hiện một cách hết sức tuỳ tiện bởi Trung Quốc, nước mạnh nhất và hung hăng nhất trong các hành động đơn phương trên biển.
Trung Quốc đã phản đối dữ dội phán quyết này, một điều hoàn toàn hợp logic khi hầu hết các đòi hỏi quan trọng nhất của họ đã bị phán quyết của toàn PCA bác bỏ. Họ đã tốn vài năm trời cố tình tìm cách bác bỏ vai trò của phiên toà và hậu quả pháp lý của nó nhưng thất bại. Điều này đặt Trung Quốc trước một tình huống cực kỳ bất lợi: Bất cứ động thái leo thang nào của họ nhằm vi phạm phán quyết và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông đều sẽ là trái với luật pháp quốc tế. Đây là thất bại nặng nề không phải chỉ về mặt ngoại giao, mà nó còn để lại những hậu quả hết sức lâu dài đối với chiến lược bành trướng xuyên suốt nhiều thập kỷ của Trung Quốc.
Phán quyết pháp lý quan trọng nhất và có tác động lớn nhất đối với biển đông của PCA là việc bác bỏ hoàn toàn đường lưỡi bò - Vốn là một tuyên bố chủ quyền phi lý và hoang đường nhất trong các tranh chấp biển hiện hữu trên thế giới. Điều này củng cố những chứng lý quan trong nhất để đàm phán ranh giới biển giữa các nước có tham gia tranh chấp như Vietnam, Philipin, Indonesia, Malaysia, Bruney trước các đòi hỏi của Trung Quốc. Nó cũng mở đường cho các cường quốc bên ngoài dễ dàng can thiệp vào khu vực khi phán quyết mở ra những ranh giới rất rõ về các vùng biển lưu thông tự do.
Tuy nhiên, chính phán quyết thứ hai về các đảo và bãi đá tại Trường Sa mới là phần bổ sung quan trọng nhất để giải quyết các tranh chấp trong phiên toà lịch sử này: PCA tuyên bố xét cả về hoàn cảnh lịch sử lẫn điều kiện tự nhiên, các đảo và đá tại Trường Sa đều thiếu vắng sự hiện diện thường xuyên, liên tục của đời sống kinh tế dân sự thông thường. Việc hiện diện của các lực lượng công vụ của các quốc gia tranh chấp trên các hòn đảo tại đây không phải là căn cứ và không tạo cơ sở cho sự hiện diện kinh tế đơn thuần. Do đó, các đảo này không tạo ra yêu sách về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Đây là một nội dung hết sức quan trọng của phán quyết. Nó tạo cơ sở cho việc đàm phán chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các quốc gia đang có tranh chấp ở Trường Sa. Quyền chiếm hữu các đảo và đá của mỗi nước có thể tiếp tục duy trì, nhưng quyền về vùng đặc quyền kinh tế thì không còn phụ thuộc vào chúng nữa. Đây là lối thoát cho tất cả các nước trong hoà bình.
Với riêng Việt Nam, nội dung phán quyết thứ hai này cũng mở ra cơ hội cho việc giải quyết các tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa. Một số đảo tại Hoàng Sa có kích thước lớn (Ví dụ Phú Lâm) và đã được Trung Quốc củng cố và tôn tạo nhiều thập niên sau khi chiếm đóng sau cuộc chạm súng khốc liệt với hải quân Việt Nam Cộng Hoà. Cho đến nay, với các phương tiện chiến tranh TQ đưa ra Hoàng Sa, gồm chiến đấu cơ, các hệ thống phòng không và tên lửa đối hải, cộng với lực lượng hải quân khiến việc tiếp cận của Việt Nam với Hoàng Sa hầu như vô vọng. Cùng với đường lưỡi bò, Trung Quốc dựa vào các yêu sách pháp lý đối với vùng đặc quyền kinh tế của các đảo tạo Hoàng Sa để đòi hỏi rất sâu vào vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngay từ lúc này, Việt Nam cần nghiên cứu rất kỹ phán quyết 12/07 của PCA và cân nhắc một vụ kiện tương tự với tình trạng các đảo tại Hoàng Sa. Nếu vô hiệu hoá được quyền yêu sách lãnh hải của các đảo này thì dù Trung Quốc có tiếp tục duy trì quyền chiếm đóng Hoàng Sa, nhưng Việt Nam sẽ cải thiện được tình trạng tranh chấp chênh vênh ở vùng biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
Trung Quốc là nước chịu nhiều bất lợi nhất sau phán quyết này. Điều đó khá dễ hiểu vì họ là nước đưa ra những đòi hỏi chủ quyền phi lý nhất, nó hầu như chỉ dựa trên sức mạnh và sự ngang ngược chứ không dựa trên bất cứ một căn cứ phù hợp đạo lý nào. Phán quyết của PCA có lẽ sẽ không làm giảm sự hung hăng của Trung Quốc trong ngắn hạn, thậm chí trung hạn, nhưng nó đánh dấu sự thất bại chiến lược của Trung Quốc và nước này sớm muộn sẽ phải tái định hình lại chính sách của mình. Mỹ và phương tây sẽ có những bước tiến dài trên biển đông vì hành lang pháp lý giờ đây đã rõ ràng hơn cho các hoạt động của họ.
Người ta nói nhiều đến các động thái cực đoan của Trung Quốc, như việc gọi tái ngũ lực lượng hải quân, hoặc các tuyên bố bác bỏ lớn lối của Trung Quốc đối với phán quyết, nhưng đó chỉ có thể là những động thái hình thức bên ngoài. Thất bại của họ mang tính chiến lược. Và bài học nước Nga tại Crimea cho thấy phát động một cuộc chiến xâm lăng thì dễ, thậm chí là đạt được quyền chiếm hữu cũng không phải quá khó khăn với các cường quốc, nhưng rút chân ra khỏi nó và khắc phục các hậu quả lâu dài là điều không hề dễ dàng. Nhất là trên biển đông, có nhiều nước tham gia và không thiếu gì quốc gia cứng cổ.
Ngày 12/07/2016 là một ngày lành ở biển đông. Đó cũng là một ngày lành với riêng anh Lãng.