Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Những thời đại suy tàn

Bữa nay anh Lãng rảnh, vào ngồi bàn láo với các bạn về một thời đại suy tàn. Nhưng để khách quan, anh dùng từ những cho nó có vẻ phổ cập.

Hôm 07/05 vừa rồi, ngồi nhậu cùng một đám tai to, các bạn rủ anh, lúc nào đến vấn an cụ Giáp.

Giáp là một huyền thoại, trong lịch sử của một đất nước mà anh hùng thường là những người giỏi đánh nhau, đương nhiên với vai trò của một vị tướng với chiến thắng vĩ đại trước một cường quốc, ông nghiễm nhiên thành một huyền thoại nổi bật. Huyền thoại ấy càng trở lên lung linh hơn, khi Giáp với lối sống khiêm nhường, khinh thường mọi sự cạnh tranh và có vẻ coi trọng cái đạo làm người của người quân tử. Đặc biệt, khi một đất nước thấp cổ bé họng vì đói nghèo, thành tích để sánh cùng bạn bè 5 châu hầu như chẳng có gì. Khi không thể khoe nhà tao giàu, biệt thự tao to, vợ tao ngon, con tao khỏe ... với các bạn nhà hàng xóm, thì một huyền thoại có tính nổi bật như cụ Giáp vốn được quốc tế nể trọng lại càng trở lên đắt giá. Vì ngần ấy lí do, trong số các nhân vật lịch sử đương đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hầu hết đánh giá, gồm cả trong quan niệm của anh Lãng, là một người hùng thực sự, cả vì sự nghiệp của ông và cả về nhân cách con người mà ông thể hiện.

Nhưng dẫu sao, ánh hào quang le lói của ông cụ, cũng chỉ đại diện cho vinh quang lụi tàn của thời đại mà ông cụ được vinh danh, cái thời mà thương hiệu Việt Nam đại diện cho công lý và chiến thắng. Một thời đại đã suy tàn.

Từ nhiều năm qua, những câu chuyện luẩn quẩn của Việt Nam trong bài toán phát triển kinh tế, trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc đã khiến đại bộ phận tinh hoa tri thức quốc gia tốn nhiều tâm sức. Cố nhiên với loại người gian tham, đểu giả tư lợi cá nhân như anh Lãng của các bạn, thì chuyện đó chẳng có ý nghĩa kặk gì cả, có chăng chỉ là lúc hứng thì bốc phét cho vui. Nhưng dù thế, sự băn khoăn về nó vẫn luôn hiện diện.

Đói, nghèo, sức mạnh yếu cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Đại bộ phận người Việt Nam mang nặng tâm lý tự ti của một nước nhược tiểu khi nhìn ra thế giới, pha lẫn trong đó là niềm mặc cảm tự hào vì vinh quang chiến tranh dân tộc, điều đó khiến tâm trạng của người Việt lâm vào một tình trạng rất khó lí giải: luẩn quẩn trong nỗi tự ti yếu hèn và đan xen trong đó sự quật cường được kế thừa có tính di truyền. Dấu ấn tâm lý ấy, thể hiện khá rõ trong đại bộ phận các phản ứng của đám dân đen đối với các sự kiện lớn của đất nước.

Khi nói về sự yếu kém trong phát triển kinh tế đất nước, ai cũng có thể nhìn ra, chúng ta nghèo, vì Ngu. Nhưng nói thế không có nghĩa là cả nước ngu, mà đúng hơn, là đường lối phát triển đất nước ngu. Một thời gian dài đất nước sau thống nhất, có đủ điều kiện thuận lợi về tự nhiên, một quốc gia có nền nông nghiệp hàng nghìn năm lịch sử mà cả nước đói ăn, câu cửa miệng từ quan được tuyên truyền đến dân: Hậu quả chiến tranh nên mới đói. Châu Âu sau thế chiến thứ hai là một đống gạch vụn, họ không những hết đói, mà vươn lên trở lại thành trung tâm ánh sáng của thời đại trong thời gian rất nhanh. Nhật Bản cũng chẳng khác gì một đống tro tàn, vùng dậy từ đống đổ nát chiến tranh và thành một cường quốc phát triển trong thời gian kỷ lục. Hàn Quốc cũng chẳng khác gì khi chỉ còn là một đám đất hoang, nhưng từ đó đã phát sinh một kỳ tích được lịch sử ghi nhận là con rồng Đông Á. Riêng có Việt Nam, đói ăn lâu dài cho đến khi đất nước đứng trước bờ vực sụp đổ, 11 năm sau chiến tranh, gạo mới được trồng đủ cho người dân ăn. Đó là một kết quả tất yếu của việc một thời gian dài đất nước được lãnh đạo bởi những cái đầu ghi vinh quang bằng thời gian ngồi tù hoặc đấu đá chém giết, chứ không phải bằng tư duy chiến lược và tài năng quản lý.

Bi kịch của sự nghèo đói vì Ngu ấy được làm trầm trọng thêm không phải chỉ bởi sự đói nghèo của dân chúng, mà còn bằng sự tổn hại về lợi ích quốc gia. Các sự kiện mất chủ quyền lãnh thổ năm 88 trên Biển Đông, rồi các sự kiện bi hài xung quanh quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 90, để lại một nỗi chua xót lớn lao đối với đại bộ phận những người trong cuộc.

Đứng trước sự tồn vong của chế độ, giới chóp bu nắm quyền có vẻ như bừng tỉnh. Các chính sách thay đổi kế tiếp nối nhau ra đời. Từ đó đến nay, VN được coi là có mức tăng trưởng khá tại Á Châu và cải thiện được phần nào vị thế quốc tế. Nhưng rất đáng tiếc, những cái nền tảng tăng trưởng ấy được xây dựng trên một cơ sở có quá nhiều thuận lợi: Nguồn tài nguyên quốc gia, nguồn nhân lực rẻ mạt, nguồn tiền kiều hối gửi về từ bên ngoài (10% GDP) ... và đổi lấy một mức tăng trưởng không bao giờ vượt quá con số 9%. Việt Nam từ một con sên, đi nhanh hơn so với chính mình, và chậm hơn so với phần còn lại. So với đối thủ truyền đời là Trung Quốc, Việt Nam tụt hậu nhanh chóng và quá xa. Và chúng ta lại càng không bao giờ đạt tới cái gọi là kỳ tích Á Châu mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông đã từng làm được. So với các quốc gia ở thứ hại hai, cũng còn rất xa chúng ta mới theo kịp nổi Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Có quá nhiều nguyên nhân, từ cơ chế quản lý, chính sách yếu kém, nhân lực trình độ tồi ... nhưng tựu trung lại, là vì Ngu. Dân đen đương nhiên phải ngu, nhưng cũng đám dân đen đó ở các bọn theo đạo hồi mọi rợ như Malaysia, hoặc bọn Khơ me ngu dốt chậm tiến ở Đông Nam Á xa xưa như bọn mọi Thái Lan, giờ bọn đó đã giàu, chí ít cũng vượt trên VN 20 năm phát triển. Bọn dân đen đó, so với bọn dân đen của chúng ta Ngu hơn nhiều, năm 75 tính trung bình hầu như không hơn chúng ta. Nhưng lãnh đạo của chúng ta, thể chế của chúng ta, Ngu hơn nhiều so với lãnh đạo của chúng nó, thể chế của chúng nó.



Ngày nay Việt Nam đang vật lộn một cách đáng thương với vị thế của một tiểu quốc, quốc lực nghèo khó, đại bộ phận dân cư đói nghèo, bị o ép về chủ quyền và tước đoạt lợi ích quốc gia, lãnh đạo bởi một chính thể toàn trị tồn tại dựa vào lịch sử chứ không phải bầu cử và chẳng có đồng minh mẹ nào trên trường quốc tế. Hầu hết người Việt Nam có tâm đau xót nhìn thực trạng ấy, trong nỗi suy tư và phần nào có tính bất lực. Tâm lý chán nản ấy thậm chí ăn sâu ở nhiều suy nghĩ có tính buông xuôi: Đấu thế đé o nào lại bọn Tàu, lựa nó mà sống cho lành. Và từ đó, những vết nhơ quốc thể trước sự luồn cúi của các bạn tai to trước các bạn Tàu, hoặc những nỗi đau về lợi ích quốc gia bị xâm hại trên Biển Đông, hoặc chính tại lãnh thổ quốc gia như Bô sit Tây Nguyên chợt trở thành điều gì đó có tính tồn tại hiển nhiên.

Trò luồn cúi được coi là trò đu dây, một sự khép mình được xem là thành công khéo léo. Tất cả đại diện cho một thế cục có tính khôi hài: Một thời đại được dựng lên từ lịch sử chống ngoại xâm, nó thống nhất được đất nước, nhưng đang vật lộn để kéo dài lấy sự vinh quang, hay nói đúng hơn là kéo dài sự cai trị. Một thời đại suy tàn. Hệ thống chính trị Việt Nam có nhiều thay đổi, nhưng thay đổi đó hướng tới mục tiêu duy trì sự tồn tại của chế độ hơn là đáp ứng quyền lợi quốc gia. Một cách logic tất yếu, tốc độ thay đổi của hệ thống do đó vĩnh viễn không theo kịp tốc độ thay đổi mà quyền lợi quốc gia yêu cầu. Chúng ta tụt hậu và bơ vơ trong thế giới này, như một điều hoàn toàn hiển nhiên.

Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là những anh hùng dân tộc. Vinh quang ông Hồ làm được năm 45, được cụ Giáp tô đậm thêm với chiến tích Điện Biên Phủ năm 54, trên thực tế, thời đại mà ông Hồ dựng ra đã lên đến đỉnh vinh quang từ lúc đó. Sứ mệnh lịch sử của ông Hồ, cùng với những người thuộc thời đại của ông, là tìm lại quyền phát ngôn cho người Việt Nam với tư cách là một dân tộc độc lập, lúc đó đã xong. Nếu thời đại ấy kết thúc năm 1954, và thay vì năm 1975 miền Bắc thống nhất miền Nam mà ngược lại, thì có lẽ bây giờ Việt Nam đã không quá khốn đốn trước các câu chuyện vật lộn về chủ quyền với Trung Quốc, không quá khốn đốn để trải nghiệm một thời gian đói nghèo lâu dài mới định hướng đất nước theo hướng thị trường và văn minh phương tây. Cũng không phải ở tình trạng một nước nhược tiểu, không có một đồng minh đúng nghĩa và bơ vơ như hiện nay. Năm 1954, nếu giả dụ cụ Giáp và những đồng chí của mình chạy mẹ nó sang miền Nam khiến cục thế đảo chiều, có khi lại là một cơ may lớn của dân tộc.

Chính thể miền Nam cũ được lịch sử chính thống tô vẽ là những kẻ bất tài, tham nhũng, tay sai và thối nát. Điều đó chẳng nói lên điều gì, khi thực tế Việt Nam hiện nay cũng gần đội sổ từ dưới lên trên bảng xếp hạng tham nhũng và minh bạch tại Á Châu. Chỉ có thể khẳng định chắc chắn rằng, nếu lịch sử 1975 đảo chiều cho phe chiến thắng và chiến bại, Việt Nam sẽ có một nền kinh tế thị trường sớm hơn, tiếp cận với thế giới phương tây và hòa nhập với phần còn lại của thế giới nhanh hơn vài chục năm, dân Việt Nam sẽ đi du học sớm hơn, tiếp tu được lối sống ăn hút trụy lạc của bọn phương tây cũng sớm hơn, và chắc chắn có bên cạnh một đồng minh hùng mạnh cũng giống như Nhật Bản, Nam Hàn đang có hiện giờ để đảm bảo rằng có thể mạnh miệng hơn trong bảo vệ lợi ích quốc gia và không có những câu chuyện đau lòng trên Biển Đông hay câu chuyện làm trăn trở thời cuộc như Bô xít Tây Nguyên.

Cụ Giáp, gương mặt sót lại cuối cùng của thời đại được dựng lên bởi ông Hồ, đang ở tuổi gần đất xa trời. Cụ đại diện cho một thời đại mà niềm tự hào và vinh quang dân tộc được kéo dài thêm bởi những chiến công, một thời đại đang suy tàn và đáng ra đã nên kết thúc.

Tất nhiên là nhắc đến câu chuyện thế này chỉ để nói láo cho nó vui, chứ thực ra có ý nghĩa kặk gì đâu. Các bạn, gồm cả bọn con bò vẫn thường vào đây hóng hớt, cứ xem như câu chuyện bốc phét mà anh của các bạn vẫn tùy hứng viết ra mà thôi.



P/S Có vài bạn con bò thắc mắc với anh, tại sao gọi trống không từ "Giáp". Các bạn nên hiểu, anh dùng từ "Giáp" với tư cách một "khái niệm" chứ không phải như một "danh xưng". Bản thân lời anh Lãng: "Giáp là một huyền thoại" cũng tự thân nói lên ý nghĩa của cái khái niệm ấy.